Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỤC BÁT VỚI THƠ ĐƯỜNG

• Trương Thiếu Huyền
Thứ năm ngày 10 tháng 2 năm 2011 6:58 PM


         Xuân này, từ tỉnh Vĩnh Phúc, Vũ Khánh đã gửi tặng các bạn thơ Quảng Ninh tập thơ Đường mà anh dịch ra thể lục bát với nhan đề “Lục bát với thơ Đường”. Tập thơ do NXB Văn học ấn hành, giấy phép 12-2010, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1-2011.
         Vũ Khánh sinh năm 1962, quê xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, vốn là thầy giáo dạy lịch sử tại Trường THPT Tiên Yên những năm 80 của thế kỷ trước, hiện công tác tại Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc.
         Với Vũ Khánh, những tháng năm dạy học ở Tiên Yên như được sống nơi “viễn xứ”, “biên ải”... Và cũng chính ở đây Vũ Khánh đã có những người bạn tri âm tri kỷ cùng yêu văn chương. Trong những lần bầu bạn thù tạc ấy, thơ Đường được đọc lên, gợi cảnh xa xăm, nhớ quê, gặp gỡ, chia tay...
         Những năm gần đây, Vũ Khánh còn hứng thú với “cuộc chơi” diễn đàn trên mạng internet về thơ Đường. Ngược với những hăm hở của cuộc sống thị trường hôm nay, Vũ Khánh luôn dành cho thơ Đường những khoảng trà dư tửu hậu thăng hoa. Tại “Cùng bạn đọc” của tập sách, anh viết: “Đã nhiều người dịch thơ Đường và sẽ còn nhiều người dịch nữa. Chúng ta đã có những bản dịch được xem là “Vô tiền khoáng hậu” của Phan Huy Vịnh, Tản Đà, Ngô Tất Tố...”.
         Dịch thơ Đường, với Vũ Khánh chỉ khiêm tốn là chia sẻ cách hiểu, cách tiếp cận Đường thi của mình. Trong số những bạn cố tri ở Tiên Yên, anh Nguyễn Tiến Khang vẫn thường xuyên cùng Vũ Khánh "nối mạng" đàm đạo Đường thi. Ngoài ra, tập “Lục bát với thơ Đường” còn được phong phú thêm bởi có những họa tiết, minh họa độc đáo, rất đặc trưng văn hóa Trung Hoa trong “Đường thi tam bách thủ”, tuyển tập thơ Đường nổi tiếng nhất mà tôi, trong dịp du học ở Trung Quốc, mua tặng anh. Có thể nói, “Lục bát với thơ Đường” được hình thành ở tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng có sự chung đúc, hội tụ tâm sức từ vùng “biên ải” Đông Bắc Tổ quốc.
         Nếu với người Việt Nam, lẩy Kiều như một nét đẹp truyền thống trong đời sống thi ca, thì với người Trung Quốc, Đường thi cũng như vậy. “Thục độc Đường thi tam bách thủ/ Bất hội tả thi dã hội ngâm” (Đọc thuộc ba trăm bài thơ Đường/ Không biết làm thơ cũng biết ngâm thơ). Không chỉ ở Trung Quốc, giá trị Đường thi đã trở thành chuẩn mực thẩm mỹ ở nhiều nước từng dùng Hán tự. Và thật thú vị là cái cốt cách của thơ Đường thực sự chỉ toát lên khi đọc lên qua âm Hán Việt, có nghĩa là với tiếng Trung Quốc hiện đại cũng không có được. Ngay cả người Trung Quốc muốn hiểu rõ Đường thi cũng phải biết điều này.
         Yêu và dịch thơ Đường ra tiếng Việt thì nhiều người làm, nhưng dịch cả tập thơ chỉ với một thể lục bát như “Lục bát với thơ Đường” có lẽ là trường hợp hơi hiếm. Nhà thơ Ngô Mai Phong, một người cũng rất hâm mộ thơ Đường, có cho chúng tôi xem cuốn “Đường thi” (NXB Tân Việt, 1950) gồm 336 bài, do Trần Trọng Kim dịch, hầu hết cũng bằng thể lục bát. Phải chăng có một điều gì đấy “tương hợp” giữa thơ Đường, một thể thơ “bác học” của người Trung Hoa với lục bát, một thể thơ bình dân của người Việt? Hay như Vũ Khánh, “những bản dịch Đường thi đến độ được người ta nhớ, người ta thuộc, người ta ngâm ngợi, lại là cái điệu phong dao 6/8 bình dân mà sang quý xứ ta. Kể cũng lạ”.
      Quả vậy, kể cũng lạ khi thơ Đường lại rất hợp với lục bát.
Xuân ca
(Lý Bạch)
Tần địa La Phu nữ,
Thái tang lục thủy biên.
Tố thủ thanh điều thượng,
Hồng trang bạch nhật tiên.
Tàm cơ thiếp dục khứ,
Ngũ mã mạc lưu niên.
 
Dịch thơ:
La Phu cô gái đất Tần
Bên bờ nước biếc chuyên cần hái dâu
Cành xanh tay vịn trắng phau
Má hồng trong nắng ra màu xinh tươi
Tằm mong, thiếp phải về thôi
Cái ông thái thú đôi hồi mà chi!
 
Thái liên khúc (nhị kỳ)
(Vương Xương Linh)
Hà diệp la quần nhất sắc tài,
Phù dung hướng kiểm lưỡng biên khai.
Loạn nhập trì trung khan bất kiến,
Văn ca thủy giác hữu nhân lai.
 
Dịch thơ:
Lá xanh lẫn với quần là
Má hồng lại lẫn với hoa sen hồng
Đầm kia có thấy mà trông
Nghe ca mới biết bên trong có người.
 
Thanh Minh
(Vương Vũ Xứng)
Vô hoa vô tửu quá Thanh Minh
Hứng vị tiêu nhiên tự dã tăng
Tạc nhật lân gia khất tân hỏa
Hiểu song phân dữ độc thư đăng.
 
Dịch thơ:
Thanh minh hoa rượu suông tình
Sư kia thú vị như mình cũng nên
Tối qua xin lửa nhà bên
Sớm nay đọc sách dưới đèn bên song.