Chuyện vui :
Cái tin ông Ba Hỏa cứ nằng nặc đòi ly hôn vợ làm cả khu phố xôn xao. Có người giầu óc tưởng tượng, ví điều này như là cái tin đĩa bay đưa người ở hành tinh khác xuống Liên Xô ngày xưa. Chỉ khác là tin đĩa bay thì báo chí đưa, lại chả biết có thiệt không. Báo chí bây giờ cũng năm bảy đường, còn tin ông Ba đòi ly dị vợ thì chính xác trăm phần trăm, nhưng chưa một nhà báo nào biết nên chưa lên báo. Ở khu phố này, có tay Mười Thông thỉnh thoảng có viết báo thì nó lại đi làm ăn ở tận biên giới chưa về, thế mới tiếc.
Sở dĩ như thế là vì ông Ba có còn trẻ trung gì đâu. Cứ tính theo dương lịch, không cần tuổi mụ thì ông cũng đã bảy mươi sáu mùa xuân rồi. Bà Chín Duyên, vợ ông, kém ông một tuổi. “Gái hơn hai trai hơn một là đẹp”, ngày xưa các cụ bảo thế. Gần sáu mươi năm sống với nhau, hai ông bà đóng góp cho xã hội mười một người con, nếp có tẻ có, nào phải một bề. Họ đã phương trưởng cả. Nếu tính cả đội ngũ cháu nội, cháu ngoại thì đại gia đình ông có đến hơn bảy mươi người. Hồi nào đến giờ, ông bà hòa thuận, thương yêu nhau lắm. Bao nhiêu người mong muốn được như gia đình ông, dễ gì!
Người ta tụm năm túm ba bàn tán. Cánh trẻ thì chỉ biết cười rồi đoán già đoán non. Mấy bà thì cứ thậm thụt đến nhà bà Chín để “điều tra”, bà chỉ lắc đầu, không biết vì sao ông ấy lại đổ đốn ra như thế. Rõ khổ cho bà! Mấy hôm nay, bà xấu hổ đến nỗi đóng rịt cửa, không dám bước ra đường. Mấy ông bạn già thì ngao ngán khi thấy ông Ba cứ oang oang khoe về cái việc ông xin ly dị vợ. Ông coi chuyện của mình như là cái sự thường lắm.
Không thể để yên như thế được! Các cụ trong Câu lạc bộ hưu trí bàn nhau tìm cách gỡ. Phải làm cách gì để giúp ông Ba tỉnh ra. Trong Câu lạc bộ có cụ Bảo, trước làm ở ngành tòa án đứng ra xin chịu trách nhiệm thuyết phục ông Ba.
*
Cuộc họp được mở ra tại nhà cụ Bảo vào một buổi chiều. Các cụ đợi mãi đến hơn ba giờ chiều mới thấy ông Ba đến. Xong tuần trà mới, cụ Bảy Ước, chủ nhiệm Câu lạc bộ mới thủng thẳng :
- Hôm nay mời các cụ, các ông đến đây, chúng ta bàn một số việc chung; kế đến là có việc liên quan đến ông Ba cũng cần có ý kiến của các cụ, các ông.
Ở các cuộc họp, bàn việc chung thường diễn ra chóng vánh, vì nó chẳng liên quan đến riêng ai nên có tính thống nhất cao, cho nên chương trình nghị sự cứ tuần tự trôi như các số tự nhiên. Cuối cùng đến cái việc riêng của ông Ba. Các cụ các ông sôi nổi góp ý kiến và yêu cầu ông Ba nói rõ lý do vì sao xin ly dị vợ. Hầu hết các ý kiến đều ca ngợi mối tình đằm thắm của hai ông bà, tuy cũng có lúc trục trặc nho nhỏ, nhưng không sao, bát đũa còn có lúc xô mà, rồi đâu lại vào đấy. Bây giờ con cháu đầy nhà, đầy sân, dưới mắt mọi người, hai ông bà được coi là đại phúc khiến mọi người phát thèm. Ông Ba cứ bình thản ngồi nghe và vê thuốc. Đến lúc hội nghị “ép” quá, ông mới nổi khùng :
- Thưa các cụ, các ông! Tôi nghĩ mỗi người đều có tự do của mình. Tôi mong hội nghị đừng đem chuyện riêng của tôi ra mà đàm đạo. Cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh, không ai giống ai, ừ thì tôi xin ly dị bà ấy; tất nhiên là có lý do chứ. Nhưng mà cái lý do này, mạn phép các cụ, cho tôi được giữ kín. Không ai có quyền ép tôi. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên nhau. Tôi thấy không sống được với bà ấy thì tôi chia tay, có động chạm đến ai. Thử hỏi các cụ lâm vào hoàn cảnh của tôi em, đó các cụ làm khác?
Cụ Bảo bắt đầu lên tiếng :
- Thưa các cụ, các ông! Cha ông ta nói “Con sâu làm rầu nồi canh”. Tôi đồng ý đây là việc riêng của ông Ba, nhưng ông Ba là hội viên của Câu lạc bộ này mà uy tín của hội là do uy tín của mỗi người làm nên. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ khi khi ông Ba bị người ta chê cười…
Ông Ba đứng vụt lên : - Này, tôi nói cho cụ biết, ai chê cười tôi, tôi cũng cóc cần, ai cười mặc xác, cười hở mười cái răng. Mạn phép các cụ, tôi về.
Nói xong, ông Ba vỗ đít về thẳng. Thấy thế, cụ Bảo chạy theo níu lại : - Ấy chết, ông làm thế sao tiện. Đây là chúng tôi góp ý thôi chứ có dám quyết định đâu. Góp ý thì ông có quyền nghe hay không nghe, ai ép được. Nhưng mà tôi xin nói với ông một điều, chả là nó có liên quan đến pháp luật, mà pháp luật thì dù sao tôi cũng rành hơn ông. Nói ông đừng buồn, chứ có khi tôi lại còn tư vấn miễn phí cho ông về cái việc này đấy ông ạ. Thôi, mời ông bớt giận quay lại để các cụ khỏi buồn.
Nể lời cụ Bảo, ông Ba đành trở lại. Khi ông Ba yên vị, cụ Bảo mới thong thả :
- Theo Luật hôn nhân và gia đình, người muốn xin ly dị phải nói rõ lý do; phải đệ đơn đến Tòa án. Nhưng không phải cứ xin ly dị là Tòa chấp nhận. Tòa phải điều tra xem xét lý do ấy có chính đáng không. Với lại căn cứ ly hôn phải là “ mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Như vậy, Tòa mới cho ly hôn. Ở đây, nếu ông Ba không nói rõ lý do thì Tòa cũng không thể xử cho ông ly dị được đâu. Theo tôi biết, ông Ba còn thương bà Chín lắm kia mà, phải không các cụ?
Ông Ba cự lại : - Phải, tôi thương, nhưng mà bà ấy có thương tôi đâu. Các ông ở ngoài làm sao biết được “trong chăn có rận”. Cụ vừa bảo “mục đích hôn nhân không đạt được”, hử? thì rõ là bà ấy cản trở mục đích của tôi đó. Các cụ các ông thì được các cụ bà chiều như chiều vong, còn tôi, bà ấy có chịu chiều tôi đâu. Tôi cực lòng lắm, các cụ các ông làm sao biết được. Tôi cũng muốn cho nhà cửa yên hàn, êm thắm, nhưng vạn bất đắc dĩ phải làm vậy thôi. Lý do của tôi ấy à? Ở đây tôi không nói, nhưng đến Tòa án tôi sẽ nói. Thôi, mạn phép các cụ vậy!
Ông Ba đứng dậy về. Cuộc họp đành kết thúc.
*
Sáng hôm ấy, tại trụ sở Tòa án, người ta thấy có một ông già, mái đầu bạc trắng, vẻ mặt quắc thước. Đó là ông Ba. Ông được Tòa án mời lên lấy lời khai.
Cô thẩm phán còn trẻ, chừng ngoài ba mươi tuổi, khẽ mỉm cười nhìn ông. Lát sau, lấy vẻ mặt nghiêm nghị, cô nói :
- Trong đơn xin ly hôn, ông không nói rõ lý do. Hôm nay xin ông cho biết vì sao ông xin ly dị bà?
- Thưa Tòa! Tôi xin ly dị bà ấy cũng là cực chẳng đã mà thôi. Ai đời, vợ chồng với nhau, bà ấy tệ lắm…
- Bà ấy tệ với ông thế nào? Nghe nói bà thương ông lắm kia mà? Bà chăm sóc ông rất cận thận từ bữa ăn, quần áo, giấc ngủ, rồi để ông tự do vui chơi theo sở thích, đúng không?
- Vâng, thương thì có thương, chăm thì có chăm, nhưng mà…
Ông dừng lại, ngập ngừng một lúc, nửa muốn nói, nửa lại như không. Cuối cùng, ông quyết định phải nói thật thì Tòa án mới cho ly dị. Lấy thêm can đảm, ông nói liền một mạch :
- Cô thử tính xem. Vợ chồng với nhau mà bà ấy lại không cho tôi ngủ chung. Tối nào cũng xua tôi như xua vịt. Một lần tôi vào, bà ấy lại kéo cả hai đứa con gái tới ngủ với mẹ. Ba mẹ con bà ấy đạp tôi lăn xuống đất, rồi lôi tôi ra ngoài, đóng khóa cửa lại. Thế thì cô bảo tôi chịu làm sao được mà chả xin ly dị. Thử hỏi cô, có người vợ nào lại tệ bạc với chồng như thế không? Tôi không thể hiểu được vì sao bà ấy lại đổ đốn ra như thế.
Cô thẩm phán đỏ bừng mặt. Thì ra lý do là vậy. Trong đời làm thư ký rồi thẩm phán, cô chưa từng gặp một trường hợp nào như thế này ở một người đã già. Cô cố gắng giải thích để ông rõ, nhưng mà khó diễn đạt quá. Ông Ba ngồi chăm chú lắng nghe. Cuối cùng, ông Ba đặt điều kiện :
- Nếu cô thuyết phục được bà ấy thì tôi sẽ rút đơn ngay…
Vụ án xin ly hôn của ông Ba, vì thế đến nay Tòa án vẫn chưa giải quyết được.
Nguyễn Minh Tâm