Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN NGHỆ CHÍ (11)

Trương Vĩnh Tuấn
Thứ năm ngày 26 tháng 5 năm 2011 6:13 AM

Hồi thứ mười một 

Sau  linh nghiệm những điều cần  nói
 Chữ nghĩa ơi !  nghiệt ngã vô cùng .

        Hữu Thỉnh thoát hiểm , nhưng dư chấn Linh nghiệm vẫn còn  .  Nghe nói có lần người ta định đưa ông vào ủy viên trung ương , thế mà họ kiếm cớ vụ Linh nghiệm để cản trở ông .

         Ngày ấy cái lối đọc suy diễn này thịnh hành lắm . Nhớ hồi tiểu thuyết Vào đời của Hà Minh Tuân . Như một cơn lên đồng , có người chưa đọc cũng tham gia đánh . Có người chưa thấy mặt mũi cuốn sách cũng lên tiếng phẫn nộ . Đến nỗi sau  này ông thân tàn danh liệt sống thui thủi ở một căn phòng chật hẹp trên phố hàng Ngang . Rồi đến tập thơ Cửa mở của Việt Phương cũng bị lôi ra mổ xẻ mặc dù đến nay tập thơ vẫn còn nguyên giá trị , tác giả cũng bị lao đao . Rồi đến tập Bầu trời của Huyền Kiêu bị Nguyên Ngọc và Giang Nam quật cho túi bụi khiến Huyền Kiêu cũng lặn luôn .

Trở lại vụ  việc này trong biên bản cuộc họp chi bộ báo Văn nghệ ngày 14-6-1977 còn ghi như sau : ý kiến Đào Vũ – Vấn đề cuốn Bầu Trời bên ngoài thúc ta nên phê phán , đấu tranh . Có chiều hướng kích động là hèn và sợ … có ý kiến đả kích cho ta là giữ nhiều cửa quá , cũng có ý kiến cho là bỏ qua cũng được , dây vào làm gì . Chúng ta chủ trương đúng mức , vừa phải không cầu an không cơ hội .

         Nhà thơ Ngô Văn Phú lúc này đang là tổ trưởng tổ thơ cũng cho rằng – thực chất tập thơ cũng không đáng gì , nó phản ánh đúng anh Huyền Kiêu . Ta nên chủ động giữ vững ý kiến .

        Rồi tiếp đến cái sẹo đất của Ngô Văn PhúVòng Trắng của Phạm Tiến Duật khiến cho một vùng quê trung du đang yên ả cũng sôi lên lo cho người thân của mình .

        Có lẽ nên trích toàn văn biên bản cuộc họp giữa nhà thơ Bảo Định Giang trong buổi chia tay với báo Văn nghệ ngày  21-6-1977 trở lại miền Nam sau giải phóng để thấy một phần nào bức tranh văn nghệ bấy giờ :- Lần đi này đối với tôi đặc biệt , có nhiều xúc động . Tôi ra công tác rồi ở luôn , tôi không đi tập kết nên không có tiễn đưa , chia ly gì gây xúc động cả . Tôi công tác ở miền bắc hơn 20 năm , toàn công tác tuyên huấn văn nghệ . Ba lần về làm báo , chỉ làm phần chuyên môn , không làm công tác nội bộ , tập trung vào việc duyệt bài vở thôi . Chỉ có một lần sinh hoạt găng tức là trước khi anh Đào Vũ về . Tôi là người kí tên đề đạt ý kiến của đảng đoàn đề bạt anh Đào Vũ lên làm phó tổng biên tập và khi có quyết định của tuyên huấn bổ nhiệm anh tôi lại là người tiếp nhận quyết định và thực hiên đúng đắn .

     Vấn đề lương , hội còn dư 2 tiêu chuẩn lên lương , tôi đề nghị dành cho anh Hoài An , anh Trân hoặc anh Đại , nhưng ban lương của báo xét chưa thể lên được , do gay cấn trong quan hệ đối chiếu trong chi bộ .

    Lương của báo có thấp . Nhưng tỷ lệ tăng lương được nhiều hơn , so với  toàn khối văn nghệ .

     Còn anh Phú , tôi không chủ trương lên lương cho anh ấy . Đối với sai lầm Cái sẹo đất , tôi bảo vệ anh Phú ở mức là vẫn để anh Phú làm bí thư chi bộ , đăng bài cho anh Phú nhưng chưa lên lương . Vấn đề của anh Trân là tôi có sửa thêm , tôi ghi nặng hơn , tôi kí tên , tôi chịu trách nhiệm . Nếu có sai tôi xin lỗi anh Trân .

     Về bài vở tôi hoan toàn chịu trách nhiệm , còn vấn đề lên lương tôi chỉ chịu  trách nhiệm một phần thôi .

     Chúng ta có lỗi với nhau rất nhiều , còn nợ nhau . Tôi làm việc ở tòa soạn 3 lần , quan hệ với anh em bình thường , không thân thiện với ai , không đậm đà với ai , cũng không giận ai không thù oán ai .

   Nếu có sự hiểu lầm gì cũng không đáng kể tôi  không quan hoài tôi ký thác vấn đề này cho các anh biên ủy .

     Còn vấn đề tài chính : Tôi có vay khoản 100 đồng và chịu trách nhiệm chi tiêu ở miền nam một số tiền tôi đề nghị chị Thịnh xem lại sổ sách đã trừ hết nợ chưa , và vấn đề chi tiêu có gì sai nguyên tắc thì báo lại để tôi bồi thường . anh em có nhận xét gì cứ nói ra , tôi có khả năng bồi thường , vì đang xuất bản tập thơ , có nhuận bút . Tôi yêu cầu có gì cứ nói thẳng cho tôi biết chứ đừng để sau , khi tôi đi rồi xì xào , hiểu lầm cho rằng chi tiêu , tài chính có vấn đề , như vậy nguy hại lắm .

     Trước khi đi tôi có bàn giao kĩ càng với ban thư kí , với Đảng Đoàn , Đảng ủy , tất cả  đều có giấy tờ lưu lại ở văn phòng Đảng ủy . Nếu các đồng chí có thắc mắc gì hỏi ở văn phòng Đảng ủy , không nên gây dư luận đối với một đồng chí của mình . Tôi có thể nói là tôi không hổ thẹn là đồng chí của các đồng chí .

     Có một cái thư tố cáo tôi , tôi có đọc cho chị Trai nghe . Mọi vấn đề đó tôi đã báo cáo đầy đủ với ban thư kí . Tôi có thể tự hào là trước khi trở về không để xảy ra vấn đề gì đáng ân hận , tự hào nhìn thẳng vào các đồng chí . Tôi trở về miền nam vơi tình cảm nhớ thương da diết . Rời miền Bắc tôi day dứt nhiều đêm vì tình cảm đó .

    Tôi công tác ở đây nhiều năm , thế nào cũng có sai , điều gì sai tôi xin lỗi , nhưng không nên hiểu lầm . Tôi sợ một số vấn đề hiểu lầm nên phải nói lại . Tôi đề nghị chị Thịnh cho biết vấn đề tài chính .

     Chị Thịnh : - anh Giang có một vài lần tạm ứng tiền nhuận bút , đã trừ hết . 500 đồng tiếp cộng tác viên cũng đã trừ hết . Việc chi tiêu đó không đúng theo qui chế , chế độ không cho phép .

       Lạ thật ,  vay thì trả  , thì trừ nhuận bút , qui chế , chế độ gì ở đây . Cứ nghĩ bây giờ liệu có còn ai như thế .

   Trở lại sự vụ Linh nghiệm tuy là thoát nhưng lần đó Hữu Thỉnh vẫn bị chậm lên lương 1 năm . Bùi Binh Thi nói rằng : vụ Linh nghiệm đến tai thủ tướng Phạm Văn Đồng ông bảo : Văn sĩ đã khổ quá thôi đừng hành thêm nữa .

    Không thể không nói đến nhà văn Trần Huy Quang tác giả của Linh nghiệm , quê Nghệ An , vốn là lính pháo binh lăn lộn suốt dải miền trung trong những năm chiến tranh phá hoại hơi ngang và gàn nhưng tốt tính , bộc trực . Nếu đọc những gì anh viết về chiến tranh thì thấy ở anh một sự đau đáu về cuộc chiến về những đau thương và mất mát , trong tiểu thuyết Những cô gái Đồng Lộc anh viết như thê này : Những người yên nghỉ , các bạn của tôi , xin các bạn hãy vĩnh viễn yên nghỉ , cuộc sống này , dù sao đi nữa , cuối cùng cũng không để các bạn phải đau lòng . Thẳng thắn và bộc trực là phẩm chất của anh  . Dù người ta gán ghép đủ thứ tư tưởng cho anh , nhưng không ai tin ở sự thay lòng đổi dạ của anh . Đến bây giờ điều này đã được chứng minh .

     Và không thể nói ở Linh ngiệm anh muốn gì như những lời qui chụp . Anh viết những điều nhà văn quan tâm . May cho anh , bản chất lính khiến anh không suy sụp . Nhưng có điều buồn , chiều hôm đó Thỉnh dẫn con gái đến nhà quỳ sụp lạy Quang để trả nợ cái nghĩa Quang xin cho con Thỉnh về Hà Nội học . Sau Linh nghiệm một sự nghi ngờ dấy lên trong lòng Thỉnh , ông cho rằng Trân Huy Quang đã hại ông , ông cũng nghi ngờ một số người khác trong đó có Phạm Tiến Duật lợi dụng Linh nghiệm nói xấu ông .

      Ngày 12-9-1992 Hữu Thỉnh chất vấn Duật : Anh Duật có nói chuyện về Linh nghiệm ở Quảng Ninh không ?

      Ngày 16-2-1993 Hữu Thỉnh nhắc lại : lúc Linh nghiệm anh Duật chưa góp phần ổn định cơ quan

       Duật nói : Tôi chưa từng phát biểu cơ quan nào về Linh nghiệm , một lần duy nhất tôi có trả lời Hồ Anh Dũng , tôi có bênh anh Thỉnh . Hữu Thỉnh đối xử với tôi tồi tệ trong giai đoạn vừa rồi .

      Người ta còn xì xầm về một chuyện cười ra nước mắt .

      Hôm ấy trên chiếc xe u oát chở Thỉnh về Thổ Tang ( là xã kết nghĩa với báo từ thời Nguyên Ngọc )  . Buổi gặp gỡ đó có cháu ruột nhà thơ Ngô Văn Phú lúc đó là chủ tịch công đoàn của báo . Tiệc rượu no say , khi ra về vừa ra đến sân đình Thổ Tang Thỉnh kiếm cớ gây sự với cháu nhà thơ Ngô Văn Phú , không ai biết chuyện gì xảy ra , mải khi Thỉnh buông câu : Mày tưởng cậu mày về làm tổng biên tập báo mà vênh mặt à . À ra thế , gần đây rộ lên tin đồn Ngô Văn Phú sẽ về báo . Trong cuộc trò chuyện tổng thư kí Nguyễn Đình Thi có thăm dò hỏi Ngô Văn Phú rằng mình muốn cậu về lại Văn Nghệ . Tất nhiên Ngô Văn Phú không nhận lời . Lần ấy  Thỉnh đuổi luôn tay ấy xuống xe . Gặp phải tay không vừa thằng cha ấy xuống liền không nói nửa lời , chuyện này sẽ nói đến sau .

     Ngô Văn Phú về báo Văn học ( tiền thân của Văn nghệ ) ngay sau khi tốt nghiệp đại học tổng hợp văn  . Hồi đó ông nổi tiếng ở bài ca dao được giải nhì báo Văn học ( không có giải nhất ) :

                                   Trên trời mây trắng như bông

                                 ở dưới ruộng đồng bông trắng như mây

                                    Những cô má đỏ hây hây

                                  Đội bông như thể đội mây về làng .

    Rồi ông đi bộ đội , trở về Văn Nghệ Quân Đội , sau lại về Văn Nghệ .

      Ông có đứa châu ở chiến trường hơn 10 năm , nay muốn về Văn nghệ , ông báo cáo và được nhà văn Vũ Tú Nam chấp nhận . Bên hội liên hiệp văn học nghệ thuật đông ý . Chị  Cán trưởng phòng  tổ chức ra quyết định tiếp nhận . Nhà thơ Bảo Định Giang hỏi chị Cán rằng xin người sao ông không được biết . Thế là Ngô Văn Phú rút lui luôn . Sau ông Bảo Định Giang biết đó là cháu Phú liền trách : Cháu Phú ở chiến trường ra mà không nói với mình . Ngô Văn Phú nói rằng sợ phiền đến anh . Thế là ông Giang nhắc tổ chức tiếp nhận .

    Có cháu về cùng cùng cơ quan là phức tạp rồi , lúc này nhà văn Vũ Tú Nam đã chuyển sang làm giám đóc nhà xuất bản muốn lôi Ngô Văn Phú sang cùng . Việc này được ghi trong biên bản ngày 14-6-1977 như sau :

  Đào Vũ : việc anh Phú yêu cầu đi , anh Vũ Tú Nam xin nhiều lần tôi kiên trì giữ . Thực ra trong lòng không muốn cho anh Phú đi . nếu cứ ép anh Phú quá thì mặt tình cảm không tiện .

  Chị Trai : nếu vì lý do sáng tác đề nghị biên ủy quan tâm tạo điều kiện . Anh Phú đi thì tổ thơ cũng khó khăn . nếu có dư luận thì biên ủy phải giải thích .

  Bội : nguyện vọng anh Phú có từ lâu . Nên tạo điều kiện . Chỉ áy náy tổ thơ .

     Và Ngô Văn Phú quyết tâm ra đi , mặc dù ông nói : Nói nguyện vọng thì chưa phải chính đáng . Nhưng yêu cầu cho sang vì nxb đang cần . Nếu sang một thời gian mà báo cần gọi về thì sẽ về .

    Miền nam có câu zậy mà không phải zậy . Ở báo Văn Nghệ nhiều năm ông quá hiểu , chỉ có Hữu Thỉnh hốt hoảng mới thành to chuyện .

      Nói đến điều này để thấy Ngô Văn Phú không bao giờ trở về Văn Nghệ , vì lúc đó ông đang là phó giám đốc nhà xuất bản , chẳng qua Thỉnh thấy không yên định dằn mặt , Ngô Văn Phú biết chuyện này ông chỉ cười và im lặng .

       Thật là :  đâu phải bên Tàu có Tào Tháo

                      Máu đa nghi trong mỗi con người .

      Muốn biết sự việc ra sao xin xem hồi sau sẽ rõ .