Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỊCH SỬ VÀ TIỂU THUYẾT

Lê Thành Nghị
Thứ hai ngày 24 tháng 1 năm 2011 6:21 PM

 TNc: Tiểu thuyết Hội thề sau khi nhận được giải thưởng cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi. Đó là điều mừng cho tác giả. Trannhuong.com đã đưa ý kiến của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Trần Hoài Dương, nay đưa tiếp ý kiến của Lê Thành Nghị để bạn đọc nhìn Hội thề với đa diện...
 

Lời đề từ đầu cuốn tiểu thuyết là câu thơ nhuốm màu huyền ảo của Hoàng Cầm : mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên như một báo hiệu có thể đây không phải là câu chuyện binh đao, cho dù chúng ta biết Nguyễn Quang Thân lấy bối cảnh cho cuốn sách của ông là cuộc kháng chống quân Minh.Hội thề cũng không phải miêu tả lại sự kiện Lũng Nhai mở đầu cho cuộc chiến mười năm khốc liệt ấy, những điều ít nhiều chúng ta đã từng biết qua những trang lịch sử chống xâm lăng của dân tộc. Diễn biến của cuốn sách không ở trong sự tưởng tượng ấy.
Ngược lại, đây là những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Mọi gian nan nếm mật nằm gai, khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một đội đã lùi xa. Trong hành trang của tướng sỹ nghĩa quân đã có nhiều trận thắng lừng lẫy. Thế giặc đang suy, quân và dân ta đang thế chẻ tre, róc mía. Giờ khải hoàn như một quy luật tất yếu của lịch sử đã điểm, sự cáo chung định mệnh của kẻ những vốn tự xưng là thiên triều , mang quân xâm lược, bao năm gieo rắc tai họa khôn xiết xuống đầu dân Đại Việt mỗi ngày một đến gần. Nhưng trong giấc mộng bình yên ấy của toàn dân tộc, ở tâm điểm của cuộc chiến, nói khác đi, trong ánh nến toả sáng nơi đại bản doanh của nghĩa quân Lê Lợi, những thử thách lớn lao, những toan tính sống còn, những cuộc đấu trí cân não, những mưu mô xảo trá và những tài năng xuất chúng càng lúc càng lộ diện. Một cuộc chiến căng thẳng trong lòng một cuộc chiến tranh càng lúc càng quyết liệt. Nó cho thấy chiến thắng quân xâm lược là không thể đảo ngược, nhưng để có một chiến thắng hoàn hảo thì chỉ có thể có được trong then mở của những bậc đại trí, đại nhân, đại dũng trước những phút quyết định. Đấy là thông điệp của Nguyễn Quang Thân ẩn chứa trong hơn ba trăm sáu mươi trang sách tiểu thuyết Hội thề.
Linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Minh là người tù trưởng nông dân Lê Lợi, người anh hùng của dân tộc với lòng căm thù giặc cao độ, quyết không đội trời chung với kẻ thù, người có ý chí không thể gì lay chuyển giành lại non sông cho dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn ấy, là minh chủ của hết thảy nghĩa quân. Nhưng lãnh tụ tinh thần của cuộc kháng chiến không ai khác là Nguyễn Trãi. Có được Nguyễn Trãi, Lê Lợi coi đó là phúc lớn, còn gặp được Lê Lợi, Nguyễn Trãi tìm được vị cứu tinh của dân tộc để gửi gắm niềm tin và ra sức phụng sự, bộc lộ tài năng. Chúng ta đã từng chứng kiến trong lịch sử những cuộc gặp gỡ đẹp như cùng hẹn trước ấy của Lưu Bị và Khổng Minh thời tam quốc diễn nghĩa. Nguyễn Trãi đến với Lê Lợi không phải ngay từ đầu. Từ thành Đông Quan, ôm mối hận thù sâu nặng với giặc Minh, Nguyễn Trãi lắng nghe phía chân trời những chấn động của cuộc kháng chiến, ông và một số sỹ phu Bắc Hà đã tìm đến với Lê Lợi. Những trí thức thuộc dòng dõi hoàng tộc dấn thân vào binh lửa bên cạnh những người nông dân cầm giáo mác sẵn sàng hoà nước sông chén rượu cùng nhau vì nghĩa lớn, không phải bao giờ cũng êm thuận. Đã bao lần với sự cảm nhận tinh tế của mình, trước mặt Nguyễn Trãi, Lê Lợi không phải khiêm tốn giả vờ đã tự nhận mình là kẻ thô lỗ, ít học. Đã bao lần những tướng lĩnh tài giỏi của nghĩa quân nông dân như Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân... đã khi ngấm ngầm khi công khai ghen tị với những trí thức sỹ phu Bắc Hà mũ cao áo rộng, trói gà không chặt, không phải nằm gai nếm mật từ đầu, nhưng lại được Chúa công (Lê Lợi ) tin dùng. Sự hiềm khích càng ngày càng quyết liệt trước trận đánh cuối cùng khi nghĩa quân đang vây chặt thành Đông Quan. Một bên, Nguyễn Trãi với tầm nhìn chiến lược hơn người ra sức thuyết phục Lê Lợi dụ hàng Vương Thông đang thế vỡ trận để từ đó lập nên nền hoà bình dài lâu giữa hai dân tộc. Ông nhìn thấy thắng lợi trong tầm tay của nghĩa quân, cho nên hoà hiếu sẽ tránh cho hai bên những chết chóc không cần thiết. Ông không quên mối thù sâu nặng mà nhà Minh gây ra cho thân phụ ông. Đáng lẽ đây là cơ hội phục thù,báo hiếu. Nhưng vượt lên điều đó, ông không muốn nhìn thấy cảnh máu chảy trôi chày, thây chất đầy đồng sau một cuộc tắm máu đang sắp sửa. Đêm đêm ông thao thức viết từ mệnh dụ hàng Vương Thông. Một bên là nghĩa quân, những người đã từng nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử đang sát khí xung thiên, lửa căm thù giặc bốc cao hơn bao giờ hết, đang đứng trước một trận đánh lịch sử lưu danh muôn thuở, và đang đứng trước một rừng chiến lợi phẩm chờ họ nay mai. Họ không ngớt tìm cơ hội thuyết phục Chúa công chớ nên nghe lời Nguyễn Trãi, rằng giặc Minh tội ác tày trời, muôn đời không thể tha thứ, lại càng không thể đã tha chết còn cấp gạo, cấp thuyền, cấp ngựa cho về, rằng cần một trận đánh cho kẻ xâm lược nhớ đời để không bao giờ chúng còn dám bén mảng đến Đại Việt nữa. Họ là những kẻ tâm phúc của Bình Định Vương, những tướng lĩnh tuy ít học nhưng đã đi theo tiếng gọi cứu nước ngay từ đầu và đã lập nhiều chiến công hiển hách. Còn Nguyễn Trãi dẫu sao cũng là người đến sau. Trong mối tương giao với Lê Lợi, độ thân thiết không bằng những kẻ tâm phúc kia. Đã có lúc Lê Lợi xiêu lòng trước những lời xiểm nịnh với những tính toán nông dân thực dụng ấy và sai Phạm Vấn giam lỏng, cách ly Nguyễn Trãi, lúc thời điểm quyết chiến đã tới gần. Trong thời gian ở cạnh Lê Lợi không phải không có những lần Nguyễn Trãi đã thất bại trong việc thuyết phục Lê Lợi trước những lời nói, việc làm sai trái của nghĩa quân. Chẳng hạn như việc lập đàn thờ tại Hương Sơn, hiến thần linh mạng sống Ngọc Trần, vợ yêu của Lê Lợi để tìm cách ép Bình Định vương phế Tư Tề lập thế tử Nguyên Long, thực hiện những âm mưu đen tối sau này của tướng lĩnh họ Phạm. Biết đó là những toan tính nguy hiểm nhưng Lê Lợi đã không thể ngăn chặn, bởi vì ông đang nghĩ tới những bước đi lớn hơn của thời cuộc, rất muốn binh sỹ dốc toàn lực cho trận quyết chiến cuối cùng, ông đành hy sinh hạnh phúc riêng của mình cho đại cuộc.Rõ ràng Lê Lợi đã rất cân nhắc, cảnh giác. Một chương của Hội thề, Nguyễn Quang Thân dành để miêu tả cuộc đấu lý cân não vô tiền khoáng hậu trong hàng ngũ nghĩa quân về việc nên dụ hàng hay nên đánh giữa một bên là Nguyễn Trãi và bên kia là Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân. Bình Định Vương Lê Lợi ngồi lắng nghe sau khi tuyên bố để thuộc hạ tự do bày tỏ hết ý kiến của mình không cần e dè. Nguyễn Trãi bị tấn công dồn dập, thậm chí bị xúc phạm nặng nề, nhưng với những lý lẽ sắc bén xuất phát từ lòng nhân đạo cao cả, từ cốt cách cao thựơng, từ tư tưởng lấy đại nghĩa thắng hung tàn, từ lòng thương dân vô hạn, từ khát vọng cháy bỏng muốn dân tộc có một nền hoà bình lâu dài, những điều đã viết trong Bình Ngô sách, Nguyễn Trãi đã thuyết phục được Lê Lợi. Cái hơn người của Lê Lợi là ở chỗ ông đã nhận ra tư tưởng lớn trong dự định của Nguyễn Trãi. Lịch sử chỉ nói có cuộc dụ hàng của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đối với tướng nhà Minh Vương Thông qua những trung quân từ mệnh nhưng không nói nó đã được hình thành, đã được trả giá như thế nào để đi đến một kết thúc chiến tranh chưa từng có trong lịch sử quân sự, thực hiện mộng bình yên, đưa lại nền hoà bình muôn thuở âu vàng kéo dài ba trăm năm mươi năm sau đó cho Đại Việt. Đấy là một trong những trang trắng của lịch sử mà Nguyễn Quang Thân muốn lấp đầy bằng tiểu thuyết.
Tình huống có tính trung tâm này là một trong những biến cố quan trọng nhất của tiểu thuyết Hội thề .Nó cho thấy nhà văn đã lựa chọn chính xác, vì để giải quyết tình huống trung tâm này sẽ kéo theo vô vàn những tình huống hấp dẫn khác làm biên độ ý nghĩa của cuốn sách từ đó được mở rộng. Chẳng hạn, người đọc bị (được ) dẫn dụ để tự mình cắt nghĩa vì sao mười bốn năm sau đó một vụ kỳ án bi thảm nhất trong lịch sử dân tộc đã xẩy ra ở Lệ Chi viên như một định mệnh, mà khởi thuỷ đã le lói trong các mối quan hệ hôm nay. Chẳng hạn, những nỗi buồn muôn thuở trong quyền lực và sử dụng quyền lực đối với thuộc hạ một khi thiên hạ đã thái bình, những hiềm khích ngấm ngầm xói mòn mọi nền tảng đạo đức, xuất hiện những quyết định chết người không còn mấy cân nhắc. Những toan tính thiết thực và chính đáng của Trần Nguyên Hãn, rửa tay gác kiếm, về miền quê Lập Thạch xin một ít ruộng đất cày cấy, tránh xa chốn bon chen đã không kịp. Cái chết liền sau đó của Trần tướng công và Phạm Văn Xảo cho hay làm người trung tín trong cảnh thái bình thật nghiệt ngã, thật khó khăn. Những kẻ từng vào sinh ra tử vì quyền lợi của mình đang quay lưng lại với một thời máu lửa của họ. Bài học ấy trong lịch sử không chỉ xảy ra một lần, nhưng lịch sử vẫn cứ trớ trêu như thường thấy và bi kịch của con người vẫn cứ tiếp diễn như một khoảng tối tăm vô minh của chính con người.
Người thực hiện thành công giấc mộng bình yên không ai khác là Nguyễn Trãi với lòng kiên nhẫn vô hạn và ý chí theo đuổi một chiến lược hòa hiếu, không phải là mẹo đánh giặc mà là đạo của nghĩa quân, không phải là giấc mộng thoáng chốc, mà là vĩnh viễn dài lâu.Vượt qua tất cả để đi đến mục đích đó, một mình gánh chịu những tổn thất, những tị hiềm, cả những sự nhục nhã, những bi kịch không thể chia sẻ để có được sự đồng thuận của nhà vua trong sự nghiệp lớn. Đã bao lần ông câm nín trước những xui xiểm của kẻ nịnh bợ. Ông cắn răng chịu nhục để tiến hành nghi lễ hiến mạng Ngọc Trần, biết sai mà vẫn phải xắn tay thực hiện âm mưu của bọn tiểu nhân. Ông lặng lẽ đớn đau trước những lời vè độc ác bêu xấu ông và bà Nguyễn Thị Lộ do kẻ ghen tức với ông đặt ra rồi gắn vào miệng trẻ, lan truyền đầu làng cuối chợ. Hình như càng lo nghĩ đến sự nghiệp chung ông càng bị cô lập, bị ghen ghét. Con người có chí lớn này hình như sinh ra để lo toan những điều lớn lao, nhưng cũng sinh ra để cam chịu những đau khổ, đau thương của kiếp người. Bi kịch đã chọn người trí thức là Nguyễn Trãi để giáng những đòn chí mạng. Vẫn thường xẩy ra trong lịch sử những điều tương tự nhưng hình như lịch sử không bao giờ thuộc bài. Số phận trí thức trong xã hội cũng là một trong những điều nhà văn Nguyễn Quang Thân muốn được chia xẻ qua những trang viết của mình trong Hội thề.
Còn những ý nghĩa khác nữa trong biên độ mở của cuốn sách mà mỗi người đọc, theo cách của mình có thể cảm nhận. Điều đó cũng chứng tỏ sự thành công của tiểu thuyết. Sự gợi mở như một phẩm chất cần thiết văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng đã được hiện lên đậm đặc qua mỗi trang Hội thề. Nó giúp nghệ sỹ bớt lời thuyết giáo một cách tối đa và từ đó đạt tới một cách tối đa hiệu ứng lan toả của khám phá chân lý nghệ thuật. Có thể nhận ra Nguyễn Quang Thân đã rất dày công trước tư liệu, trước câu chữ, trước mối quan hệ giữa lịch sử - những vấn đề còn khuất lấp trong màn sương thời gian – và nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại, trước chân lý lịch sử và chân lý nghệ thuật. Lịch sử vốn luôn luôn tự nó, những khuất lấp, những trang trắng bí ẩn của lịch sử gợi cảm hứng khám phá đầy quyến rũ của nghệ sỹ. Tất cả có thể là những khả năng. Nhà văn là những người biến những khả năng ấy thành thẫm mỹ theo lôgic nghệ thuật.Và ở đây tài năng là yếu tố quyết định.
Hội thề là tiểu thuyết lịch sử nhưng được viết với cảm hứng khám phá theo tinh thần mới của thời đại tuy tác phẩm vẫn mang nét đẹp của văn chương cổ điển thường thấy trong văn phong Nguyễn Quang Thân. Có thể còn đòi hỏi ở Hội thề những trang, những chương cuốn hút hơn nữa. Nhưng cái đẹp vẫn thừờng ẩn chứa đằng sau sự giản dị, dung dị. Về mặt này Hội thề có sức chứa lớn hơn dung lượng câu chữ của nó. Và đó chính là một trong những mặt đang ghi nhận của tác phẩm.

Tháng giêng 2011
------------------------------
* Hội thề, tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân, Nhà xuất bản Phụ nữ, H, 2009.
In lại từ Vanvn.net