Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“ẢO ẢNH” CỦA TRƯƠNG ĐĂNG DUNG, HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM CÔ ĐƠN GIỮA CUỘC ĐỜI VÔ NGHĨA

Hồ Tấn Nguyên Minh
Thứ sáu ngày 18 tháng 2 năm 2011 2:27 PM

    Hồ Tấn Nguyên Minh
Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên
Đọc bài thơ “ Ảo ảnh” của Trương Đăng Dung, ngay từ nhan đề đã gợi lên một cái gì mong manh, xa vời, hư ảo. Cuộc đời là một tuồng ảo hóa. Hạnh phúc, tình yêu chỉ như những ảnh hình không có thật. Chính vì thế mà hành trình của con người trong kiếp nhân sinh trở nên bơ vơ, lạc loài với một sự bấn loạn trong nội tâm:

“Bao năm rồi anh tìm em
trong những bình minh không có mặt trời  
trong những lâu đài chỉ có cánh dơi
trong những giấc mơ không đầu không cuối
Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời
sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,
anh hỏi ngọn núi
núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi
anh hỏi con người
người trả lời anh bằng nước mắt rơi”
 Cuộc kiếm tìm ở đây được đặt trong một không gian hoang phế, rệu rã, ma quái với “ những bình minh không có mặt trời”, “ những lâu đài chỉ có cánh dơi”, “ những giấc mơ không đầu không cuối”. Thế giới trong thơ Trương Đăng Dung là vậy. Đó là một nơi tối tăm và trì đọng, phi lý và bất an, một cõi người xù xì, gân guốc với  đầy rẫy những điều khủng khiếp và tởm lợm. Cách nhìn ấy có lẽ ít nhiều mang dấu ấn của F. Kafka ( Nhà văn vĩ đại mà Trương Đăng Dung đặc biệt yêu mến) và cũng ít nhiều mang cảm quan của chủ nghĩa hậu hiện đại. Giữa một thế giới đổ vỡ và hỗn tạp như thế, con người chừng như bị bỏ rơi. Không hy vọng, không niềm tin, không nơi bấu víu, không một lời đồng cảm sẻ chia, con người mang trong mình một khối cô đơn khổng lồ. Nói như J.P. Sartre: “ được ném vào thế giới hiện sinh như một thách thức, con người là một thực thể đơn côi, bé nhỏ và bơ vơ”. Muôn đời “ sông chỉ biết trôi”, muôn đời “ núi chỉ biết ngồi”. Còn loài người ư ? Bao đau khổ, lo toan làm thành nước mắt. Vậy “ em” ở đâu? Hạnh phúc ở chốn nào? Ai trả lời “anh” câu hỏi ấy? Hành trình kiếm tìm chừng như tuyệt vọng. Con người chìm vào bi kịch cô đơn. Để rồi trên con đường mờ mịt ấy, chợt nhận ra rằng cuộc đời là vô nghĩa. Sự tồn tại của kiếp người chỉ như ảo ảnh, ngắn ngủi vô thường như áng mây trôi:
“Thôi em đừng khóc
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ
bàn tay ta bất động giữa đất dày
bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy”
Những câu thơ phảng phất tinh thần của Vạn Hạnh Thiền Sư: “ Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô” ( Thân như bóng chớp có rồi không/ Cây cối xuân tươi thu não nùng), phảng phất tinh thần của Nguyễn Gia Thiều trong khúc ngâm “ Cung oán”: “ Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy/ Kiếp phù sinh ngó thấy mà đau/ Trăm năm có nghĩa gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Viết những câu thơ trên, Trương Đăng Dung thể hiện được sự chiêm nghiệm sâu sắc của mình về quy luật cuộc đời, về ý nghĩa kiếp người, về sự chóng vánh ngắn ngủi của thời gian trần thế. Thấu hiểu sâu sắc điều này, nhà thơ vẫn mong: “Em ở lại / một lần nữa cùng anh trong mùa trăng sắp lụi”. Để “ anh” và “ em” “cùng nghe tiếng muôn loài hấp hối/ tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi”, để “ Anh nhìn vào mắt em / thấy hình anh ở đó”, để khi không còn tồn tại, anh vẫn  nhìn thấy em với những ảnh, những hình. Dẫu biết kiếp người như  ảo ảnh, dẫu biết chân nghĩa cuộc đời mờ mịt xa xôi , con người vẫn không dừng chân, vẫn không ngừng tìm kiếm, vẫn trông chờ vào hạnh phúc và tình yêu.
 Trương Đăng Dung thường nói, ông làm thơ từ những trăn trở, suy tư tận thẳm sâu tâm hồn mình, từ những thôi thúc bên trong không thể không giãi bày. Bài thơ “ Ảo ảnh” có lẽ cũng được viết ra từ sự thôi thúc bên trong ấy. Đó là những boăn khoăn, day dứt của nhà thơ về con người trong hành trình kiếm tìm cô đơn giữa cuộc đời vô nghĩa.