Văn chương ngày càng rớt giá. Nếu so với giá điện thì càng thảm hại cho chữ nghĩa uyên thâm, óng ánh.
Trần tôi vừa xuất bản hai đầu sách, một trường ca về Trường Sơn thì được Nhà xuất bản Quân đội bao cấp nhưng nhuận bút chắc không đủ mua sách tặng bạn bè. Tập truyện ngắn Cơm bụi chấm com bán được 100 cuốn trong ngày thơ hôm rằm tháng Giêng, còn lại đang gửi bán, may ra thì lõm một nửa. Lương hưu nho nhỏ dăm ba đám cưới, tân gia là tan thành mây khói. Khổ thế, mà mình đàn ông đàn ang làm chó gì có “vốn tự có”. Nghĩ mà thấy ban căng quá thể. Túng thì phải tính.
Lần trước tôi lên Đại Lải tìm học nghề quay lợn Mán. Mở cửa hàng được một tháng thì lỗ vốn chổng kềnh. Chả là khi tôi mở cửa hàng lợn Mán thì các tao nhân, mặc khách đến thưởng thức ầm ầm. Ăn ngon khen đứt lưỡi nhưng khi trả tiền thì đều cười hì hì để hôm nào có nhuận bút trả nhé. Trời đất, chờ được mấy ông nhà văn có nhuận bút có nghĩa đến thế kỷ 22. Tôi đành đóng béng cửa hàng lợn Mán.
Lần này tôi lên Đại Lải lại tìm học nghề tiều phu. Cái nghề này không phải vốn liếng gì mấy. Sắm vài cái cưa, cái rìu là xong. Mấy anh lâm tặc bày cho vài mẹo đút lót kiểm lâm là vào rừng chặt thoải mái. Thế là Trần tôi bắt đầu làm nghề tiều phu. Nhiều khi đi trong rừng cơn hứng thi ca nổi lên lại ngâm câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: Lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ mấy nhà... Có lúc hứng còn hát toáng lên “Rừng ơi ta đã về đây...”. Từ khi tạm gác văn chương làm anh tiều phu tinh thần thoải mái, ngày ngày dưới tán lá cây xanh mướt không bị tù túng trong bốn bức tường như nơi phố thị. Khoái nhất là khi gặp em gái Sán Dìu xinh như mộng cũng vào rừng chặt củi. Nàng thấy một anh tướng học trò dài lưng tốn vải mà lại làm nghề tiều phu bèn căn vặn khúc nhôi. Nghe hết chuyện, nàng “bỗng dưng muốn khóc” ôm chầm lấy Trần tôi mà “hoà tan” ngay khi vừa “hoà nhập”.
Thế rồi nàng cùng tôi ngày ngày đẵn gỗ vác ra cửa rừng chờ xe đến lấy. Tôi giống như chàng Thạch Sanh chẳng vất vả đánh đàn mỏi tay gì cũng tìm được công chúa. Chúng tôi lợp tạm một căn lán lấy chỗ che mưa che nắng. Căn lán tuyềnh toàng giữa rừng mà còn hơn cung vua phủ chúa, hơn hẳn vila của các quan chức. Đúng là một mái tranh với hai trái tim vàng !
Một thời gian sau cư dân mạng không thấy trannhuong.com cập nhật bài vở gì mới. Họ bủa nhau đi tìm, người thì đến đài truyền hình thông báo “Tìm trẻ lạc”, người thì đi lên Đại Lải tìm tung tích. Cuối cùng thì họ tìm thấy Trần tôi trong rừng cùng cô gái Sán Dìu. Họ lôi tôi xềnh xệch ra cửa rừng. Tôi gào lên:’Không được vi phạm nhân quyền, không được vi phạm tự do, dân chủ,,,”. Họ cười nhăn nhở nói: Nhân quyền, tự do dân chủ là cái cóc gì hở bố, mời ngài về với công việc của mình, chúng tôi thiếu trannhuong.com cóc chịu được. Cô gái Sán Dìu chạy theo tôi gào khóc thảm thiết. Nàng nhất quyết theo tôi về phố. Chết cha, nàng mà về thì bà xã nhà tôi chấm muối nuốt tươi. Tôi đành học tập các quan chức thực hiên khẩu hiệu 6H, tức là hẹn hò, hôn hít, hứa hão, tôi ngon ngọt hẹn nàng về phố vài ngày rồi lại lên với em. Nàng gật đầu đồng ý cho tôi theo mấy tên cư dân mạng về xuôi. Tôi thấy nàng nức nở mà lòng nát như tương sinchu...
Bạn có tin chuyện tôi vừa kể hay không thì tuỳ bạn vì hôm nay là ngày Cá tháng Tư..
Bạn Hoàng Hồ gửi bài thơ bình luận:
Có anh bán củi họ Trần
Đầu bù tóc rối, áo quần bảnh bao
Ảnh, tranh, thơ, truyện tầm phào
Trường nhân. com vẫn kẻ vào, người ra