Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DỊ HƯƠNG” KHÔNG GIỐNG “KIẾM SẮC” NHƯNG…

Trần Đình Thu
Thứ ba ngày 8 tháng 2 năm 2011 5:33 AM
 
Những ngày qua có nhiều ý kiến cho rằng truyện ngắn Dị hương của Sương Nguyệt Minh sao chép Kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp. Sau khi đọc cẩn thận 2 tác phẩm này tôi xin nói ngay: “Dị hương” không hề sao chép “Kiếm sắc”. Hai tác phẩm này hoàn toàn khác nhau. Cái giống nhau có chăng là cùng viết về đề tài Nguyễn Ánh. Nhưng trong khi Nguyễn Huy Thiệp viết về một Nguyễn Ánh chính trị thì Sương Nguyệt Minh viết về đời sống tình ái của ông, ẩn dưới một câu chuyện huyền hoặc dị hương.
Một số nhà phê bình viện dẫn ý kiến của một độc giả nào đó ở Đồng Nai tên là Bùi Công Thuấn để phê phán Dị hương. Ý kiến của ông Thuấn cho rằng “Dị hương sao chép cách viết của Nguyễn Huy Thiệp trong Kiếm sắc, từ chủ đề đến nội dung, tư tưởng, cách viết và văn phong” theo tôi là không đúng. Hai truyện ngắn này hoàn toàn khác nhau về chủ đề, về tư tưởng, về văn phong.
Ông độc giả tên Thuấn này còn viết rằng Sương Nguyệt Minh “Bắt chước câu văn Nguyễn Huy Thiệp nhưng câu văn của Sương Nguyệt Minh chỉ là băm bổ dung tục. Bút lực của Sương Nguyệt Minh không sao sánh được Nguyễn Huy Thiệp. Nếu bút lực Nguyễn Huy Thiệp mạnh mẽ bao nhiêu thì bút lực Sương Nguyệt Minh èo ọt bấy nhiêu. Từ việc chọn bút pháp đến xử lý chi tiết, câu đối thoại và xây dựng tính cách nhân vật, Dị Hương của Sương Nguyệt Minh chỉ là bản nháp của Kiếm Sắc, bản đã bị Nguyễn Huy Thiệp vứt vào sọt rác” cũng là không đúng nốt.
Thực ra khi hai truyện ngắn đã rất khác nhau, chúng ta không thể so sánh như thế được. Cũng như ta không so sánh một cành hoa mai với một cành hoa đào xem cành hoa nào đẹp hơn. Sự thực, đọc Dị hương của Sương Nguyệt Minh tôi thấy rất thú vị. Truyện viết công phu, sức tưởng tượng phong phú, có nhiều tình tiết văn học đắt giá. Theo tôi Dị hương có đủ tư cách để nhận một giải thưởng theo tiêu chí của Hội nhà văn Việt Nam (hiển nhiên, tiêu chí của Hội nhà văn Việt Nam không hẳn được toàn thể cộng đồng yêu văn học Việt đồng ý.)
Điều tôi muốn nói không phải là chất lượng của tác phẩm, mà là tư tưởng của nhà văn.
Nguyễn Ánh, về sau là vua Gia Long, như chúng ta đã biết, là người sáng lập ra triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Do Việt Nam bị mất vào tay người Pháp trong giai đoạn nầy, nên các nhà sử học miền Bắc giai đoạn 1954 – 1975 trước đây quy kết trách nhiệm cho các vua nhà Nguyễn, trong đó có vua Gia Long - Nguyễn Ánh.
Đây là một sự thật nghiệt ngã trong đời sống học thuật của Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975. Lý giải về thái độ đánh giá trên, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Nguyên do sâu xa của vấn đề này là do bối cảnh chính trị của đất nước thời bấy giờ và cách vận dụng phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam cũng cho rằng Bối cảnh chính trị của cuộc cách mạng “phản đế - phản phong” cùng lập trường đấu tranh giai cấp và cải tạo xã hội chủ nghĩa đã kéo dài sự đánh giá một sắc màu tiêu cực về nhà Nguyễn....
Sau năm 1975, các nhà sử học Việt Nam đã bắt đầu có cái nhìn bình tĩnh và công tâm trở lại đối với triều Nguyễn.
Ông Dương Trung Quốc viết như sau:
Kết cục của triều Nguyễn có thể gọi là sự đầu hàng để mất nước. Nhưng đừng quá lời coi đó là sự bán nước vì không thể không nói đến gần 20 năm phản kháng chống xâm lược không chỉ của dân chúng mà cả triều đình. Những cuộc chiến đấu dũng mãnh của quan quân triều đình cùng nhân dân trên cửa biển Sơn Trà, trên thành Điện Hải, của quân dân Nam Bộ trên chiến lũy Kỳ Hoà, trên cổng thành Cửa Bắc Hà Nội với cái chết anh hùng của hai vị Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu là bằng chứng...
Năm 2008, chúng ta đã tổ chức hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Giáo sư Phan Huy Lê phát biểu rằng, các nhà sử học tham gia hội thảo ấy đều nhận thấy sự phê phán, lên án đến mức độ gần như phủ định mọi thành tựu của thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây là quá bất công, thiếu khách quan, nhất là khi đưa vào nội dung sách giáo khoa phổ thông để phổ cập trong lớp trẻ và xã hội... các nhà sử học dĩ nhiên có trách nhiệm của mình trong vận dụng phương pháp luận sử học chưa được khách quan, trung thực.
Viện dẫn một số tài liệu lịch sử như thế để tiện trao đổi về hai tác phẩm viết về đề tài Nguyễn Ánh.
Với Dị hương, Sương Nguyệt Minh dù viết sau Nguyễn Huy Thiệp đến hai mươi năm nhưng lại có cách nhìn “cũ” hơn Nguyễn Huy Thiệp. Sương Nguyệt Minh vẫn nhìn Nguyễn Ánh theo góc nhìn của các nhà sử học miền Bắc cách đây nửa thế kỷ, trong khi Nguyễn Huy Thiệp đã có cái nhìn đi trước thời đại. Nếu so sánh hai tác phẩm, thì cần so sánh ở chỗ này.
Nguyễn Ánh trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh hiện lên thật tệ hại. Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo viết trong bài “Dị hương: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế” như sau: “Dị hương” mô tả Nguyễn Ánh là một hôn quân dâm tặc, suốt ngày chỉ mê đắm chuyện phòng the, kinh tởm hơn Lê Ngọa Triều ngày xưa trong chuyện hoang dâm vô độ”. 
Ở đây nổi lên vấn đề thái độ của nhà văn đối với sự công bằng lịch sử. Cùng viết về Nguyễn Ánh như nhau, nhưng Nguyễn Huy Thiệp không hề có chút phỉ báng vua Gia Long, dù ông viết Kiếm sắc vào cái thời kỳ mà xã hội còn thành kiến nặng nề với Vương triều Nguyễn. Ngược lại, Sương Nguyệt Minh cầm bút khi mà xã hội đã rất cởi mở, thế nhưng nhà văn này vẫn còn xem vua Gia Long như là một nhân vật quái gở của lịch sử. Vì thế Sương Nguyệt Minh đã vẽ ra hình ảnh ông vua khai sáng triều Nguyễn quá thê thảm. Thê thảm hơn nhiều lần so với hình ảnh mà các nhà sử học miền Bắc giai đoạn 1954 – 1975 đã vẽ ra. Xấu thì cho xấu luôn. Xấu hết chỗ chê luôn. Đó phải chăng là ý định của Sương Nguyệt Minh khi bắt tay vào viết Dị hương? Hay là trong lúc mải mê tả những pha hấp dẫn, Sương Nguyệt Minh đã quá đà? Dù cách nào đi chăng nữa, thì ý thức “dậu đổ bìm leo” cũng hiện ra rất rõ.
Nhà văn hiển nhiên là có quyền hư cấu lịch sử khi viết văn. Nhưng hư cấu thế nào thì cũng phải cố gắng thoát ra ngoài cái bóng của những ứng xử xã hội thông thường trong thời đại mình đang sống. Viết về lịch sử, nhà văn phải có góc nhìn của nhà văn, không nên nhìn theo góc nhìn của nhà chính trị (trừ khi anh viết các tác phẩm thơ ca hò vè tuyên truyền cổ động phục vụ cho các phong trào).
Nhân đây tôi muốn nói thêm một chút về cái tầm của nhà văn.
Thời nào cũng vậy, luôn tồn tại hai khái niệm “người viết văn hay” và “nhà văn lớn”. Giải Nobel văn học không bao giờ trao cho người chỉ thuần túy “viết văn hay” mà phải trao cho “nhà văn lớn” (Hội nhà văn Việt Nam chúng ta có lẽ không có thông lệ này). Người viết văn hay có thể làm cho độc giả phát sốt lên, chạy đi mua sách của anh về đọc (như trường hợp Nguyễn Ngọc Tư), nhưng anh không nói lên được tiếng nói của thời đại anh đang sống. Nhà văn lớn thì khác, tác phẩm của họ không chỉ để đọc cho hay. Bởi vậy cùng viết về đề tài Tây Nam bộ, nhưng Nguyễn Ngọc Tư không bao giờ sánh được với “ông già Nam bộ” Sơn Nam là vì vậy. 
Đọc những dòng trong Dị hương của Sương Nguyệt Minh, dù hay thì thật là hay nhưng tôi vẫn lấy làm tiếc ở chỗ đó. 

Giao thừa xuân Tân Mão.
*Trần Đình Thu, chủ biên trang web www.binhchonthohay.com