Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“SỔ TAY DU LỊCH KHÁM PHÁ TRUNG QUỐC” CỦA NXB VĂN HÓA – THÔNG TIN PHỔ BIẾN THÔNG TIN SAI TRÁI VỀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA

Hiền Chi
Thứ sáu ngày 12 tháng 11 năm 2010 8:51 PM
 
    Ngẫu nhiên tôi có trong tay cuốn Sổ tay du lịch khám phá Trung Quốc do NXB Văn hoá – Thông tin liên kết với Công ty Văn hóa Đông Sơn xuất bản và phát hành, năm 2007. Cuốn sách ghi tên 2 tác giả là Minh Châu và Thế Anh, không rõ người Trung Quốc hay người Việt Nam. Có lẽ là người Việt Nam vì không thấy ghi sách dịch và dịch giả. Đây là một cuốn sách được viết khá cô đọng, súc tích, đầy đủ về 34 tỉnh thành, khu tự trị, đặc khu và vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc, với các thông tin khá cơ bản về các điều kiện tự nhiên, xã hội và các địa chỉ du lịch tiêu biểu. Sách cũng giới thiệu những di sản văn hoá thế giới của Trung Quốc và một số điểm đặc sắc khác của văn hoá, xã hội Trung Quốc. Đây là cuốn sách rất có ích đối với những người lần đầu tiên đi du lịch Trung Quốc.
    Tuy nhiên tôi rất kinh ngạc vì cuốn sách này hoàn toàn mang quan điểm, giọng điệu, phong cách của người Trung Quốc, trong đó có nhiều điểm không phù hợp với thực tế lịch sử và chủ quyền của Việt Nam. Ví dụ như phần “Tỉnh Đài Loan” trang 373 không hề giới thiệu những đặc điểm chính trị, xã hội của “tỉnh” này, mà chỉ giới thiệu sơ sài một vài danh thắng, dễ gây hiểu nhầm về một Đài Loan đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc, trong khi trên thực tế, Đài Loan đang tồn tại như một quốc gia với thể chế chính trị độc lập. Các phần giới thiệu về Hồng Kông và Ma Cao cũng chưa thể hiện đầy đủ tính khách quan của nó, nhất là về các đặc điểm chính trị, xã hội của những đặc khu có tính chất của “một đất nước hai chế độ”...
     Đặc biệt phần giới thiệu “Đảo Hải Nam” trang 279 đã in lại nguyên vẹn Hải Nam tỉnh toàn đồ (tức  là Bản đồ tỉnh Hải Nam) do người Trung Quốc vẽ với đường biên giới “lưỡi bò” bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam,  như một sự thừa nhận hiển nhiên đây là những vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Có lẽ đây là một cuốn sách dịch của Trung Quốc chứ không phải là một cuốn sách do người Việt Nam viết.
     Năm 2008, cuốn sách này lại được NXB Văn hoá – Thông tin cho tái bản nhưng với một tên gọi khác đi chút ít.
    Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của NXB Văn hoá – Thông tin cũng như của các tác giả đối với việc tuyên truyền, phổ biến những thông tin sai trái về chủ quyền  quốc gia của Việt Nam trong một cuốn sách mang tính phổ thông đại chúng như thế này.
   
HC