Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ MỘT ĐỀ ÁN GIÁO DỤC TRỊ GIÁ 70 NGHÌN TỶ...

Phan Hồng Giang
Thứ ba ngày 14 tháng 6 năm 2011 4:41 PM
 
        Mới trình làng được vài ngày, Đề án trị giá 70 nghìn tỷ của Bộ Giáo dục & Đào tạo  về "Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015" đã gần như đồng loạt nhận được các phản ứng tiêu cực  khắp các phía - từ giới truyền thông (báo giấy, báo mạng) đến các nhà khoa học nhiều chuyên ngành ... Một liên tưởng tự nhiên : Đề án này được đón nhận như Đề án cho phép chạy xe ra phố theo biển số chẵn lẻ, Đề án đo vòng ngực nở nang hay lép kẹp để xem có đủ tiêu chuẩn nhận bằng lái xe gắn máy hay không hoặc gần đây nhất là Đề án đặt thêm " phí quyền mua xe" khiến chiếc xe tay ga SH các phó thường dân có thể sẽ phải mua với giá gần...1 tỷ đồng !... Số phận các đề án ra đời từ những phút lóe sáng bất chợt trong phòng điều hòa máy lạnh của "những người thích đùa" đã và sẽ ra sao cũng không quá khó để kết luận. Tuy vậy, với Đề án 70 nghìn  tỷ  xem ra cũng không hẳn là một việc làm thừa, nếu chúng ta góp thêm đôi lời bình luận...
                                                         *                        
      Nhiều nhà khoa học khả kính, khi đề cập tới Đề án này,  đã nói tới "quy trình ngược - bắt cháu đẻ ra...ông"; mang tính duy ý chí; chưa chỉ ra được hiện trạng  của nền giáo dục hiện nay và những năm qua; chưa đặt vào trong một chiến lược giáo dục chung; cách nhìn hạn hẹp, chưa thấy sự gắn  kết với bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội; thiếu cơ sở khoa học; tiêu tốn quá nhiều tiền ngân sách trong tình trạng lạm phát  còn  nặng nề và  chưa sớm chấm dứt v.v... Tuy nhiên, có thể dễ dàng đồng tình với các tác giả Đề án trên là quả thật đã đến lúc chúng ta phải nghĩ  tới việc xây dựng một Chương trình & Sách giáo khoa mới thay thế những gì đang có.
     Chúng ta đều biết trong  nghệ thuật đưa ra những quyết sách để xử lý tình huống sao cho hiệu quả nhất thì điều tối quan trọng là chọn đúng hướng ưu tiên, chọn đúng khâu đột phá. Giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải có sự "đổi mới căn bản, toàn diện" thì  việc cấp bách nhất, có tác động chi phối tổng thể, theo thiển ý của chúng tôi, chính là việc xác lập hệ giá trị căn bản của con người mà giáo dục cần và phải đào tạo nên (cùng với trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội) theo yêu cầu của sự phát triển đất nước trong nỗ lực đồng hành cùng nhân loại. ( Nói một cách khác, đây chính là triết lý giáo dục, là mục tiêu học làm người của hoạt động giáo dục).
     Ở đây xin tạm nêu ra một số giá trị mà chúng tôi cho là cơ bản nhất, lý tưởng nhất, cần được biến thành  những phẩm chất đại trà - trong một xã hội văn minh  -  đối với mọi con người trưởng thành :
   
    1. Có đủ tri thức và kỹ năng để làm ra của cải (vật chất và tinh thần),đủ năng lực làm cho nó sinh sôi, từ đó mà có thể làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, cho gia đình và xã hội, góp phần  làm cho nước mạnh.
    2. Ý thức rõ ràng mình là một công dân với tư cách là chủ nhân thực sự của đất nước, biết hiện thực hóa đầy đủ những quyền cơ bản của con người theo đúng tinh thần và lời văn đã được ghi trong Hiến pháp, nhờ đó mà thoát khỏi thân phận u ám, thê lương của những "thần dân" thụ động, luôn phải chịu cảnh bị  ép buộc, bị sai khiến bởi quyền uy, tiền bạc và những lời lẽ mị dân. Luôn khao khát tìm hiểu thế sự, thời cuộc, biết  tỉnh  táo, chủ động suy nghĩ bằng cái đầu của mình để có thể xác định đúng chỗ đứng cần thiết trong xã hội.
    3. Không chỉ đóng khung mối quan tâm của mình trong phạm vi biên giới quốc gia, mà còn có thể mang danh là "công dân toàn cầu" biết tôn trọng những giá trị phổ quát của toàn nhân loại, biết tham gia dù ít dù nhiều vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, đói nghèo...
     4. Thấu hiểu rằng trên đời này không có gì cao hơn bản thân sự sống để từ đây biết quý trọng tính mạng, phẩm giá của chính mình và của mọi người, biết "thương người như thể thương thân", biết tuân thủ các chuẩn mực đạo đức phổ biến, các quy ước cộng đồng và khế ước xã hội để không bao giờ xâm hại giá trị quý báu đó, không bao giờ gây ra cho người khác những gì mà chính mình không thích.
   5. Thừa nhận  rằng trên đời này "bách nhân bách tính", rằng luôn tồn tại sự khác biệt giữa các nhóm người về quyền lợi, sự hiểu biết và đức tin, để không thấy khó chịu - hay tệ hơn, không trấn áp (!) những người khác mình, tránh cho xã hội khỏi lâm vào cảnh chia rẽ không đáng có, từ đây cùng nỗ lực đi tìm cái chung, giảm thiểu điều dị biệt để có thể cùng nhìn về một hướng nhằm đạt mục tiêu chung "Vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh".
   6. Biết sống khỏe khoắn, lành mạnh; luôn nhớ rằng ở những trường hợp may mắn, tâm hồn và trí tuệ sung mãn  thường tìm đến nương nhờ nơi cơ thể kiện khang.
   7. Biết tiết chế  thói quen "thích đủ thứ" (phải chăng là bẩm sinh ?) để có thể sống thanh thản trong sự hòa hợp với mọi người và với thiên nhiên; cảm nhận được cái tình, cái đẹp của muôn mặt cuộc đời thường nhật để có thể  đạt tới điều có lẽ là cao diệu nhất - biết sống hạnh phúc.
   
                                                            *
      
   Biên soạn sách giáo khoa - nhất là ở bậc phổ thông - luôn là một công việc  vô cùng khó khăn. (Chẳng thế mà đại văn hào Lev Tolstoi, sau khi lao tâm khổ tứ sáng tạo nên những tiểu thuyết đồ sộ bất tử như  Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh...,về cuối đời mới dám bắt tay vào viết cuốn Tập đọc vỡ lòng  cho trẻ em và thú nhận đó là công trình lấy đi của ông nhiều tâm lực nhất!...).
        Từ hệ giá trị vừa được trình bày ở trên (chắc chắn không phải là cách hiểu đơn nhất), chúng tôi xin mạo muội nêu lên một số nguyên tắc chính (chắc khó có thể đầy đủ) khi bắt tay  vào việc biên soạn, truyền đạt Chương trình và  Sách giáo khoa ở cấp học phổ thông, một trong những phương tiện quan trọng nhất để đào luyện nên con người như chúng ta hằng kỳ vọng.
       Thay vì cung cấp những kiến thức được tiếp nhận theo kiểu thụ động -  học như vẹt, cần hướng tới trang bị cho học sinh phương pháp tư duy, năng lực tự học để có thể tiếp tục trau dồi thêm kiến thức suốt đời, cả sau khi ra trường và lăn lộn kiếm sống trong cuộc đời.
       Thay vì đem tới những kiến thức chết, "đóng hộp" sẵn, cần để các em tiếp cận với những  kiến thức sống động, có giá trị ứng dụng  cao, thiết thực với cuộc sống trước mắt và lâu dài. (Cần phải chú trọng học những điều tưởng như bình thường nhất như  học cách ứng xử văn hóa với mọi người để không văng tục, chửi bậy, không động một tý là gây gổ đâm chém nhau; học ăn để tránh suy dinh dưỡng hoặc tránh béo phì;  học cách đi lại để không bị tai nạn giao thông; học  làm sao để góp phần chống biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, chống đói nghèo, dịch bệnh; học bơi để khỏi chết đuối; học sử dụng điện sao cho an toàn, không chập cháy..., trước khi dùi mài đủ thứ kiến thức cao siêu...).
       Thay vì chỉ  tập trung bồi dưỡng một chiều cho các em nhận thức toàn mầu hồng về đất nước với "rừng vàng, biển bạc", với lịch sử vẻ vang  luôn "đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác", với dân tộc anh hùng bất khuất, cần cù thông minh..., hãy chia sẻ với các em những suy nghĩ chân thành , thẳng thắn vì sao đất nước ta  trong suốt chiều dài của lịch sử cũng như cho tới tận hôm nay vẫn chưa bao giờ thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; hãy cùng các em đi tìm những khuyết tật thâm căn cố đế nào khiến dân tộc ta hơn một lần để vuột khỏi tầm tay những cơ hội vàng lẽ ra đã có thể đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu; hãy chỉ cho các em thấy cần tránh xa những việc làm, những cung cách ứng xử nào khiến hình ảnh con người Việt Nam bị xấu đi trong con mắt bạn bè quốc tế... 
       Thay vì vô tình hay hữu ý coi các em gần như là đồng nghiệp của mình  (!) để rồi say sưa, xả láng phô bày  đủ loại kiến thức mang dáng vẻ hàn lâm chuyên sâu (đại thể như là thổi vào tai các cô cậu lớp 4, lớp 5 vắt mũi chưa sạch, còn đang ham đánh bi, đánh đáo những khái niệm về " kết cấu giai cấp, phân tầng xã hội" ở Việt Nam  sau Thế chiến lần I...), hãy hết sức lưu tâm đến mức độ phát triển  tâm sinh lý của từng lứa tuổi học sinh để có cách tiếp cận phù hợp.
       Thay vì truyền thụ kiến thức đủ loại  theo kiểu "nhất thành bất biến" - như chữ nghĩa của các bậc "thánh hiền", hãy biết khích lệ tư duy chủ động, sáng tạo - tư duy phản biện trong chừng mực có thể, sự tự tin với chủ kiến đôi khi còn khác biệt của mình ở người học bởi sau này khi ra đời, không phải lúc nào cũng sẽ có ai đó "cầm tay chỉ việc", đưa ra lời giải đáp thay cho mọi tình huống gay cấn  gặp phải. (Nếu cần so sánh cách ứng xử của học sinh Việt Nam với học sinh nhiều nước khác chẳng hạn như  là trong các cuộc thi quốc tế, sẽ thấy học sinh ta, dù về chuyên môn không thua kém, nhưng lại rụt rè, thụ động, thiếu hoạt bát, thiếu tự tin trong các hoạt động cộng đồng...).
       Thay vì chỉ  tập trung hoàn toàn vào việc truyền thụ kiến thức đại trà cho số đông, trong một số trường hợp cụ thể, sách giáo khoa cũng cần dành một phần hợp lý để "cá thể hóa" sự truyền thụ này sao cho có thể phát huy được năng lực khác biệt tiềm tàng ở một số em xuất sắc.
       Thay vì phạm một tội lỗi lớn là góp phần tước bỏ tuổi thơ hồn nhiên, hạnh phúc của con trẻ bằng việc nhồi nhét những chương trình học hành, kiểm tra, thi cử liên miên với tham vọng (có thể là vô tình) biến học sinh thành những "siêu nhân", những "học giả vị thành niên", cần sớm giảm tải  chương trình theo hướng lược bỏ những nội dung chưa thật cần thiết mà sau này khi đi làm mới biết cũng chưa muộn...(Việc này, theo chúng tôi, có thể tiến hành ngay đối với bộ sách hiện hành, không cần phải chờ đến khi hoàn thành việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới).
     Thay vì dạy chay - học chay buồn tẻ, xơ cứng, hãy cung cấp ngay trong sách giáo khoa  những đề xuất sinh động hóa môn học, khiến trẻ em như được vừa học vừa chơi, vừa nghe giảng vừa trực tiếp tham gia vào quá trình kiếm tìm kiến thức, làm sao cho các em thực sự cảm thấy đến trường thích hơn ở nhà...
    Thay vì biến môn văn - lẽ ra là rất hấp dẫn - thành một môn học nhàm chán, gây sợ hãi cho rất nhiều học sinh vô tội bởi nếp mòn "chuẩn hóa, khuôn mẫu hóa, đáp án hóa" các cảm nhận không mấy khi giống nhau trước cái tình, cái đẹp thiên hình vạn trạng trong văn thơ, hãy để các em chủ động đến với văn học một cách cởi mở nhất, thật đa chiều, đa dạng, để văn học thực sự trở thành vốn tình cảm, vốn tâm hồn cao đẹp vô giá mà các em sẽ mang theo suốt cuộc đời...
      Thay vì chỉ sử dụng những phương tiện truyền thống với các con chữ trên trang giấy trắng, khi làm bộ sách giáo khoa mới nay mai, không thể không tận dụng tối đa những tiện ích to lớn mà công nghệ thông tin  mang lại. Những bài giảng trực tuyến của những giảng viên hàng đầu, những giáo án điện tử thường xuyên được cập nhật, những băng đĩa hình sinh động bổ trợ thêm cho những cuốn sách dầy cộp cổ điển... sẽ giúp giáo viên và học sinh "tiêu hóa" tốt hơn rất nhiều lượng kiến thức phong phú mà chương trình học đặt ra.
    Nói một cách tổng quát, yêu cầu cao nhất mà theo chúng tôi, bộ sách giáo khoa cần đạt tới là phải thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân chủ - nhân văn, khoa học - hiện đại, dân tộc - quốc tế.
                                                                   
                                                          *        
   
      Biên soạn sách giáo khoa quả là một vấn đề nan giải. Từ lời nói đến việc làm, từ ý định đến  việc hiện thực hóa thành công - là cả một quãng đường xa lắc như từ Trái đất tới Sao Hỏa, Sao Kim...
     Xin được nói thêm một ý cuối : Công việc khó khăn này chỉ có thể đạt kết quả như mong muốn nếu huy động được sự đóng góp của thật nhiều chuyên gia từ nhiều nguồn khác nhau tập hợp dưới cây đũa chỉ huy của một nhạc trưởng có tầm nhìn cao xa, đầy đủ năng lực và tâm huyết. Kết quả của công việc to lớn này phải được công khai trước công luận, trước ngàn vạn cặp mắt săm soi đầy thiện chí mà nghiêm khắc của bàn dân thiên hạ trước khi chính  thức được đưa vào sử dụng.  Với một chương trình thống nhất, nên có 2 - 3 bộ sách giáo khoa khác nhau; thời gian và công chúng sẽ biết cách lựa chọn bộ sách nào có ưu thế hơn cả.  Trong vô luận trường hợp nào thì cạnh tranh lành mạnh cũng đem lại kết quả tốt hơn, công minh hơn là sự  độc diễn của duy nhất một bộ sách giáo khoa cho dù nó có thể là sản phẩm của những người được mang danh là uyên bác nhất./.
                                                                                          
12 - 6 - 11