Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÂU CHUYỆN CÂY HOA SEN

Nguyễn Đăng Minh
Thứ tư ngày 26 tháng 1 năm 2011 9:22 PM

Những câu chuyện kể, những bài viết và những bài thơ thơ liên quan đến cây hoa sen đã thành một dòng chảy vô tận, trong đó phải kể đến bài ca dao nổi tiếng đã bao đời còn đọng mãi trong tri thức của người Việt:

“Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà…”

Bằng cách dẫn giải này, rồi chàng trai kết luận:

“Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau”

Bài ca dao đã được đưa vào sách giáo khoa. Trải qua nhiều thế hệ thầy và trò, đã có rất nhiều lời giải thích và bình giảng về hai câu mở đầu:” Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”… Rồi các thế hệ học sinh đều phải chấp nhận cách lý giải: “Sen làm gì có cành, đấy chỉ là cái duyên cho đậm đà, cho tình tứ để “buộc” cô thôn nữ vào tình thế khó xử”.

Có lẽ do sự giao lưu của quá khứ còn hạn hẹn cả trong địa danh lẫn những nhà nghiên cứu về vốn văn học dân gian còn hiếm muộn, nên các nhà giáo dục đã giáo dục học sinh theo chủ quan của mình. Sang thế kỷ XXI, một luồng gió tri thức mới đầy cởi mở đã ùa vào xã hội nước ta mà trong quá khứ vẫn còn kín cổng cao tường. Một nền kinh tế đang khởi sắc đã nâng cao mọi nhận thức trong xã hội và sự giao lưu văn hóa hòa vào dòng chảy du lịch đã và đang hình thành ngày một phát triển như là một mô hình kinh tế đầy tiềm năng ở nước ta. Chính vì lẽ đó, nhiều người đến vãn cảnh chùa Đại Bi thuộc làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội mà vẫn quen gọi là chùa Bối Khê. Vào tháng tư đến tháng sáu âm lịch, được gặp gỡ những bông hoa sen trắng pha màu phớt hồng tím, có hương thơm ngào ngạt nở trên những chùm lá xanh rờn; người dân quê đây gọi là cây Sen Đất, bởi thân cây là thân gỗ và mọc trên mặt đắt cạn với cành lá xum xuê chứ không như giống hoa sen nước mà gốc rễ cắm sâu vào bùn dưới mặt nước đang hiện diện trên khắp nước ta và nở hoa vào mùa hè hàng năm. Sen đất chùa Bối Khê chỉ còn một cây cổ thụ tọa lạc trên mảnh vườn nhỏ phía sau hậu cung chùa. Chùa Bối Khê có từ thời nhà Trần, có lẽ cây sen đất này cũng có tuổi cùng tuổi chùa Bối Khê. Và, biết đâu bài ca dao nêu trên chính là bài thơ có thật được sáng tác tại đất Bối Khê này – Mảnh đất có cây sen đất đã thành cổ thụ. Bối Khê là đất liền thổ với Kinh đô Thăng Long ngàn năn văn hiến, nên một bài thơ có liên đới đến cành hoa sen ở nơi đây cũng là điều dễ hiểu.

Gần đây, nước ta đang rộ lên ý tưởng tìm Quốc hoa mà chưa ngã ngũ. Nếu các nhà khoa học Việt Nam nhân giống được hoa sen đất từ cây hoa sen đất cổ thụ còn tươi tốt trong vườn hậu cung chùa Bối Khê ra cả nước thì tin chắc đây sẽ là Quốc hoa của Việt Nam. Bởi hoa sen đất được đơm ra từ cành thân cây gỗ cứng, sinh trưởng trên mặt đất giống như bao cây quý khác, luôn hiện diện trên mặt đất suốt bốn mùa. Và, được thả hồn vào rừng hoa sen đất với màu sắc quyến rũ, hương thơm say đắm lòng người… Khác hẳn hoa sen nước chỉ xuất hiện về mùa hè, rồi sau đó lại vùi sâu vào lòng bùn dưới mặt nước mênh mông…

Hà Nội, tháng chạp 2010

Nguyễn Đăng Minh