Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG KỶ NIỆM ẤM LÒNG

Thanh Ứng
Thứ sáu ngày 17 tháng 6 năm 2011 9:54 PM
 
Là một học sinh yêu thích văn từ hồi cấp hai, lên cấp ba được học văn thày Đặng Hiển người có sáng tác thơ đăng báo hồi đó, tôi bắt đầu tập viết và mạnh dạn gửi bài. Bài thơ đầu tiên tôi được in trên báo “Người giáo viên nhân dân” là bài “Thày đến thăm” có 4 dòng: “Thày đến thăm em trăng còn lấp ló/ Mái nhà tranh che khuất lối đường/ Thày ra về trăng chờ đầu ngõ/ Trăng theo thày từng bước vấn vương”. Bài này tôi ký tên thật: Phạm Văn Ninh. Hồi đó ở lớp, thày giáo có thành lập nhóm ngoại khóa và hàng tháng ra báo tường  “Vì ngày mai”. Trong nhóm có mấy người thích viết văn, làm thơ. Theo mốt thời đó, anh nào cũng tìm cho được một bút danh. Đỗ Quyết hồi ấy là Khánh Phương rồi không hiểu sao sau lại thành Đàm Khánh Phương. Tôi có một người bạn biết tôi vào học trong Ứng Hòa đã gửi thư và động viên. Trong đó có câu: “Thế là từ nay Ninh có hai quê: Thanh Oai - Ứng Hòa… Thanh Ứng hai quê diễm lệ, yêu kiều”… Chộp được câu thơ này, tôi lấy luôn tên Thanh Ứng. Bút danh đó lại gắn với một bài thơ được giải nhất cuộc thi thơ của tỉnh Hà Đông năm 1961, khi đó tôi đang học lớp 9 trường cấp ba Ứng Hòa. Tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đỗ vào Đại học Sư phạm Văn Hà Nội. Nhờ có quen anh Dương Thụ từ hồi ở Vân Đình mà tôi biết được các anh: Hoàng Hưng, Tô Hoàng, Phạm Tiến Duật, Nghiêm Đa Văn, Lâm Quang Ngọc… đang học trên lớp tôi ở khoa Văn. Tôi biết tòa soạn của báo hồi đó ở 14 Lê Trực, cũng đã gặp anh Lê Phú Hưởng biên tập viên của báo. Song do chưa thật tự tin vào những gì mình đã viết ra nên không dám gửi bài. Ra trường, tôi lên dạy học ở Hòa Bình vẫn tiếp tục viết và gửi các báo. Trong đó có các bài thơ đăng trên báo Tiền Phong, Lao Động, Sáng Tác Văn Nghệ Hòa Bình, báo Hòa Bình, Hà Tây… Không hiểu sao tôi vẫn e ngại khi gửi cho báo ngành. Có lẽ vì chưa có bài nào viết về giáo dục mình ưng ý. Sau này, khi về dạy học ở trường Sư phạm 10+3 Hòa Bình, có lần đưa giáo sinh đi thực tập, tôi được sống cuộc sống của các em học sinh miền núi, thấm thía những vất vả của các gia đình phụ huynh và được nghe các giáo sinh kể lại những trường hợp vượt lên hoàn cảnh neo đơn, đói kém của học sinh bản mường để đến lớp. Xúc động trước thực tế đó, tôi viết bài thơ “Tháng ba đến lớp”. Một tối rút kinh nghiệm giờ giảng, tôi đọc bài đó cho giáo sinh nghe. Nhiều em xúc động, bật khóc. Tôi gửi tạp chí Văn nghệ của tỉnh, đồng chí biên tập bảo: “Ông viết về cái đói thì ai dám in”. Tôi lặng lẽ gửi đi dự cuộc thi sáng tác văn học “Thày giáo và nhà trường” do báo “Ngươi giáo viên nhân dân” lúc bấy giờ tổ chức. Bất ngờ, hai bài thơ “Tháng ba đến lớp” và “Dáng đi” của tôi đạt giải chính thức cùng với các bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Vũ Đình Minh. Sau đó, cả hai bài này được in trên báo Văn nghệ. Riêng bài “Tháng ba đến lớp” được in trong nhiều sách báo và tạp chí. Trong đó có: “Tuyển thơ 1980-1985” của nhà xuất bản Tác phẩm mới, “Tuyển thơ Việt Nam hiện đại” tập II của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 1994, Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 phổ cập, khổ cuối bài thơ được chọn là đề thi học sinh giỏi Văn lớp 5 toàn quốc, được tuyển chọn vào những câu thơ tài hoa… Rõ ràng, bài thơ và tác giả của nó được vinh dự như thế là nhờ có cuộc thi sáng tác của báo, có con mắt tinh tường và tâm huyết của các biên tập viên, các vị giám khảo. Đó thực sự là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời dạy học của tôi.
Lần thứ hai, vào năm 1990, tôi được giải nhất của báo trong cuộc thi sáng tác văn học “Toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục” với hai bài thơ “Mưa” và “Chuyện em”. Cuộc thi này, gần về cuối tôi mới có thơ dự thi, cứ ngỡ rằng các bài thơ của mình sẽ bị chìm cuốn vào sự im lặng mà mình thường gặp. Đúng vào số báo đầu tháng 11, tôi sung sướng khi thấy hai bài thơ đó được in rất đẹp trên báo ngành. Càng sung sướng hơn nữa khi mình đạt giải cao. Lần trước, do đang học cao học ở đại học Sư phạm Hà Nội I, tôi không được biết để dự nhận thưởng. Lần này, tôi cùng với thày Đặng Hiển, anh Lê Huy Hòa được Tổng biên tập trực tiếp gặp và trao thưởng. Nhà thơ Huy Cận trên báo “Giáo dục và Thơi đại”, nhà thơ Vũ Quần Phương trên tạp chí “Thế giới mới” đã giới thiệu cuộc thi và có những lời bình cảm động về hai bài thơ được giải của tôi. Bài thơ “Chuyện em” được giới thiệu lại trên tạp chí “Thế giới mới” số tháng 12/1990.
Trong suốt thời gian cộng tác với báo, tôi luôn luôn được sự khích lệ, động viên, giúp đỡ của các biên tập viên. Là một giáo viên, cán bộ cơ sở sáng tác nghiệp dư, tôi rất ngại gặp gỡ, tiếp xúc với tòa soạn, với người biên tập song các biên tập viên với sự chân tình cởi mở đã giúp tôi xóa đi mặc cảm ấy. Chị Đào Khương thấy tôi ít ra tòa soạn đã nhờ người nhắn tôi gửi cho chị một chùm thơ, một tấm ảnh, vài dòng tiểu sử để chị in cho một trang vào số báo chủ nhật. Số “Giáo dục và Thời đại” chủ nhật mùng 5 tháng 3 năm 1995 đã in một chùm thơ của tôi với lời nhận xét: “Thơ Thanh Ứng giành được nhiều cảm mến của bạn đọc không phải bằng phát hiện độc đáo hay bằng cách thể hiện mới mẻ càng không phải bằng những ngôn từ ồn ào, bay bổng mà ở sự bình dị, mộc mạc mà không thiếu chiều sâu, đặc biệt ở tấm lòng chân thành của người viết”. Nhận xét này thật đúng với “tạng” thơ của tôi.
Sau này, được sự khích lệ của chị Chu Thị Thơm, tôi không chỉ đăng thơ trên báo mà còn viết các bài văn xuôi về chân dung nhà giáo và tham gia một số chuyên mục. Có thời kỳ báo tổ chức cuộc bình các bài thơ có trong chương trình Trung học Cơ sở. Tôi nhiệt tình tham gia cuộc này với bút danh Phạm Ninh. Nhiều bài bình của tôi và các tác giả khác được giáo viên dạy văn Trung học Cơ sở quan tâm. Họ tổ chức đọc và trao đổi lại. Có giáo viên ở xa gọi điện về có ý kiến với những bài bình đó. Nhiều nơi còn tổ chức trao đổi nội dung các bài báo ở tổ chuyên môn vào những kỳ sinh hoạt hàng tuần. Nhờ các bài viết đó, họ biết tôi tuy đã không trực tiếp lên lớp song với còn gắn bó với việc dạy và học văn ở trường phổ thông. Một trường THCS (trường Hữu Nghị thành phố Hòa Bình) đã mời tôi lên ba ngày vừa nói chuyện về dạy văn, vừa thăm lớp dự giờ, trao đổi ý kiến và mời tôi lên lớp dạy bài cụ thể. Tôi nhận dạy bài thơ “Bếp lửa” ở lớp 7 và truyện ngắn “Xin cô tha lỗi cho chúng em” ở phần Văn học nước ngoài của lớp 9. Dự các giờ tôi dạy có cả cán bộ phòng giáo dục và đại diện một số trường bạn. Rất may các tiết dạy thành công. Những điều nói trong sách, trong báo tôi thể hiện được trong bài giảng. Giáo viên, học sinh và người dự xem ra hài lòng. Sau này về hưu rồi, họ vẫn muốn mời tôi lên dạy “mẫu”, tôi chỉ lên nói chuyện, uống rượu mà không dám lên lớp dạy bài cụ thể nào.
Có thời gian bản thân tôi gặp những khó khăn tưởng có thể bị suy sụp. Chính lúc đó, chị Chu Thị Thơm vẫn trao đổi, động viên và khuyến khích tôi tham gia viết chuyên mục “Chữ và Nghĩa” của báo. Chuyên mục ra khá đều đặn một thời gian, có người viết khác nữa nhưng bài của tôi được sử dụng nhiều hơn. Khi viết chuyên mục này, tôi phải lao vào đọc từ điển, các sách tham khảo, chọn cách viết phù hợp với báo ngành,… Công việc đó cuốn tôi vào niềm vui mới, giúp tôi dần dần vơi đi mặc cảm có được niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Rõ ràng, những bài thơ, bài báo được đăng trong lúc này là nguồn an ủi, động viên thật quý báu đối với tôi. Viết những dòng này, tôi muốn dành lời cảm ơn trân trọng đến các tổng biên tập, các biên tập viên – họ thật sự là những người có tâm, có tài và có bản lĩnh – đã động viên khuyến khích tôi và các tác giả nghiệp dư khác trong việc viết báo và sáng tác Văn học.
Hơn nửa thế kỷ qua, từ những phòng, căn gác khiêm nhường ở 14 Lê Trực đến trụ sở tòa soạn ở 29B Ngô Quyền bây giờ, tuần tuần, tháng tháng tờ báo của ngành từ đây đã đi đến với mọi điểm trường của tổ quốc. Tờ báo đã trở thành người thày, người bạn thân thiết của hàng triệu giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các tầng lớp xã hội. Từ tên báo “Người giáo viên nhân dân” đến “Giáo dục và Thời đại”, hình thức cũng như nội dung báo đã có những bước phát triển vững chắc, đáng tự hào, khẳng định vị thế của báo đối với ngành giáo dục và đối với xã hội. Là tiếng nói tin cậy của ngành giáo dục đối với nhiều lĩnh vực được xã hội vị nể và thương mến. Với tôi, ngay từ khi còn là cậu học sinh phổ thông, rồi là thày giáo, sau này là cán bộ quản lý giáo dục và bây giờ là người nghỉ hưu, báo ngành chiếm một vị trí thiêng liêng trong cuộc đời và luôn luôn làm sống dậy trong tôi những kỷ niệm -  những kỷ niệm ấm lòng… không phải ai cũng có thể có được.