Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÙNG BÌNH NGUYÊN LANG THANG TRÊN GIẤY

• Huệ Triệu
Thứ tư ngày 9 tháng 2 năm 2011 6:28 AM
 
 Tôi đọc lại tập thơ Lang thang trên giấy (NXB Văn học, 2009) của nhà thơ Bình Nguyên lần thứ 4 hay thứ 5 gì đấy trong buổi chiều muộn một ngày cuối năm 2010. Ở một góc đường nào, những tán hoa điệp vàng thơm lặng lẽ, như giữ lấy cho mình một khoảng riêng, giữa những náo nhiệt ồn ào của phố xá Sài Gòn.
 Tôi đoán tác giả Lang thang trên giấy là một người cẩn trọng, cho dù cái tựa tập thơ lại định hướng người đọc hình dung về một kẻ lãng du, tâm hồn nhiều mơ mộng. Ý nghĩ ấy khiến cho tôi không thể đọc tập thơ một cách vội vàng.
 Cầm trên tay tập thơ, thấy hiện diện trước hết niềm hạnh phúc của sự được trải lòng. Bài thơ Lang thang trên giấy – bài đã được lấy để đặt làm tựa đề cho tập thơ, có một cái tứ khá lạ về sự trải lòng ấy :
Mở trang này, mở trang này
Bỗng ta gặp chữ những ngày chưa ta
Mở nữa ra, mở nữa ra
Trang này nước mắt đi qua phận người
Tấm  thân ném xuống gầm trời
Trang này từ đấy nợ đời gió mưa …
                                   (Lang thang trên giấy)
       Làm thơ, đến với thơ, nói cho cùng là để được trải lòng. Nhưng vấn đề có lẽ lại nằm ở cách nói, cách trải lòng như thế nào. Tôi không biết người khác sẽ đến với thơ Bình Nguyên vì lí do gì, còn với tôi, hình như có nhiều điểm dừng chân, mời gọi trên những bước – chân – thơ lang thang trên giấy. Đọc thơ Bình Nguyên, một người xa xứ như tôi, những muốn có một cái bắt tay cảm ơn vì những ấm áp giản di mà anh dành cho quê hương xứ sở. Đất Hoa Lư với cây chò Cúc Phương, chùa Non Nước…, hẳn ít nhiều còn xa lạ với tôi, vậy mà đọc thơ anh, cứ như là đang được đến với quê mình. Cũng rạ cũng rơm, cũng quang gánh, cánh đồng trăng, hoa trái trong vườn… Một ngày cuối năm xa xứ, đến cái rét cắt da cũng nhớ cũng thèm, thơ Bình Nguyên như mang đến cho ta niềm an ủi, cho ta được sống trọn vẹn với nỗi nhớ :
Ruộng bần vũng vũng như gương
Soi nhau buổi sáng mà thương buổi chiều
Bước chân ngắn lại đã nhiều
Thèm nghe khói bếp nói điều rạ rơm
                                                     (Nhớ quê)  
     Tập Lang thang trên giấy của Bình Nguyên – đúng với tựa đề - không chỉ dẫn người đọc cùng về với quê hương anh, nhưng tôi dám chắc, đấy là những dòng thơ, bước – chân -  thơ ám ảnh nhất của tập thơ này. Bàng bạc trong những dòng thơ ấy là những se thắt ngậm ngùi: “Xứ người rơm rớm tháng ngày – Vịn mà đi một nét gầy dáng quê”. Cách biểu đạt ở hai câu thơ độc đáo mà cũng thật giản dị, có thể khiến người ta ứa nước mắt. “Nét gầy dáng quê” cất lên như lời thốt gọi, chứa đựng bao nhiêu xót xa, trìu mến, cả như nhắc nhở chính mình. Những “Lấm mặt tối mắt ngoài phố xá” cho con người rõ hơn nỗi khát thèm “một ngõ xoan rơi”, “hơi ấm mẹ” (Ba năm). Là ba năm, hay lâu hơn nữa, kể từ lúc hăm hở rời đồng đất quê hương ra đi, mới ngộ ra một điều đơn giản mà thấm thía: quê hương – với những gian khó nhọc nhằn, cuối cùng lại là điểm tựa vững vàng của đời người, cho con người nơi chốn bình yên nhất. Có lẽ vì thế mà  trong thơ anh, những “hoa mận run run rơi trắng tóc bà”, “mái rạ mục vào mưa nắng”, “vườn nhà quả rúc rich thơm”, “đám dong giềng đến cữ ra hoa”… luôn hiện lên như một góc riêng, một thế - giới – quê trong trẻo, mát lành, song hành cùng cuộc sống.
     Tôi rất xúc động khi đọc những dòng nhà thơ viết về mẹ, về chị, về bà. Hẳn đây phải là những trải lòng sâu lắng nhất, được ghi lại với biết bao thành thật, nâng niu. Thế mới hay, điều kì diệu của thơ, lại chính là những phút giây lay động, chạm được vào trái tim con người:
Năm sau mẹ ta không về nhà
Ta lẫn vào khói sương bùn lầy và đám nắng
Mẹ ta đã thành mây trắng
Ta ra cánh đồng gặp bóng mẹ ta
                              (Kí ức)
      Những vần thơ về mẹ xuất hiện trong tập thơ, bên cạnh những chở che ấm áp, thường gắn với những sâu lắng, thâm trầm. Bình Nguyên viết cho những ai không còn mẹ. Mẹ không còn, đó là sự thật, nhưng ngay cả khi mẹ không còn, thì những kí ức về mẹ vẫn như một nơi chốn nương náu tâm hồn cho mỗi con người :  
      Vườn nhà mẹ truyền lại cho ta
      Mẹ không còn, ta gậm từng góc một
      Sáng nay tiếng chim như cơn mưa vào ta từng giọt
                           (Vườn nhà)
      Bài Ngày về vắng chị là một bài thơ hay. Vết đau cứa lòng mất chị như còn tươi nguyên, khiến những an ủi thời gian cũng thành ra vô ích. Ta đọc thấy những hẫng hụt bàng hoàng trong hình thức thơ vừa giản dị vừa tài hoa ám ảnh :  
Chị ơi …
Em gọi mãi mà không thấy
Căn nhà dột, mưa rơi như nước mắt
Vầng trăng non hắt bóng một xưa đầy
                          (Ngày về vắng chị)
       Hình bóng người chị - nhiều lần trở đi trở lại trong tập thơ : “Cứ vào vụ chị xới cơm lại đầy”(Nhớ quê), “Ngày chị đi như ngã – Áo nâu – Mụn vá ” (Mùa xưa), “Mưa ướt những bậc về chị đón em nhòe bóng” (Ba mươi năm) … đã làm nên một “xưa đầy” với bao nhiêu trìu mến thân thương và cả những xót xa, tiếc nuối. Cảm xúc ở đây thật chân thực và điển hình.
    Lang thang trên giấy còn là nơi Bình Nguyên kí thác tâm sự về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Những trải nghiệm cùng sự trăn trở của một tâm hồn đa cảm, đa đoan đã khiến nhiều bài thơ có màu sắc suy tư, triết lý. Có nhiều bài không dễ đọc, bởi chứa đựng những nghiền ngẫm, và chắc chắn là sự kết tinh của những trải nghiệm, đôi khi đắng đót, muộn phiền. Nếu đã thật lòng đến với thơ, hãy chịu khó “giải mã” những tín hiệu ngôn từ, cũng có thể được hiểu như những tín hiệu của cảm xúc, suy tư. Có lẽ, đó là con đường ngắn nhất của sự tìm kiếm tri âm. Tôi đã đọc nhiều lần các bài Báu vật, Lại một đêm, Đá ở Đồng Văn, Nói gì, Một ngày, Về những giọng nói, Chiếc lá, Chuyện cái giày, Những con nước … với không ít ngơ ngác và cả thán phục. Xin trích lại một đoạn trong bài Báu vật, mà tôi đồ rằng có liên quan nhiều đến nghiệp thơ: 
Đây rôi
Câu thơ như bắt được
Tôi nắm vào tay báu vật
Rồi hét lên
Hét như đêm đang tan ra từng mảnh
Sợ câu thơ bay mất
Tôi không chợp mắt để canh chừng
Ban mai
Mở bàn tay dưới nắng mặt trời
Để chiêm ngưỡng báu vật
Nhưng câu thơ đã bay
Chỉ còn lại hai lòng bàn tay trắng
Cái điều “ngộ ra” khi câu thơ bay mất dưới ánh nắng mặt trời – dưới ánh sáng cuộc đời, phải chăng mới chính là “báu vật” mà người làm thơ nào cũng phải kiếm tìm ?
Cùng lang thang trên giấy với Bình Nguyên, dễ nhận thấy, sâu thẳm bên trong còn là những mong manh dễ vỡ, còn là những rung ngân trẻ trung mềm mại đến bất ngờ. Đó là những giây phút tự mình đối diện với chính mình “ Ta là ta của ta đây”, không chỉ một đôi lần băn khoăn: “Ngày sương khói đưa ta về cát bụi – Câu thơ nào đổ bóng xuống ta không” (Câu hỏi). Và tất nhiên, đó là những giây phút của tình yêu đầy ắp dự cảm:
Em làm một cuộc rong chơi
Mà xem thiên hạ nói lời vàng son
Bây giờ ta bé con con
Em lên chút nữa không còn thấy ta
                     (Tiễn em lên máy bay)
      Làm một cuộc hành trình “trên giấy” cùng với một nhà thơ, cũng có nghĩa là đi cùng với họ để khám phá, để đọc và hiểu những “chặng tâm hồn” có vẻ như nhỏ bé trên hành trình dài dặc của cuộc đời. Nhưng ta phải ngàn lần cảm ơn những bước “lang thang trên giấy” ấy, bởi nhờ có nó, ta mới ngộ ra một điều rất đẹp : 
Trang này mặt giấy trắng tinh
Mà sao ta lại giật mình đọc nhau
                                (Lang thang trên giấy)
Thành phố HCM, một ngày cuối năm 2010
                          H.T