Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SÁNG TÁC CẦN TÔN TRỌNG LỊCH SỬ

Nhà văn Hoàng Tiến
Thứ hai ngày 7 tháng 2 năm 2011 10:11 PM
TNc: Những ngày Tết đã qua đi. Hôm nay TNc trở lại việc trao đổi quanh các tác phẩm được giải tiểu thuyết và giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2010. Trước đó nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà văn Trần Hoài Dương đã bàn đến mà TNc đã đưa lên. Trong những ngày Tết TNc nhận được bài của nhà NCVH Trần Đình Thu và nhà văn Hoàng Tiến. Việc trao đổi là việc rất  bình thường đáng mừng chứ không phải chuyện oánh nhau. Cả hai tác giả Hội thề và Dị hương đều là bạn bè đáng yêu của Trần Nhương cả. Xin các bạn tham gia trao đổi cho không khí phê bình văn chương năm Tân Mão sôi động phần nào...Xin lưu ý hai giải thưởng này thuộc về nhiệm kì VIII của Hội ta, có thể đó là sự bứt phá của BCH thập ngũ kim tinh...

Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải nhất cho tiểu thuyết Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân, có nhiều tiếng xì xào.
Nhà văn Trần Hoài Dương trả lời phỏng vấn đăng trên Trannhuong.com, càng gây xì xào nhiều hơn.
Trích ý kiến của nhà văn Trần Hoài Dương:
• Còn về quan điểm lịch sử, về hình tượng các nhân vật, đặc biệt là các nhân vật kẻ thù trong “Hội thề” khiến tôi rất ngỡ ngàng. Tôi không hiểu nổi, sao anh Thân lại viết tác phẩm này.
• Khép cuốn sách “Hội thề” lại bỗng thấy sao mà quan quân Lê Lợi đáng buồn thế! Một lũ tướng tá nông dân quê mùa ganh ăn tức ở, đầu óc tăm tối, ghét cay ghét đắng giới trí thức, quanh quẩn chỉ nghĩ chuyện hại nhau, mưu chước lật đổ nhau, tranh công hám lợi…
• Còn giặc Minh sao mà “đáng yêu” đến thế! Thái Phúc, tên hàng tướng của giặc Minh chạy sang hàng Lê Lợi, được tác giả dành cho những trang đầy ưu ái, y như một “hiền nhân quân tử”, học vấn uyên thâm, nói năng lịch sự, cư xử hòa nhã khiêm nhường.
• Đặc biệt là Vương Thông, không hiểu với quan điểm lịch sử nào mà tác giả lại thêu dệt cho tên tướng giặc có một nhân cách phải nói là không thua kém gì các danh tướng xưa nay, có một mối tình gần như huyền thoại…
Phóng viên phỏng vấn Trần Hoài Dương giải thích: Theo nhà văn Nguyễn Quang Thân viết, thì Vương Thông trong thời gian chinh chiến ở Đại Việt có ăn ở như vợ chồng với một người đàn bà Việt, và yêu chiều hết mực. Đến khi phải đầu hàng, chuẩn bị giao lại Thăng Long cho Lê Lợi, Vương Thông đã vô cùng áy náy, thương xót cho số phận người đàn bà kia. Vì vậy, đang đêm, Vương Thông cùng hai trăm tướng sĩ mở đường máu, phá vỡ phòng tuyến của quân Đại Việt, chỉ với mục đích duy nhất là bế được người đàn bà kia về tận làng quê, trao tận tay gia đình cô ta tấm thân kiều diễm của người đẹp.
Trần Hoài Dương tiếp lời:  Hành động lãng mạn đó của Vương Thông đã nướng chết 75 lính và 50 con ngựa chiến của quân Minh, chưa kể số quân sĩ Đại Việt hy sinh trong cuộc tình rực lửa ấy…Tôi cứ cố nghĩ hết cách để lý giải vì sao nhà văn Nguyễn Quang Thân lại viết tiểu thuyết như thế này, với những vấn đề đặt ra khó hiểu như thế này, các nhân vật lịch sử được tô vẽ kỳ lạ như thế này…Tôi chịu, không tìm được lời giải đáp…
Rồi Trần Hoài Dương kết luận: Trong bối cảnh biển Đông đang gặp nhiều thử thách, lòng dân đang sôi sục ý chí bảo vệ tổ quốc, tác phẩm “Hội thề” xuất hiện và lại được giải thưởng, liệu có nên chăng?Hay người viết và những người trao giải có những ý tưởng thâm hậu gì khác mà tôi tài hèn sức mọn không thể lĩnh hội được? Giá mà nhà văn Nguyễn Quang Thân và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam có lời phúc đáp, giải tỏa thắc mắc thì tôi vô cùng biết ơn!
Tội vội tìm mượn cuốn Hội thề về đọc, và chờ đợi sự trả lời của nhà văn Nguyễn Quang Thân cũng như Ban chấm giải thưởng. Không thấy gì. Cho nên mới có bài này.
Đã gọi tiểu thuyết là có quyền hư cấu, nhưng là tiểu thuyết lịch sử, thì ngoài hư cấu phải tôn trọng sự thật lịch sử. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn Trần Hoài Dương nhận xét: “Nhà văn hoàn toàn có quyền hư cấu, tưởng tượng, nhưng cái cốt lõi là bản chất của nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử phải được tôn trọng. Mọi hư cấu, tưởng tượng của nhà văn rốt cuộc cũng chỉ để đạt được yêu cầu tối thượng sao cho nhân vật lịch sử ấy, sự kiện lịch sử ấy bộc lộ đúng nhất bản chất cốt lõi của mình”.
Đây là chân dung các tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn qua ngòi bút của Nguyễn Quang Thân:
Lê Sát, đôi mắt hơi nhỏ bộc lộ tính khí cố chấp, nhiều dục vọng và có chút gì đó thô bạo (trg 96).
Lê An, nhỏ con, hơi gày, đôi mắt sát dưới cặp lông mày bí hiểm (trg 97).
Lê Ngân, “vả lại ông xin làm cỏ Đông Quan thì cánh ta đâu còn biệt điện biệt thự với rượu nồng dê béo, gái đẹp mà chia nhau” (trg 176).
Phạm Vấn (sau được mang quốc tính Lê Vấn), bỏ nhanh viên ngọc vào túi nói với viên thừa lại:
- Ông đã thu xếp xong các món ở Xương Giang chưa?
- Dạ rồi.Tôi đã để riêng những thứ quan lớn dặn, còn tất cả đã đưa nộp công khố.
- Có nghe bên phủ ông Sát điều tiếng gì không?
- Dạ bẩm, họ bớt xén nhiều hơn bên ta, há miệng mắc quai còn nói năng gì.
- Nhà ngươi sai ngay thằng Nhẫn đưa tất về Thanh cho bà lớn. Bảo ta vẫn khỏe. Dặn chôn chặt cất kỹ và khâu miệng bọn gia nhân lại. Này, Lương Sâm, ta cho ngươi xem cái này.
Phạm vấn rút viên ngọc ra. Ông không nhịn được sự sung sướng trong lòng và muốn chia sẻ.
- Ta lột được của thằng Hoàng Phúc (viên tướng nhà Minh). Nó lạy như tế sao, nói là vật hộ mạng truyền từ đời cụ kỵ nhà nó. Ha! Ha! Bây giờ viên ngọc sẽ hộ mạng cho họ Phạm này. Ngươi đã thấy ở đâu có một viên hồng ngọc như thế này chưa? (trg  170).
Và đây là Lê Lợi: Bình Định Vương  liếc xéo bà (bà đây là bà Lộ, vợ của Nguyễn Trãi), ông ngửi thấy mùi rơm mới nôn nao, lòng nhói lên một chút ghen tức. Sao nước cứ chảy mãi về chỗ trũng. Trãi thật tốt phúc. (trg 11).
Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ giống như khi ông muốn xé một con gà luộc bốc hơi nghi ngút…(trg 11).
(Lời bình:  Danh hiệu đại học sĩ lúc này chưa thể có. Phải đến đời Lê Thái tôn, bà Lộ được triệu vào triều, phong chức Lễ nghi học sĩ giữ công việc dạy dỗ cung nhân).
Thị Lộ bày đĩa bánh chưng rán lên án thư. Bình Định Vương vồ lấy đôi đũa trên tay bà, gắp bánh. Nhưng ông vụng về, miếng bánh rơi xuống sàn gỗ. Ông cáu tiết vứt đôi đũa, lấy tay nhón bánh ăn ngấu nghiến…Bà Lộ cũng thừa khôn ngoan để tránh cái nhìn “xé gà” của chúa công. (trg 12)
(Lời bình:  Đưa đàn bà vào màn trướng là điều tối kỵ trong binh pháp. Nhất là khi đang chiến trận. Tác giả Nguyễn Quang Thân hư cấu quá đáng, bất chấp lịch sử. Có thể cho bà Lộ ở một nơi thôn xóm gần đó để Nguyễn Trãi tiện đi về, hợp lý hơn.)
Việc hư cấu mối tình viên hàng tướng Thái Phúc, hư cấu mối tình viên bại tướng Vương Thông với hai cô gái người Việt, nó gượng gạo, thấy rõ bàn tay nhào nặn, gò ép của tác giả về tình yêu không biên giới. Nó đã khiến nhà văn Trần Hoài Dương phải nghĩ hết cách mà không lý giải nổi, vì sao Nguyễn Quang Thân lại viết như thế. Có phải để phục vụ cho đường lối bang giao 16 chữ vàng của lãnh đạo hai nước Trung Việt hiện nay? Bẻ queo lịch sử để phục vụ chính trị sống sượng như vậy, nó gây một phản cảm nghệ thuật, chẳng những phi nghệ thuật mà còn phi cả chính trị.
Hư cấu cái chết của viên tướng Thôi tụ (trg 183), bị trói trên ngựa dẫn đến trước Vương Thông ở Đông Quan để dụ hàng. Thôi Tụ hét lên, khuyên Vương Thông không hàng bọn man di, hổ danh thiên triều, bị nghĩa quân chém đánh xẹt. Chưa ai kịp nhìn, đầu Thôi Tụ đã lăn lóc dưới đất, vọt ra ba tia máu làm đỏ rực đám cỏ (trg 183). Hư cấu như vậy là biểu dương cái dũng khí của viên tướng nhà Minh, lộ ra cái tàn ác dã man của nghĩa quân Lam Sơn. Các bộ sử như Đại Việt sử ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê), Khâm định Việt sử thông giám (Quốc sử quán triều Nguyễn), đến Việt Nam sử lược sau này (Trần trọng Kim), không thấy ghi cái chết của Thôi Tụ oai hùng như thế.
Bình Ngô đại cáo, sau chiến thắng giặc Minh, viết về tội ác của giặc:
 “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn, nặng khóa liễm vét không sơn trạch: nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay! quan quả điên liên. Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội; dơ bẩn thay! Nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được…” (Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim).
Trong các thời Bắc thuộc, thì thời thuộc Minh độc ác nhất, tàn bạo nhất đối với dân nước Việt. Chúng còn âm mưu hủy diệt văn hóa Việt Nam (thu hồi sách vở mang hết về Nam Kinh), đồng hóa dân tộc Việt Nam (bắt mặc quần như người Tàu, để răng trắng không nhuộm đen). Đại diện cho sự tàn ác ấy là Vương Thông và các tướng lĩnh của y. Cho nên mọi hư cấu nhằm nói tốt cho quân giặc đều gây phản cảm và đều không đúng với lịch sử.
Bình Ngô đại cáo còn viết về khí thế nghĩa quân:
“Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha. Gươm mài đá, đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn. Đánh một trận sách không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ. Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng. Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường, Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước…”(Việt Nam sử lược.Trần Trọng Kim)
Khí thế nghĩa quân như thế thì không thể mô tả như trong tiểu thuyết Hội thề, mà nhà văn Trần Hoài Dương đã nhận xét: “Một lũ tướng tá nông dân, ghen ăn tức ở, đầu óc tăm tối, ghét cay ghét đằng giới trí thức, quanh quẩn chỉ nghĩ chuyện hại nhau, mưu chước lật đổ nhau, tranh công, hám lợi…”
Tiểu thuyết Hội thề có nhiều chỗ sai về kiến thức:
Ví dụ 1:  Khuê Văn Các chưa thể có trong Văn Miếu thời Lê Lợi (trg 324). Năm Gia Long triều Nguyễn (1802) mới xây Khuê Văn Các, đổi nhà Thái Học làm nhà thờ Khải Khánh là cha mẹ Khổng Tử (Cổ tích và danh thắng Hà Nôi. Doãn Kế Thiện).
Ví dụ 2:  Đường Cổ Ngư cũng chưa có thời Lê Lợi vây đánh Đông Quan. Đoàn kỵ binh vừa phóng theo Vương Thông vừa đánh nhau với nghĩa quân qua đường Cổ Ngư giữa hai cái hồ… (trg 307). Phải đến đời vua Thần tông nhà Lê (1620), nhân dân hai làng yên Phụ và Yên Quang đắp một cái đập ngăn qua hai hồ Trúc Bạch và Hồ Tây gọi Cố Ngự Yển (nghĩa là đập vững chắc). Thời Pháp thuộc gọi chệch là Cổ Ngư (Cổ tích và danh thắng Hà Nội. Doãn Kế Thiện).
Ví dụ 3:  Thời ấy chưa gọi Hồ Tây. Cái ông Trãi mồm mép tán tỉnh bà một chiều bên Hồ Tây dạo nào (Trg 185). Đời Lý hồ này gọi Dâm Đàm, vì quanh năm có sa mù bốc lên, đọng lại thành hơi nước. Đời Lý, Trần đặt hành cung ở phía Nam hồ, gọi là Dâm Đàm hành cung. Năm 1573, tránh tên húy của vua Lê Thế tôn là Duy Đàm, người ta đổi gọi Tây Hồ hay Hồ Tây (Cổ tích và danh thắng Hà Nội. Doãn Kế Thiện).
Ví dụ 4:  Thời ấy cũng chưa có ông tiên chỉ. Cháu đang sửa soạn chạy giặc thì ông tiên chỉ gọi đến bảo phải ở lại để phục dịch nghĩa quân (Trg 122). Tác giả nên đọc lại sách “Tổ chức làng xã Việt Nam”.
Cuốn sách có những triết lý lỏng lẻo:
Ví dụ 1:  Dân cường mới có quốc sỉ (trg 230). Quốc sỉ, theo Từ điển Tiếng Việt là sự nhục nhã chung cho cả nước. Nó không phụ thuộc vào nước mạnh hay yếu. Mà phụ thuộc vào nền văn hóa và trình độ học vấn của dân tộc ấy. Có thể in nhầm chăng? Là quốc sĩ  chăng? Quốc sĩ, theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, là người học giả  cả nước biết tiếng. Vậy cường quốc có quốc sĩ của cường quốc, và nhược quốc cũng có quốc sĩ của nhược quốc. Triết lý trên là lỏng lẻo.
Ví dụ 2:  Tứ hải giai huynh đệ, là câu thành ngữ Hán Việt xưa nay: bốn bể đều là anh em ( chứa hàm ý hòa thuận với nhau, thương yêu nhau). Tác giả Nguyễn Quang Thân lại dùng tứ hải giai huynh, bỏ đi chứ đệ.  Nhắc đi nhắc lại nhiều lần chứ không phải in thiếu. Thậm chí có một chương mang tiêu đề Tứ hải giai huynh, chữ to, in đậm (trg 227). Tứ hải giai huynh chỉ có nghĩa: bốn bể là anh hay bốn bể đều là anh. Tác giả muốn khuyên cách cư xử nên nhún nhường, hạ mình xuống nâng người ta lên. Câu đó tác giả để vào miệng ông Nguyễn Phi Khanh nói với tướng giặc dẫn tù binh qua Ải Nam Quan sang Trung Quốc chịu phận lưu đầy, thì là tâng bốc quân giặc, bợ đỡ quân giặc: Bốn bể đều là các ông, đều của các ông. Vậy là chết rồi! Bọn bành trướng chỉ mong có thế.
Triết lý của anh Nguyễn Quang Thân thành tối nghĩa, lập dị. Thế mới biết, muốn sửa câu nói của người xưa, thật không dễ dàng gì!
Có những câu văn viết cẩu thả:
Ví dụ 1:  Ông (tức Lê Lợi) thúc chân vào lưng ngựa. Con chiến mã dướn lên khỏi đoạn dốc (trg 110).
Người cưỡi ngựa làm sao thúc chân vào lưng ngựa được. Họ chỉ có thể thúc vào bụng ngựa, mạn sườn ngựa, hoặc quất roi vào mông ngựa thôi.
Ví dụ 2:  Ba ngàn quân hùm hổ (trg 100). Người ta thường nói hùng hổ hoặc hùng hùng hổ hổ. Hùng là con gấu. Hùng hổ là hai loại thú dũng mãnh trong rừng rậm, đã trở thành hình dung từ chỉ sự mạnh mẽ, oai phong, dữ tợn. Còn hùm là một cái tên gọi khác của hổ. Hùm hổ đi với nhau là lặp từ. Tác giả dùng nhiều lần trong cuốn sách, tức là cái sai đã nặng, không phải in lầm.
Ví dụ 3:  Nhà vua hốt hoảng sợ con chim quý bay ra khỏi chuồng (trg 219). Bay ra khỏi lồng thì hay hơn, câu văn mịn hơn. Chuồng thường dùng: chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn…
Còn nhiều cái lặt vặt nữa, không tiện kê ra, mong tác giả lưu ý khi hành văn.
Tóm lại, một cuốn sách như thế mà trao giải nhất về tiểu thuyết, thì Ban chấm giải cần xem lại. Có chịu sức ép ở đâu không? Ban giám khảo có công bằng trong giám định không? Đọc có kỹ không? Trình độ Ban giám khảo thế nào?
Tôi cũng có một suy nghĩ như nhà văn Trần Hoài Dương. Việc này Ban giám khảo cần phúc trình cho mọi người rõ, ít ra là trong giới văn chương. Không nên để rơi vào im lặng. Và cả nhà văn Nguyễn Quang Thân cũng có thể trình bày để bảo vệ cuốn sách của mình. Biết đâu trong cuộc bàn cãi này lại rút ra được nhiều điều bổ ích cho công việc sáng tác của chúng ta.

 Tết Tân Mão (2011)
Hoàng Tiến, nhà văn.
Địa chỉ:  Nhà A 11  Phòng 420
              Thanh Xuân Bắc – Hà Nội.
Điện thoại:     0936.802.801