Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔN LẠI LỜI THƠ TIÊN ĐOÁN…

Nguyễn Đăng Minh
Thứ tư ngày 9 tháng 2 năm 2011 5:49 PM
Vui Xuân Tân Mão, xen vào đó có điều trăn trở về Quê hương, Đất nước thì bạn hãy ôn lại đọan thơ chúc tết của cụ Tú Xương – Nhà thơ bên bờ sông Vị Xuyên nổi tiếng của đất Nam Định: ”… Lẳng lặng mà nghe nó chúc con/ Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn/ Phố phường đông đúc, người chật chội/ Bồng bế nhau lên nó ở non”…

Nếu đơn cử một người ở vào tuổi sáu mươi (60 tuổi) để nhìn nhận vấn đề dân số và di cư ở nước ta thì sẽ thấy cực nhiều vấn đề khi nhận biết dần từ năm mười tuổi (10 tuổi) cho đến nay vừa tròn năm mươi năm: Diện tích đất dân cư ở ngày một lớn, đất canh tác, đất rừng bị thu hẹp. Cách đây 50 năm, các làng xóm, thành thị xa nhau lắm thì nay gần nhau lắm, bởi các Quốc lộ, tỉnh lộ  đều được băm nhỏ ra đặt tên đường phố; lấy Quốc lộ 5 làm chứng thì bắt đầu từ vườn hoa gần cầu đường sắt vượt Quốc lộ 1 cũ (nay là đường Nguyễn Văn Cừ) kéo dài nhiều cây số đến thị trấn Sài Đồng là đường Nguyễn Văn Linh… Thành phố Hải Dương, Quốc lộ 5 cũng được chia ra nhiều đoạn để đặt tên như: đường Hoàng Ngân… Có đường phố là có nhà cửa buôn bán tấp nập và thế là giao thông đi lại khó khăn, tai nạn khó lường… Sẽ nảy sinh thủ tục hành chính, số người quản lý hành chính ngày một đông. Cụ Tú Xương ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ - Vựa thóc lớn nhất nhì cả nước đã dự đoán người càng sinh sôi nẩy nở như lời chúc nhau của các nhà giàu có thì chúng nó ắt có ngày phải bồng bịu nhau lên núi non, rừng thiêng nước độc mà ở… Nếu cụ Tú Xương còn sống đến tết con Mèo này thì cụ đã lầm to khi đến thăm vùng núi cao Mù Căng Chải mà ở đây có một sa bàn ruộng bậc thang đẹp đến hút hồn. Sẽ nhận ra thực tế nơi đây đất chật, người đã đông; diện tích trồng lúa của ruộng bậc thang đã tận dụng tối đa trên các sườn núi cao và dốc chỉ được vài m2. Diện tích trồng lúa trên ruộng bậc thang không nuôi đủ no số người ngày một sinh sôi, nên phải phá vào rừng nguyên sinh ngày càng cạn kiệt… Và, cũng không đủ miếng ăn, áo mặc. Một bộ phận các tộc người nơi đây đã phải di cư vào dãy Trường Sơn xa xôi, cách trở và cả đảo Phú Quốc cực nam của Tổ quốc.

Khi luận bàn đến lời tiên đoán trong đoạn thơ chúc tết của cụ Tú, có nhiều người trách Cụ là đã biết trước như thế mà không bày cho các bậc hậu sinh cách quản lý di dân cho có tổ chức khoa học như nhiều nước họ đã và đang làm là quy hoạch vùng kinh tế có tính toán lâu dài, rồi xây dựng cơ sở vật chất, mới điều tiết số dân cư đến lập nghiệp… Đằng này, Cụ lửng lơ: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc con/ Sinh năm, đẻ bảy được vuông tròn/ Phố phường đông đúc người chật hẹp/ Bồng bế nhau lên nó ở non”, để đến bây giờ con cháu chắt của Cụ vẫn bồng bế nhau di cư khắp nơi trong cả nước và sang cả nước ngoài bằng đường chính ngạch, tiểu ngạch và cả đường chui lủi…

Nguyễn Đăng Minh