Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGỌN LỬA & TIẾNG CHUÔNG

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ hai ngày 24 tháng 1 năm 2011 5:24 PM
 
Viết nhân đọc tập thơ “Ngọn lửa và tiếng chuông” của nhà thơ Phương Hà
 
Lâu nay ít đọc, với thơ lại càng ít, cũng bởi cuộc sống chật chội quá, bon chen quá, ít thơ quá. Đầu óc giờ nặng chuyện áo cơm quá. Chẳng trách nhiều “nhà” đang kêu gọi cứu lấy văn hóa đọc! Nhưng rồi, càm tập bản thảo tập thơ “Ngọn lửa và tiếng chuông” của nhà thơ Phương Hà gửi, tôi lại tập trung cảm hứng để đọc. Dù sao cũng là tấm lòng của bậc trưởng bối gửi gắm vào thơ. Đã được đọc hai tập thơ của ông, lại đọc thơ ông tự xuất bản trên blog, đa phần những bài thơ trong tập này tôi cũng đều được đọc, trước khi nó được tập hợp thành bản thảo. Do vậy với tôi, đọc bản thảo này giống như gặp lại một người quen cũ mà tôi cố gắng tìm ra sợi dây nối giữa chúng tôi. Rồi tôi cũng tìm ra. Đó là cái cảm xúc cô đơn muôn thuở của con người lần về chốn xưa mà người cũ thì đã vắng xa. Cảnh đó, không phải giờ mới có. Kim Trọng trở lại vườn thúy, hay chàng Thôi Hộ tìm lại vườn đào… chẳng phải đã có từ xưa rồi ư?
Nhưng, trong thơ của nhà thơ Phương Hà, cảnh “lai khứ, hồi cố nhân” đó vẫn cứ ám ảnh như thường. Nó ám ảnh bởi những cảm xúc, hình tượng rất Việt Nam, như thế này: “Hà Nội với anh giờ hoang vu quá/ Gió sông Hồng hun hút một bờ đê…” (Hà Nội không em). “Ta về Hà Nội tháng tư/Bằng lăng tím đến ngẩn ngơ đất trời/ Tóc dài gió trả về tôi/Em đi qua một chiều vời vợi xa…” (Không đề).Cảnh đó, cảm xúc đó dẫn đắt tôi đi theo hết tập thơ trong một không gian bàng bạc, bâng khuâng, man mác u sầu và gợi tưởng. Tôi hình dung ra cảnh thi nhân đang cúi đầu lặng lẽ, u sầu trước cảnh trời thu mà lẻ loi, cô quạnh vì thiếu vắng cố nhân. Và cảnh đó, không ít lần có trong thơ ông. Đó là nỗi hoài cảm về một mối tình, không, chính xác là những mối tình đã đi qua trong thời trẻ trai của ông. Là nỗi nhớ về người mình yêu hay từng yêu. Một nỗi nhớ hiện rõ từng chi tiết của hình ảnh người tình xưa:
“Em như tiếng mõ trâu?
Lạc rừng chiều biên ải/
Giữa hai bờ núi dựng?
U…u..u”.
Đến mức ba mươi năm sau, tâm trí ông vẫn còn âm ỉ những cảm xúc xưa. “Không đến gặp để lòng lửa cháy/Gặp nhau rồi sương núi lệ nhòa cay” (Hoài cảm Cao Bằng).
Và tìm về để thỏa nỗi khát khao trào dâng trong lòng mình.
Sóng bạc đầu
bởi gió đi qua
không ngoái lại
giận hờn tung bọt trắng
Biển xa xanh
Trời khao khát nắng
Anh khát em
tìm về đảo quê nhà…
(Trở lại Lan Châu)Tìm về để chứng nghiệm lòng mình. Chứng nghiệm tình yêu bằng hành động mang tặng vật về cho người yêu. Một thứ quà mà chỉ thi nhân và những người đang yêu mới nghĩ ra, và dám hứa tặng. “Đã ra đến tận Hồ Tây/ Ước sao gói được heo may làm quà”. Nhưng, không chỉ đôi lần, thi nhân lỡ hẹn. Và đây là một lời vừa “thú tội” vừa biện minh rất khôn khéo. Một lời biện bạch chỉ Phương Hà mới có: “Ở đây thu cả một trời /Làm sao tôi giữ được lời với em..”(Quà thu).Không gian của thu, của mùa thu đã khiến thi nhân lỗi hẹn, hay vì gì nữa? Câu thơ cứ lấp lửng, cứ bồng bềnh giữa trời thu, giữa lòng người như vậy đó.
Trước cảnh đó, ta trách gì chỉ thi nhân mới không giữ được lời. Cả đến ta cũng vậy thôi. Thói đa đoan của người đời mà. Tránh sao được, nhất là với những khách đa tình?Cảnh thu, trong thơ ông không chỉ có tình yêu. Nó còn là cảnh của tuổi thơ, của một thời mơ mộng. Hồn nhiên, trong trẻo. Đẹp một nỗi đẹp yên bình, tha thiết của cảnh thu quê. Chuồn chuồn cơm chắp nối sợi nắng chiều/Trâu đủng đỉnh khói lam mái rạ (Trở lại mùa Thu).
Và cũng không trách được nếu bỗng dưng nhà thơ Phương Hà lại để ý đến câu chuyện tình dở dang của người khác. Một chuyện tình online đúng mốt thời nay mà ông nghe từ lời tâm sự của một cô gái trong một chuyến bay. Đến đây thì giọng thơ của ông đã khác. Nghe dửng dưng, lành lạnh không đằm thắm, chỉn chu như trước nữa. Nhưng vẫn gợi nhiều suy tưởng.Nhà thơ viết:
Cô gái ngồi bên
Kể chuyện cuộc tình online
Nửa khóc nửa mếu
Gã đàn ông kia lừa được em
Nhưng không lừa được chính mình
(Nhật ký một chuyến bay)
Bài thơ kết thúc đột ngột bằng hai câu: “Sắp đến giờ hạ cánh?Tự mình trói mình bằng seat belt”.
Từ cuộc tình dở dang của cô gái, ông dẫn dắt chúng ta đến những chân trời lạ lẫm của sự suy tưởng. Rồi bỏ mặc chúng ta ở đó với niềm, miền suy tưởng miên man của mình. Đó là phong cách thơ của nhà thơ Phương Hà chăng? Vì nếu tôi không lầm, thì “thủ pháp” (đặt câu hỏi, hay không đặt câu hỏi trong thơ cũng đều hướng đến sự suy tưởng, triết lý…) đó, không ít lần xuất hiện trong thơ ông. Ngay cả trong nhiều bài thơ tình, ông cũng dùng thủ pháp này. Bài “Mơ màng đêm Quảng Trị” là một minh chứng:
“Quê vẫn vậy đói nghèo xơ rơm rạ
Nền nhà em nền đất thuở ông bà
Cả làng cúng thánh thần thờ Phật
Răng quê vẫn nghèo là cớ chi cha?”.
Nhưng hỏi ở đây không phải vì cắc cớ. Hỏi vì thương, yêu, băn khoăn mà hỏi. Ai từng yêu mà không mong ước sự vẹn toàn cho tình yêu? Nhưng tình yêu và cuộc đời nhân thế và vũ trụ này nữa, làm gì có vẹn toàn. Nên nó vẫn mãi mãi là nguyện ước của con người. “Lời thì thầm với trăng” là ước nguyện đó của thi nhân.
Ta đã qua mấy mùa trăng khuyết
Em không hẹn cùng anh chung bước
Thuyền trăng anh neo đậu bến xa vời…
Đêm ta gặp lần đầu mùa mưa sũng nước
Không có vầng trăng trong lời ước…
Đêm nay trăng sẽ tròn em ạ!
(Lời thì thầm với trăng)
Đọc “Lời thì thầm với trăng” hẳn chúng ta sẽ nhớ đến bài thơ “Một nửa vầng trăng” của Hoàng Hữu. Bài thơ cũng nói về một nguyện ước cho sự vẹn toàn, hoàn mỹ, viên mãn của tình yêu, của lứa đôi và hạnh phúc cho con người. Nhưng để được viên mãn, hạnh phúc, con người phải đánh đổi không ít, khổ đau không ít. Và phải hi sinh không ít. Hoàng Hữu viết trong bài thơ đó bằng hai câu kết: “Trăng viên mãn bên trời đêm đêm em có nhớ/Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau”.
Trăng, đó là hình ảnh ẩn dụ cho sự hi sinh của người phụ nữ, hay nói rộng ra, cho con người, để đi đến hạnh phúc của mình. Hình ảnh một nửa vầng trăng khuyết, là hình ảnh ẩn dụ cho sự hi sinh trong tình yêu của người phụ nữ. Trong thơ Phương Hà, không thiếu hình ảnh của người phụ nữ với những hi sinh thầm lặng. Và ông viết về họ với sự tri ân rất riêng, với cái nhìn đầy xúc cảm. Vì ông hiểu, nhận ra sự hi sinh của họ.
Em đã cùng anh qua mấy mùa giông gió
Vọng phu đổ bóng đường đời
Em nửa bóng nửa hình giá trước tuổi
Mà thời gian chẳng hỏi đã vì ai?”
(Tự sự Valentineday). Và cảnh “Nhớ vợ”:
“Vợ về quê có mấy ngày
Cha con nhà tớ chân tay rụng rời
Bếp đun nước chẳng chịu sôi
Nhà ba tầng ngỡ một trời tan hoang…”
rồi kết thúc bằng hai câu:
“Cha im con cũng lặng lời
Cả nhà nhớ tiếng vợ tôi cằn nhằn”
Nhưng, ấn tượng nhất, chất Phương Hà nhất, trong thơ ông, theo tôi vẫn là những câu thơ triết lý về thế sự. hàn huyên với bạn cũ, nghe bạn hỏi mà ông chợt ngộ ra bao chuyện của nhân thế.
Hàn huyên chuyện thuở cũ càng
Chạnh nghe bạn hỏi giàu sang thế nào?
Tóc giờ trắng khói thuốc lào
Đời giờ trắng giấc chiêm bao mất rồi
Có ai chỉ được cho tôi
Nẻo nào về được cái thời non xanh?
(Quê cảm)Ông viết về bạn, với những câu thơ thực mà thấm đợm nghĩa tình, đầu hậu ý sâu xa. Từ bài thơ viết tặng nhà thơ Lâm Quang Mỹ:
“Bôn ba vạn nẻo xứ xa
Người nam kẻ bắc quan hà mà thương
Uống nhầm thuốc lú văn chương
Cơ duyên cuối vận lạc đường gặp nhau
Cũng là lớp trước lứa sau
Ngẫm ra chung một nỗi đau thế thời”
(Một lần gặp ở trên quê). Hay bài “Cảm tác” tặng ông Hồ Cầm Tỏa:
“Không hiểu xấu, làm sao biết tốt?
Uống Oa đầu tửu chạnh nhớ Hòa Thân
Thờ vua trung thành như chó
Báo quốc lấy nhà làm kho”.
Với “Bài thơ không đặt tên” ông viết tăng nhà văn Hoàng Đình Quang, thì chất thơ đã lung linh hơn, dù vẫn chuyển tải triết lý, suy tư:
“Bao thằng trang lứa cùng ta
Đứa biển sâu đứa rừng già gửi thây
Ta còn ngồi với nhau đây
Ly viếng bạn xin đất dày nhận cho…
Lắc lư say ngỡ con thuyền
Trên dòng rượu chảy
truân chuyên kiếp người…”
Hay bài “Đổi giọng” vừa bi vừa hài. Đọc xong nghe lòng mặn chát nỗi niềm thế thái, nhân tình.
“Công đường giữa lúc đăng đàn
Nhiều khi lạc giọng quát tràn cung mây
Như dzầy…là chính thế đây!
Bãi đường ngậm đắng nuốt cay cũng nhiều
Cái thời nhung nhúc tà yêu
bạn tôi đổi giọng là điều đáng thương”
. Dòng triết lý, suy tưởng trong thơ ông còn đi tới những chuyện cũ của lịch sử. Từ quá khứ lịch sử mà chiêm nghiệm lại, nhìn lại hiện thực. “Lời minh oan cho Gióng” và “Nỗi oan nàng Mỵ Châu” là những bài như vậy.
“Có lần Gióng báo mộng tôi
Rằng tôi cũng một kiếp người như ông
Cội nguồn một mạch nước trong
Ai người chẳng muốn lập công với đời…
Tranh công đoạt lợi xưa nay
Người hiền lắm kẻ trắng tay mất đầu”
(Lời minh oan cho Gióng)
Đêm nằm nghĩ chuyện Mỵ Châu
Năm canh thao thức mà đau sự đời
Nhát gươm oan nghiệt đầu rơi
Luận bàn thế sự lắm lời nhiễu nhương
(Nỗi oan nàng Mỵ Châu)
Xưa nay, chỉ thấy người ta nói chuyện đời nhiễu nhương. Riêng ông, lại thấy có những “lời nhiễu nhương” nữa, thì kính phục thay. Lời nhiễu nhương, hay đời nhiễu nhương, suy cho cùng cũng là do con người, do tâm người mà sinh ra.
Nên ông mới viết:
“Khi thắp nến bạn sẽ nhìn thấy lửa
Cháy bùng lên xua đuổi bớt đêm đen
Khi im lặng bạn sẽ nghe rất rõ
Tiếng chuông ngân lan tỏa đến vô cùng…”
(Ngọn lửa và tiếng chuông).
“Ngọn lửa và tiếng chuông” được ông chọn làm tên cho tập thơ, hẳn có một ngụ ý nào đó? Tiếng chuông như dấu hiệu của sự bình an của cõi lòng.
Ngọn lửa mang ẩn dụ của hình ảnh ấm áp, sum vầy. Mong rằng, tiếng chuông bình sẽ mãi lan tỏa, ngân nga và ngọn lửa sẽ mãi ấm áp trong lòng người. Đọc thơ ông, nghiệm ra sự lan tỏa của suy tư, tình yêu và lòng nhân ái.
NGUYỄN VĂN THỊNH