Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ CÂU HỎI NÀO THÂN THIẾT HƠN “NGỦ CHƯA EM”?(

Trần Huyền Nhung.
Thứ sáu ngày 27 tháng 5 năm 2011 5:39 AM

NGỦ CHƯA EM?
Sao bỗng thấy quanh mình anh trống vắng
Tiếng mưa rơi đơn điệu ở bên thềm
Xao xuyến quá một khoảng trời im lặng
Anh thẫn thờ khẽ gọi: “Ngủ chưa em?”
Ở phía ấy ai bên em thảng thốt?
Mà sao nghe qua hơi thở êm đềm
Và cả tiếng quờ tay tìm hơi ấm
Anh ngoảnh vào đêm tối: “Ngủ chưa em?”
Trăng mờ tỏ, trăng chia làm hai nửa
Nửa ngoài trời một nửa giấu trong tim
Có phải thế , Nguyệt ơi, anh thầm gọi
Khuya lắm rồi, trời lạnh. “Ngủ chưa em?”
Ngủ chưa em? Ngủ chưa? Anh vẫn thức
Đợi một dòng tin nhắn gửi vào đêm
Để sáng mai, anh biết là hư ảo
Đã bao lần thao thức: “Ngủ chưa em?”.
        Hoàng Đình Quang

Đôi khi ta mải mê ru mình trong miền ký ức, để rồi chợt nhận ra giữa thực và ảo mong manh đến lạ kỳ. Dù thức hay ngủ, tỉnh hay mơ thì giấc mơ về tình yêu ấy vẫn là :”yêu là chết ở trong lòng một ít”. Ngẩn ngơ, mơ mộng chính là trạng thái tình cảm khi yêu. Ngay cả khi đi ngủ, ta cũng muốn biết người mình yêu đang làm gì và đã ngủ chưa? Có câu hỏi nào thân thiết hơn”ngủ chưa em?” trong hàng ngàn câu hỏi? Vâng, Hoàng Đình Quang đã hỏi như thế bằng những vần thơ đượm tình cảm chân tình với phía bên kia đầu nỗi nhớ.
      Một bài thơ thưa vắng âm thanh mà dường như lại nhiều dằn vặt, xót xa, xôn xao những nỗi niềm câm nín… Chỉ với bốn khổ thơ mà có đến 6 câu hỏi “ngủ chưa em?”. Mỗi câu hỏi mang một “nội dung”, nhưng “nội dung” của những câu hỏi ấy mang hàm ý gì ?
      Ấn tượng về sự kiệm lời, về một khí quyển lạ, hư ảo của bài thơ khiến ta phải dừng lại suy nghĩ. “Ngủ chưa em?” là một câu hỏi rất bình thường nhưng lại gần gũi và thân thương biết mấy…Mà chủ thể của câu hỏi lại chỉ có một mình trong sự suy tư, dằn vặt. Những câu hỏi lại đan cài vào nhau tạo ra những tầng ý nghĩa. Đã đành, bài thơ nào cũng được viết bằng lời ; nhưng sự tằn tiện, mộc mạc của lời thơ ở đây như không còn lời nữa, mà vẫn âm vang về một điều gì đó. Nó như được chắt ra từ hiện thực- thức để dệt lên hiện thực- mơ, mà lại là”mơ kép” đầy siêu thực, ảo mộng thành một giấc ngủ- thơ. Mở đầu cho bài thơ, tác giả nói rõ về hoàn cảnh để tạo thành câu hỏi “ngủ chưa em?” :
“Sao bỗng thấy quanh mình anh trống vắng
Tiếng mưa rơi đơn điệu ở bên thềm
Xao xuyến quá một khoảng trời im lặng
Anh thẫn thờ khẽ gọi: “Ngủ chưa em?”
Một sự “trống vắng” tôi không thể giúp được gì mà chỉ có thể cảm nhận trên từng câu chữ thơ của Hoàng Đình Quang. Không gian tĩnh mực, thời gian lắng đọng và lòng người mênh mang. Lời tâm sự của nhà thơ rất giản dị nhưng chan chứa tình yêu, cảm xúc thật thiết tha và đầy mong chờ. Chỉ trong đêm tối con người ta mới cảm nhận được lòng mình một cách sâu sắc nhất, được sống thật với lòng nhất. Ta cảm giác như không phải lúc này Hoàng Đình Quang đang sống với tâm hồn thi sĩ, dù có nhận thấy xung quanh mình bốn bề trống vắng, duy chỉ nghe thấy tiếng “mưa rơi đơn độc bên thềm”. Nếu như người có tâm hồn thi sĩ thì lúc này đây chính là cơ hội để người thi sĩ thả hồn cùng thiên nhiên, chợt vui, chợt buồn trước mọi biến thái của cuộc sống. Không, Hoàng Đình Quang đang sống rất thật đấy, đang “xao xuyến quá một khoảng thời im lặng”, để rồi “thẫn thờ” khẽ gọi người thương “Ngủ chưa em?” . “Khẽ gọi” ở đây có thể hiểu hai ý : Thứ nhất, tác giả muốn nghe được giọng nói của người mình yêu trước khi đi ngủ nên gọi điện thoại trong một tâm trạng “thẫn thờ” ngẩn ngơ. Thứ hai, là tác giả thầm gọi người yêu trong im lặng như một thói quen thường lệ. Dù ta hiểu theo cách nào đi nữa cũng không quan trọng, cái chính vẫn là tình cảm chân thành của tác giả qua câu hỏi “Ngủ chưa em?”. Nhưng tôi thì cho rằng: Hoàng Đình Quang có một “khoảng trời im lặng” – nghĩa là không thể nói …và chính trong lúc này khó có thể chia sẻ được cùng ai, kể cả nhân vật “Em “. “Xao xuyến” nhưng thôi, cũng đành để đó. Một “khoảng trời im lặng” mà chất chứa bao tâm sự của một con người vốn giàu tình cảm, đa đoan. Nếu như không suy tư, không dằn vặt với một tình yêu trong “im lặng” thì việc chi phải “thẫn thờ” như thế ! “Ngủ chưa em?” cũng là một câu hỏi không chỉ đơn thuần để hỏi bình thường.
      “Ngủ chưa Em?”- một ngày đã tắt rồi! Như khúc hát chan chứa tình đời, tình người của Trịnh ru em về phía mộng đời yêu thương…
“….Ngủ đi em đôi vai lụa mát
Ngủ đi em da thơm quả ngọt
Ngủ đi em tay thôi mời mọc
Ngủ đi em trong tiếng ru êm “
    Hoàng Đình Quang trăn trở, nghĩ suy với một nửa bên kia của mình:
“Ở phía ấy ai bên em thảng thốt?
Mà sao nghe qua hơi thở êm đềm
Và cả tiếng quờ tay tìm hơi ấm
Anh ngoảnh vào đêm tối: “Ngủ chưa em?”
Không biết là phía “bên ấy” một mình em ngủ có thường giật mình”thảng thốt” hay không? Không có anh, liệu rằng giấc ngủ ấy biết có trọn vẹn, bình yên, không mộng mị? Yêu bắt đầu từ chữ duyên nhưng hai người yêu nhau trọn vẹn cần phải có chữ phận.Câu chuyện tình rồi sẽ khép lại cọt kẹt như cánh cửa trì hoãn những cái nhìn sau cuối. Em vội vàng kiếm một góc khuất úp mặt vào đó thổn thức và uất hận. Anh âm thầm sải bước lựa cho thân mình bớt run và kiêu hãnh ngẩng đầu. Đâu là câu trả lời thỏa đáng cho em và đâu là lời bào chữa hợp lý cho anh. Mình tự nhiên đứng giữa một cánh đồng trống trải những lời thì thầm than khóc, trên đầu tan tác bóng mây ảm đạm, gió thúc từng hồi đau đớn còn bước chân đi bết dính xót xa... Vì sao giữa ngã ba đường người chọn cho cả hai hai ngả gập ghềnh. Chẳng phải khi xa nhau mỗi người sẽ lại một mình ôm hết thảy nhớ thương dồn lại câm nín, đơn phương mang nặng bóng hình rạn vỡ rồi biết tới khi nào những đoạn đường đan xen vào đời nhau lần nữa đây? Dù vậy, nhưng Hoàng Đình Quang vẫn mường tượng ra được “Em” ở phía bên ấy cũng đang trăn trở, tìm hơi ấm của vòng tay ấm áp yêu thương. Đó là tiếng lòng của “thần giao cách cảm”, mà “Anh” cũng chẳng thể làm gì hơn trong lúc này, chỉ còn biết” Ngoảnh vào đêm tối” hỏi “Ngủ chưa em?”. Đứng giữa ngã ba đường, một bên là trách nhiệm- một bên là tình yêu, với tiếng phố đêm vọng lại hoang đường, Hoàng Đình Quang lúc này đây, chỉ biết “lặng đến cô đơn” :
“Anh đang gồng gánh
Một bên là tình yêu
Một bên là trách nhiệm
Quang gánh chòng chành đôi lúc trao nghiêng
Đường còn xa mà quang gánh thì bung biêng”
                                             Lê Quân.
Để rồi tác giả nghe tiếng phố đêm vẫn ồn ào bất tận, thương “Em”- nghe tiếng lòng mình như nghe được chính “hơi thở” của em, hiểu được rằng : “Em” đang rất cần có anh để giấc ngủ được “êm đềm”. Phải chăng “Anh ngoảnh vào đêm tối” là để tìm bóng hình em? Biết đâu gặp cái “bóng” của mình, ngỡ là em đang ở bên anh.
      Có thể nói tâm trạng của Hoàng Đình Quang tập trung sâu lặng nhất ở khổ thơ :
“Trăng mờ tỏ, trăng chia làm hai nửa
Nửa ngoài trời một nửa giấu trong tim
Có phải thế , Nguyệt ơi, anh thầm gọi
Khuya lắm rồi, trời lạnh. “Ngủ chưa em?”
Trong văn chương, đã có rất nhiều người coi “hai nửa” vầng trăng là một phép chia cuộc đời định vị ở cõi thơ.
“Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên”
                                Hoàng Hữu.
   Nguyễn Du đã từng nói “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, tâm trạng của Hoàng Đình Quang trong lúc này đây buồn, cô đơn trống trải khi phải đối diện thật với lòng mình trong đêm tối. Chỉ có trời đêm mới hiểu được lòng thi nhân lúc này. Ngay cả ánh trăng cũng “mờ tỏ”, như chính cõi lòng Hoàng Đình Quang Vậy. Trăng “chia làm hai nửa” hay lòng tác giả đang buâng khuâng “hai nửa” đây? Để rồi phân vân” một nửa ngoài trời, một nửa giấu trong tim” . Nửa “giấu trong tim” ấy chính là nỗi lòng “ngoảnh vào bóng đêm” mà nhà thơ im lặng khó có thể chia sẻ với “nửa ngoài trời”. Cái thực thể tồn tại “trăng mờ tỏ” ấy không chỉ để chứng minh cho tình yêu nam nữ mà cao hơn, bên trong đó còn ẩn chứa những triết lý sâu xa của cuộc đời. “Hai nửa” vầng trăng của Hoàng Đình Quang như một vòng tròn hội tụ thuyết âm dương của triết học phương Đông. “Hai nửa” vầng trăng là hai nửa của anh và em, của âm và dương biểu trưng cho sự tồn tại của thế giới này; là hai mặt vừa mâu thuẫn đối lập nhưng lại song song tồn tại trong một chỉnh thể mà không thể thay thế được. Ánh sáng của trăng, sáng được không phải sự "tự phát" của chính chủ thể trăng mà nó lại nương tựa từ một ánh sáng khác mạnh hơn. Nếu không có sự nương tựa này thì có lẽ trăng đã chết đuối ở trần gian, cũng như tình yêu của người con gái làm sao mà trỗi dậy ngọn lửa để thắp sáng cho riêng mình nếu không có người con trai?... Với Hoàng Đình Quang, tình yêu của “nửa giấu trong tim” làm trỗi dậy một giấc mơ yêu thương, bật lên thành tiếng :”Có phải thế, Nguyệt ơi, anh thầm gọi” trong đêm khuya thanh vắng. Tiếng “thầm gọi” như âm thanh của sự đau đớn thoát ra, nhưng không làm thay đổi được tất cả, không bao giờ đánh đổi được nụ cười niềm tin, hy vọng ở tình cảm “giấu” trong tim. Tiếng khóc lặng trong lòng đã lạc trong một không gian rộng lớn của trời đất để rồi thành con thuyền của nỗi buồn cứ mãi lênh đênh cho đến khi neo đậu vào một nỗi buồn khác, cập bờ vào một trái tim cũng đang phân nửa. Có thể “bên ấy”, em cũng khóc bằng một sự chấp nhận yếu ớt của mình và bế tắc của anh. Trăng như vỡ ra từng mảnh thuỷ tinh vừa lung linh huyễn hoặc vừa nhói buốt cứa vào nỗi đau của tình yêu.Anh mang một dấu cực khác của tình yêu, của trăng nhưng cũng lại chất chứa trong mình dự cảm của một vầng trăng khuyết. “Hai nửa”- một biên giới phân định rạch ròi anh - em từ một nhát cắt dứt khoát và đầy nghiệt ngã mà chỉ có thể đổ lỗi cho trăng. Nước có thể nối liền mọi bến bờ, nhưng nước mắt thì không. Ở đây Hoàng Đình Quang đã khéo léo sử dụng hình ảnh ẩn dụ vào Trăng để nhân cách hóa nỗi niềm, tâm trạng bị phân chia giữa “hai nửa” lòng mình. Trời đã khuya quá rồi, bao trùm một không gian lạnh lẽo, không một tiếng động xung, Hoàng Đình Quang vẫn chưa thể ngủ được vì còn thao thức cho cả một “miền” Em :”Khuya lắm rồi, trời lạnh. Ngủ chưa em”.Anh vẫn ngồi đây nghe sóng lòng đang cuộn :
“Ngủ chưa em? Ngủ chưa? Anh vẫn thức
Đợi một dòng tin nhắn gửi vào đêm
Để sáng mai, anh biết là hư ảo
Đã bao lần thao thức: “Ngủ chưa em?”.
Điệp từ “Ngủ chưa em?” được dồn dập lặp trong một câu thể hiện sự mong ngóng, chờ đợi tin tức của Hoàng Đình Quang với phía “ bên ấy”. Anh vẫn thức để “đợi một dòng tin nhắn gửi vào đêm” cho anh cảm giác yên tâm hơn về “Em”. Dẫu biết rằng tin nhắn đó chỉ là”hư ảo” nhưng sao Hoàng Đình Quang vẫn thao thức, trăn trở và không yên dạ chút nào. Trong một đêm mà tác giả “thao thức” bao lần- một giấc ngủ không được trọn vẹn, đã từng”Tan mơ, trở gối. Tôi nằm đợi mơ” để suy nghĩ rằng: không biết giờ này em đã ngủ chưa? Phải chăng đó thực sự là những mảnh ghép của Trăng khi tâm trạng bị phân thành “hai nửa”?Chính vì thế cho dù tình yêu có dang dở đến đâu, cho dù cả người con trai con gái có đau khổ và bế tắc đến đâu thì họ vẫn tin trăng khuyết rồi trăng tròn. Người đọc không hề có cảm giác bi quan mà thay vào đấy là sự tiếc nuối cần thiết để nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết trân trọng những gì đã và đang có, đó là sự dung hoà để tồn tại một thế giới. Bỗng chợt vang lên lời bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ” êm êm, trầm buồn mà Bảo Yến ngọt ngào cất lên: “ Đêm nghe tiếng mưa rơi, đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ…Ở hai đầu nỗi nhớ yêu và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ nghĩa tình đằm thắm hơn”(Thơ- Trần Hoài Thu, nhạc- Phan Huỳnh Điểu).
      Hoàng Đình Quang ơi, cái tình của anh, hồn thơ của anh sâu sắc và dễ đồng cảm quá! Chúng là một dòng sông và người biết cảm thụ văn chương, thích đọc thơ của anh cứ lênh đênh vô định trôi trên dòng sông ấy giữa dòng đời tất bật, giữa nhịp ngày ồn ào hối hả đua chen để tìm lại một nơi chốn bình yên thực sự cho hồn mình nương náu… “Ngủ chưa em?” – một câu hỏi đời thường, giản dị, thân thương như ru ta vào giấc ngủ yên bình sau một ngày lao động mệt nhọc, để rồi…chợt thức, chợt tỉnh, chợt “chiêm bao” một hạnh phúc ngọt ngào vương vấn đâu đây….
                                                   Tphcm, tháng 3/2011
                                                          Trần Huyền Nhung.