Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOÀNG NGỌC HIẾN SẮC SẢO BAO DUNG

Nguyên An
Thứ ba ngày 25 tháng 1 năm 2011 10:29 PM

Nguyên An
Như nhiều người từng biết, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến là một nhà  nghiên cứu, lí luận, dịch thuật văn học có nhiều ý kiến đặc sắc, là một nhà giáo tận tụy uyên thâm, là một đồng nghiệp thân quý của nhiều người. Ở ông có sự nghiêm cẩn trong học thuật được kết hợp tự nhiên với sự hiền hòa giản dị mà không hề thiếu lịch lãm trong giao tiếp.
Thế nhưng… ông cũng là người có cả vẻ ngây thơ vừa thật đáng quý và dễ gây mủi lòng người, lại vừa làm cho ta đôi khi lại cứ băn khoăn: hình như mình vừa có điều gì không phải với ông?
Chẳng hạn, có một người bạn thân của ông – là bạn thân của nhau, nên chắc là rất hiểu nhau, mà có thể suồng sã với nhau được, đã nói về ông thế này: “Hoàng Ngọc Hiến là một tay cự phách trên văn đàn. Nhưng nếu là con gái, thì chắc là Hiến ta đã nhỡ nhàng với con trai hàng trăm lần rồi”.
Ông nghe được nhận xét ấy, chả cần hỏi là ai nói, đã gật đầu, cười, rồi dang hai tay ra, kêu lên: “Thế à!?”.
Hoặc là, chẳng hạn, ông xuất hiện ở Hội nghị Hội thảo trong nước hay ở nước ngoài – là hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thì được để ý xăm soi đã đành, mà ông đi chơi đâu đó, ngồi trò chuyện với bạn bè ở cuối bàn kê ở góc phòng thôi, mà chỉ mươi phút sau, đã thấy có người ở các góc khác để mắt tới rồi, tại ông đang nói gì, đầy tâm đắc và ngữ điệu, dễ gây chú ý, hay những người ngay cạnh ông đã ồn ào hơi quá lên?
Ồn quá nên thế, nhưng hình như người ta chưa đọc kĩ ông thì phải, mà chỉ nghe nói về ông rồi nghĩ rồi bình tán thêm ra, có khi là vội vã quy kết quá lời. Tôi biết là ông rất buồn về một vài lần như thế, nhưng ông chả giận, ông nhún vai rất điệu, để đùa, lại như để trấn an người bạn trẻ, như để tự an ủi mình bằng câu nói: “Đời mà, văn chương mà… nhưng mà cái đẹp của nghệ thuật thì không vùi dập được đâu”.
Còn nhớ, đâu như vào dịp hè 1986, ông có hỏi tôi:
- Cậu đã đọc báo Văn nghệ chưa? Có một tay khá lắm, nó viết kinh hoàng lắm.
- Ông này mới viết à? Hay là dân cũ? Chuyện gì anh?
Thế rồi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, được chào đón và gây tranh cãi khá kịch liệt. Thiệp như không biết là người ta đang bàn đang bình mình thế nào, cứ viết và cứ được đăng, được xuất bản. Cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp đã đến hồi ồn ào hơn, bộc lộ chính kiến, quan điểm học thuật và cả kiến văn, bộc lộ cả cá tính và phong độ của người tranh luận. Trong bối cảnh đó, có người ghi công cho Hoàng Ngọc Hiến – người có tài phát hiện và có tâm nâng đỡ; cũng có người không cho là như thế; lại cũng có người trách ông là đã “bốc” Thiệp lên ghê quá, nên Thiệp mới “được đà”!
Lúc đó, hình như người ta đã tự cho là chỉ cần nắm bắt được “cái thần” của nhau, rồi cứ thế mà tranh luận (đôi khi là suy diễn quá mức), chứ nếu đọc kĩ nhau hơn, tôi tin là người ta sẽ chừng mực với nhau hơn. Nhưng ngày ấy, từ rất sớm, Hoàng Ngọc Hiến đã cùng với việc “tìm ra” Nguyễn Huy Thiệp mà giới thiệu nhiệt thành với văn đàn, thì đã nói với Thiệp rằng “tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Trong cái bài viết nổi tiếng này, ông đã có những đoạn như:
“Trong lĩnh vực văn nghệ, dầu đổi mới thế nào, đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể ra ngoài “quy luật của cái đẹp”, ra ngoài “sự thật” và “nhân bản” là những luật cơ bản, vĩnh cửu của văn học nghệ thuật. Chân, mĩ, thiện đã trở thành những giá trị truyền thống. Trong văn học “thiện” trước hết là nhân bản. Từ ngàn xưa dòng văn học tuôn chảy giữa hai bờ “chân”, “mĩ” bao giờ cũng ra biển cả nhân bản. Không thể khác được. Bằng không, nước sẽ quẩn quanh, đọng thành những vũng ao tù. Đành rằng ao tù cũng có thơ ca và thi sĩ của nó”.
Ta về ta tắm ao ta…
“Dẫu là chuyện cổ tích, Nguyễn Huy Thiệp trước sau vẫn viết về cuộc sống ngày hôm nay. Và tác giả đã nhìn thẳng vào sự thật của đời sống hiện tại. Tác giả đã không ngần ngại nêu lên những sự bê tha nhếch nhác trong cuộc sống, kể cả những sự thật rùng rợn, khủng khiếp. Có những sự việc rùng rợn vì quái đản. Chẳng hạn, trong chuyện “Chảy đi, sông ơi”, trùm Thịnh đốt quán rượu và “khi lửa bốc cao thì ở trong quán có một con chuột to bằng bắp chân người phóng thẳng ra ngời cứ cười hềnh hệch…”. Trong tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp, rùng rợn hơn cả vẫn là những sự việc hết sức bình thường nhưng bộc lộ sự đốn mạt, sự hèn kém của con người, giữa mọi sự nhố nhăng, sắng sít lòi ra cái tâm lí vụ lợi, vụ lợi một cách khinh bạc, trắng trợn, một cách muối mặt, táng tận lương tâm, tâm lí này đã trở thành một nếp ăn sâu trong não trạng, tâm thuật của con người hiện đại, có cơ trở thành một nét chủ đạo trong nhân cách của nó…
… Tâm lí vụ lợi thế tất dẫn đến quan hệ “Tiền trao cháo múc” và Marx đã từng nêu lên trong Tuyên ngôn Cộng sản”.
Đọc những dòng này của Hoàng Ngọc Hiến chúng ta có thể thấy là ông không chỉ phân tích văn chương bằng sự sắc sảo của lí trí, mà bằng cả một nỗi buồn đau nhân thế.
Nhiều khi chúng ta đã thấy một người hay đọc sách và viết, hết ngày này sang tháng khác (như một người thợ gò hàn, làm việc bất kể nắng mưa qua nhiều năm), và ta không ngần ngại nói rằng; đó là một nhà văn bền bỉ (đó là một người thợ cần cù). Hiển nhiên là chữ bền bỉ (và chữ cần cù) dùng ở đây là không sai.
Nhưng quan sát, tìm hiểu công việc, công phu đọc sách, tra cứu, nghiền ngẫm và viết của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến qua mấy chục năm nay, nếu lại viết: Hoàng Ngọc Hiến là một nhà nghiên cứu bền bỉ, thì đúng thôi, nhưng chưa phải, chưa đích đáng – nói theo cách của ông.
Hoàng Ngọc Hiến là người cần cù, và rất say mê cái mới. Say mê cái mới trong nghệ thuật đã đành, say mê cả những cái mới trong cuộc sống bình thường nữa. Lần ấy ông đi Mỹ về, ông hào hứng say sưa kể lại các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc, rồi đọc và ghi tối ngày suốt buổi ở bên đó, về những thư viện và sức đọc ở bên đó…, chờ ông tạm ngừng lời, tôi xen ngang vào hỏi:
- Anh mang về nhiều thế và anh ưng ý nhất là cái gì?
Ông reo lên ngay:
- Câu hỏi này mới chí lí! Máy chữ! Cái máy chữ vi tính! Cậu có biết không, nó là một nhà xuất bản, nó là một giàn nhạc giao hưởng hoặc một khúc độc tấu tuyệt vời đấy! Mác từng nói công cụ sản xuất sản sinh ra chất lượng lao động và chất lượng cuộc sống, cậu còn nhớ không?
Rồi ông hào hứng miên man sang công năng tác dụng “vô bờ bến” của máy chữ vi tính. Một người hỏi”
- Thế anh đã dùng máy này thành thạo rồi chứ?
Hoàng Ngọc Hiến sững lại vẻ trầm ngâm, ông chặc lưỡi, đằng thắng và tiếp:
- Cũng là mày mò thôi. Nhưng tớ đưa về cả một giàn máy rất mới, rất hiện đại, lại còn cả các sách dạy sử dụng máy vi tính bằng tiếng Anh nữa.
Và rồi ông mày mò tự đọc, tự học sử dụng máy này thật, rất say sưa. Có người đến, ông vồn vã ra đón, chưa kịp ngồi yên, chưa kịp để bà Nga (vợ ông) nhắc, ông đã chạy lại cạnh cái máy nhấp nhấp con chuột. Bà Nga nháy mắt với khách:
- Người tình mới của ông Hiến đấy, văn với chả máy, hì hục hấp háy tắt mở suốt đêm, khiếp lắm!
Ông quay ra, không biết đã kịp nghe vợ nói gì chưa, đã bảo:
- À thế à!
Rồi ông lặng lẽ ngồi, lặng lẽ pha nước, tay hơi run run. Bà Nga giành lấy:
- Thôi ông để tôi pha, bọn đàn em đến mà ông cứ lập cập sao thế?! Hay cậu hẹn hò giao kéo dậm dọa gì ông ấy rồi?
- Lại thế cơ à? Hay nhỉ - Ông phụ họa.
Rồi ông lại lắc đầu, hơi nhún vai, như không hiểu hay không muốn hiểu, lại như chấp nhận.
Ở nhà ông ra về, tôi cứ nghĩ: Không biết là thời gian biểu hàng ngày của ông là thế nào? Đọc, nghĩ và viết bằng máy, là suốt ngày đêm rồi, ông còn có thú chơi thể thao nữa, rất đều, từ khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày nữa, là hai. Thế còn đi bộ? Ông cũng thường đi bộ. Tôi đã đi cùng ông, ông đi rất nhanh giữa dòng người hối hả, và tán loạn. Lúc qua đường, ông nắm tay tôi bảo:
- Cậu để tôi dắt cho, đoạn này kinh lắm, nhưng tôi quen rồi.
Người đi đường ngoái lại nhìn ông và tôi, không rõ là ánh cười của họ ngụ ý gì, người và xe vun vút thế.
Trong mấy chục năm qua có mấy lần ý kiển của ông đưa ra đã gây tranh cãi, có mấy lần sự giới thiệu của ông đẫ gây ra cú sốc. Thời gian dần trôi, giới nghiên cứu và sáng tác vẫn hiểu ra rằng: Dù thế nào, ông cũng là một Nhà văn – Nhà nghiên cứu văn học Mácxít nhiệt thành, trung thực với chính mình và đặc biệt là nhiệt thành và trung thực với sự nghiệp văn hóa – nghệ thuật nước nhà. Tôi nghĩ rằng chính nhờ vào nét phẩm giá rất cơ bản này mà tự ông, ông đã vượt qua được nhiều đoạn cam go, đau đầu; mà đồng nghiệp của ông, nhất là những nhà văn trẻ thường nhìn về ông với sự nể trọng, không cách bức.
Đi dạy, ông nổi tiếng là người hay đả phá cái cũ mòn, luôn hướng học viên và bạn nghề vào những đề tài mới lạ với những cách tiếp cận đa chiều. Trong nghiên cứu khoa học, ông lại được tiếng là người có khả năng nắm bắt thực tiễn, khái quát thực tiễn bằng những cụm từ có tính chất định danh cao. Người ta nể phục ông ở đấy, và đôi khi, cũng muốn tranh cãi thêm với ông "cho ra nhẽ" cũng ở đấy.
Chẳng hạn, vào cuối những năm 1970, ngay khi hào khí thắng đế quốc to là Mỹ đang dâng trào, văn chương đương đại đã bắt đầu bước vào một cuộc nhận đường mới, để vừa phản ánh cho chân thực, đầy đủ và hào hùng cuộc chống Mỹ cứu nước, vừa phản ánh sao cho hay thực trạng đất nước những ngày mới hòa bình thống nhất - có tự hào và vui sướng, cũng có cả bi ai và lắm nỗi lo toan ... thì Hoàng Ngọc Hiến  tung ra một nhận xét rằng văn học ta lâu nay là một nền văn học "phải đạo", chúng ta đã sáng tác theo "chủ nghĩa hiện thực phải đạo". Cái bài viết có nhan về Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua (Báo Văn nghệ số 23, năm 1979) ấy đã làm xôn xao dư luận sáng tác và nghiên cứu. Người ta - lúc bấy giờ đã không chịu được sự khái quát thẳng thừng có ý "hạ thấp" giá trị văn học một thời như thế, và người ta cũng chưa thể đồng ý với lập luận của ông. Tất nhiên! Nhưng thời gian qua đi, gần đây, các nhà sáng tác và nghiên cứu đã đồng tình đồng ý với ông hơn.
Đi trước là một phẩm chất cần có của tư duy lí luận, ở mức độ nào đó, Hoàng Ngọc Hiến là một trong số ít người ở ta có phẩm chất này. Theo chiều hướng "đi trước", Hoàng Ngọc Hiến đã hết lòng cổ vũ cho sự mạnh dạn đổi mới trong tư duy nghệ thuật và cả trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật văn xuôi thật khác lạ, mạnh mẽ của Nguyễn Huy Thiệp và Tạ Duy Anh. Trong các trường hợp này, ông vừa là "bà đỡ" tận tình, lại cũng là một người thầy, người dẫn đường nghiêm cẩn.
Có người nhận xét rằng Hoàng Ngọc Hiến là một nhà lý luận có màu sắc tư biện. Điều đó có thể có cơ sở từ chính những trang viết, những tập sách với hệ thống luận giải của ông. Tuy nhiên, lại phải nhận là nếu không chịu khó đọc và suy ngẫm, nếu không biết cách tổng hợp và khái quát… thì cũng lấy đâu ra kiến văn mà tự biện?. Ham tìm tòi và mạnh dạn thể nghiệm, khi tuổi đã ngoài bảy mươi, Hoàng Ngọc Hiến còn quả quyết đi sâu vào nghiên cứu văn hóa phương Đông, về kho tàng và đặc sắc của triết học phương Tây. Quá trình mới này ở ông đã kịp cho một số kết quả mới, là tác phẩm dịch  Các phạm trù văn hóa cổ (của Gurevic, 1977), Minh triết phương Đông và triết lý phương Tây/ Xác lập cơ sở cho đạo đức (dịch của F.Jullien, 2000). Từ hai công trình có tính chất cơ sở này, cùng với sự nâng cấp các phác thảo đã có, Hoàng Ngọc Hiến đã viết tiếp được công trình Văn hóa & Văn minh/ Văn hóa chân lý & Văn hóa dịch lý. Một lần nữa, trong công trình khảo luận này, Hoàng Ngọc Hiến đã trở thành người gợi mở nhiệt thành và có kinh nghiệm.
Dăm mười năm gần đây, từ địa hạt nghiên cứu, lí luận văn chương, Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến lại cùng nhà văn Tô Hoài và một số vị khác còn nghiên cứu về văn hóa (đề tài cấp Nhà nước). Có lần gặp ông khi ông vừa đi mấy tỉnh xa về, tôi hỏi ông chuyện nọ, chuyện kia. Trong dòng kể đầy hào hứng như trình bày luận giải cho cả trăm người nghe, với giọng đầy ngữ điệu, nhà văn mấy lần nhấn mạnh: “Văn hóa là sự bao dung, độ lượng”. “Nhuốm màu đạo đức học quá” – Tôi bảo. Ông nói ngay: “Cố nhiên. Văn hóa là cái khởi thủy, lại cũng là sự chung kết. Sự chung kết đích đáng vẫn hàm chứa trong đó nhiều thứ”. Trò chuyện với ông thì rất chụm ý, rất tập trung, và dường như không có điểm dừng, ngay cả khi trước mặt có một cốc bia hay cốc cà phê.
Có lẽ cái mạch mới trong suy tư của ông về những vấn đề đạo đức học này đã bắt nguồn từ chính những nếm trải thăng trầm trên đường đời của ông thì phải. Ông không chúc bạn văn mới Nguyễn Huy Thiệp thuận buồm xuôi gió, bởi ông cũng vừa vượt lên từ bao gian truân. Và trong gian truân, ông quá hiểu đạo đức con người, sự tử tế của con người đã đóng vai trò to lớn như thế nào! Trong bài Trước đèn và ban ngày đọc Mạnh Tử viết gần đây ông mở đầu là:
“Đọc và suy ngẫm những quan niệm của Mạnh Tử về đạo đức tôi thấy rằng trong tình hình đạo đức hiện nay của xã hội ta, có nhiều điều trong đạo đức học Mạnh Tử rất đáng để chúng ta suy nghĩ”.
Tiếp tục cái ý hướng đọc xưa là vì nay này, ông đã bắt tay vào dịch tập khảo luận Xác lập cơ sở cho đạo đức (Đối thoại của Mạnh Tử với một nhà triết học ánh sáng) của học giả Frăngxoa Julie. Chọn dịch công trình nổi tiếng này của nhà triết học đương đại người Pháp, Hoàng Ngọc Hiến đã giới thiệu cho công chúng Việt Nam một cách nhìn nhận mới về Mạnh Tử, đó là cách nhìn một triết gia phương Đông từ lí trí của Châu Âu, qua đó cũng nêu lên được những gì minh triết phương Đông ngộ được mà bất cập đối với phương Tây.
Vậy là, hơn cả sự bền bỉ, Hoàng Ngọc Hiến là người quyết đi đến cùng các ý nghĩ, cái kế hoạch lao động, nghiên cứu của mình. Ông bàn chuyện văn chương không chỉ bằng vào kiến thức văn chương, bằng vào những ý kiến thức liên ngành mà ông dụng công tích lũy… Ông đã ném cả trí lực và tình cảm của mình vào các cuộc bàn bạc, tranh luận văn chương, với một niềm tin sáng trong, hồn nhiên rằng: Trước văn chương và trong văn chương thì không có chỗ cho cái ác; Có thể có va chạm và bất đồng ý kiến trong nghiên cứu lí luận văn học, nhưng phải lương thiện, hướng thiện, vì sự phát triển của văn chương dân tộc.
Hoàng Ngọc Hiến không phải là nhà lý luận chay. Ông là một nhà lí luận - phê bình đích thực thường có mặt đúng lúc. Ông từng tâm sự: "Những bài phê bình hay làm người đọc yêu văn học. Yêu văn học là yêu những giá trị tinh thần, sự khô cạn của tình yêu này đương là một trong những sự khốn cùng của thế giới  hiện tại. Cũng như các thể loại văn học khác, viết phê bình không thể thiếu cảm hứng. Người viết phê bình là người có những chủ kiến mạnh mẽ ...". Đó là những lời tâm sự có giá trị tổng kết từ chính trải nghiệm của ông và sự quan sát các thành/ bại của bạn nghề.
Có chủ kiến, nên gần đây, Hoàng Ngọc Hiến lại nêu một ý kiến thật mạnh dạn, đáng tìm hiểu thêm - Ông viết: "Thiên thai của Văn Cao là tác phẩm (duy nhất trong văn nghệ thế giới) thể hiện đầy đủ và sâu sắc sự đi về của nỗi nhớ vĩnh cửu của con người, ở cõi tiên nhớ cõi tục ở cõi tục nhớ cõi tiên".
Chúng ta từng biết rằng con đường nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động văn học của nhà văn – nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến là thẳng mà cũng hay có va vấp. Trải qua bao nhiêu va vấp thế mà ông không oán hận; trái lại, thêm lắng đọng suy tư và cũng vui cười hồn nhiên, lại còn nói thêm: “Văn hóa là bao dung”.
Người như ông thật quý!