Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thử tìm bài học từ lịch sử

Trần Kinh Nghị
Thứ bẩy ngày 19 tháng 2 năm 2011 6:30 AM

“Kiến thức về lịch sử và cội nguồn dân tộc không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết về quá khứ; nó là tài sản vô giá là mà từ đó mỗi dân tộc cần tự rút ra những bài học thiết thực cho mình để tiếp tục hành trình vào tương lai”.  
Có lẽ chính vì lẽ đó mà bài báo ngắn ngũi với tiêu đề “Lịch sử cần Sự thật” đăng trên TuầnVietnam cuối năm 2010 http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-27-lich-su-can-su-that     đã thu hút sự quan tâm sâu rộng từ cộng đồng với nhiều ý kiến đóng góp rất đáng lưu tâm. Qua thảo luận cho thấy đúng là có một tình trạng hiểu biết sơ sài và không đồng nhất về lịch sử và cội nguồn dân tộc đồng thời với thái tự ti dân tộc hoặc hoài nghi về sự thật lịch sử cũng như các giá trị nhân văn của dân tộc mình ; và điều này diễn ra trong mọi tầng lớp, kể cá trí thức và người trẻ tuổi ở Việt Nam ngày nay. Cảm nhận này  thôi thúc người viết muốn nói thêm đôi điều sau đây.  
Lịch sử cần lắm vai trò của Cơ quan chức năng
Trước hết, có lẽ  nên bắt đầu bằng việc trích dẫn ra đây những ý kiến phản hồi trái ngược từ phía bạn đọc xung quanh một số vấn đề đặt ra trong bài viết “Lịch sử cần sự thật”; chúng tuy không nhiều nhưng rất “ấn tượng”.
Một số bloggger không đồng tình với cách đặt vấn đề dân tộc Việt Nam có cội ngưồn lâu đời và có mối liên quan mật thiết với cộng đồng Bách Việt,.  Lý do có thể: một phần vì họ chưa được biết nhiều về khái niệm  Bách Việt (mặc dù trên thế giới đã có hẵn môn “Bách Việt học” với nhiều công trình nghiên cứu đã được xuất bản ), một phần vì trong thâm tâm họ luôn  mặc cảm rằng dân tộc Việt Nam chỉ là một dân tộc nhỏ và lạc hậu so với dân tộc Hán ở bất cứ thời kỳ nào. Một số người thậm chí còn tỏ thái độ mĩa mai thiếu nghiêm túc khi nói về các truyền thuyết như Lac Long Quân - Âu cơ và các vua Hùng…, thậm chí nghi ngờ hoặc bác bỏ cả luận điểm “hơn 4.000 năm lịch sử” của dân tộc. Đồng thời ngược lại cũng có những ý kiến khác i quá đề cao dân tộc mình một cách mù quáng bất chấp sự thật lịch sử hoặc sẵn sàng bác bỏ những gì đã được xác lập trong sử sách cũ.  
Vâng, quả đã có những quan điểm ngược chiều “thái quá” như thế trong quá trình tranh luận xung quanh chủ đề lịch sử và cội nguồn dân tộc. Chúng tuy không nhiều nhưng có lẽ cũng đủ để khiến ta giật mình. Riêng người viết bài này thực sự không cảm thấy ngạc nhiên hoặc khó chịu, trái lại còn cảm ơn họ đã nói lên thực trạng tình hình. Dù sao họ cũng còn ý thức quan tâm đến lịch sử và qua đó góp phần vào những cuộc thảo luận sôi nổi và thực chất hơn.
Tìm hiểu kỹ thêm, ta sẽ nhận ra rằng những bình luận như trên thường phát ra từ những người thiếu hiểu biết cơ bản về lịch sử và cội nguồn dân tộc. Những ý kiến như vậy thường lập tức bị các blogger khác phê phán, bác bỏ, đôi khi trong những cuộc thảo luận dằng co kéo dài. Nhưng nhiều trường hợp cả người bác bỏ cũng không thể đưa ra đủ lý lẽ thuyết phục vì bản thân họ cũng thiếu những kiến thức cần thiết.
Điều đáng chú ý là, những ý kiến trái ngược như trên nêu trên tuy không xuất hiện nhiều trên mạng, nhưng đã phản ánh tình hình tương tự trong xã hội ta ngày nay, nhất là trong một bộ phận thanh thiếu niên ngại học lịch sử nhưng thích xem phim ảnh và sách chuyện giả sử của Trung Quốc đang rất sẵn trên thị trường. Biểu hiện ở chỗ các em thường chỉ bàn luận về hình thức như trang phục, tướng mạo của các nhân vật tron phim ảnh để kết luận rằng người Hán “hơn” người Việt!. Đến nỗi có em nhầm lẫn cả tên tướng giặc với tướng ta, hoặc chỉ quen nói, viết bằng những ngôn từ ngô nghê của phim ảnh. Ngay cả  những người có học cũng không hoàn toàn hiểu và thấm nhuần những điều nêu lển trong sách giáo khoa hiện hành.
 
( Bản đồ minh họa lãnh thổ Trung Quốc thời Nhà Hạ chỉ bằng một giọt dầu trong toàn bộ lãnh thổ ngày nay- nguồn: Wikipedia )
Bên cạnh loại ý kiến ngược như nói trên, đại đa số bạn đọc đã rất hoanh nghênh và tán thành với cách đặt vấn đề của bài báo như bản thân tiêu đề đã nói lên “lịch sử cần sự thật”. Được biết, đến nay có khoảng trên dưới 100 trang web của các trường, viện, nhà xuất bản, các cơ quan, các nhóm và cá nhân đã trích đăng lại bài viết để làm tài liệu tham khảo. Cũng đã hình thành một số diễn đàn tranh luận rất sôi nổi xung quanh chủ đề lịch sử và cội nguồn dân tộc. Qua qúa trình thảo luận đã xuất hiện thêm nhiều cách lập luận khác nhau với những thông tin và sử liệu có giá trị thực tiễn do các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cung cấp. Xin đơn cử ra đây vài trường hợp.
Đó là ý kiến của ông Giám đốc TT NC Lý học Đông Phương khẳng định quan niệm Việt sử 5.000 năm văn hiến bắt đầu từ quốc hiệu Văn Lang của các Vua Hùng tức năm 2879 trước CN với địa giới phía Bắc bao gồm cả Hồ Động Đình. Ông đồng thời cũng bác bỏ quan điểm hoài nghị cho rằng thời Hùng Vương chỉ có thể bắt đầu vào thế kỷ thứ VII trước CN như một liên minh gồm 15 bộ lạc, cùng lắm là một nhà nước sơ khai với địa bàn cư trú vỏn vẹn ở đồng bằng sông Hồng (!). 
Đó là thông tin của một bác sĩ Việt kiều cho hay ông đã đích thân đến tận các địa danh trong truyền thuyết như Hồ Động Đình, Núi Thái Sơn (Ngũ Lĩnh), Sông Tương, cánh đồng Tương, Đền thờ Vua Bà (tức là Bà Trưng), v.v…thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Sau đó ông kết hợp với những kiến thức y học và khảo cổ vốn là nghề nghiệp của bản thân để đi đến kết luận: Những gì nói trong truyền thuyết là có thực; biên giới nước Việt Nam cổ bao gồm cả vùng Hồ Động Đình là sự thật.
Qua thảo luận nhiều bạn đọc cũng có dịp đọc lại các công trình nghiên cứu với những luận cứ táo bạo của Thiền sư Nguyễn Mạnh Thát cùng ý kiến phản hồi của Nhà nghiên cứu Lịch sử kỳ cựu Phan Huy Lê, cũng như nhiều công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác, từ đó khuyến khích ý thức tìm tòi nghiên cứu nhằm làm rõ những “góc khuất” trong lịch sử và cội nguồn dân tộc . Một lần nữa hàng loat sách sử đã được các bạn đọc tìm tòi tra cứu. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.
Nhân đây người viết xin một lần nữa nhắn nhủ các bạn đọc, đặc biệt các bạn trẻ, hãy bớt chút thời gian tìm đọc mọi thông tin liên quan đến lịch sử Việt Nam mà ngày nay rất sẵn có trên hệ thống internet, kể cả những thông tin mới khám phá của các nhà chuyên môn Việt Nam và nước ngoài. Hãy tự mình đọc hiểu và trao đổi cùng mọi người. Đó là cách tốt nhất để tự học tập và trau dồi kiến thức nhằm hiểu đúng hơn về lịch sử nước nhà. Đó cũng là một cách thiết thực để thể hiện lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam ngày nay.
Cũng xin thưa, bản thân người viết cũng chỉ là một một “người đọc sử”, và qua đọc mà nhận rằng vẫn còn rất nhiều “điểm khuất” chưa được giải mã trong toàn bộ biên niên sử của dân tộc. Chỉ tiếc rằng vẫn đang có một xu hướng tự hài lòng với những gì đã có trong sử sách cũ; thậm chí có những người làm công tác truyên truyền du lịch và cả một số nhà sử học chuyên nghiệp chỉ thích “tô son trát phấn” cho những huyền thoại mà không mấy quan tâm đến sự thật.  Hậu quả là sự mai một của những sử liệu thật và  thay vào đó bằng những “sử liệu ảo”. Xin đơn cử một ví dụ: Nhiều người Việt Nam ngày nay dần tin rằng Vua Hùng xuất phát từ Phú Thọ (vì ở đó có Đền Hùng) và quên mất gốc tích Hồ Động Đình bên Trung Quốc. Điều tương tự cũng đang diễn ra với câu chuyện Thánh Gióng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Triệu Đà*, v v… Cứ đà này thì không thể nào tránh được sự nhầm lẫn chết người  rằng nước Việt cỗ chỉ gồm châu thổ Sông Hồng và cùng lắm là từ thế kỷ thứ 7 TCN!
Tóm lại, dù là ý kiến ngược hay xuôi, tất cả cho thấy tình trạng “dân ta không biết sử ta” là có thật. Có một số nguyên nhân, cả từ hai phía người dân và nhà chức trách, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là do sách giáo khoa và tài liệu lịch sử  của ta chứa đựng quá nhiều khái niệm mơ hồ nhưng thiếu sử liệu và bằng chứng thuyết phục, do đó đã trở nên nhàm chán đối với đại đa số  người học và người đọc của ngày hôm nay. Nói cách khác là có sự bất cập trong công tác nghiên cứu, giáo dục và truyền thông liên quan đến môn lịch sử và cội nguồn dân tộc.
Thực ra đã có nhiều ý kiến bày tỏ mối lo lắng trước thực trạng bất cập của nền sử học nước nhà; và đang có nhiều nhà nghiên cứu tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ đã và thầm lặng tiến hành các công trình nghiên cứu nhằm góp phần bổ sung, bổ khuyết cho kho tàng sử liệu dân tộc mà họ quý trọng. gìn giữ. Nhưng đáng tiếc là những kết quả nghiên cứu của họ chưa thể phát huy hết tác dụng do thiếu  vai trò chủ đạo và sự ủng hộ thực chất của các cơ quan nhà nước chuyên trách. Thiết nghĩ, để giải quyết rốt ráo vấn đề này, không ai khác mà chính là các cơ quan chức năng các cấp phải tích cực chủ động “vào cuộc”. 
Liên quan đến công tác này, được biết Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại buổi gặp mặt đầu năm Tân Mão với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có ý kiến chỉ đạo rất kịp thời: “Tiếp tục những nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu những di sản, lịch sử còn ẩn chứa trong tâm hồn, nguồn cội của dân tộc Việt Nam để quảng bá, giới thiệu cho các thế hệ tiếp theo, nếu việc này bị xem nhẹ là sẽ tạo ra nguy cơ đối với sự tồn vong của dân tộc”. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Đã là lịch sử thì phải đúng sự thật, trung thực và chính xác. Đối với những vấn đề trước đây công bố chưa chính xác thì khi đã có đủ tư liệu, cần có bước đi thích hợp để đính chính lại lịch sử” **
Qua quá trình trao đổi thấy toát lên một quan niệm chung là: Đối với những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, mọi sử liệu, kể cả truyền thuyết, ca giao tục ngữ, cho đến di tích khảo cổ, khoa học sinh học và gien di truyền, v.v… đều có giá trị nghiên cứu như nhau, và không thể bị coi thường, coi nhẹ. Vấn đề là cách thức kết hợp chúng với nhau như thế nào và vận dụng phương pháp luận nào để đi tới những kết quả khách quan và chính xác nhất. Thật là sai lầm nếu ai đó chỉ vì một vài phát minh mới mà đã vội từ bỏ những sử liệu hoặc luận điểm đã có từ trước. Ngược lại cũng không ổn nếu chỉ mãi hài lòng với truyền thuyết và những gì đã được ghi chép lại trong sử sách cũ (bới chúng dù sao cũng là do con người sao chép lại nên không thể không có sai sót do vô tình hay cố ý trong quá trình biến thiên hàng ngàn năm của lịch sử). Kiến thức về lịch sử và cội nguồn dân tộc không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết về quá khứ; nó là tài sản vô giá mà từ đó mỗi dân tộc cần tự rút ra những bài học thiết thực cho mình tiếp tục hành trình vào tương lai.  
Bài học nào từ lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam?
Nếu  mỗi quốc gia dân tộc cũng có “số mệnh”, thì phải chăng số mệnh của dân tộc Việt Nam là phải chiến đấu chống ngoại xâm? Cái mệnh này gắn chặt đến nỗi mỗi con người Việt Nam sinh ra đều biết mình “có hơn 4.000 năm lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước” và thuộc lòng các niên đại bị ngoại xâm ở các thời Tần, Hán, Đường, Nguyên-Mông, Pháp, Nhật, Tàu Tưởng, Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.  
Trong số các kẻ thù xâm lược, có một kẻ mà dù muốn hay không, người Việt Nam vẫn phải chấp nhận chung sống cận kề đời đời kiếp kiếp, đó là nước Trung Quốc vĩ đại với dân số đông nhất thế giới vẫn tự phong là “vương triều” giữa thiên hạ. Lịch sử cho thấy, trong quá trình mở mang bờ cõi, nước láng giềng Phương Bắc này đã rất  thành công về hướng Nam nơi vốn đã là thánh địa của hàng trăm tộc người Bách Việt, trong đó có nước Văn Lang xưa và trở thành Việt Nam ngày nay. Nhân loại chứng kiến rất nhiều  trường hợp xâm lược và thôn tính lẫn nhau, nhưng trường hợp Hán tộc thôn tính các Việt tộc có lẽ là một trường hợp độc đáo cả về  quy mô, cung cách và tính triệt để của nó. Trong quá trình kéo dài hàng ngàn năm từ trước đến sau CN, các bộ tộc hoặc vương quốc Bách Việt đã lần lượt bị Hán tộc thôn tính và đồng hóa, chỉ còn lại Việt Nam . Tuy không bị đồng hóa nhưng Việt Nam đã bị dồn đẩy về phía Nam và bị các triều đại phong kiến Phương Bắc thay nhau đô hộ trong thời gian rất dài (được sử sách ghi là “hơn 1.000 năm”). Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng hận thù sâu sắc giữa hai quốc gia dân tộc mà trong đó người Trung Quốc thường nhìn người Việt Nam bằng con mắt miệt thị trong khi người Việt Nam luôn cảm thấy lo lắng, bất an trước sự khôn ngoan, lắm mưu sâu, kế hiểm của đối phương.  Quá trình đó cho ta ít nhất là 3 kinh nghiệm dưới đây:
Một là, mỗi khi Vương triều Phương Bắc thống nhất và mạnh lên thì họ đem quân sang chinh phạt Việt Nam. Cuộc xâm lược quy mô lớn đầu tiên diễn ra năm 218-208 TCN giữa thời kỳ hoàng kim của Nhà Tần. Hầu hết các cuộc xâm lược sau này cũng đều diễn ra vào những thời cực thịnh của các vương triều Phương Bắc. Đôi khi trong những cơn giận dữ, họ cũng mang quân “đánh hàng xóm”, như trường hợp chiến tranh biên giới năm 1979 mà nhà Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố “để dạy cho Việt Nam một bài học”. Trong mấy chục năm gần đây, hễ có cơ hội là họ “đánh lớn, đánh nhỏ” nhằm lấn chiếm biên giới và biển đảo của Việt Nam.
Lịch sử cho thấy dẫu thắng thua thì bờ cõi nước Việt Nam cũng bị dồn đẩy về phía Nam. Và  cho đến ngày hôm nay chưa có cơ sở gì để khẳng định rằng điều này sẽ không lặp lại.
 
(Bản đồ  minh họa cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc qua biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979- nguồn  Wikipedia )
Hai là, kẻ thù thường triệt để “khai thác”những thời điểm có bất hòa, bất ổn trong nội bộ Việt Nam để khởi binh xâm lược. Nhưng hễ khi nào bị xâm lược, người Việt Nam đều gác lại những bất hòa bất ổn trong nội bộ để tập trung chống kẻ thù chung.
Thiết nghĩ, là dân nước Việt không ai có quyền phủ nhận truyền thống anh hùng chống ngoại xâm. Nhưng cũng nên nhận ra rằng phải kháng chiến là một sự lựa chọn bất đắc dĩ không nên có, bởi lẽ các chu kỳ chiến tranh lặp đi lặp lại quá nhiều ắt để lại những thiệt thòi truyền kiếp đối với cả dân tộc.  
Vậy nên có một lựa chọn tốt hơn là phải chủ động thực hiện “phòng ngừa từ xa” bằng cách không tạo ra cơ hội hấp dẫn đối với giặc ngoại xâm. Đó là tập trung xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch vững mạnh, bài trừ tệ nạn quan liêu, tham nhũng, bè phái, tranh chức, tranh quyền và mọi  thói hư tật xấu trong hệ thống công quyền, trên cơ sở đó sẽ luôn giữ vững khối đoàn kết toàn dân và phát triển đất nước giàu mạnh.  Đó là phương sách thích hợp và cần thiết đối với một nước ở vị thế như nước ta
Ba là, dù thắng, bại các nhà nước Việt Nam chưa bao giờ thực sự tách khỏi “vòng cương tỏa” của cường quốc láng giềng Phương Bắc.
Lịch sử cho thấy không chỉ lúc thua mà cả lúc thắng các triều đại Việt Nam vẫn thực hiện  nghĩa vụ triều cống đối với nước láng giềng Phương Bắc, coi đó như một cử chỉ cầu hòa và chấp nhận chung sống lâu dài với họ. Có thể nói điều này đã trở thành một “quốc sách” của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên có điều trớ trêu là, phía đối phương chưa hề tỏ ra biết trân trọng quốc sách hòa hảo, phục thiện đó của dân tộc ta, trái lại còn coi đó là cử chỉ yếu hèn, nhu nhược***.
 
Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh khu vực và quốc tế ngày nay, người Việt Nam cần suy ngẫm lại về cái triết lý bạn/ thù và đồng minh, để từ đó có sự điều chỉnh hợp lý nhằm thay đổi cục diện bất lợi cho mình, trong đó cũng nên tính đến cả câu ngụ ngôn xuất xứ từ Trung Quốc: “Người không thay đổi thì ta phải thay đổi”.   
Đồng thời hãy suy ngẫm về ba điều thực tiễn: a) Dân tộc Việt Nam được và mất gì nếu cứ quẩn quanh trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc?; b) Tại sao người Việt học tập và làm việc trong môi trường Âu - Mỹ thì năng lực bao giờ cũng được phát huy tốt hơn ? c) Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có thể tồn tại độc lập và phát triển vượt bậc; tại sao Việt Nam chưa làm được điều đó? 
Đây cũng chính là vấn đề mà các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các thế hệ đi trước đã đặt ra nhưng chưa giả quyết rốt ráo được. Phải chăng là do não trạng người Việt lúc nào cũng ám ảnh nỗi mặc cảm của ngàn năm Bắc thuộc, cho mình từ họ mà ra và  lúc nào cũng chờ đời xem họ làm gì mà không dám chủ động vượt lên trước họ?
Dù sao giờ đây người Việt lại một lần nữa có quyền hy vọng dân tộc sẽ bứt phá để làm được điều mà bao thế hệ chưa làm được. /. 
 
Tài liệu tham khảo:
- Bách khoa toàn thư mở-Wikipedia với nhiều kiên kết dẫn đến các nguồn khác nhau
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim
- Bộ sách giáo khoa môn sử học phổ thông của Nhà XB Giáo Dục Việt Nam.
- Các website và blog có đăng bài viết “Lịch sử cần sự thật”trên Google
Ghi chú:
*(Trích đoạn trả lời của Hưng Đạo Vương : Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam (thuộc lãnh thổ Trung Quốc ngày nay), còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời.”…. (Xem thêm tại  Wikipedia phần nói về Trần Hưng Đạo)
**Xem thêm tại Website Dòng họ Đỗ Viêt Nam, bản tin ngày 9/2/2011
*** tham khảo các bài viết của nhà nghiên cứu  Dương Danh Di, của cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh,  phát biểu của cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, phát biểu của Giáo sư Vương Hành Lĩnh.  Tham khảo Chuyện cổ Việt Nam; một số bài viết của các tác giả nước ngoài;câu chuyện sử liệu nói Tôn Trung Sơn là người Bách Việt.