Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VIẾT TIẾP THƠ SỬ VỀ QUẢNG TRỊ

Trần Xuân An
Thứ tư ngày 10 tháng 11 năm 2010 5:39 AM
TRUYỀN THUYẾT MỚI VỀ HUYỀN TRẦN

tóc huyền xinh, xinh mắt huyền
răng huyền ngời nụ cười duyên môi hồng
vào Chiêm, sóng nghẹn thuyền rồng
qua Ô qua Lý, nghe lòng bâng khuâng (1)
Huyền nương vào với Chế quân
Trân cùng Mân hẳn liền vần ngàn năm
đâu ngờ Mân hoá khói trầm
cướp Trân khỏi lửa, ngựa phăm, lao thuyền (2)
yếm đào cởi giữa phút thiêng
cắt đôi nuốm vú, xin nguyền thuỷ chung
máu rỏ Trường Sa muôn trùng
mùa sim từ đó tím rưng rức rừng
xưa sau truyền thuyết lưng chừng
ngọt hương mọng trái biểu trưng quê mình
sim Huyền Trân mãi trung trinh
sử dù lưu oán triều đình hai bên!
ngậm sim là ngậm cái tên
chúa Huyền Trân – chúa Ngọc đen, kính hoài
nhớ thêm, tím Huế: Nhữ Hài (3)
chín huyền Quảng Trị trải dài Quảng Nam.
TXA.
9: – 11:30, 07-11 HB10
(1) Chế Mân, vua Chiêm Thành, cưới công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, với sính lễ là hai châu Ô và Lý (châu Thuận và châu Hoá, từ Quảng Trị vào đến Điện Bàn, Quảng Nam).
(2) Trần Khắc Chung theo lệnh vào viếng tang, nhân đó cứu Huyền Trân khỏi lễ hoả táng theo chồng như phong tục Chiêm Thành thuở bấy giờ. Thuyền đi lạc ra các đảo xa; một năm sau mới về đến Thăng Long (Hà Nội).
(3) Đoàn Nhữ Hài là vị quan đầu tiên trấn nhậm đất Ô và Lý.


TIẾNG VỌNG HOÀNG KIM HÙNG (1764-1835),
TƯỚNG NHÀ TÂY SƠN
Ô Lý, sinh lễ cưới Huyền Trân
nhưng rộng đất, xanh rau, ơn chúa Nguyễn
ta chẳng hiểu vì đâu gươm mài võ luyện (1)
ngựa bay theo Tây Sơn ra Bắc vào Nam
buổi đầu quân, nâng chén rượu, khóc thầm
nhạt lòng trung cũng vì bạo thần, ấu chúa (2)
tưới rượu vào, chẳng tắt trong ta nỗi đau ngọn lửa
sông Gianh đỏ máu, đất nước hai Đàng!
thống nhất non sông, ta toan giũ áo về làng
lại phải đuổi Tàu, vun gò Đống Đa như trái núi
chống kiếm về quê, sông Hiếu nhìn ta mừng tủi
dẫu sao, ta không khoanh tay trong cơn lốc thế thời
khi chúa Nguyễn về kinh xưa, ta ngẩng mặt ngó trời
dưới mồ sâu, cả cười nghe kể tội
ngỡ con cháu mấy đời lầm lội...
chỉ sử sách ngầm ghi công Tây Sơn thống nhất hai Đàng
thời Pháp chiếm, đẩy Nguyễn suy tàn
ta vẫn vô danh trong pho địa chí
cũng đã xa lắm rồi thời chống Mỹ
Hoàng Kim Hùng, ai khẽ nhắc tên ta?
nhắc ta, hãy nhắc thời non sông xé cắt thịt da
để liền da thịt, phải đánh Xiêm, đánh Tàu,
                          sau khi đánh tan một vua hai chúa
hãy nhớ ta, tướng Tây Sơn, cũng ngập mồ lời nguyền rủa
khói trầm hương không ảo huyền, càng mịt mờ thân thế ta xưa!
thắp giùm ta dăm ngọn nến chưa?
soi mặt ư? Ra sông Hiếu, múc thêm thau nước
thay nước sông Bến Hải, nước sông Gianh thuở trước
uống chén rượu, nhớ nỗi đau ngọn lửa xa rồi!
TXA.
13: – 14:50, 07-11 HB10
(1) Viết thay lời Hoàng Kim Hùng, người Cam Lộ, Quảng Trị, một vị tướng của Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông cáo quan về quê sau khi Nguyễn Huệ mất, mặc dù bấy giờ chỉ mới 28 tuổi.
(2) Trương Phúc Loan và Nguyễn Phúc Dương.
 

CÒN LẠI
khắc vào vách núi quê hương
dăm họ tên, may chưa mất?
bút giấy đêm sâu trầm mặc
súng gươm cứu nước sáng rừng!
Nguyễn Văn Hiển, danh thơm lừng
Phù Cát, “Đồ Bà thành kí”
và “Bình – Phú – Nam đạo chí”
rộng chia ruộng khắp dân nghèo (1)
Nguyễn Công Tiệp ngỡ bọt bèo
từ Tây Sơn quy thuận Nguyễn
vẫn ngời ấn gươm, kinh truyện
“Sĩ hoạn tu tri” giúp đời (2)
tác phẩm các ông xa xôi
chắc cũng tan theo tro bụi
tìm đâu, tìm đâu, nhắn gửi
đành buồn vô vọng mà thôi!
rừng sâu cờ nghĩa chói trời
giúp vua, cứu dân, đánh Pháp
Trương Đình Hội như mờ lấp
cùng Hoàng Hoản, Trần Quang Chuyên! (3)
thân thế các ông như thuyền
chìm dưới đáy sâu lịch sử
may sao còn dăm dòng chữ
Phạm Ngọc Tản lại mơ hồ! (4)
khắc vào vách núi không mờ
cũng cần dấu son tiền bạc
khắc vào trang thơ, càng nhạt
kém xa sử chí ngày xưa?
thôi chờ hội đình, lễ chùa?
danh – vị, có – không, còn – mất
thơ này chép ra và thắp
thay nén hương, dâng núi sông?
TXA.
15: – 18:10, 07-11 HB10
(1) Xem “Đại Nam liệt truyện”, nhị tập (bản dịch: tập 4).
(2) Xem “Đại Nam nhất thống chí”, phần kinh sư (Thừa Thiên - Quảng Trị).
(3) Xem “Đại Nam thực lục chính biên”, kỉ Đồng Khánh.
(4) Xem “Đồng Khánh, Khải Định chính yếu”.