Sau vụ gặt bố tôi chân thấp chân cao lên thành phố thăm tôi. Cụ xách theo mấy cân gạo quê cho thằng con mở cửa hàng khắc dấu trên tỉnh. Tôi cảm động quá, bố già gần bảy chục vẫn canh cánh lo công ăn việc làm của con. Đúng là nước mắt chảy xuôi.
Hồi này nhờ chính sách nhập vào tách ra nên nhiều người kiếm được. Báo chí nói ở Hà Tây cũ người ta cấp đất như cưới chạy tang, kiếm bẫm. Lại còn chia nhau quả thực, cố gắng “vườn không nhà trống” trước khi “hợp hôn” với nơi nhập vào. Trong số người kiếm được có tôi nhưng tôi kiếm chính đáng bằng nghề khắc con dấu chứ không ăn bẩn như mấy ông quan chức.
Thấy bố lên thăm, tôi đãi bố tôi một bữa đặc sản lợn Mán, gà đi bộ. Trong bữa ăn tôi thắc mắc hỏi cụ:
- Bố ơi, con đọc sách thấy Bác Hồ ngày xưa đi thăm đâu cụ ít khi đi vào chỗ mà các vị chủ nhà bố trí linh đình. Bác vào cửa phụ xem tình hình thức tế của nơi ấy thế nào. Vậy mà bây giờ con thấy quan huyện, quan tỉnh, bộ trưởng về nơi nào là trống giong cờ mở còn băng rôn, khẩu hiệu chào mừng ghê cả người.
Bố tôi vuốt râu, thủng thẳng nói:
- Ừ thì cũng phải có ấm trà điếu thuốc chủ nhà đón khách.
- Ơ, sao lại chủ nhà đón khách ? Lộn vào tay con con dẹp luôn trò nhố nhăng đó. Gay gắt một lần là các nơi học nhau đỡ bày trò..
- Thì ai chả thích nịnh. Thì hôm nay bố lên anh cũng đãi bố đấy thôi.
- Khác xa chứ bố. Con đón cha là chữ hiếu nghĩa. Con xin hỏi bố thế này. Cán bộ huyện tỉnh, trung ương gì thì cũng do dân bầu ra để phục vụ nhân dân, ăn lương của dân, dân thuê anh làm cán bộ. Dân là ông chủ, cán bộ là đầy tớ đúng không ạ ?
- Đúng, rất đúng.
- Thế thì ai đời ông chủ đón đầy tớ nào khẩu hiệu chào mừng, nào tiệc tùng đặc sản, nào quà cáp phong bao. Con hỏi bố thế có chướng tai gai mắt không ?
- Ừ nhỉ. A anh Cù Là Buồn bây giờ suy nghĩ rặt phải là phải. Anh hỏi thế bố cũng chịu, để bố hỏi các bác lãnh đạo xem sao…