Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SÓNG SÁNH GIỌT BUỒN

Đỗ Đức
Thứ năm ngày 10 tháng 2 năm 2011 8:44 PM


Mấy năm nay, vào ngày cận tết Hùng râu lại đem tặng tôi chai rượu hoa cúc và cũng là tiện để lấy ở tôi con giáp của năm về treo ngày tết. Tết nào tôi cũng vẽ con giáp cho vài bạn bè thân thiết chơi. Cánh văn nghệ hay làm những việc mà những người quen nghề kiếm tiền thời nay cho là lũ hâm.
 Thôi trở lại  chuyện rượu. Rượu này cũng là do bạn cố tri của Hùng râu làm. Tôi vốn không rành về rươu nhưng khi nghe  Hùng kể cho nghe kĩ về các công đoạn chế rượu, và loại cúc nào người ta mới làm được rượu, thấy nó rối mù và cũng điệu nghệ như vẽ tranh viết văn làm thơ vậy. Trông chai rượu anh mang lên cũng giống như muôn vàn chai rượu khác nhưng anh bảo là đặc biệt, rượu đã hạ thổ  ba năm, uống nó để tiếp nhận khí lực từ đất mẹ chứ không phải là thứ uống lấy say. Mắt tôi xanh lè nghĩ về nó, có lẽ giống thứ tiên tửu trong sách  chưởng hoặc chỉ có trong cõi Hồng lâu mộng. Vậy mà chai rượu quí đó lại có ở trong nhà tôi … Mở nút chai, hương cúc lan  thoang thoảng khắp  ba gian nhà. Năm trước có mấy bợm rượu đến, đem ra định nhè cho mỗi lưu li một chén hạt mít , nào ngờ chúng vật ra uống sạch, khen ngon đứt lưỡi, trong khi thằng cắp ô của Tây chúng không thèm ngó tới. Thế tôi mới tin rượu cúc Hùng râu cho là quí thật. Có lẽ rượu này  phải được nằm trong sách đỏ!
Hùng  râu bạn tôi là dân làm báo viết lâu năm. Đã là dân làm báo già đời thì chui rúc đủ chỗ, quen với đủ dạng người từ chị quét rác đến ngài bộ trưởng, thừa biết đủ ngóc ngách cuộc đời từ cái xấu xa biển lận đến cái cao thượng, chỉ có điều cần nói ra không và nói vào lúc nào, và  ai cho nói thế thôi, chứ chai rượu cúc thì mùi mẽ gì. Nhất là hắn cũng là loại uống rượu thành thần, chỉ ngửi qua là biết độ cồn trong rượu, nên kiếm chai cúc xịn hoặc bất cứ rượu gì ở nuớc Nam ta với Hùng là  không khó.
Nhưng hôm nay đặt chai rượu xuống lại thấy Hùng thở hắt ra:” Buồn ông ạ. Chai này là chai cuối cùng tôi có để biếu ông, năm sau không có đâu”. Tôi chưa kịp phản ứng để hỏi lí do thì anh tiếp luôn: “Cả khu nhà  và mấy sào vườn bạn tôi sau tết phải dâng cho một qui hoạch địa ốc rồi, anh ấy bảo thế. Rồi anh ấy  cười như mếu, bảo  chẳng biết rồi có tìm được dăm sào đất ở chỗ tái định cư để trồng hoa cúc không. Họ lấy đất xây chung cư cao cấp nhưng lại đền bồi tiền theo giá ngoại ô, đất ruộng chỉ đền bù hoa lợi”.
Lại nhớ một lần nghe tranh luận trong lãnh đạo, một bác cao cấp cán lướt như đang nã AK ở chiến trường: “Đã làm thì phải có sai có đúng, cứ phải chiến đấu thôi”! Ông thứ hai  thì điềm đạm một cách mù mờ: “Phát triển có cái được thì phải có cái mất chứ”, nghe rất biện chứng. Nhưng cái quan trọng nhất ai được ai mất thì bác lại chẳng rõ ra. Vậy  thì xin nói toạc ra cho dễ hiểu, phát triển như kiểu  khu đô thị Nam Thăng Long thì được là các nhà đầu tư  còn dân mất đất, dân tộc mất vùng văn hóa đào  truyền thống. Bạn của bạn tôi cũng vậy, mất đất kèm theo mất nghề làm rượu hoa cúc. Còn cái được lại là ông chủ đầu tư địa ốc và đống tiền lãi béo bở kéo dài trên 50 năm. Các bác quản lí cũng biết thế nhưng đi với chủ đầu tư thì ông còn có miếng ngon, bỏ sao được.
Sáng mồng một, mở chai rượu hoa cúc Hùng cho, bất chợt tôi thấy sóng sánh trong chai những giọt nước mắt của sự phát triển vẩn lên  trong đó…
6/2/20( mồng bốn tết Tân Mão)