Gần đây, tôi có viết dăm bài thơ sử khi tham dự Trại Sáng tác tại Phú Yên do Hội Nhà văn TP.HCM. tổ chức. Trong mạch cảm hứng từ lịch sử ấy, tôi cũng viết thêm một chùm thơ sử về quê hương Quảng Trị.
Trong cả loạt thơ mười sáu trên hai mươi (16/20) bài đó, có một ít bài tôi tự thẩm định và biết chắc vẫn còn những điểm tồn nghi:
1) Kính nghĩ về Lê Thành Phương (1825-1887), nghĩa tướng Cần vương
2) Mộ Ông Chưởng (?-1869), một địa danh quê hương
3) Tìm Nguyễn Tự Như, hội nguyên năm Mậu Tuất (1898)
4) Truyền thuyết mới về Huyền Trân, Bà Mẹ Xứ Sở
5) Tiếng vọng Hoàng Kim Hùng (1764-1835), tướng Tây Sơn
Mỗi bài trong năm (05) bài kể trên đều có điểm tồn nghi. Ở từng bài, tôi đã chú thích về các tồn nghi đó. Và mỗi tồn nghi đều có đặc điểm khác nhau, do đó tôi nhận thấy cần phải làm rõ hơn.
Tôi vẫn muốn giải quyết tồn nghi bằng nghiên cứu, như bài thơ “Cuộc khởi binh nâu sồng 1898” đã được chính bản thân tôi bảo chứng khoa học bằng bài khảo luận sử học “Cuộc khởi binh nâu sồng 1898-1900 và Võ Trứ (1855?-1900) qua các nguồn tư liệu khác nhau” (đã đăng trên dăm trang thông tin điện tử và đang gửi đăng trên tạp chí chuyên ngành).
Tuy nhiên, có bài không thể giải quyết bằng nghiên cứu như vậy được, vì lí do sau đây:
1. -- Có bài không có tư liệu gốc về nhân vật (về Lê Thành Phương, về Hoàng Kim Hùng) (1) (2);
2. -- Có bài bị rơi vào trường hợp khuyết sử ở giai đoạn sau của nhân vật (về Nguyễn Tự Như);
3. -- Có bài hoàn toàn đầy đủ tư liệu gốc về nhân vật nhưng không rõ lăng mộ ở đâu (về Phan Bân, tức “Ông Chưởng”);
4. -- Có bài lại là sáng tạo mới của chính bản thân tôi, tuy chính sử và địa chí chính thống đã ghi khá đầy đủ, nên tôi xem như “truyền thuyết mới”, chính xác hơn là sáng tạo mới theo cách mô phỏng loại hình truyền thuyết cổ đồng thời kế thừa chất liệu dân gian ở Quảng Trị (về Huyền Trân, công chúa triều Trần).
Trong các trường hợp liệt kê như trên, thật ra, cũng chỉ cần nói rõ hai trường hợp:
A. Trước hết, có lẽ cần nói rõ hơn nữa về bài “Mộ Ông Chưởng (?-1869), một địa danh quê hương”. Xin trích một đoạn sử về nhân vật Phan Bân:
“Đề đốc quân thứ Thái Nguyên (chưởng vệ sung chức ấy) Phan Bân (người Hải Lăng, Quảng Trị), năm ngoái bị giặc bắt được (đánh đồn Chợ Mới). Vua chuẩn cho quan quân thứ tìm cách đòi về. Đến nay, quân thứ ấy hỏi được việc thực, viên ấy không chịu khuất phục giặc, tự tử, và đã tìm được hài cốt còn lại, đem việc ấy tâu về. Vua chuẩn cho tặng hàm thống chế”
(Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, chính biên”, tập 32, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., 1975, tr. 11).
Vấn đề là mộ của ông hiện ở đâu, và địa danh “Mộ Ông Chưởng” duy nhất ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có phải là nơi có ngôi mộ của Phan Bân (?-1969) hay không? “Đại Nam liệt truyện” còn cho biết ông đã được thờ ở Trung Nghĩa từ tại Huế. Do đó, tôi hi vọng có thể tìm thấy tư liệu ở đó để xác định được về làng quê nguyên quán của ông. Hơn thế nữa, nếu có điều kiện, nên tiến hành khai quật thám sát ngôi mộ Ông Chưởng gần với thị trấn mới của huyện Hải Lăng hiện nay.
B. Thứ đến, về bài “Truyền thuyết mới về Huyền Trân, Bà Mẹ Xứ Sở”: Xin trích “Đại Việt sử ký toàn thư”:
“Mùa đông, tháng 10, sai nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về.
Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với [người Chiêm - dịch giả ct.]: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”.
Người Chiêm nghe theo.
Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô.
Hưng Nhượng đại vương [Trần Quốc Tảng – TXA. ct.] ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?”. Khắc Chung thường sợ hãi né tránh”.
(ĐVSKTT., bản in nội các quan bản, 1697, tập 2, bản dịch và chú thích của Hoàng Văn Lâu, GS. Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. VH.-TT., 2003, tr. 138-139).
Về quãng đời cuối của Huyền Trân, có thể đọc thấy trong “Đại Nam nhất thống chí”:
“Chùa Nộn Sơn: ở xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản [tỉnh Nam Định – TXA. ct.]. Triều Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua nước Chiêm Thành, sau công chúa lại trở về nước, trụ trì ở đây, nhân đấy, dân sở tại phụng thờ”.
(Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNNTC., tập 3, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 358).
Còn về việc đồng nhất Huyền Trân công chúa, chứ không phải Bà Liễu Hạnh như các nơi khác, với Pô Nagar (Thiên Y A Na Ngọc Diễn Bà, Bà Chúa Xứ, Bà Mẹ Xứ Sở) là sự thật ở Quảng Trị. Đó cũng là một trong những biểu hiện phổ biến về tính dung hợp văn hóa, bổ cứu và loại trừ những yếu tố dị biệt văn hóa nào đó mà nhân dân qua nhiều đời xét thấy cần thiết (3).
Việc gọi trái sim là trái Huyền Trân xuất phát từ cơ sở là nhân dân Quảng Trị biết ơn công chúa Huyền Trân, xem bà như Bà Mẹ Xứ Sở, và cụ thể là do ý nghĩa của danh từ riêng Huyền Trân (báu vật màu tím đen). Thêm vào đó, làm sao lại tôn thờ một người phụ nữ mới chịu tang chồng lại tư thông (quan hệ tình dục) với người khác, cho dù sau đó đã đi tu cho đến hết đời! Vì vậy, việc sáng tạo nên một truyền thuyết mới về công chúa Huyền Trân, tự cắt nuốm vú, thề nguyền chung thủy, và hai nuốm vú ấy làm nên những mùa sim chín ngọt (trái sim giống y nuốm vú) cho con cháu muôn đời trên đất Châu Ô, Châu Rí (Lý) xưa, là phù hợp phần nào với cổ tục nhiều nước, nhiều tôn giáo, lại rất phù hợp với tâm linh, tín ngưỡng, đạo lý dân tộc Việt nói chung, Quảng Trị nói riêng. Ngay trong thời đại công chúa Huyền Trân, về anh ruột của bà, vua Trần Anh Tông, cũng có một việc gần giống như thế:
“Bấy giờ, thượng hoàng [Anh Tông – TXA. ct.] có ý xuất gia, nên sai cung nhân ăn chay. Các cung nhân đều ngần ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng làm lương ăn tu hành ngày sau. Rồi Thị Diên quả nhiên đi tu cho đến lúc mất, Phật hiệu là Tịnh Quang ni”.
(ĐVSKTT., sđd., tr. 158).
Như vậy, chi tiết Huyền Trân tự cắt nuốm vú để bày tỏ ý chí chung thủy, giữ trọn tình vợ chồng với Chế Mân, không có gì là phi lịch sử mặc dù không có trong lịch sử, nghĩa là vẫn phù hợp với cách hành xử trong giai đoạn lịch sử ấy. Tất nhiên, ngày nay, không ai khuyến khích cách thề nguyền như vậy, thậm chí là bị phê phán, bị tội hình sự là khuyến khích hay tự hủy hoại thân thể nữa!
Về chi tiết khi ăn sim, nhớ đến nuốm vú Bà Mẹ Xứ Sở Huyền Trân, thì cũng chỉ là “ăn ẩn dụ”, như ăn trầu trong cổ tích Trầu Cau, như ăn bánh thánh của Thiên Chúa giáo…
Thành thật mà nói, sự sáng tạo “truyền thuyết mới” ấy của tôi, theo mô thức truyền thuyết cổ trong dân gian ngày xưa, kể cả truyền thuyết tôn giáo, cũng chỉ là sự nâng cao, kết tinh hóa, chưng cất lại chất liệu sẵn có trong dân gian ở các xóm làng Quảng Trị mà thôi. Vấn đề là tôi đã viết rõ ở nhan đề bài thơ là “truyền thuyết mới” và cũng đã chú thích rõ: “Các chi tiết khác với sử, trong bài thơ, chỉ là truyền thuyết” (4). Đó là sự liêm khiết, lương thiện trí thức của một người cầm bút, cho dù ở thể loại có biên độ rộng mở, chấp nhận nhiều cách tân, khai phá mới mẻ nhất là thơ. Cũng cần nói rõ, ở lĩnh vực nghiên cứu, khảo luận, tôi hoàn toàn bảo đảm tính khoa học ở mức cao nhất và bản thân tôi cũng luôn tâm niệm về tính trung thực của người nghiên cứu, khảo luận.
C. Ngoài năm (05) bài thơ trên, còn có một bài khác, “Còn lại của Người Xưa”, có lẽ cũng xin nói thêm. Tôi đã có sự chỉnh sửa hai chữ trong câu thứ tư ở khổ thơ này:
“Nguyễn Văn Hiển, danh thơm lừng
Phù Cát, “Đồ Bàn thành kí”
và “Bình – Phú – Nam đạo chí...”
rộng tâm lo khắp dân nghèo”
Và nhiều chữ khác ở khổ thơ dưới đây:
“tác phẩm các ông xa xôi
tro than, và hoài phủ bụi
tìm đâu, tìm đâu, nhắn gửi...
còn chăng dăm bản hiếm hoi!”
Bởi lẽ, tôi biết chắc là một trong hai cuốn sách của Nguyễn Văn Hiển (gốc Quảng Trị, từ đời ông nội vào lập nghiệp ở Bình Định) là “Đồ Bàn thành ký” hiện nay vẫn còn ở Thư viện tỉnh Bình Định, và cuốn “Sĩ hoạn tu tri lục” của Nguyễn Công Tiệp (người Hải Lăng, Quảng Trị), hiện cũng còn ở kho sách Hán – Nôm tại Hà Nội.
Xin có thêm những lời cáo bạch như vậy, sau khi tôi tự thẩm định lại loạt thơ sử của tôi gần đây. Nếu còn những sơ suất nào, xin được nhận lời chỉ giáo của quý người đọc và giới cầm bút với lòng biết ơn chân thật nhất.
Trần Xuân An
9: -- 12:15, 11-11 HB10 (2010)
________________________
(1) Tôi đã đọc hai bài nghiên cứu của hai thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến và Đào Nhật Kim về Lê Thành Phương (Phú Yên), trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Huế, số 2 [61] 2007, tr. 69-81), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 6 [398] 2010, tr. 22-29).
(2) PGS.TS. Đỗ Bang cũng có một tham luận sử học về Hoàng Kim Hùng (Quảng Trị), nhân kỉ niệm 217 năm ngày sinh Hoàng Kim Hùng (tài liệu đánh máy, lưu ở dòng họ Hoàng làng Vĩnh An [?], theo http:// pgdcamlo. edu. vn / article / detail / cac -di -tich -lich- su- van -hoa -huyen- cam -lo .aspx).
(3) Chắc chắn văn hóa Việt không thể chấp nhận yếu tố mẫu hệ cổ sơ như Pô Nagar có đến 97 người chồng (phồn thực, nhiều con cháu)…
(4) Các chú thích dưới các bài thơ, tôi không ghi xuất xứ các tư liệu một cách đầy đủ (tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, số trang) mà chỉ ghi tên sách vì các sách ấy quá phổ biến và cũng vì chúng đã có sách dẫn (địa danh, nhân danh).
Bài thơ về Phan Bân (?-1869) có thể được chỉnh sửa nhỏ như sau:
Trần Xuân An
TÌM MỘ ÔNG CHƯỞNG PHAN BÂN (?-1869),
mộ Người tìm ở nơi đâu
để dân hương khói, nghìn sau vẫn còn
phỉ Tàu thuở quấy nước non
nghe Phan Bân đã lạnh hồn trốn xa (1)
máu tử tiết mãi chói loà
người Hải Lăng, phút trót sa bẫy thù
đọc ngàn vạn sách vẫn mù
một hôm sáng mắt tuổi ngu ngơ nào
phải đâu huyền thoại trời cao
đất quê là sử, trót xao lãng lòng!
bỗng thèm học tại nguồn sông
mạch khe chóp núi cánh đồng quê xa.
TXA.
19: – 21:07, 27-10 HB10
(1) Người huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (Có thể xác định xã nguyên quán là Hải Lâm, Hải Thọ hay Hải Thượng? Vui lòng xem bài vị ở Trung Nghĩa từ, Huế). Ông vốn là chưởng vệ (chỉ huy một vệ quân), sung đề đốc hải phận Hải Dương - Quảng Yên, nên gọi là Ông Chưởng. Xem “Đại Nam thực lục”, kỉ Tự Đức, “Đại Nam liệt truyện”, nhị tập (bản dịch: tập 4).