Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THĂM NHÀ LƯU NIỆM SƠN NAM

Lê Phú Khải
Thứ hai ngày 24 tháng 1 năm 2011 3:29 PM
 
Nhiều người còn nhớ câu nói dí dỏm của nhà văn Sơn Nam: Làm văn chương là nghèo rồi. Nếu làm nghề này mà giầu được thì Ba Tàu ở Chợ Lớn đã làm rồi!
 Lúc còn sống, Sơn Nam ý thức một cách rõ rệt về cái sự nghèo của nhà văn. Bây giờ thì Sơn Nam của chúng ta không còn nữa. Nhưng nghĩ cho kỹ thì ông không nghèo. Trái lại, rất giàu có là đằng khác. Ngắm ngôi nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc trên một thế đất 2.000 mét vuông, nhìn ra phong cảnh cỏ cây, sông nước và những gì có trong ngôi nhà đó cho người ta suy nghĩ như thế.
 Ngày 13 tháng 7 năm Canh Dần, tức ngày 22 - 08 - 2010 năm qua, nhà lưu niệm Sơn Nam được vợ chồng chị Đào Thúy Hằng, con gái của nhà văn khánh thành nhân ngày giỗ lần thứ 2 của ông tại ấp bốn, xã Đạo Thạnh ngoại ô thành phố Mỹ Tho - Tỉnh Tiền Giang. Là một công trình văn hóa “phi Chính phủ” nên ngày khánh thành không có giấy mời in ấn, dấu mộc nhiêu khê. Chỉ nhắn bằng điện thoại, ai biết thì tới. Tôi từ thành phố Hồ Chí Minh, cũng được người ta “nhắn tin”, nhưng khi đến nơi thì thấy “văn võ bá quan” đủ cả.  Đảo mắt một lượt, tôi nhận ra nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ  thành phố Hồ Chí Minh tới, nhà văn Trang Thế Hy từ Bến Tre qua, soạn giả ca cổ Châu Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, các văn nghệ sỹ của tỉnh….
 Chỉ còn có cách đứng từ xa ngắm toàn cảnh nhà lưu niệm này vì bên trong khách đã ngồi trật cứng. Phải nói là đẹp. Nhà xây ba gian hai trái, trái nhà là hàng hiên rộng, thoáng mát, có cửa lá xách thông với ba gian bên trong. Một kiểu nhà ba gian hai trái ở Miền Bắc, được các phú hào ở Nam Bộ cải tiến cho hợp với Miền Nam xứ nóng quanh năm. Đặc biệt, mái ngói hai tầng làm cho ngôi nhà rất  bề thế. Anh Nghị, con rể nhà văn cho hay, chính anh lái máy ủi để ủi đất tạo thế một quả đồi thấp làm nền cho ngôi nhà. Vì thế, đứng từ thềm nhà nhìn ra, thấy được cả phong cảnh cỏ cây, sông nước phía trước. Để có được “phong cảnh” này, vợ chồng chị Hằng đã phải chắt chiu mua lại từng mảnh đất nhỏ của 5 - 6 chủ đất phía trước nhà trong gần hai năm. “Ông bà ta chỉ xây dựng phong cảnh một ngôi chùa, chứ không xây dựng một ngôi chùa..”. Nguyễn Đình Thi đã có nhận xét xác đáng như vậy về kiến trúc đình chùa nước ta. Điều này rất đúng với nhà lưu niệm Sơn Nam. Chính vì vậy từ khi nhà lưu niệm khánh thành, chị Thúy Hằng cho biết, ngày nào cũng có khách bốn phương tới thắp hương, tham quan, chụp hình lưu niệm…
 Bây giờ thì tôi có thể thư  thái xem các hiện vật trong nhà lưu niệm, vì hôm nay đã là tháng áp Tết, mọi người đều bận rộn. Giống như mọi nhà lưu niệm các văn nhân nghệ sỹ nổi danh trên cõi đời này, khi họ ra đi, gia đình (hoặc chính quyền nơi họ sinh ra, nơi họ cư trú) thu góp các tác phẩm, các hiện vật có liên quan đến danh nhân đó để lưu giữ và cho người đời thưởng ngoạn các kỷ vật đó. Từ những kỷ vật có linh hồn đó, người ta hiểu thêm cuộc sống, tâm hồn và cả những điều “bí mật” về Con Người Viết Hoa được hậu thế lưu danh này. Ấn tượng nhất với du khách là ngay lối trước sân, bên phải là tượng Sơn Nam tạc trên một phiến đá dựng đứng, bên trái là bút tích, cũng được tạc trên đá bài thơ duy nhất không đề lấy làm lời tựa cho cuốn Hương rừng Cà Mau, trong đó có hai câu kết mà nhiều người thuộc:
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê!
 Hầu hết các tác phẩm của Sơn Nam được Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền, tái bản gần đây, được lưu giữ trong một tủ kiếng lớn chiếm hết một gian nhà. Nhiều cuốn sách đã bạc màu với thời gian của Sơn Nam, ấn hành từ những năm 70 thế kỷ trước đã được độc giả yêu mến hâm mộ ông, đem đến tặng nhà lưu niệm, có chữ ký, tên tuổi, địa chỉ, bút tích của người đem tặng. Tranh chân dung, tranh khắc gỗ, tượng gỗ, tượng đá, ảnh chụp Sơn Nam của các nghệ sỹ nhiếp ảnh, họa sỹ, điêu khắc gia nổi tiếng, chuyên nghiệp và không chuyên từ nhiều nguồn, đã được hội tụ về đây. Thành thử, xem nhà lưu niệm, người ta được thưởng thức nhiều phong cách, nhiều trường phái hội họa, điêu khắc, tạo hình, nhiếp ảnh cùng sáng tạo về Sơn Nam. Ví dụ, riêng ký họa tôi được xem chân dung Sơn Nam do ba họa sỹ: Tạ Tỵ, Lê Quang, Cù Huy Hà Vũ… cùng vẽ!
 Tôi thích thú đặc biệt đến một cái máy chữ cổ, do một sinh viên có tên là Bùi Thế Nghiệp đem đến tặng nhà lưu niệm, kèm theo lá thư bút tích của Sơn Nam lúc tặng cái máy chữ. Số là, sinh viên Nghiệp là bạn đọc hâm mộ nhà văn. Cậu ta thường trở Nhà văn đi chơi (Sơn Nam không biết đi xe đạp, xe máy - LPK). Lúc nhà văn bệnh nặng vào năm 2005, Nghiệp đến xin nhà văn một kỷ vật gì đó, phòng khi ông đi xa. Nhà văn đã cho anh cái máy chữ kèm theo lá thư nhỏ, chứng nhận đây là máy chữ của Sơn Nam tặng…Nay đọc báo thấy có nhà lưu niệm Sơn Nam nên Nghiệp mang đến tặng lại. Nhìn cái máy chữ kỷ vật của Sơn Nam còn được lưu giữ, tôi bỗng nhớ đến cái máy chữ của văn hào Balzac, trong nhà tưởng niệm  Balzac (Maison de Balzac) ở số nhà 47 phố Raynouard quận 16 Paris mà tôi đã có dịp đến thăm. Nhà tưởng niệm Balzac là căn hộ có 5 buồng nhỏ ở tầng trên cùng 1 căn nhà ba tầng lầu. Balzac (lúc sinh thời cũng rất nghèo) đã trốn nợ trên tầng cao của căn nhà này từ năm 1840 đến 1847. Năm 1949 chính quyền thành phố Paris đã mua lại cả căn nhà này rồi sửa chữa và năm 1960 mở cửa cho tham quan. Maison de Balzac có các tác phẩm của bộ “Tấn trò đời” (Commédie Humaine)  và cái máy chữ. Sao nó giống cái máy chữ của Sơn Nam đến thế!
 Bắt trước mọi người, tôi cũng đem tặng nhà lưu niệm bản thảo những bài tôi mà tôi đặt ông viết đã phát trên đài Tiếng nói Việt Nam nay không đâu lưu trữ và 10 tấm hình “có một không hai” do tôi chụp những năm ông hay lang thang ở quận Gò Vấp. Có tấm hình tôi bất chợt ghi lại lúc ông đang cúi xuống lom khom viết trên yên 1 cái xe máy ngay giữa đường phố!
 Ai dám bảo Đồng bằng Sông Cửu Long là “vùng trũng” văn hóa với những nhà lưu niệm do người dân tự lo lấy như nhà lưu niệm Sơn Nam?
Tháng 11 Năm 2010
LPK