Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“SĨ”, PHẢI CHĂNG LÀ BỆNH NAN Y ?

Đinh Kì Thanh
Thứ năm ngày 17 tháng 2 năm 2011 8:36 PM
 
     Bệnh sĩ diện hão là một căn bệnh có từ lâu đời ở nước ta, chẳng thế mà trong ca dao từng có những câu thật hay, thật thấm thía truyền tụng từ xa xưa:
           Cậu Cai nón dấu lông gà
       Ngón tay đeo nhẫn thật là cậu  Cai!
           Ba năm được một chuyến sai
       Ao ngắn đi mượn, quần dài đi thuê…
 Hoặc một câu ca dao khác chế diễu anh chàng nghèo rớt song ra đường vẫn cố tỏ ra giàu sang phú quý:
       Ra đường võng giá nghênh ngang,
     Về nhà hỏi vợ:  Cám rang đâu mày?

      -  Cám rang tôi để cối xay!
      - Hễ chó ăn hết thì mày với ông !
 Xem thế mới biết cái bệnh Sĩ là một căn bệnh trầm kha, di truyền qua nhiều thế hệ dân ta và ngày nay hình như nó càng lan tràn lây nhiễm nặng trong mọi thành phần dân cư và trở thành một thứ quốc nạn  cần mạnh tay trừ diệt.
  Những biểu hiện của bệnh Sĩ ngày nay trong đời thường ta bắt gặp nhan nhản ở bất cứ nơi đâu. Nhẹ thì đó là bệnh ba hoa khoác lác một tấc tới Trời mà bà con ta thường kêu là “nổ”. Người “nổ” ít, kẻ “nổ” nhiều, có khi chỉ vì không chịu thua kém bạn bè, đồng nghiệp. Kẻ “nổ” quá lắm thì bị mệnh danh là “Giám Đốc Tổng kho Long Bình” hay hàm nghĩa Giám Đốc kho bom, đi đâu cũng cho nổ đùng đòang, văng miểng tứ tung! Sau chuyện nói phét là chuyện khóai se sua chưng diện, trước mắt mọi người thì cố gắng ăn xài thật sang để che dấu đi cảnh nghèo thật sự. Cảnh này chúng ta gặp nhiều lắm. Đó là cảnh các cậu, các cô học sinh, sinh viên hay nhân viên các công sở mà nhà ở chật chội thiếu mọi tiện nghi, nhưng ra đường thì họ chưng diện áo quần giày vớ láng lẫy, mắc tiền, cưỡi xe gắn máy thứ xịn trị giá cả vài chục  triệu đồng, cố học đòi làm ra dáng công tử, tiểu thư con nhà giàu, quý phái…hoặc “chơi” đúng điệu diễn viên phim Hàn quốc! Đáng tiếc là tất cả những thứ vỏ ngòai sang trọng đó họ phải mua sắm bằng tiền vay nợ lãi suất cao hay bằng sự đóng góp nhịn nhục chắt chiu của cả gia đình trong nhiều năm liên tục.
   Một số cô cậu choai choai khác là con em của những dân nhà giàu mới nổi nhờ buôn gian bán lận hoặc dân có chức có quyền, hốt bạc ào ào nhờ của đút lót hoặc ăn cắp quỹ công thì lại Sĩ theo kiểu ngọai quốc tức là diện tòan hàng xịn, cỡi mô tô phân khối lớn, hoặc xe hơi đời mới sớm chiều ra vô các khách sạn nhà hàng sang trọng, tối tối chơi thuốc lắc, uống rượu mạnh, say sưa nhảy nhót trong các vũ trường hoặc cặp bồ trai gái ăn chơi thác lọan tại các khu du lịch cao cấp theo kiểu đốt tiền không tiếc hay kiểu “ném tiền qua cửa sổ” mà ông bà ta vẫn gọi.
   Chơi ngông hay gồng mình xài sang  như vậy đã là đáng trách song còn chưa đáng trách bằng những kẻ chuyên lừa mình, dối người đi đâu cũng chìa “cạc vi” khoe khoang là Giám đốc, Tổng Giám Đốc, Tiến sĩ, Giáo sư, Chuyên viên cao cấp này nọ hoặc lòe bịp rằng mình là “con ông này cháu bà no” có chức cao quyền lớn… trong lúc họ chỉ là kẻ thất nghiệp, vô học hoặc không có bằng cấp, địa vị xã hội thật sự chỉ là một nhân viên làm việc hợp đồng cho một công ty tư nhân nào đó  mà thôi. Lọai này xưa cha ông ta gọi là lũ “cáo mượn oai hùm”, “trăm voi không được bát nước xáo” chỉ chuyên nghề lừa đảo, bịp bợm mà đục khoét dân lành cả tin hoặc những kẻ có tiền song thiếu hiểu biết, e ngại va chạm với các cơ quan quyền lực … Điển hình cho lọai này có thể là tấm gương của “Thuyết trăm voi” hay “Thuyết buôn Vua” trong vụ án Năm Cam đẫ từng gây chú ý cho tòan dân.
   Ngòai xã hội thì thế, còn trong các đơn vị hành chính nghiệp vụ, các tổ chức kinh tế-xã hội…bệnh Sĩ gây không biết bao nhiêu tai hại. Để tiêu chuẩn hóa cán bộ hay đề bạt công chức, người ta đòi hỏi phải có bằng cấp các lọai. Vậy là người ta ào ào ghi danh đi học song lại nhờ người khác học giúp thi dùm, mua bằng cấp gia, thậm chí đút tiền chạy học hàm, học vị giả. Vì vậy mới có ông Tiến sĩ chưa học hết Trung học, chưa có bằng Tú tài, có vị giáo sư  tiến sĩ không biết đến nửa câu ngọai ngữ dù chỉ là thứ ngọai ngữ giao tiếp phổ thông! Còn tại nhiều cơ quan đơn vị, không thiếu gì những vị Trưởng, Phó phòng chưa hề học tới lớp 6 nhưng vẫn có bằng Đại học và có Chứng chỉ ngọai ngữ lọai C tuy chưa hề biết một thứ ngữ nào ngòai ngữ  Việt. Với lọai ngọai ngữ dỏm bằng C này, anh chị em đồng nghiệp đã khen tặng họ bằng một câu giả ngọng : “Cô (cậu) ấy giỏi ngọai ngữ thật, “lói” tiếng Lào ra tiếng Ý” ! Thật là tai hại hết biết!”
   Ngay trong lãnh vực thông tin báo chí tình trạng này cũng đã xảy ra. Có vị Tổng biên tập một tờ báo, một Đài phát thanh hoặc truyền hình mà chưa hề học qua nghiệp vụ báo chí hay bất cứ một lớp đại học khoa học xã hội nào, có những vị Trưởng Ban chỉ có trình độ văn hóa lớp 3 lớp 4 nên khả năng làm việc không có đành chỉ đạo chung chung song lại có biệt tài bợ đỡ xu nịnh lấy lòng cấp trên và chuyên làm láo báo cáo hay nên vẫn cứ tồn tại rất lâu.
   Trên bình diện quốc gia, bệnh Sĩ cũng gây ra không biết bao cảnh cười ra nước mắt. Đó chính là tệ nạn “nói một đằng làm một nẻo”, là bệnh báo cáo láo nhận thành tích dỏm, là nạn lời giả lỗ thật trong kinh doanh, là nạn xuất khẩu trên giấy để nhận tiền hòan thuế xuất khẩu và tiền thưởng hàng chục tỷ đồng. Bệnh Sĩ đã dẫn tới cảnh một Khu phố Văn hóa mà vẫn đầy rác rưởi, vẫn có các ổ chích hút ma túy và bia ôm, cờ bạc, mãi dâm. Bệnh Sĩ đã dẫn tới cảnh Doanh nghiệp nọ hôm trước nhận Huân Chương Lao Động hạng Nhất hạng Nhì, hôm sau bị phát hiện ăn cắp của công, buôn lậu và trốn thuế!
  Dấu dốt, dấu đói nghèo, tự ru ngủ mình với quá khứ hào hùng cũ…cũng là một biểu hiện điển hình của bệnh Sĩ. Có tỉnh, huyện, xã…đạt danh hiệu anh hùng trong kháng chiến nay dân đói nghèo xác xơ vẫn thích khoe khoang tự hào không  chịu đổi mới cách làm ăn! Có anh chuyên gia đi dự Hội thảo ở nước ngòai không biết một câu giao dịch tiếng Anh song lại đọc tham luận với bài viết sẵn học thuộc lòng từ nhà trong vài tháng trước! Các đại biểu dự Hội thảo ríu rít khen đại biểu Việt Nam quá giỏi Anh ngữ và đua nhau tới trao đổi song anh nghe mà chẳng hiểu, chẳng biết gì dể trả lời hoặc chẳng tiếp thu được gì! Thật là một chuyện xưa nay hiếm.
   Thua kém người song không chịu chấp nhận, trái lại còn cố tìm ra những mặt yếu kém của người để chê bai và cố tìm ra những điểm khá nào đó của mình để tự hào, đó cũng là một biểu hiện tinh vi của bệnh Sĩ. Nó cũng giống y chang như chủ nghĩa A.Q tại Trung quốc mà nhà văn Lỗ Tấn đã từng phản ánh trong truyện của mình. A.Q bị đánh tơi bời thì vẫn vênh váo: “Nó đánh mình chẳng khác gì đánh bố nó. Có gì mà phải xấu hổ!”
   Chủ nghĩa A.Q tại Việt Nam cũng đã thâm nhiễm từ lâu. Thể hiện rõ nhất là trong các truyện Trạng Lợn, Trạng Quỳnh. Người ta cứ thích thú vì những lời đối đáp ngô nghê của ông Trạng, may sao lại bị sứ giả hiểu nhầm, tán dương thành những câu hóm hỉnh hoặc giàu trí tuệ.
   Còn trên bình diện quốc gia, chủ nghĩa A.Q cũng là một biểu hiện tinh vi của bệnh Sĩ chính là ở chỗ chúng ta không chịụ nhận là thua kém các nước bạn quá xa đặng tìm mọi cách phấn đấu vươn lên rút ngắn khỏang cách lại, trái lại còn cố tìm ra những yếu kém của họ đặng chứng minh rằng họ cũng chẳng hay hớm gì! Bệnh này xưạ cũng đã từng bị các cụ nhà ta lên án bằng một câu ca dao đầy mai mỉa:
              Chuột chù chê khỉ rằng hôi
         Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm!
  Bây giờ nếu chúng ta không chịu nhìn nhận thực tiễn của thế giới, lại cứ chăm chăm vạch lá tìm sâu để chê bai các nước bạn hơn hẳn mình thì chúng ta cũng sẽ mãi mãi chịu thua kém, lạc hậu và đói nghèo và chỉ có thể tự ru ngủ mình, lừa dối mình bằng những giấc mơ không tưởng!
  Cho tới nay, khi thế giới đang chuyển biến hàng ngày hàng giờ và đang đi vào thiên niên kỷ mới với các thành tựu kỳ diệu về khoa học kỹ thuật, với cung cách làm ăn kinh tế đầy hiệu quả song trong chúng ta vẫn không thiếu những người bỏ thời giờ đi làm các thống kê xã này, huyện nọ có bao nhiêu phần trăm số hộ gia đình đã có đèn điện, xe đạp, máy thu thanh, hố xí hai ngăn, nhà tắm… để chứng minh rằng ta đã và đang giàu có, văn minh… thì quả thực là quá thiển cận, mỉa mai!
  Chống bệnh Sĩ phải dùng những liều thuốc mạnh. Phải đòi hỏi mọi người biết cách sống trung thực, lành mạnh, trong sáng, khiêm tốn và thực sự cầu thị. Trước hết là phải biết xấu hổ, tủi nhục để cố mà vươn lên phấn đấu bằng người. Sau nữa là phải biết xóa bỏ tập quán xấu, lạc hậu, cam phận đói nghèo mà luôn tự kiêu mình lành mạnh thanh cao. Phải cố học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, chịu chấp nhận chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến đặng nâng cao hiệu suất lao động, nâng cao năng lực sản xuất ra của cải vật chất tinh thần, làm giàu cho mình và cho đất nước tạo điều kiện cải thiện đời sống cho gia đình mình và cho cả quốc gia. Có như thế chúng ta mới có dịp mở mặt mở mày cùng thiên hạ.
   Dũng cảm nhìn vào thực tế, xác định rõ đất nước đang có nguy cơ tụt hậu, thua kém quá xa các nước bè bạn gần xa, nhận chân được vị trí thấp kém của nước mình hiện đnam trong bảng “top ten” phía dưới cùng của trật tự kinh tế thế giới, có vậy chúng ta mới có quyết tâm gồng mình phấn đấu gian khổ để xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, nâng cao dần mức sống tòan dân, cần kiệm xây dựng đất nước để thay đổi dần bộ mặt kinh tế-xã hội quốc gia và cũng dần dần nâng cao vị thế dân tộc ta trên diễn đàn thế giới./.