Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÓI PHÓNG ĐẠI TÔ MẦU, KHOA TRƯƠNG KHOE MẼ

Trần Thanh Vân
Thứ bẩy ngày 19 tháng 2 năm 2011 6:02 PM

TNc: Đã đến lúc cần phải lên án mạnh mẽ việc người ta biến những lễ hội truyền thống tốt đẹp thành những vụ kinh doanh và gắn ý đồ chính trị, mê tín dị đoan ru ngủ công chúng. Tôi cũng là con cháu họ Trần, tôi đồng tình với ý kiến của KTS Trần Thanh Vân.vspace=12

Tôi là con cháu họ Trần, dĩ nhiên tôi rất tự hào về lịch sử anh hùng của tổ tiên mình cách đây hơn 700 năm, nhưng tôi rất bất bình thói phóng đại tô mầu, khoa trương khoe mẽ của một số người biến hoạt động tôn vinh tổ tiên tôi thành trò mua bán đổi chác để kiếm lợi. Tôi trộm nghĩ, giòng họ nào cũng có anh hùng, giòng họ nào cũng có nghịch tặc. Lịch sử đã công nhận Vương triều Trần tồn tại 175 năm với ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông và đã phát triển Kinh tế, Văn hóa, Xã hội nước Đại Việt tiến lên một bước mạnh mẽ, trong đó có những vị anh hùng tiêu biểu như Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương, đã không màng danh vọng, không tham ngôi báu, được nhân dân tôn thờ như một vị Thánh. Lịch sử đời đời tôn vinh Vua Trần Nhân Tông, một vị Vua có công lớn dẹp giặc, nhưng đã thoái vị vào năm 35 tuổi, để lên Yên Tử đi tu, xây dựng nên một phái Thiền Tông rất Việt Nam là một tấm gương chói sáng để đời không chỉ cho con cháu họ Trần mà nhiều đời người dân Việt, quan chức Việt phải suy nghĩ.

Tuy vậy tôn vinh các vị tiền nhân chỉ nên đúng mức vừa phải thôi. Hãy sống cho tốt, hãy làm việc cho tốt, đó mới là điều Tổ tiên mong đợi. Điều tiếng về doanh nhân Trần Văn Sen cậy thế có tiền, lợi dụng việc xây mộ tổ rồi xây mộ cho mình là một trò lố bịch, rồi người đời sẽ phỉ báng ông ta và con cháu ông ta sẽ thấy nhục. Việc LỄ KHAI ẤN ở Đền Trần Nam Định mới xẩy ra trong những năm gần đây, nay lại lây sang Thái Bình, hay trò phát lương ở Đền Trần Thương… đều là những việc làm thiếu văn hóa và phản Tổ tiên.

Tại sao tôi nói vậy?

THỨ NHẤT

* Vào lúc mới lên ngôi, Vua Trần Thái Tông phản đối việc sắp xếp chuyện dựng vợ gả chồng có tính ép duyên của Thái sư Trần Thủ Độ, nên đã bỏ trốn lên Yên Tử để đi tu. Đến khi Trần Thủ Độ phải đi tìm, vì lợi ích quốc gia, Trần Thái Tông mới chịu về. Điều đó chứng tỏ Nhà Vua không không ham ngôi báu mà chỉ cần sống thanh bạch tự do.

* Trước khi chết, An Sinh Vương Trần Liễu giối giăng với con trai là Trần Quốc Tuấn phải giành lại ngôi Vua cho giòng trưởng từ tay giòng thứ. Trần Quốc Tuấn đã không nghe lời cha, đã không màng ngôi báu, đã coi lợi ích Quốc gia trên hết, đã phò Vua trung thành, đã chỉ huy quân đội đánh thắng quân Nguyên Mông.

* Vua Trần Nhân Tông không tham quyền cố vị, thoái ngôi rất sớm…

ĐÓ LÀ NHỮNG TẤM GƯƠNG KHÔNG HAM ẤN TÍN của các vị Tiền nhân. Vậy tại sao có trò KHAI ẤN? ẤN CỦA AI, CHỨC GÌ?

Đúng là chuyện nhảm nhí

THỨ HAI

Đời Trần cũng có một chính sách rất HIỆN ĐẠI là xóa bỏ chế độ nông nô, khuyến khích sản xuất, thực hiện khẩu hiệu THỰC TÚC BINH CƯỜNG. Cho nên vào thời kỳ đánh quân Nguyên Mông, có tục lệ nhân dân sản xuất ra LƯƠNG THỰC, rồi cất giấu không cho giặc cướp, rồi gánh LƯƠNG THỰC đi tiếp tế cho quân đội, nhân dân không đi XIN LƯƠNG của ai cả. Vậy tại sao có chuyện PHÁT LƯƠNG?

Đó cũng là nhảm nhí!

T.T.V Theo Nguyễn Xuân Diện’s blog, đầu đề của Quê choa.

Hàng vạn người dự lễ phát lương Đức Thánh Trần.

21h đêm 14 tháng Giêng âm lịch, nghi lễ bắt đầu bằng màn thắp nến, dâng hương Đức Thánh Trần. 23h05, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát lương cho các đại biểu, các bậc cao niên và tổ chức phát lương cho nhân dân, khách thập phương…

Hà Hạnh ( Dân Trí)

23h đêm 16/2, tại điện Thiên Trường, các cụ cao niên trong làng làm lễ tế.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới dự buổi khai ấn và thắp hương trước đền thờ vua Trần.

Hơn 23h đêm 16/2, trong khi lễ rước ấn vua Trần đang được thực hiện trong đền thì ở bên ngoài, hàng nghìn người dân đã đứng trước hàng rào với mong muốn sớm được vào xin ấn.


Lực lượng đảm bảo an ninh làm việc khá vất vả (Ảnh: Lao động).
 
Dù lực lượng cảnh sát đã cố gắng giữ trật tự nhưng nhiều người vẫn cố tình vượt qua hàng rào để vào bên trong.

Tình trạng chen lấn, xô đẩy đã khiến phụ nữ này ngất xỉu và phải nhờ sự chăm sóc của các nhân viên y tế.

Cảnh dẫm đạp, chen lấn nhau để xin ấn đã khiến hàng trăm người bị tuột mất giầy, dép.Trước cảnh chen lấn đến nghẹt thở, cảnh sát đã phải đưa một số phụ nữ mệt lả ra khỏi đám đông.

vspace=12

Khu vực phát ấn bị cả nghìn người vây kín. Để có được vị trí đứng này, nhiều người đã phải đứng xếp hàng trước vài tiếng.

Ai cũng cầm sẵn tiền trên tay để chờ đến giờ phát ấn.

Để có được chiếc ấn, nhiều người phải toát mồ hôi giữa cái rét chỉ hơn 10 độ.

Hơn 2 tiếng sau giờ phát ấn, cả nghìn người vẫn vây quanh các lồng sắt (chứa các thùng ấn) để xin bằng được một vài mảnh vải vàng có đóng triện của vua. Năm nay Ban tổ chức bố trí 75 bàn phát ấn ở nhiều khu vực trong đền, thay vì 4 điểm như năm ngoái.

Dù Ban tổ chức cho biết, ấn được phát miễn phí, nhưng hầu hết người dân muốn xin một chiếc ấn đều “ra lộc” 20.000-50.000 đồng.

Cảnh dẫm đạp, chen lấn nhau để xin ấn đã khiến hàng trăm người bị tuột mất giầy, dép.

Tiến Dũng  Bá Đô

Gocomay’s blog dẫn theo vnexpress.