Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦN TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN PHÁT HUY BẢN CHẤT TRÍ THỨCTRONG MỖI CÔNG DÂN

Phạm Quang Trung
Thứ năm ngày 27 tháng 1 năm 2011 5:27 AM

 - Khổng tử viết: Tài nan, bất kỳ nhiên hồ?
(Khổng tử nói: Có được nhân tài khó thay, chẳng phải vậy ư?)
Trích Luận ngữ, thiên Thái Bá
 
 Trước hết, tôi xin được trình bầy quan niệm của mình về bản chất đích thực của một người trí thức. Nhiều người hay đồng nhất nhà trí thức với nhà chuyên môn. Tôi không nghĩ vậy. Bởi trên thực tế, không hẳn cứ có học hành, đỗ đạt, với học vị này, học hàm nọ là đã trở thành nhà trí thức đâu. Trí thức lớn càng khó. Điểm cốt lõi nhất ở người trí thức bao giờ cũng nằm ở tư cách văn hóa, hơn thế, ở phẩm cách tư tưởng trong một con người. Nghĩa là, họ cần tỏ rõ một bản lĩnh sống, bản lĩnh sáng tạo vững vàng. Ở mọi nơi mọi lúc, trong mọi mối quan hệ và mọi hoàn cảnh. Người trí thức đích thực như thế có ở tất cả mọi ngành nghề, mọi tầng lớp. Trong chính trị và kinh tế, trong văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Không hề có sự phân lập rạch ròi. Càng không thể có sự đối lập vô lý. Tất nhiên, phẩm chất trí thức ở mỗi người, mỗi tổ chức có sự khác nhau về mức độ, làm nên sự khác biệt về giá trị trong thang bậc văn hóa chung của dân tộc và nhân loại.
Đảng Cộng sản Việt Nam tự xác định trong Điều lệ của mình là một tổ chức tiên phong của giai cấp công nhân cách mạng thì không thể không được trí thức hóa. Vì giai cấp công nhân cách mạng trong thời đại chúng ta bao giờ cũng đại diện cho một phương thức sản xuất tiên tiến nhất, hiện đại nhất mà loài người từng mơ ước. Hơn thế, Đảng Cộng sản Việt Nam còn tự xác định là một tổ chức tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam thì lại càng phải được trí thức hóa gấp nhiều lần. Bởi, nhân dân lao động, như thực tiễn đã xác minh, bao giờ cũng là chủ nhân của mọi giá trị vật chất và tinh thần cao quý nhất trên đời. Còn dân tộc Việt Nam thì đã nhiều lần chứng tỏ trong lịch sử  đầy thách thức và quang vinh của mình những phẩm chất văn minh, văn hóa chói sáng, được những ai biết tôn trọng sự thật thuộc mọi chân trời đánh giá cao như thế nào. Cho nên, trong việc chọn lựa người lãnh đạo thời nay có lẽ nên đặc biệt đề cao tinh thần sáng tạo trong vận dụng đường lối chung vào hoàn cảnh riêng, và đi liền với điều đó, là tinh thần tự chịu trách nhiệm trước kết quả có thể rất khó hình dung của công việc do mình đảm trách.
Bây giờ, tôi xin đi vào vấn đề chính yếu là cần phát huy bản chất trí thức ở mỗi người công dân, biểu hiện cụ thể trong bộ máy công quyền giữa người lãnh đạo với người bị lãnh đạo nên như thế nào? Mọi người đều dễ dàng thừa nhận rằng trong mỗi tổ chức xã hội, mỗi đơn vị nghề nghiệp dù lớn hay nhỏ, để công việc đạt hiệu quả, hiệu xuất thì phải có sự vận hành của một bộ máy thống nhất. Từ đó, tất phân chia ra thành người lãnh đạo (số ít, thậm chí rất ít) và người bị lãnh đạo (chiếm đa số). Đó là lẽ thường tình. Thái độ đúng mực nhất là phải chấp nhận và nên xem đó là sự phân công theo thang bậc xã hội tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau - chủ quan có khách quan có, tất yếu có ngẫu nhiên có - nghĩa là theo quy luật muôn đời của cái gọi là “cuộc sống” đầy bí ẩn và huyền diệu. Tôi xin được nhấn mạnh, đó là thang bậc xã hội chứ không phải là thang bậc giá trị. Làm nên giá trị ở mỗi người lại ở sự cống hiến thật sự trên cương vị của mình được thừa nhận khách quan và rộng rãi. Có điều, một cơ chế xã hội tiên tiến bao giờ cũng đòi hỏi và mang lại sự hòa hợp giữa hai thang bậc ấy từ cả hai phía. Muốn vậy, mỗi người trong bộ máy công quyền phải ứng xử với nhau và với phận sự của mình trên tinh thần trí thức chân chính. Có nhiều biểu hiện của tinh thần đó, nhưng điểm chính yếu nổi bất nhất chính là ở thái độ dám tỏ bầy và dám bảo vệ chủ kiến của mình trước mọi vấn đề gai góc thường xuyên xuất hiện trong đời sống cũng như trong công việc. Bởi, như vừa nói, đã là người trí thức thì phải có cái đầu riêng để nhìn nhận và suy xét, không thể nghe theo, càng không thể tin theo ý kiến, nhất là quan niệm của bất cứ ai chừng nào chưa được thuyết phục bằng chứng lý có cơ sở đầy đủ, chắc chắn và rõ ràng. Còn nếu buộc phải đứng trước một sự chọn lựa, thì theo tôi, người trí thức chúng ta ngày nay nên theo gương lối ứng xử mẫu mực của các bậc chính nhân, quân tử ngày trước thể hiện rõ trong phương châm nổi tiếng: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Tôi nghĩ, những người giữ trọn được phẩm cách ấy của trí thức chân chính trước bao thử thách đến từ mọi phía giữa lúc này bao giờ cũng hiếm và quý, thật sự quý, vì thế rất cần được coi trọng và tôn vinh. Bởi lẽ, đó chính là biểu hiện cao nhất, tập trung nhất lương tri của con người, lương năng của xã hội, đảm bảo cho dòng chảy liên tục của lịch sử đi về phía trước.  
 Trong tương quan đó, trước những vấn đề không dễ giải quyết luôn xuất hiện, yêu cầu hàng đầu đối với người lãnh đạo mang phẩm giá trí thức đích thực là phải biết lắng nghe, hơn thế, biết tạo điều kiện cho những ý kiến khác nhau được bầy tỏ. Vì sao vậy? Bởi, đã gọi là đời sống thì bao giờ cũng rất phức tạp. (Nhiều người dùng thuật ngữ nước ngoài là hyper – reality được dịch là hiện thực thậm phồn để biểu hiện trạng thái này). Các vấn đề nảy sinh trong đó khi nào cũng mới mẻ và đặc thù. Mỗi nơi mỗi khác, mỗi lúc mỗi khác. Câu hỏi không bao giờ giống nhau. Lời giải, nhất là trước những vấn đề lớn lao và hệ trọng liên quan đến sinh mệnh của nhiều người, do đó cũng phải khác biệt. Kinh nghiệm nhiều lắm chỉ giữ vai trò gợi mở, gợi ý. Rất cần nhiều ý kiến được đưa ra. Còn việc chọn lựa cuối cùng tất nhiên thuộc quyền hạn của người lãnh đạo, sau khi đã suy xét kỹ càng từ nhiều yêu cầu và từ nhiều phía. Mà ai hay có ý kiến nhất? Chính là người trí thức. Gần đây, để thực thi mọi quyết sách, Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều nghị quyết đã nhấn mạnh nhiều hơn tới quyền giám sát, tư vấn và phản biện xã hội. Mọi tầng lớp đều cần hưởng ứng, cố nhiên. Nhưng trước tiên có lẽ là đội ngũ trí thức. Vì dễ thấy là họ có điều kiện hơn nhiều tầng lớp khác. Nhưng cái chính là họ xem việc đưa ra ý kiến riêng đầy trách nhiệm là phận sự xã hội mà bản thân không có quyền thoái thác. Chớ nên coi họ là kẻ “nhiễu sự”, thậm chí kẻ “gây rối” rồi chủ động tìm mọi biện pháp nặng nhẹ khác nhau để trừng phạt. Tôi biết, trong sinh hoạt tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, kể cả ở cơ quan quyền lực cao nhất là Ban chấp hành Trung ương, cũng vẫn duy trì cơ chế bảo lưu ý kiến. Đó là một quy định sáng suốt vì rất hợp lẽ đời mà cũng rất thuận tình người. Tôi cũng biết, trong góp ý, có người xuất phát từ động cơ cá nhân, cái nhìn thường đầy định kiến nên sai lạc. Lại có người quá đề cao trí lự thường nông cạn và tầm nhìn thường hạn hẹp của bản thân, rơi vào căn bệnh vĩ cuồng, mục hạ vô nhân, coi người khác như cỏ rác. Nhưng số đó phải nói là không nhiều. Rồi tập thể sáng suốt luôn kịp nhận ra. Người lãnh đạo trong trường hợp này nên thật sự bình tâm, xem xét từ nhiều phía và nhiều góc độ. Rất cần thái độ bao dung và cầu tiến. Hết sức tránh hằn thù, quy chụp làm trầm trọng hóa vấn đề. Như vậy thì có nghĩa là bản chất trí thức trong họ được thức tỉnh. Họ xứng đáng được xem là nhà lãnh đạo tiên tiến đúng nghĩa. Sự nghiệp của chúng ta đang rất cần những con người có đầu óc và tầm nhìn như vậy!
 Đi ngược lại những đòi hỏi hệ trọng và thiết yếu ấy, người lãnh đạo tự nhiên sa vào tệ hống hách, chuyên quyền mà Đảng Cộng sản Việt Nam từng công khai xem là một trong những nguy cơ làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của dân với tổ chức mình. Đúng, phải xem đó là nguy cơ thật sự! Điều tai hại hơn cả ở chỗ, nó là nguyên do chính tạo ra môi trường tinh thần thiếu lành mạnh nếu không muốn nói là tiêu cực, thậm chí là ô nhiễm. Ở đó, chỉ có những ý kiến dễ dãi, nông cạn, xuôi chiều của những kẻ nịnh bợ, trí trá, mất nhân cách được công khai tồn tại, tạo ra sự đoàn kết, nhất trí bề ngoài nhưng luôn tiềm ẩn những ngòi nổ tự bên trong có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Ở đó, người có hiểu biết, có nhân cách và lòng tự trọng, sau nhiều lần “đấu tranh tránh đâu”, thường nản chí nản lòng, lẩn vào khoảng lặng ẩn chứa bao thảm kịch chua xót. Tất nhiên, những bậc trí giả sẽ biết vượt thoát khỏi tình cảnh đó bằng mọi cách. Có điều, bao năng lực quý báu bị phung phí một cách không đáng có. Nên nhớ, sự lãng phí lớn nhất khi nào cũng là sự lãng phí tiềm năng nơi con người. Trong khi, chưa bao giờ sự nghiệp lại đòi hỏi ở mỗi người chúng ta cao và nhiều đến thế!  
  Xin được kết thúc bài viết của mình bằng nỗi hy vọng không bao giờ vơi cạn của tôi đối với bản chất trí thức đích thực luôn ngời tỏ ở mỗi người công dân chúng ta, mà trước hết và trên hết là ở đội ngũ lãnh đạo – một trong những nguồn lực quyết định tới thành công của sự nghiệp hôm nay cũng như mai sau. Được vậy, thang bậc xã hội sẽ hài hòa với thang bậc giá trị vốn là điều mong ước da diết của muôn đời.
                                                           
Đà Lạt, 23/01/2011
PQT.