Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NAM ĐỊNH: Đất khuyến học - Người hiếu học

Đắc Trung
Thứ năm ngày 26 tháng 5 năm 2011 6:00 PM

      Từ triều Lý nền giáo dục quốc gia chính thức được xác lập có hệ thống lấy Khổng Giáo làm nền tảng khẳng định qua việc xây Văn Miếu và Quốc Từ Giám tại Kinh đô Thăng Long. Đến nhà Trần nền giáo dục quốc gia càng được quan tâm. Nam Định là Kinh đô thứ hai, là quê hương, đất phát tích vương triều Trần nên giáo dục rất được ưu tiên đầu tư phát triển.
      Năm 1281 nhà Trần cho lập trường học ở phủ Thiên Trường. Năm 1397 vua xuống chiếu đặt chức quan Giáo thụ trông coi, đôn đốc việc học ở lộ Sơn Nam đào tạo học sinh ưu tú cho triều đình và hàng năm kén chọn người giỏi để tiến cử.
      Đến năm 1428 triều Lê mở trường học ở các phủ, lộ cho con em tất cả mọi tầng lớp nhân dân.
      Thời Tây Sơn trường học được mở đến các xã.
       Năm 1820 nhà Nguyễn cho tổ chức thi tuyển tại các trường ở huyện, phủ để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn được tham dự thi Hương. Theo "Đại Nam nhất thống chí" dưới triều Nguyễn, Nam Định có: Trường học tỉnh Nam Định, Trường học phủ Thiên Trường, Trường học phủ Nghĩa Hưng, Trường học huyện Nam Chấn, Trường học huyện Chân Ninh, Trường học huyện Thiên Bản, Trường học huyện Phong Doanh. Ngoài trường do nhà nước phong kiến thành lập, để đáp ứng nhu cầu hiếu học của người dân Nam Định còn nhiều loại hình trường khác. Đó là các vị đỗ đại khoa nhưng không ra làm quan, hoặc từ quan về quê lập ra, như: Trường của tiến sĩ Ngô Thế Vinh (1803 - 1856) ở Bái Dương, Nam Trưc. Ông là nhà giáo nổi tiếng, sĩ tử khắp vùng đều biết tìm đến, học trò tới hàng nghìn,hơn 60 người đậu cử nhân. Bảng nhãn Phạm Thanh, thám hoa Ngụy Khắc Đản, hoàng giáp Thúc Kiên, tiến sĩ Đỗ Phát…đều học ở đây. Nhiều sách giáo khoa như "Trúc đường khoa sách", "Trúc đường văn sách" do Ngô Thế Vinh soạn được dùng cho cả nước; Trường của hoàng giáp Phạm Văn Nghị ở Tam Đăng (nay thuộc xã Yên Thắng, Ý Yên). Năm 1848 đang làm Biên tu trong Quốc sử quán ông từ quan về quê mở trường dạy học. Môn sinh cũng tới hàng nghìn. Nhiều người nổi tiếng và đỗ đạt cao như tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, hoàng giáp Trần Bích San, những lãnh tụ chống Pháp: Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao…đều là học trò ông; Trường của tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh ở Châu Mỹ, Đại An (nay thuộc Nghĩa Hưng). Ông từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, một danh nho uyên bác, bạn thân của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền, người có công phát hiện Phan Bội Châu tài năng, chí lớn lấy đỗ Giải nguyên. Học trò cũng rất đông, nhiều người giỏi. Ngoài ra còn trường của nhiều khoa bảng khác như: tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910), cử nhân Lê Quả Dục (1833 - 1899), cử nhân Đặng Ngọc Toản (1841 - …?), cử nhân Mai Công Hoan, ông nghè Vũ Hữu Lợi…
       Ngoài các bậc đại khoa, nhiều dòng họ, gia đình, làng xã mời thày về dạy con cháu mình. Trường của họ Phạm ở làng Si, xã Vĩnh Hào, Vụ Bản tồn tại từ những năm cuối thế kỷ 17, là niềm tự hào của dòng tộc. Từ đây không ít người đỗ đạt cao như tiến sĩ Phạm Đình Kính, cử nhân Phạm Thanh Thận, Phạm Đình Huân…Nhờ những trường như thế mà nhiều nhân tài thuộc các dòng họ xuất hiện. Như họ Nguyễn ở Cựu Hào (nay là Vĩnh Hào, Vụ Bản) có Nguyễn Thuyên ba lần đậu tú tài. Ông có bốn người con đều đậu tú tài. Nguyễn Thành em trai ông đậu tú tài đến 7 lần và cháu nội ông là Nguyễn Văn Tính đậu tiến sĩ. Làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường) nổi tiếng đất học. Đưới triều Nguyễn làng Hành Thiện có số người khoa mục đứng đầu cả nước: ba tiến sĩ, bốn phó bảng, 87 cử nhân và tới hơn 200 tú tài. Trong 42 khoa thi tổ chức ở Trường thi Nam Định, khoa nào cũng có người Hành Thiện đỗ cử nhân hoặc tú tài. Đó là làng đứng đầu cả nước về số người đỗ cử nhân. Không chỉ nhiều khoa bảng, làng Hành Thiện còn nổi tiếng về đức kiên trì, không hề nản chí quyết tâm theo đuổi nghiệp học hành, thi cử. Nguyễn Đăng Thiện đỗ tú tài năm 19 tuổi, nhưng 60 tuổi mới đỗ cử nhân. Nguyễn Như Bổng dự 15 khoa thi hương trong suốt 40 năm chỉ đỗ tú tài hai lần và mãi tới năm 60 tuổi mới đỗ cử nhân. Nhiều gia đình anh em, bố con, ông cháu, chú cháu đều đỗ cử nhân, tú tài.
      Cùng với Xuân Trường, Ý Yên cũng là huyện nổi tiếng "đất học", có số lượng đông nhất những người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ. Có các "làng khoa bảng" như Tam Đăng (Yên Thắng), La Ngạn (Yên Đồng), Thượng Đồng (Yên Tiến). Riêng gia đình hoàng giáp Phạm Văn Nghị một người con đậu phó bảng và ba đậu cử nhân. Gia đình cử nhân Đỗ Huy Cảnh con cả đậu phó bảng, cháu nội đậu hoàng giáp…Ở Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) cha là Đào Toàn Bân đậu tiến sĩ, con là Đào Sư Tích đậu trạng nguyên. Ở đây các gia đình cha con, anh em, ông cháu cùng đỗ tú tài, cử nhân không ít. Vùng này người ta truyền nhau câu chuyện "Con nhờ cha học giỏi". Nguyễn Công Hoàn là người rất hiếu học và học giỏi triều nhà Lê. Ông có người con trai là Nguyễn Bá Lân cũng nổi tiếng ham học và học giỏi. Ông Hoàn khuyến khích kèm cặp Lân và tìm mọi cách để hai cha con cùng thi đua động viên nhau học. Ông thường bày ra các cuộc thi văn với con để khích lệ. Ban đêm ngồi đọc sách ông thường để cái dùi đục bên cạnh và bảo Lân: "Con ngủ gật, bố đánh. Bố ngủ gật, con đánh". Một lần ông Hoàn ngủ gật, Bá Lân chỉ khẽ lay gọi chứ không dám đánh. Tỉnh dậy ông Hoàn bực lắm, quát con: "Hừ, con định làm bố dốt hơn con, phải không?". Mỗi khi thi văn ông Hoàn lại giao hẹn: "Văn con hay thì con được ăn, bố nhịn. Văn bố hay thì bố được ăn, con nhịn".  Thường thì văn của Lân vẫn hay hơn, vì thế ông cứ phải nhịn đói luôn. Một lần Bá Lân đến nói với thày giáo xin thày chấm văn của bố hay hơn của mình. Biết chuyện, thế là bữa ấy ông Hoàng bắt Lân phải nhịn và ông cũng nhịn. Khi Bá Lân đỗ tiến sĩ, các bạn cùng học đến mừng, ông Hoàn mặc bộ nâu sồng ra tiếp khách, cười nói rằng: "Thằng Lân nhà tôi mà đỗ đầu thì thiên hạ hết người tài thật rồi". Biết ông Hoàn dè chừng thói kiêu căng của con, mọi người cười vui vẻ nhưng rất thấm thía. Còn Bá Lân thì quỳ xuống bên bố: "Con được như hôm nay là nhờ có bố. Con xin cám ơn bố".
      Lăn lóc với thi cử cốt để khẳng định mình, chứ người Nam Định hiếu học hoàn toàn không nhằm mục đích làm quan to hay phô trương bằng cấp với thiên hạ. Mà là bằng thật chứ không phải bằng giả. Thật, bởi sau khi đỗ còn phải qua khảo thí, mà đích thân nhà vua ra đề và trực tiếp xem quyển hoặc nghe đối đáp. Trần Bích San đỗ hoàng giáp Phúc thí quyển của ông được đích thân vua Tự Đức phê: "Tuổi trẻ mà đỗ liền Tam nguyên là hiếm có…Đó là điều may mắn cho nước nhà". Khi vinh quy nhà vua còn ban cho lá cờ thêu bốn chữ: "Liên trúng Tam nguyên". Tuy nhiên người Nam Định học mong để hiểu đạo, hiểu luật, hiểu đời sống cho có nghĩa là chính. Trong lễ tang hoàng giáp Phạm Văn Nghị trước đông đảo các bậc khoa bảng chức sắc và quyền quý đến dự với đồ phúng viếng và câu đối viết sẵn. Bỗng có một ông già dáng vẻ nghèo khó nhưng cốt cách tĩnh tại, không đem lễ vật gì, chỉ xin một nén hương vào viếng. Mọi người có vẻ coi thường. Vái xong ba vái ông già ứng khẩu đọc đôi câu đối:
      "Tích yên, nghĩa lỗ nhân can, Độc Bộ ba đào câu nộ sắc
      Kim dã, nghiêm sương hàn lộ, Hoa Lư thảo thụ đới sầu nhan".
      Dịch là:
      "Xưa nghèo nghĩa buồm nhân, cửa Độc Bộ cồn lên sóng giận
      Nay sương giá băng đông, chốn Hoa Lư ảm đạm cây sầu"
      Câu đối hay quá, chỉnh quá, ý tứ cao đạo mà sâu sắc, có cả tâm sự và thế sự, tình người và tình đời khiến quan khách đều lộ vẻ kính phục trân trọng mời ngồi, nhưng ông già chỉ cúi đầu đáp lễ rồi lặng lẽ ra đi. Ở nơi đất khuyến học và người hiếu học thì ra ngõ gặp nhân tài là thường. Học, đi thi, đỗ, hoặc không lại quay về vừa làm vừa học, rồi lại đi thi và lại về vừa làm vừa học. Coi học là nghiệp, là đạo, say mê và tôn thờ. Bởi thế sự học là vô cùng, từ tháng này qua năm khác, đời này tiếp đời khác không bao giờ nản, không bao giờ ngưng nghỉ.
      Đó là đặc trưng hiếu học của người Nam Định.
      Muốn hiếu học trở thành đạo phải biết khuyến học. Đó là tôn vinh những người học rộng tài cao (chết thì thờ cúng ở văn miếu, văn chỉ, đền, phủ. Sống thì kính trọng) cùng với sự ưu đãi vật chất nhằm xác lập động cơ, mục đích, ý chí, niềm say mê, môi trường học tập mong sống có nghĩa, có ích cho Tổ Quốc, cho cộng đồng xã hội, cho gia đình dòng tộc và cho bản thân.
      Theo bia "Nam Định trấn Văn Miếu" thì từ năm 1822 một khu thờ Khổng Tử được xây dựng tại địa phận xã Gia Hoà, tổng Mỹ Trọng, huyện Mỹ Lộc (nay thuộc thành phố Nam Định). Năm 1833 được tu sửa to đẹp hơn gồm Khuê Văn Các, Tiền đường, Hậu cung, khung gỗ lim, lợp ngói mũi nhọn, cửa bức bàn. Hậu Cung thờ Khổng Tử, bốn gian còn lại thờ Tứ phối là Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử... Phía tây là đền Khải Thánh thờ thân phụ và thân mẫu Khổng Tử. So với Văn Miếu ở Thăng Long về quy mô và hình thức không thua kém mấy. Hàng năm vào tháng tám các quan chức đầu tỉnh từ Tổng đốc, Bố chánh, Án sát, Đốc học và các bậc văn thân đều hiện diện tổ chức tế Khổng Tử rất tôn nghiêm trọng thể cổ vũ, động viên các thày cô giáo và học sinh trước thềm niên học mới. Khi Pháp đánh chiếm Nam Định Văn Miếu hư hại nặng và tới năm 1946, trong cuộc toàn quốc kháng chiến thì bị phá hoàn toàn nay chỉ còn vết tích.
      Dưới văn miếu hàng tỉnh, các làng, các họ có văn chỉ, văn từ thờ Khổng Tử, Tứ phối và những người trong làng trong họ đỗ đạt. Tên tuổi họ được khắc lên bia đá dựng ở nơi trang trọng. Nhờ việc tôn sùng sự học như thế mà số người học giỏi, đỗ đạt tăng lên. Với mục đích trọng người hiếu học nên tại văn chỉ, văn từ không nhất thiết phải đỗ đại khoa mà chỉ cần giỏi hoặc thi đỗ cũng được tôn thờ. Mới biết ông cha ta xưa coi sự học là trọng chứ không lấy bằng cấp là đích. Bởi ngay như Khổng Tử, thần thông quảng đại, trí lự uyên bác, đức độ cao siêu thuộc hàng thánh nhân mà ngài có bằng cấp học vị gì đâu. Kể cả Bác Hồ của chúng ta cũng thế. Hiếu học không đồng nghĩa với chạy theo bằng cấp, danh vị. Có như thế học mới được coi là đạo của mọi người.
      Ngoài văn chỉ, văn từ Nam Định còn nhiều đền thờ các vị khoa bảng đức cao vọng trọng như rạng nguyên Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh, tiến sĩ Đặng Phi Hiển, Phạm Văn Nghị, Doãn Khuê…
      Những người đỗ đại khoa vinh quy bái tổ về làng đều được các chức sắc và nhân dân nô nức đi đón rước từ Dinh Tổng đốc với cờ trống nghi vệ rất long trọng, được cấp đất sử dụng miễn thuế đến hết đời. Từng địa phương còn những quy định riêng như: ai đi học được miễn trừ các phu dịch, ai thi đỗ từ nhất nhị trường được xếp trên lý trưởng, ai là thày giáo sẽ được làng làm nhà cho ở, trích hai mẫu ruộng để vợ con thày cày cấy không phải chịu thuế. Có nơi còn dành đất làm "Quỹ học điền" lấy tiền chi tiêu cho việc học trong làng, xã.
      Bằng nhiều cách làm như thế đã tạo môi trường giáo dục sôi động, sâu rộng, làm cho người người hiếu học, nhà nhà hiếu học, cả dòng họ, cả làng xã, phủ huyện hiếu học…Hiếu học được mang ý nghĩa tôn kính. Điều đó phần nào lý giải vì sao Nam Định còn được coi là "Đất khoa bảng".
      Lịch sử thi cử thời phong kiến từ 1075 đến 1919 Nam Định có 83 vị đỗ đại khoa: 5 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 2 thám hoa, 1 đình nguyên, 13 hoàng giáp, 43 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ) và 16 phó bảng. Nam Định có 31 người được ghi tên trên bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội và 15 vị được ghi tên trên bia đá dựng tại Văn Miếu - Huế. Xuân Trường là huyện có số người đỗ cử nhân cao nhất tỉnh, tiếp đến Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Giao Thuỷ.
      Xét phạm vi toàn quốc Nam Định là địa phương có đông người đỗ đạt cao và là "đất địa linh" sản sinh nhiều "nhân kiệt" cho đất nước.
      Nam Định xưa là thế.
      Còn ngày nay? Chúng ta phải làm gì để không hổ thẹn với truyền thống và các bậc tổ phụ !