Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XỨ ANH ĐÀO - MÙA LÁ ĐỎ

Vân Long
Thứ hai ngày 24 tháng 1 năm 2011 9:44 PM
 
I – Ôn cũ - biết mới 

 Tôi là người hâm mộ lịch sử Nhật Bản từ thời trẻ, động cơ vẫn là trông người để ngẫm đến ta. Tại sao nước Nhật có một số điều kiện tương tự Việt Nam: Diện tích 377.435 km2, dân số năm 1995: 125 triệu. Hình thế đất nước cũng hao hao hình con cá quẫy, mảnh mai nhưng từng quẫy tung sóng gió biển Đông: hai lần đánh thắng quân Mông Cổ, tuy Nhật Bản có sự trợ giúp của hai trận bão lớn, nhưng tinh thần bất khuất của họ vẫn là chính: từ chối cống nạp, dám giết sứ thần ngông ngạo. Về văn hoá, ảnh hưởng sâu Khổng học, cũng dùng văn tự Hán, rồi mới tạo chữ riêng như chữ Nôm của ta. Điểm giống nhau cơ bản: cùng là người châu Á “máu đỏ da vàng”. Các sĩ phu của ta tổ chức phong trào Đông du, đã thấy: màu da chủng tộc không hề là trở ngại khi nước Nhật đứng lên làm cuộc canh tân…
 Còn sự khác nhau, chỉ cần lướt qua những biến động thời cận đại khoảng giữa thế kỷ 19: Nửa đầu thế kỷ này các vua nhà Nguyễn đã có công mở mang đất nước, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) đã đặt ra tỉnh Hà Tiên bao gồm cả đất Cà Mau và đạo Long Xuyên của Mạc Cửu. Biết mở nước mà không giữ được nước.  Khi nhà Nguyễn đang lúng túng đối phó bị động với thực dân Pháp chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ (1862-1867) thì Minh Trị Thiên hoàng đã kịp xóa bỏ chế độ Mạc Phủ Shôgun, đồng thời làm cuộc cách mạng tư sản 1868. Các lãnh chúa phải nộp lại đất đai cho Nhật Hoàng. Với vốn liếng thuế nông nghiệp (khá cao) cộng với quỹ đất vừa nhận, Nhật hoàng đem cược để vay nước Anh 165 triệu đô la. Số vốn đầu tiên này Nhật hoàng dùng để công nghiệp hóa nước Nhật, xây dựng các xí nghiệp, thuê chuyên gia điều hành, chuyên gia kỹ thuật. Nước Nhật mở cửa giao thương với các cường quốc. Các xí nghiệp Nhật chỉ phải thuê chuyên gia nước ngoài khoảng thập niên đầu, từ 1868. Sau đó, 600 du học sinh sang học các nước tư bản đã trở về thay thế dần chuyên gia ngoại quốc, lớp khác lại kế tiếp con đường cầu học…Khi bộ máy điều hành nền công nghiệp hoàn thiện vào tay người Nhật, Nhật Hoàng mới rút khỏi vai trò trực tiếp quản lý, giao lại cho các nhà tư bản, thực tế là các đại quý tộc có vốn đầu tư… 
Có những giai thoại cảm động về sự nghiệp canh tân của hoàng gia Nhật. Chỉ sau 4 năm Minh Trị lên ngôi, tuyến đường xe lửa đầu tiên Tokyo-  Yokohama đã làm xong. Minh Trị dẫn bá quan đến sân ga cắt băng khánh thành. Chuyến xe lửa đầu tiên trang hoàng rực rỡ như một cung điện thu nhỏ, tất nhiên phải mời Nhật hoàng và các quan đi chuyến đầu tiên. Nhật hoàng trước khi bước vào sàn gỗ bóng loáng có thể soi gương được, theo thói quen người Nhật, ông bỏ đôi hài ở sân ga rồi mới bước lên. Các quan sao dám làm khác! Đến ga cuối Yokohama, Nhật hoàng bước xuống sân ga trước rừng cờ của công chúng và sứ thần các nước chờ đón. Mọi người bất ngờ trước một cảnh chưa từng có: Nhà vua và các quan đều lúng túng, chân trần chẳng hài hán gì, bước xuống sân ga…
 Nước Nhật hiện đại hoá quân đội, nhất là các hạm đội, bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa với sức mạnh quân sự ngang ngửa với các cường quốc khác. Họ thắng liền hai keo đọ sức quyết liệt: Chiến tranh Trung-Nhật (1894- 1895) tranh chấp chủ quyền ở Triều Tiên, chiến thắng mang lại cho Nhật Đài Loan và quần đảo Petxcadore. Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) tranh chấp Mãn Châu đem lại cho Nhật cảng Lữ Thuận và quyền họat động tự do ở Triều Tiên và Mãn Châu. Lần đầu tiên, một nước da vàng thắng một cường quốc da trắng đã xoá đi phần nào mặc cảm chủng tộc trong đầu các nhà yêu nước châu Á.
 Tôi xin nhắc lại vài nét về nước Nhật mà các bạn đã  biêt để thông cảm tâm trạng người viết bài này, được trực tiếp nhìn ngắm nước Nhật, người Nhật hôm nay qua lăng kính một người quen ôn cố tri tân.
   Tôi dám “đông du” một chuyến nhờ có anh bạn thân gợi ý: “Này! Anh có muốn sang Nhật một chuyến không? Chỉ cần đủ tiền vé, với chi phí tối thiểu vì hai cháu nhà em đang học và làm việc bên đó!” 
Hạ cánh xứ Mặt trời mọc đúng lúc mặt trời mọc một ngày thu mát lạnh nhưng ánh sáng chan hoà. Đón chúng tôi ở sân bay Narita-Tokyo, không phải chỉ có hai cháu gái, con anh Vân Đình Hùng mà còn một người đàn ông Nhật chạc gần 70 tuổi, dỏng cao, tóc vẫn đen, còn phong độ của người đàn ông trung niên. Ông này tên là Imai Takao, vốn đã quen với Hùng từ hai lần trước Hùng sang thăm con. Tôi cũng được giới thiệu sơ qua về ông khi chưa đặt chân đến đây: ông vốn là nhân viên một công ty nào đấy, đã ở tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa nghỉ hẳn, một tuần chỉ làm vài ba ngày. Bà vợ dạy piano tại nhà cho trẻ em Nhật, cũng chỉ dạy vài chục giờ trong tuần. Hai ông bà có hai cậu con trai có gia đình riêng hai nơi, rất ít khi về thăm nhà. Bà lúc nhớ các cháu nội vẫn đến với chúng nó, còn ông thì không. Chúng tôi chưa đủ thân để tìm hiểu sâu thêm, chỉ biết ông bà rất quý chị em Nguyệt, Hằng và các du học sinh Việt. Nguyên do: ông bà Imai đã vài lần sang du lịch Việt Nam, biết cả Đà Lạt, Vịnh Hạ Long… Khi chưa gặp cháu Nguyệt, ông đang học tiếng Việt do một cô học sinh người Quảng Nam dạy. Tiếng Việt đọc chữ có dấu, khó quá! Mấy từ được cô giáo khen là đọc đúng thì Nguyệt lại đọc khác, phải uốn nắn lại. Khi được biết Nguyệt là người Hà Nội gốc, giọng Hà Nội chuẩn, ông bèn nhờ Nguyệt làm cô giáo mới. Thế là ông bà quen cả nhóm sinh viên Việt thân Nguyệt, được mời ăn những món ăn Hà Nội, Nguyệt  vốn giỏi nấu nướng, lại được học thêm cách nấu những món ăn Nhật. Nhiều khi ông bà Imai mời cả nhóm đến nhà, khách mời ríu rít… mời chủ nhà ra khỏi bếp để tự nấu lấy những món ăn Việt, Nhật. Cuộc giao lưu văn hoá ẩm thực làm tiếng Việt của ông Imai thăng tiến nhanh, cùng với sự trợ giúp ngược lại: những bài luận văn tiếng Nhật cúa các cháu đã được ông chỉ ra những sai sót kỹ hơn cả thày cô ở trường. Việc mê mải học tiếng Việt của ông có phải cũng là duyên cớ ông cảm tình với chúng tôi mà ông biết cũng là dân viết báo, viết văn. Đến nước khác thì có bạn văn đón, đến Nhật thì chỉ có một độc giả… tập sự ra đón. Cũng vui!
 Sau này, chỉ một tuần được tiếp xúc, tôi, và chắc chỉ có tôi là người cao tuổi cũng có hai đứa con trai mới nhận thấy sự cô đơn thầm lặng của ông Imai sau nụ cười đôn hậu, cởi mở với đám sinh viên Việt mà chị em Nguyệt, Hằng được coi như con vì ông không  có con gái. Còn con trai ông, có cũng như không, chúng mải chạy theo những thăng tiến,  tăng trưởng gì gì mà cả tháng, cả năm không thấy mặt.
Xã hội Nhật Bản nhờ sớm học phương Tây mà giầu có, tự cường nên giới trẻ Nhật Bản cũng hiện đại hoá từ công việc  đến lối sống. Nhưng cái gốc từ nghìn năm ảnh hưởng Khổng học đâu dễ phai nhạt, thậm chí nhiều người không nhận biết họ vẫn sống trong vòng ảnh hưởng của nó. Nhà kinh tế học Nhật Michiô Môrisima đã giải thích “mô hình phát triển kiểu Nhật Bản” bằng động lực tinh thần Khổng giáo với những đặc điểm khác phương Tây. Theo ông, có thể gọi đó là “Chủ nghĩa tư bản Khổng giáo ở Nhật Bản”. Nếu chữ “trung” ngày trước khiến võ sĩ Samurai có thể xả thân vì chủ của mình, thì chữ “trung” thể hiện ở người làm công với chủ xí nghiệp  cũng vậy! Rất nhiều người Nhật suốt đời làm cho một xí nghiệp, một công ty, rồi cả đời con họ cũng ký thác cho chủ xí nghiệp!
Họ làm việc chuyên cần (chữ “cần” của khổng học) ngày nghỉ ít hơn công nhân phương Tây, đáp lại, chủ hay quan tâm khuyến khích bằng khen thưởng, chu cấp cho con công nhân học giỏi.
 Thế còn chữ “hiếu”? Tôi có thể gặp ở ông bà Imai điển hình những người già ở Nhật hiện nay chăng? Chỉ mươi năm nữa, ông bà vào tuổi 80, bà không còn sức đi thăm cháu, ông vừa khí khái vừa mặc cảm cũng không đến với con. Sợi giây liên hệ hai thế hệ mảnh đến mức không nhìn thấy được.      
 Ngày đầu tiên đến Nhật, tôi đã học được cách xử dụng thời gian của người Nhật. Ông Imai biết chúng tôi đã mua vé khứ hồi chỉ ở Nhật được 8 ngày, vậy là không nên bỏ phí ngày nào. Ông đề xuất:  Khi ra khỏi sân bay, gửi ngay hành lý (mà hành lý của Hùng thì quá nặng, thức ăn chín đóng băng, có cả bánh chưng mang sang dành đến Tết, riêng danh mục cô út gửi về đòi mẹ mua đã tới 27 món gạch đầu dòng, có cả rau thơm, lá lốt, ô mai...) Ngay trong sân bay đã có một văn phòng nhận chuyển đồ mang đến tận nhà. Sau đó du khách nhẹ tênh với chiếc máy ảnh, bước vào cuộc du ngoạn từ bước chân đầu tiên trên đất Nhật.
II - Vườn chùa…rừng chùa
       
Nơi thăm viếng đầu tiên của chúng tôi là ngôi chùa lớn Narita Shan phía Bắc Tokyo, cách trung tâm Tokio khoảng 70 km.       
 Ngôi chùa nằm bề thế giữa một vườn cây cao, rậm, điểm xuyết là những hòn núi đá nhỏ. Được biết đạo gốc của Nhật Bản là Thần đạo (Shinto), ( thờ các thần thiên nhiên, đứng đầu là thần Mặt trời, một tôn giáo không kinh bổn) và phổ cập không kém là đạo Phật. Một cảm giác gần gụi bởi sắc ngói màu nâu trầm của mái chùa, của cột gỗ vách gỗ như hòa sắc các ngôi chùa Việt miền Bắc, không chen màu vàng choé như các đền chùa ở Thái Lan, Cămpuchia… Chúng tôi làm thủ tục theo các khách thập phương đến lễ: múc nước trong suốt rửa tay bằng những gáo tre nhỏ từ một cái bể đá hình chữ nhật, rồi mới thắp hương ở một chiếc đỉnh đồng lớn nghi ngút khói. Thắp xong, theo những người đến lễ, dùng hai bàn tay xòe ra vơ khói nhang về ngực mình, hẳn là để đón nhận sự phù trợ của các thần linh!    
      Chúng tôi rút ngắn thời gian trong chùa, bởi hồn vía đang bị hút vào cảnh sắc thiên nhiên chung quanh chùa. Cuối thu, cây lá chuyển màu, khó có thể gọi là lá úa, bởi mỗi loại cây khoe một màu khác nhau, từ sắc vàng nhạt, vàng tươi qua vàng chanh, rồi hồng nhạt, hồng đào, đỏ nhạt, đỏ màu đồng thau, đỏ tía, đỏ thắm, đỏ tươi… Dẫu biết rừng Nhật Bản chiếm đến hai phần ba diện tích nước Nhật, thảo mộc đa dạng và phong phú chứa đến gần hai trăm loài trong khi rừng châu Âu chưa tới một trăm, chúng tôi vẫn sững  sờ bởi sự đa dạng về màu sắc của thông, phong, tùng bách, sồi, mộc lan… và nổi bật là màu đỏ đồng của lá cây anh đào.  Hoa anh đào vốn được coi là quốc hoa nên được trồng khá phổ biến.
Ở nơi khác, thiên nhiên điểm xuyết cho chùa, thì ở đây như ngược lại, ngôi chùa to lớn là thế lại điểm xuyết cho thiên nhiên rộng lớn hơn chung quanh. Nơi khác, ta thường gọi là vườn chùa thì ở đây gọi rừng chùa mới đúng! Chúng tôi, nhất là Vân Đình Hùng, dẫu anh sang Nhật lần thứ ba, nhưng hai lần trước chỉ chăm chăm chụp hoa anh đào, đâu ngờ lá anh đào cuối thu lại đẹp đến thế! Và đâu chỉ có lá anh đào mới đẹp! Hùng mải soi, ngắm, luồn lách có lúc tưởng lạc, chúng tôi chia nhau đi tìm. Tôi biết thế yếu chiếc máy canon tý hon của mình nên thấy cảnh nào thật ưng ý mới chụp, và lưu ý giữ khoảng cách giữa ông Imai với Hùng để không mất liên lạc. Hai chị em Nguyệt-Hằng mặc măng tô bằng lông trắng thoắt góc này thoắt góc khác lại như hai bông hoa điểm xuyết cho khu rừng toàn lá. Đặc biệt là lá đủ sắc độ vàng, đỏ, xanh cốm rụng kín, phủ dầy những bãi cỏ, mảng cỏ bên lạch nước trong, khiến nhiều lúc các nhà nhiếp ảnh phải lấy đôi nai trắng Nguyệt Hằng làm điểm nhấn cho nền cây, thảm cỏ. Đôi nai trắng này không ngơ ngác đạp lá vì đã quen với cảnh này. Chỉ hai gã đàn ông, nhất là tôi ngơ ngẩn trước cảnh sắc lạ lùng.
Còn ông Imai với nụ cười đôn hậu thường trực chỉ thỉnh thoảng chụp… chúng tôi, không lý gì đến cảnh sắc. Nụ cười còn có sắc thái thỏa mãn của ông chủ vườn bao dung.                    
-- Ông Imai ơi! ( tôi phải nói chậm, khoát tay ra đám lá trên đầu và rụng dưới mặt đất) Cây…giống người già (tôi chỉ vào ông và tôi), mỗi cây một màu lá khác nhau, mỗi người… già một cách. Già là tàn lụi? Không hẳn như vậy! Già đứng mực… già (tôi khó khăn tìm chữ sao cho người Nhật hiểu… Rồi theo dòng suy nghĩ tôi cứ nói đại cho hết ý, nếu ông không hiểu sẽ giải thích sau, hoặc cũng coi như tự nói với mình) già… lão thực, già… tử tế, sang trọng.
 Thật bất ngờ! Imai nói “Đúng! Cây…giống người già, người già …khác nhau!”  Vậy là Imai đã hiểu ý tôi. Ông nghe giỏi hơn nói tiếng Việt! Với lại ý tại ngôn ngoại. Người ta đâu chỉ nghe bằng tai! Mà nghe bằng cả cuộc đời!
  Vì muốn ông hiểu, tôi phải giản lược ngôn từ, ai ngờ ông lại giản lược hơn tôi. Ông chỉ chưa hiểu ý: tôi muốn nói chính ông là người già đứng mực, lão thực và… sang trọng! Dẫu ông chỉ là một công dân Nhật bình thường!
 Trên đường về nhà, ông cho chúng tôi xuống tàu thủy đi dọc sông Samiđa, tàu lướt dưới hàng chục chiếc cầu, mỗi cầu một kiểu  kiến trúc khác nhau.  Tàu thủy cặp bến Axưka. Chúng tôi chia tay ông về căn hộ của chị em Nguyệt, Hằng.
 
III- Tấm vé vạn năng - đỉnh cao Phú Sĩ

Ở Nhật, khái niệm khoảng cách không tính bằng kilômét. Khi ông Imai hẹn đưa chúng tôi đi chơi, cháu Hằng bận đi học, Nguyệt bận đi làm
( cháu đã tốt nghiệp, nhà trường giữ lại làm giáo vụ cho trường) tóm tắt lời hẹn: Nơi đến, từ chỗ ở của hai cháu, phải đi một đoạn đường bằng xe điện (Ở Nhật, đi xe điện ngầm hoặc nổi là phương tiện phổ cập đến 90 % người xử dụng) qua nhà ông bà Imai thì mới thuận. chúng tôi phải vào ga Higashi Nagno, lên tàu tuyến X,  cửa số 9, tàu chạy 22 phút, xuống tàu, ông bà Imai sẽ đón chúng tôi ở đó! Hùng thản nhiên gật đầu, còn tôi thì hoảng lên: Nếu tàu nhanh chậm độ nửa phút, chúng tôi sẽ xuống cách nơi hẹn hàng chục cây số thì làm sao tìm lại được ông bà, trong điều kiện ngôn ngữ bất đồng, Hùng nói được tiếng Anh khá, nhưng trên đường phố hiếm người Nhật nói được tiếng Anh, nhà cháu Nguyệt lại là nhà mới thuê, ông bố chưa thuộc địa hình khu vực này, lạc thì như chim chích lạc rừng… Cũng may, còn có chiếc máy di động Nguyệt thuê cho bố để dùng ở Tôkiô. Nguyệt còn nạp tiền vào thẻ xe điện cho bố và bác dùng thoải mái. 
Chúng tôi bước vào ga. (sau mới biết chung quanh khu nhà Nguyệt có tới 5 ga của 5 tuyến đường khác nhau) qua cửa soát vé tự động, Hùng dùng thẻ đập nhẹ vào một ô điện sáng, một tiếng “choét” nhẹ, tôi bước liền sau, cũng “choét”, thì cũng giống Metro ở Nga tôi từng đến. Đi độ vài chục mét, chúng tôi thấy số 9 ghi ngay dưới sàn sân ga. Sàn ga và sàn tàu như ghép liền một mặt phẳng, người khiếm thị cũng không bị vấp khi lên tàu. liền đứng chờ, không đến nửa phút, một con tàu dừng bánh. Nhìn lên toa tàu: số 9 ngay cửa toa, khớp ngay với con số 9 ở sân ga. Chúng tôi bước lên, Hùng liếc đồng hồ. Tôi để ý tàu chạy khá nhanh, nhưng 2 phút đã dừng, người sắp lên tự động đứng sang một bên, chờ người xuống hết mới lên. Thời gian dừng tàu chỉ vài chục giây. Tôi để ý khi tàu sắp dừng đều có loa thông báo tên ga bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, và một dòng chữ điện chạy ngang cửa toa báo ga sắp dừng. Nhưng dường như chẳng ai quan tâm tới thông báo. Lúc đó là đầu giờ làm việc buổi sáng, nhiều người lớn và các em học sinh, hầu như ai cũng chỉ làm một trong hai động tác: đọc sách, có người rút tài liệu trong cặp ra xem. Số còn lại, ít hơn, gục đầu ngủ ngon lành. Hẳn là ngủ bù cho giấc ngủ đêm dở dang. Thi thoảng có người giật mình, giở đồng hồ ra xem. Dường như họ tin cái đồng hồ của họ hơn cả lời thông báo hay dòng chữ điện của nhà tàu.
Rồi thì đúng 22 phút qua, Hùng đứng bật dậy, tôi bước theo xuống sân ga, thật kỳ lạ, cũng con số 9 sân ga khớp ngay cửa số 9 toa tàu. cảm giác như bước trở lại chỗ lên xuống ga đầu bởi sự lắp ghép chính xác đến vậy! Và ông bà Imai hiện ra với nụ cười hiếu khách. Thảo nào khi tôi hỏi nhà ông bà cách nhà Nguyệt bao xa, ông trả lời “22 phút” làm tôi tưởng ông chưa hiểu rõ câu hỏi tiếng Việt. Hỏi cụ thể hơn số km, ông hơi lúng túng, thì ra lại phải nhân nhẩm tốc độ tàu với số phút, trừ đi những phút dừng. 
 Do ông Imai chưa thạo tiếng Việt, lại lõm bõm tiếng Anh nên chúng tôi chưa hiểu ông sẽ đưa chúng tôi đi những đâu. Thôi thì đến đâu hay đó! Vì vậy chúng tôi luôn hưởng những bất ngờ thú vị trên đường đi. Chỉ đi bộ vài chục bước chân, gặp thang máy, chúng tôi vào và bấm cho thang tụt xuống sâu, và hình như chúng tôi lên chuyến tàu tuyến khác nằm ngay dưới tuyến vừa đi nếu chỉ tính độ sâu. Tuyến này là tàu cao tốc, nên chẳng biết thế nào mà ước lượng độ xa, chỉ khi sau hai lần chuyển tàu, ông Imai mới cho biết đã đi được hơn 200 km. Chỉ biết ga dưới hầm sâu vẫn sáng choang với của hàng cửa hiệu như trên mặt đường. Và “đường phố” dưới hầm lúc nào cũng nhộn nhịp người, không thưa thớt người như phố xá trên mặt đất.
Tôi chỉ nhớ tàu đã qua ga Hakone (tây nam Tokyo) và lần chuyển tàu cuối cùng. Ông Imai vừa nói bập bõm tiếng Việt xen tiếng Anh giải thích: “Đây là con tàu chuyên dùng để leo ngược dốc!” Con tàu chỉ có ba toa nhưng sức kéo chắc mạnh lắm nên tàu vẫn lên dốc băng băng. Đến một đỉnh cao, tàu dừng trước một nhà ga đặc biệt, đó là nhà ga cáp treo. Sau khoảng dăm sáu trăm mét, tiếp tục lên cao, tàu “cặp bến” đỉnh Owakuđani (1.050 mét).  
Một quang cảnh tưng bừng oà ra trước mắt: Núi Phú Sĩ! Trời  ơi! Như người ngủ mê bừng tỉnh dậy, tôi dụi mắt xem có phải là cảnh thực! Nhớ đến đỉnh cao Ba Vì của mình cũng độ cao này của đỉnh Owakuđani!
       Nắng chan hòa buổi sáng hôm nay như để trong thêm màu lam ngọc làm nền cho màu lam xẫm núi Phú Sĩ! Vòm trời tung ra đám mây bông lõa xoã phía trên chiếc mũ trắng đậm của núi như muốn phân rõ đâu là mây bay, đâu là tuyết phủ… 
 Tôi không còn nhớ mình rời cáp treo bước xuống bằng cách nào, theo đường nào. Chỉ biết theo bản năng, tôi rút máy ảnh và bị một lực hút vô hình, chân không bén đất, như người mộng du đến gần hơn nữa, gần hơn nữa…đến khi chạm phải hàng rào cản, nhắc du khách không thể tiến xa hơn.
 Sự bất ngờ lớn do Imai cố tình gây bất ngờ cho chúng tôi hay ông không đủ tiếng để nói mục đích cuộc hành trình? Mà có gì phải nói? Phú Sĩ  (Fuji) đã hơn cả... ngôn ngữ quốc tế! Trái núi linh thiêng tượng trưng cho nước Nhật, cao 3.776 mét là một núi lửa ngừng phun từ năm 1707. Fuji có nghĩa là rượu trường sinh, có cả một truyện cổ tích về một nàng tiên bị lưu đầy nơi hạ giới. Lúc này, khi ảo ảnh đã thành hiện thực, tôi không muốn nhớ những gì huyền ảo. Tôi nhớ: cái chóp nón khổng lồ màu trắng kia là khoảng 1.500 mét trên cùng của Phú Sĩ, là tuyết trắng thường xuyên phủ lên nham thạch. Tuyết đã tạo một hình tượng tuyệt vời thế kia! Mà trái đất này có biết bao ngọn núi phủ tuyết! Sao lại chỉ một Phú Sĩ độc chiêu đẹp như vậy! So sánh nào chả khiên cưỡng: Phải chăng giống như nước mình có bao nhà thơ làm thơ lục bát, sao chỉ có một truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nổi tiếng?
 Tôi quay lại, bắt gặp nụ cười thỏa mãn và độ lượng của Imai nhìn chúng tôi đang bị choáng mà tủm tỉm.
Chả là khi mới đến Nhật, tôi hỏi Hùng “Có thể nhìn thấy Phú Sĩ bằng cách nào không?” Hùng lắc đầu: Hai lần sang đây, em đã tìm đến tận chân núi Phú Sĩ, nhưng nhìn lên chả thấy gì như mình mong được chụp. Có lẽ phải có một khoảng cách với độ cao nào đó?  Còn Imai, ông cũng nghe chúng tôi nói, chúng tôi chưa dám đặt vấn đề nhờ cậy Imai, bởi không rõ sẽ làm phiền người dẫn đường đến mức nào, và đường nào, ở điểm ngắm nào thì cô gái đẹp Phú Sĩ sẽ lộ rõ những nét đẹp thiên thần? Thì ra phải ở đúng nơi đây: độ cao 1.050 mét, để bao quát 3.776 mét (muốn hưởng thụ tầm vóc Nguyễn Du, cũng vậy!) ở hướng mặt trời chiếu rọi như thế này! Nhất là, đúng khi ông trời ngẫu hứng thả ra những đám mây thu trắng như bông nõn thế này!
        Imai thôi cười, hất hàm như ý hỏi “Ông thấy thế nào? “ Biết trả lời ra sao với một người chỉ nghe được lõm bõm tiếng Việt. Tôi cố nói thật ngắn và thật chậm: “Ông bạn ơi! ở phía Tây, tôi đã ngắm AngKor, hôm nay, phía Đông, ngắm Fuji… chết được rồi!” Imai cười lên ha hả, bắt chặt tay tôi thay cho lời tán thưởng! Tôi còn ôm choàng lấy ngực ông thay lời cảm ơn! Và tôi mời hai ông bà đứng ở vị trí đẹp nhất, tựa lưng vào bóng núi Phú Sĩ, ông bà là đại diện xứng đáng những chủ nhân của mảnh đất này! bấm một kiểu ảnh.
 …Từ giã Phú Sĩ, ngồi trong cáp treo đi xuống, ngắm cảnh thoải mái như ngồi trên trực thăng. Bỗng xuất hiện sau triền núi phía trước, một vệt nước lớn dần, lớn dần… Hiện dần một hồ lớn nước xanh biếc, vây quanh hồ là vách núi điệp trùng. Đúng là cảnh đẹp của hồ trên núi! Ở góc khuất xa nhất bỗng ló ra một chấm đen, lớn dần rồi nhìn rõ một con tàu biển kiểu thế kỷ 19 có những cột buồm so le nhau, những lá buồm còn chưa được mở ra. Đến gần hơn nữa, hiện rõ đầu thuyền có gắn hình con sư tử vàng rực dưới nắng thu đang chồm về phía trước. Tôi bỗng ao ước: Giá được lênh đênh một vòng hồ trên chiếc tàu cổ kia nhỉ!
Đúng lúc ấy, chiếc cáp treo chở chúng tôi “hạ cánh” xuống một thềm ga rộng sát ngay bến tàu, vừa lúc chiếc tàu cập bến. Chưa bao giờ mơ ước của tôi được đáp ứng bất ngờ, nhanh chóng đến vậy. Ông bà Imai đứng lên chìa tay mời chúng tôi bước ra. Một dòng người đã đứng chờ ở bến tàu trước chúng tôi. Thì ra, mơ ước vừa rồi của tôi đã được “lập trình” mà tôi không biết trước! Tôi nghĩ ít nhất phải có một động tác mua vé chẳng hạn, rồi mới được lên tàu, nhưng chẳng cần gì khác ngoài tấm vé đi xe điện đầu tiên, đập nhẹ vào ổ điện kiểm soát tự động cửa bến. Cả khi lên tàu cũng không một ai soát vé. Tôi nhớ đã qua ba lần lên xe điện (tàu thường, tàu cao tốc, tàu leo núi), một lần lên cáp treo, đều chỉ dùng một tấm thẻ xe điện. Lần này là phương tiện thứ 5, vẫn vậy. Có lẽ chỉ còn đi trực thăng với tấm vé này nữa thì thật là chuyện thần kỳ.
Không được vậy, nhưng cũng gần như vậy. Suốt lúc ngồi xe điện, ở phía dưới đường sắt là đường ô tô uốn lượn qua những vạt đồi tùng bách, nắng rọi làm loé lên từng đốm sáng như một rừng nến thắp. Hùng lúc ấy xuýt xoa “Ôi! Lần sau có lẽ đi ô tô ta sẽ có thêm những “pô” ảnh đẹp!” Ông Imai ghi nhớ điều ấy, nên khi đến ga xe điện chuẩn bị xuống núi, ông Imai chỉ vào bến ô tô ngay cạnh, hỏi Hùng: “Thế nào? Muốn đi ô tô?” Tôi bảo “ Sợ phiền phải lấy vé!” Ông Imai cười không nói gì, ông đi thẳng ra chỗ có mấy người đang chờ cửa xe mở, chúng tôi đi theo. Không thấy động tác mua vé, chúng tôi ngỡ ông sẽ nói gì đó với lái xe, nhưng cũng không, ông rút tấm vé xe điện, đập nhẹ vào ô kiểm soát cạnh người lái, rồi bước vào chỗ ngồi. Chúng tôi cứ thế làm theo với tấm vé “vạn năng”.
Vậy là qua 6 phương tiện đi lại, không có động tác xếp hàng đã đành, mà không cả mua vé, còn hệ thống tự động chia tiền thế nào cho các chủ phương tiện thì mặc, khách hàng không cần biết đến!                   
          Đêm ấy, chúng tôi ngủ say như chết, mệt vì nhiều cảm xúc bất ngờ, mệt cả vì phấn hứng, nhưng rõ ràng không mệt vì hành trình gần 500 km cả đi, về vì ngồi phương tiện nào cũng êm như ru. Chúng tôi ngủ tại nhà ông bà Imai sau một bữa susi (cá sống, lần đầu được nếm thịt cá voi) đặc sản của người Nhật với rượu sakê. Chủ nhân hài lòng vì món nào cũng được khách khen “Ôi si!” “Ôi si!” (ngon lắm! ngon lắm!)
 Sáng sớm tỉnh dậy đã thấy Imai cắm cúi đọc và ghi chép bên bàn, tôi đi qua sau lưng, thoáng thấy cuốn sách chữ Việt. Vội hỏi ông xem cuốn gì. Thì ra, cuốn Ngõ phố Hà Nội của Ito Tetsuji một người bạn Nhật của ông ghi lại sau thời gian công tác hai năm ở Việt Nam, cuốn sách miêu tả cảnh sinh hoạt trong một ngõ nhỏ mà tác giả thuê căn gác trong đó. Ông có nhận xét thú vị: Qua sinh hoạt một ngõ nhỏ Hà Nội, có thể hiểu cả xã hội Việt Nam. Imai kêu: “Tiếng Việt có dấu…đọc khó!” “Con dê, con dế…giống nhau! Con dê là… côn trùng, đúng không?”.
Lúc chia tay ở sân bay, tôi chúc ông chóng giỏi tiếng Việt để có thể viết một cuốn như Ito Tetsuji với chủ đề: “Qua một nhóm sinh viên Việt, có thể hiểu cả xã hội Việt Nam.” Ừ, biết đâu đấy!  
          
IV – Thiên đường lá đỏ

  Tôi còn có dịp đi dọc con đường nhỏ bờ sông Samiđa vùng Asakura, nơi thuần một giống cây hoa anh đào, nơi những nhà nhiếp ảnh thế giới chỉ mong một lần được đến, dùng vũ khí của mình khám phá thêm vẻ đẹp thiên đường của chúng. Nhưng họ chọn mùa hoa nở mới đến, chúng tôi lại chơi chua, cũng vác máy đến, chữ vác này dùng riêng cho anh bạn Vân Đình Hùng, nhiếp ảnh tài tử (nhưng chuyên nghiệp đến mức…đi cùng các đàn anh, chụp cùng một đề tài, nhiều lần anh tỏ ra thành công hơn với những bức ảnh được đồng nghiệp thừa nhận, với hiệu quả kinh tế cao khi có khách hàng chọn mua, nhờ anh phóng to để treo tường phòng khách hoặc trang trí cửa hàng ). Chiếc máy canon tý hin của tôi thì kể gì!
Chúng tôi đã ngợp thở trước một thiên đường lá đỏ. Những chiếc lá được ướp hồn hoa, nâng giấc hoa từ độ đâm bông, đã lưu lại bóng hồng các cô chủ: Những đám lá còn trên cành được nắng sớm dọi chiếu, bật ánh hồng tươi, xẫm hơn hoa anh đào chút ít. Vạt lá rơi dưới đất thì chuyển màu đồng đỏ, màu đồng đỏ phủ lên bất cứ vật gì chúng gặp: trên ghế đá, trên bờ giậu hai bên đường, trên pho tượng nhỏ công viên... Ở hai đầu đường tôi gặp hai người công nhân dùng máy thổi gió để vun lá, quét lá. Nhưng họ chỉ mất công dã tràng. Lá rơi tiếp ngay sau lưng họ, nếu họ quay lại và quét nốt thì cả ngày có khi chỉ đứng một chỗ mà vun mà thổi bởi lá không ngừng rơi…
 Không phải ngày nghỉ nên dọc sông đẹp vậy mà không người đi dạo.   Chi thỉnh thoảng, một cô gái hay một bà đứng tuổi dắt con chó cảnh đi ngang, tay ai cũng xách cái túi chuyên dùng, bên trong đựng chiếc gắp nhỏ bằng tre để hót chất thải của chó. Chạnh nhớ ỏ các công viên nhà mình, chủ chó dắt chúng đi dạo một cách …quý tộc, để làm cái việc hạ tiện như vứt xác chuột ra đường để sạch nhà mình!  Tôi nhớ hình ảnh ông Imai giữa rừng cây bao quanh chùa Narita Shan, đứng hút thuốc lá chờ chúng tôi đi…săn cảnh. Tay phải kẹp điếu thuốc, tay trái cầm chiếc phong bì nhỏ bằng bìa cứng bé bằng nửa bao thuốc, ông dụi tàn thuốc vào đó. Tôi không ngạc nhiên, nếu ông chỉ ném đầu mẩu thừa vào, chứ tàn tro thuốc giữa rừng ai có thể coi là rác mà phải cẩn thân thế! Ông mời tôi một điếu, châm lửa cho tôi xong, ông rút trong túi ra một chiếc gạt tàn y hệt cái ông dùng, đưa cho tôi, để tôi có thể mang theo khi đi chụp ảnh tiếp, để gạt tàn thuốc…giữa rừng. Nếp sống văn minh này hẳn phải có hàng thế kỷ, cùng tuổi với nền công nghệ phương Tây mà Nhật Bản sớm tiếp nhận.
Con đường bờ sông Samiđa hay gọi là công viên bờ sông cũng được, còn có vài cụ ông, có cụ ăn mặc sạch sẽ, lịch sự, có cụ như đi tập thể dục về, có cụ mặc nhôm nhoam như không bận tâm gì đến ăn mặc lúc ra đường. Các cụ giống nhau ở chỗ: cụ nào cũng đang gà gà giấc điệp giữa vườn cây từng mảng nắng xuyên qua. Buổi sáng cuối thu, không lạnh hơn Hà Nội bao nhiêu. Ngủ gà dưới nắng thu thật là tuyệt, vừa ấm, vừa mát. Đó là những con người đã được sống suốt gần thế kỷ thăng trầm của Nhật Bản.
        Về cái nghèo Nhật Bản, tôi nhớ đến tác phẩm thơ văn xuôi Narayama của Ph. Sichiro (1956) dựa vào những bài ca cổ, nhà văn phục hiện lại cái đói truyền kiếp của một vùng cao. Nơi đây, người già hay đi hành hương để không bao giờ trở lại, với mục đích tới một ngọn núi hoang đợi chết, bớt miệng ăn cho gia đình. Một cuốn sách giáo khoa Anh in năm 1964 còn viết: “Người Nhật thoả mãn với sự ít ỏi… Thức ăn của họ không có thịt và sữa, vì gia súc phải nhường chỗ cho lúa gạo, thức ăn cơ bản của cả dân tộc”.
 Người Anh chưa kịp thay đổi sách giáo khoa thì những em học sinh đã ngỡ ngàng trước những kỷ lục kỳ diệu báo chí thế giới thông tin ngay cuối những năm 60: Kinh tế Nhật Bản đã phát triển như vũ bão. Lò cao khổng lồ lớn nhất thế giới, xe lửa tốc hành Tôkiô-Ôsaka nhanh nhất thế giới, tàu thuỷ chở hàng hoá lớn nhất thế giới, tờ báo in hàng ngày tia-ra nhiều nhất thế giới (Asahi) đến 9 triệu bản... (Và hôm nay, nước Nhật đứng đầu danh sách các nuớc đầu tư vào Việt Nam).
Mấy ông già đó, ai là người đã bị khoác bộ quân phục lính phát xít Nhật, và có mặt ở nước tôi, Hà Nội của tôi? Có thể lắm chứ, cái buổi sáng mùa thu 1945, tôi (chú bé 10 tuổi) đã chứng kiến lễ giao nộp vũ khí Nhật cho Đồng Minh bên hồ Thiền Quang mà đại diện phe chiến thắng là một tiểu đoàn lính Tàu Tưởng, còn gọi là Tàu phù. Tiếng hô oai nghiêm của kẻ bại trận vẫn giữ được quân kỷ, muốn tiến hành từng động tác trao súng đã làm hoảng hồn, vỡ mật, tan hàng ngũ “kẻ thắng trận” vì tưởng kẻ địch nâng súng bắn mình…  
 Cái anh lính đó không có tội, họ chỉ là một quân cờ trên bàn cờ tham vọng những chính khách, khiến hàng chục triệu người Nhật bị thí bỏ trong chiến tranh và thảm họa Hirôshima…
        Cũng những người lính, sau đó đã lập công phục hồi dân tộc Nhật, với nền công nghiệp, kỹ nghệ thế giới (đến chiếc xe máy tôi đang xử dụng, chiếc máy ảnh đang cầm trên tay, bộ loa Sony tôi mua tận gốc mang về đều là chứng tích mồ hôi, trí tuệ người lao động Nhật).
“Năm 1968, một trăm năm sau khi Nhật hoàng Minh Trị bắt đầu công nghiệp hoá và 23 năm sau khi Nhật thua trận phải đầu hàng, nước Nhật đã vươn lên vị trí thứ ba trong số các nước công nghiệp tiên tiến thế giới, chỉ sau Mỹ và Liên Xô. Trong vòng 18 năm, từ 10 tỷ đôla năm 1950 lên 133 tỷ năm 1968, tổng sản lượng hàng năm đã tăng hơn gấp đôi, vượt Tây Đức (132 tỷ), vượt Anh (120 tỷ), vượt Pháp (118 tỷ)” (trang 46 Hoa anh đào và điện tử - Hữu Ngọc, NXB Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 8/2006).         
 Với những phẩm chất ưu việt của một dân tộc đã làm nên nhiều chiến thắng, có định hướng thích hợp, họ có thể còn thắng tiếp trong nhiều lĩnh vực, dù nhất thời bị thua bại, kiệt quệ, mất sạch vốn liếng như nước Nhật 1945! Chỉ còn những con người…    
 Đằng sau những mái đầu bạc đang thiếp ngủ kia là một nước Nhật ghê gớm, quật cường, dữ dội như vậy!
Mải nghĩ lan man, không đừng được, tôi cũng đã mệt, cũng là một người già thèm sưởi nắng, tôi ngồi xuống một ghế đá gần đó, đầu cũng cúi xuống... Nhưng tôi không bỏ phí giây phút vàng của riêng tôi: ghi nhanh mấy tứ thơ vừa loáng qua đầu bằng hình thức thơ Haiku của Nhật Bản:
                             
                             Haiku - viết trên đất Nhật                                  
                                                  I
                                 Giữa nắng ông già ngủ
                          Lá vàng trên cây rụng vàng đất
                             Giấc ngủ vàng dưới cây
                                                 II
                                  Người thưởng hoa anh đào
                           Còn tôi, cuối thu tìm lá đỏ
                                   Ngắm đời hoa rực rỡ… 
                                        
 Bờ sông Samiđa 29-11-2010