Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“AI LÊN XỨ LẠNG…”

Thanh Ứng
Thứ ba ngày 8 tháng 2 năm 2011 1:40 PM

(  Quý mến gửi tặng cô giáo Đoàn Thị Tĩnh-Lạng Sơn)
 
Lạng Sơn bây giờ hấp dẫn du khách cả nước không chỉ có Đồng Đăng, Kỳ Lừa, “có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”… mà còn là nơi có nhiều chợ buôn bán sầm uất, giao lưu thương mại hàng hoá với đất nước Trung Hoa rộng lớn. Ngoài “cảng nổi” Đồng Đăng có tiếng từ những năm 70 của thế kỷ trước, người ta còn muốn được chen vai, nhìn ngắm, bán mua ở các chợ Đông Kinh, Tân Thanh,… và bao nhiêu tụ điểm trung tâm thương mại khác trên đất Lạng. Nhưng còn có một Lạng Sơn mà từ trong suối nguồn xa thẳm của lịch sử, của truyền thống, của ca dao dân ca… vẫn dâng đầy trong tâm hồn người dân xứ Lạng và làm mê đắm lòng bao khách thập phương từ mọi miền tới chiêm ngưỡng, du khảo. Suối nguồn lịch sử văn chương đó đã là dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn cô gái Tày Đoàn Thị Tĩnh ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng từ hồi bé thơ. Yêu văn, thích đọc sách, nhất là những câu chuyện về mảnh đất Chi Lăng anh hùng quê cô và những giai thoại, thần tích về những chùa, những thắng cảnh nổi tiếng của xứ Lạng, cô học trò đã cố gắng học văn và thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm ngành Ngữ Văn. Như một mối tâm duyên, sau bốn năm học tập nghiên cứu tại trường Đại học, Đoàn Thị Tĩnh tốt nghiệp ra trường và về làm cô giáo dạy văn tại trường Trung học Phổ thông Chi Lăng ngay chính huyện quê hương cô. “Cái thuở ban đầu…” đối với một cô giáo trẻ, trên bục giảng có bao nhiêu xúc động, bỡ ngỡ. Tình yêu văn chương, yêu mảnh đất Chi Lăng lịch sử và có phần năng lực truyền đạt đã giúp cô sớm hoà nhập với bộ môn, với môn văn học của nhà trường Phổ thông Trung học lúc bấy giờ. Những áng văn chương của cha ông, của các thế hệ kế tiếp vừa hùng tráng, vừa tha thiết, thấm đượm khí phách và tâm hồn Việt Nam qua giọng nói truyền cảm của cô đã trở nên sống động có sức cuốn hút các lớp học sinh ngay những ngày đầu của các năm học. Từ nỗi đau của Nguyễn Phi Khanh đến hào khí ngất trời của Cáo Bình Ngô, từ điệu ru con bao đời “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa…” đến câu sili xanh xứ Lạng, đến những đồi hoa mua, sông Kỳ Cùng, điệu kèn lá… đã trở thành máu thịt thân thương với cô, với Chi Lăng, với xứ Lạng của cô. Cô say mê và tìm biện pháp truyền đạt cho các em học sinh vẻ đẹp cao quý đó của văn chương và cũng là của tâm hồn các dân tộc Việt Nam. Cô học tập các đồng nghiệp đi trước những kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài niềm say mê, cô hiểu rằng: phải có kiến thức và khả năng thu hút học sinh vào các bài giảng, các giờ luyện tập, các buổi ngoại khóa. Những học sinh giỏi cô có công bồi dưỡng đều là những học sinh biết vượt lên khó khăn, say mê học tập và có khát vọng được sáng tạo, hiến dân. Năm 1983, cô trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ năm đó, năm nào cô cũng có học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi văn cấp tỉnh và được tuyển thẳng vào Đại học. Năm 1983: 3 em, năm 1984: 4 em, năm 1988: 3 em, năm 1990: 1 em. Đó là phần thưởng thật quý giá đối với một cô giáo trẻ còn chưa nhiều tuổi nghề và kinh nghiệm cũng chưa có là bao. Song, điều Đoàn Thị Tĩnh bằng lòng hơn cả là cô không quên những học trò nghèo, những học trò yếu kém. Cô đã bỏ nhiều công sức để tập trung giúp đỡ các đối tượng học sinh này: từ việc quan tâm tới học sinh học sách giáo khoa, đọc tài liệu tham khảo đến khâu nghe giảng, ghi bài ở trên lớp, từ việc phân tích đề bài, thể hiện vấn đề khi nói, khi viết, đến việc hoàn thành một bài tập làm văn hoàn chỉnh, Tĩnh đều tận tình chỉ bảo từng học sinh với những biện pháp cụ thể… Nhờ thế nhiều em kém văn cũng đã học được và bảo đảm đỗ tốt nghiệp môn văn, có em vươn lên khá giỏi. Làm bí thư Đoàn trường rồi từ năm 1984 được đề bạt Hiệu phó phụ trách chuyên môn, Đoàn Thị Tĩnh nhận thức được bản thân cần tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn để có thể chỉ đạo toàn trường nâng cao chất lượng giảng dạy chung của nhà trường. Thời kỳ đó nhiều phương pháp cải tiến được giáo viên hưởng ứng, song chưa có định hướng rõ rệt và những biện pháp hiệu quả nên nhiều tổ chuyên môn, nhiều giáo viên còn băn khoăn: Lấy học sinh làm trung tâm thì vai trò chủ động hướng dẫn của giáo viên như thế nào? Phát huy tính tích cực của học sinh có phải cứ đặt ra liên tiếp các câu hỏi để hết học sinh này đến học sinh khác trả lời một cách thiếu chọn lọc, thiếu suy nghĩ làm cho bài giảng không còn được tập trung vào kiến thức cơ bản? Làm thế nào để các giờ học có tác động thực sự đến tâm hồn và trí não học trò?... Đó là những vấn đề mà cô giáo Đoàn Thị Tĩnh luôn trăn trở đặt ra và từng bước tháo gỡ. Từ năm 1992, khi trở thành hiệu trưởng, những vấn đề cô nung nấu bao năm được thực thi với nhiều biện pháp đồng bộ có sự chỉ đạo chặt chẽ của chi bộ, sự hợp lực thống nhất của các đoàn thể và đội ngũ giáo viên. Làn sóng đổi mới trong giáo dục được dậy lên. Có nhiều câu hỏi được đặt ra với người quản lý giáo dục ở cơ sở mà Đoàn Thị Tĩnh đã nhiều đêm suy nghĩ để tự mình tìm ra hướng đi cho bản thân và cho tập thể. Liệu chương trình, sách giáo khoa đã thực sự đổi mới chưa? Sao giáo viên còn kêu là chương trình quá tải, sách giáo khoa nặng? Trình độ giáo viên hiện nay đã đủ sức để tiếp nhận và làm chủ được khối lượng kiến thức nêu ra trong chương trình và sách giáo khoa chưa? Học sinh, nhất là học sinh dân tộc vùng quê Tĩnh tiếp thu với những vấn đề này như thê nào? Giáo viên có những biện pháp gì để giúp đỡ các em. Bể kiến thức thì mênh mông mà sức thày trò thì có hạn. Khắc phục tình trạng này không có cách gì tốt hơn là phải nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, cải tiến phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tế học sinh ở địa phương. Đoàn Thị Tĩnh cùng các đồng nghiệp tận dụng triệt để chương trình, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ của Bộ. Cố gắng để chương trình, tài liệu này thực sự có lợi ích thiết thực đối với giáo viên các bộ môn của nhà trường. Nhà trường, các tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức dự giờ thăm lớp theo chuyên đề hoặc độ xuất để cùng tìm ra những giải pháp thích hợp cho việc cải tiến phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh miền núi Chi Lăng. Đồng thời chính quyền, công đoàn khuyến khích và có chính sách hỗ trợ giáo viên học lên trình độ cao hơn. Bản thân Tĩnh đã theo học lớp tại chức cử nhân xây dựng Đảng và quản lý nhà nước và thi tuyển vào học quản lý giáo dục để có trình độ Thạc sỹ. Tập thể giáo viên trường Trung học Phổ thông Chi Lăng từ khi Đoàn Thị Tĩnh làm hiệu phó rồi lên hiệu trưởng đã trở thành một tập thể đoàn kết có trình độ chuyên môn vững, biết vận dụng các phương pháp sư phạm vào viện giảng dạy, giúp đỡ học sinh. Sức mạnh tập thể của giáo viên trường đã tạo nên chất lượng toàn diện của trường Trung học Phổ thông Chi Lăng. Nhà trường có nhiều giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp trường. Nhiều tập thể tổ chuyên môn, phục vụ là đơn vị lao động tiên tiến. Số học sinh tốt nghiệp hằng năm đạt tỉ lệ cao so với tỉnh Lạng Sơn. Trường trở thành trường điểm cấp tỉnh, chỗ dựa đáng tin cậy cho công tác chỉ đạo của Sở và là địa chỉ thân quen của nhiều cơ sở giáo dục, giáo viên trong tỉnh Lạng Sơn đến trao đổi, học tập kinh nghiệm. Cô giáo Đoàn Thị Tĩnh được bầu vào hội đồng nhân dân huyện, là huyện uỷ viên huyện uỷ Chi Lăng, rồi là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Là một giáo viên dạy giỏi văn nhiều năm, có thành tích trong công tác quản lý giáo dục, được đồng nghiệp tin yêu, quý mến, phụ huyng kính nể… năm 1997, cô giáo Đoàn Thị Tĩnh được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà Giáo Ưu Tú.
Mười tám năm gắn bó với môn văn và nhà trường phổ thông đã giúp cho Đoàn Thị Tĩnh nhiều bài học quý giá. Lòng yêu quê hương Chi Lăng thân thương, tình yêu văn chương, yêu nghề thày giáo, yêu mái trường và yêu các em học sinh… đã giúp cho Đoàn Thị Tĩnh có năng lực và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo, một nhà sư phạm được quần chúng tin yêu, ủng hộ. Chính vì thế, khi rời xa môi trường sư phạm, được chuyển về công tác tại Sở Giáo dục Đào tạo Lạng Sơn, giữ chức trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, được bầu làm bí thư chi bộ tổ chức thanh tra, uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan sở, chị luôn giữ vai trò gương mẫu, trung tâm đoàn kết trong phòng và cơ quan sở. Từ cơ sở lên, chị thấu hiểu những vất vả, khó khăn, những nguyện vọng chính đáng, mặt mạnh, mặt yếu của đội ngũ giáo viên các cấp của tỉnh Lạng Sơn. Làm công tác tổ chức cán bộ không chỉ sắp xếp, điều động mà còn biết phát hiện năng lực, bồi dưỡng những cán bộ giáo viên nòng cốt trong ngành góp phần xây dựng các tập thể giáo viên mạnh ở các trường. Đội ngũ giáo viên mạnh về chất lượng, đủ về số lượng… sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của tỉnh Lạng Sơn và của các huyện, thành phố trong tỉnh. Bảy năm làm trưởng phòng Tổ chức cán bộ sở, gắn bó mật thiết với đội ngũ giáo viên trong tỉnh, Đoàn Thị Tĩnh luôn tâm niệm một điều: Trên nền tảng đạo đức chính trị, trình độ chuyên môn của giáo viên cần được nâng cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong hoàn cảnh đất nước hội nhập quốc tế và khu vực. Từ năm 2005, Đoàn Thị Tĩnh chuyển sang làm trưởng phòng Giáo dục Trung học của sở cũng là năm giáo dục cả nước có nhiều những hoạt động chuyên môn sôi nổi: công cuộc cải cách, chỉnh lý chương trình sách giáo khoa ở các cấp, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông ở giai đoạn được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội, được trao đổi sôi nổi trong đội ngũ giáo viên các trường. Nhận thức của giáo viên về vấn đề này chưa được quán triệt tích cực, một số giáo viên bỡ ngỡ, lúng túng trước những vấn đề mới của chương trình, sách giáo khoa. Là trưởng một phòng chuyên môn quan trọng, lại là uỷ viên ban chấp hành Đảng bộ sở, bí thư chi bộ ghép giáo dục Trung học vào Khảo thí, Tĩnh tham mưu với lãnh đạo sở nhiều vấn đề thiết thực góp phần xây dựng củng cố đội ngũ giáo viên, giúp giáo viên nhận thức được đúng quan điểm đổi mới của ngành và có biện pháp tích cực đóng góp vào kết quả bước đầu vào sự nghiệp đổi mới đó. Muốn vậy phải có sự chuyển mình toàn diện trong nhận thức cũng như trong hành động: Ngoài việc củng cố, xây dựng đội ngũ giáo viên, cần tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị thí nghiệm, thư viện và tạo được những cảnh quan sư phạm cho các nhà trường. Nhận thức của các cấp uỷ chính quyền về giáo dục là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới giáo dục của địa phương. Cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và tình trạng học sinh không đạt chuẩn lên lớp, đuợc gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, dân chủ - kỷ cương – tình thương – trách nhiệm…” trở thành cuộc vận động lớn trong toàn ngành giáo dục Lạng Sơn mà ngành giáo dục Trung học góp một phần quan trọng. Chính vì thế hai năm học 2004-2005, 2005-2006 Lạng Sơn được Bộ khen tiêu chí giáo dục trung học và các năm 2006-2007, 2007-2008 phòng được Uỷ ban Nhân dân tỉnh công nhận là tập thể tiên tiến. Có thể nói, trưởng phòng Đoàn Thị Tĩnh được anh em trong phòng “tâm phục, khẩu phục”, được đồng sự yêu mến, được lãnh đạo sở tin cậy và được các cơ quan của tỉnh biết đến và quan tâm.
Ngành giáo dục Lạng Sơn đã bước vào năm học mới – năm học 2008-2009 với nhiều quyết tâm, nhiều hứa hẹn mới. Các thày cô giáo, các em học sinh đã sẵn sàng hành trang để vượt qua thử thách phấn đấu hoàn thành năm học có nhiều ý nghĩa này. Tuy nhiên, có điều gì như một sự thiếu vắng xa xôi: cô giáo, cô hiệu trưởng, đồng chí trưởng phòng Tổ chức cán bộ, trưởng phòng Giáo dục Trung học của sở Giáo dục Đào tạo Lạng Sơn không ở ngành giáo dục nữa. Cô đã chuyển ngành và được lên một chức vụ mới cao hơn. Dù ở đâu, bao giờ, Đoàn Thị Tĩnh vẫn là cô gái xứ Lạng, là cô giáo viên văn tận tuỵ, một nhà quản lý giáo dục tâm huyết, một cán bộ chỉ đạo cụ thể, thiết thực: MỘT NHÀ GIÁO ƯU TÚ.
Bây giờ, “Ai lên xứ Lạng…” muốn gặp cô giáo Đoàn Thị Tĩnh ngày xưa hãy đến sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn, cô giáo Đoàn Thị Tĩnh đã là phó Giám đốc sở Nội vụ tỉnh. Chức vụ cao, nặng nề nhưng Đoàn Thị Tĩnh vẫn là cô giáo văn, là người hiệu trưởng, là bạn đồng nghiệp của các nhà giáo chúng ta, vẫn gần gũi và khiêm nhường. Như bao phụ nữ khác, cô biết trân trọng những gì mình đang có: một trọng trách với xã hội, một nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ vẹn tròn với hai đứa con của một gia đình “bình dị, yên ổn và hạnh phúc”. Đó là bằng khen, danh hiệu quý giá nhất mà CUỘC SỐNG ban tặng chị. Chúc mừng cô giáo Đoàn Thị Tĩnh.