Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

''NGƯỜI CỦA CIA" LẠI LÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 8 tháng 11 năm 2010 8:58 PM
  Monday, November 08, 2010
Lần ấy, sau cuộc thi hoa hậu người Việt lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang năm 2007, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin các người đẹp đoạt giải đến thăm và tặng quà các cụ già trong Nhà dưỡng lão của tỉnh Khánh Hoà. Tôi thật bất ngờ khi thấy hình ảnh Hoa hậu Ngô Phương Lan trao quà tặng ông bà Tạ Văn Sình – Võ Thị Đàng với lời giới thiệu ông bà là người có công với cách mạng. Bởi vì, đối với gia đình tôi, ông bà Tạ Văn Sình – Võ Thị Đàng không phải là người xa lạ, nhưng việc ông bà là người có công với cách mạng thì tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Trái lại đã có lúc tôi nghĩ ông là một người khác, “người của CIA”!

Ám ảnh... “người của CIA”

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 ít lâu vợ chồng tôi đều là nhà báo từ chiến khu về được cơ quan điều từ Đà Nẵng vào Nha Trang công tác tại Phân xã Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tỉnh Phú Khánh (nay là Phú Yên, Khánh Hoà) do tôi làm Trưởng Phân xã.
Phân xã TTXVN Phú Khánh lúc đó được tỉnh giao cho ngôi nhà khá rộng ở số 195 đường Hoàng Tử Cảnh (nay là đường Hoàng Văn Thụ), Nha Trang. Ngôi nhà này vốn là nơi làm việc của Mỹ trước khi họ tháo chạy khỏi đây. Khi chúng tôi tới thì ngôi nhà này đã có một gia đình đang ở. Đó chính là gia đình ông bà Tạ Văn Sình – Võ Thị Đàng, tên thường gọi là ông bà Sáu, theo đạo Tin Lành, tháng 3/1975 chạy từ Di Linh, Lâm Đồng xuống, được một vị Mục sư Tin Lành giao trông coi ngôi nhà này trước khi Nha Trang được giải phóng. Ông bà Sáu đông con, nhiều đứa còn lít nhít, ở dãy nhà phía sau, còn Phân xã TTXVN chúng tôi ở dãy nhà chính phía trước, nhìn ra đường Hoàng Tử Cảnh. 
Những ngày sau giải phóng , qua sách báo và các thông tin chính thức trong nhiều cuộc họp, tôi được biết Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có nhiều hoạt động đội lốt tôn giáo, nhất là đạo Tin Lành để chống phá cách mạng Việt Nam. Phần lớn tàn quân Phun-brô sau giải phóng còn hoạt động chống phá cách mạngởơ các tỉnh Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Vì thế tôi luôn cảnh giác, đề phòng mỗi khi tiếp xúc với những người theo đạo này, thậm chí nghi ngờ họ là “người của CIA”! Đối với gia đình ông Sáu cũng vậy, tôi chỉ có quan hệ xã giao, rất ít khi trò chuyện và vào nhà ông bà. Mỗi khi thấy ông, người cao lớn, bệ vệ, thỉnh thoảng lại lái một chiếc xe Jeep “nhà binh” trước đây, không biết mượn của ai hay là của chính ông, về nhà là tôi lại đặt dấu hỏi về ông. Lại nữa, năm 1975, sau giải phóng ông bà sinh đứa con trai lại đặt tên cho nó là Quốc Gia, khiến cho tôi càng đặt dấu hỏi ông có ngầm ý gì không khi đặt tên con như đối lập Quốc gia với Cộng sản như thế?
Trái lại, vợ tôi lại rất gần gũi với gia đình ông, nhất là với bà Sáu và các cháu nhỏ. Vợ tôi gọi bà Sáu là chị, coi các cháu nhỏ như cháu của mình. Gia đình ông bà Sáu đông con, túng thiếu, các cháu phần lớn thất học, nên giúp được gia đình ông bà điều gì là vợ tôi làm. Vợ tôi đứng ra làm giấy tờ xin học cho mấy cháu nhỏ, bảo ban các cháu học hành và chăm sóc mỗi khi chúng ốm đau, nghịch ngợm gây thương tích. Bà Sáu là người hiền lành, phúc hậu, quý vợ tôi như em gái. Khi vợ tôi có thai cháu đầu, bị nhiễm độc thai nghén, chân bị phù nặng, bà Sáu luôn động viên, lấy “kinh nghiệm” của gần chục lần sinh nở để trấn an vợ tôi. Hôm vợ tôi đau đẻ, tôi lại đi công tác vắng, bà Sáu đưa vợ tôi vào bệnh viện, không quên mang theo cái thìa có quấn gạc đề phòng vợ tôi bị sản giật thì cho vào miệng để khỏi cắn vào lưỡi. May mắn, vợ tôi sinh nở an toàn, “mẹ tròn con vuông”. Bà Sáu là người đầu tiên đón con tôi từ tay cô y tá trao cho, vui mừng báo tin cho vợ tôi biết điều mà vợ tôi lo lắng nhất đã không xảy ra: Con tôi bình thường, không có dị tật hoặc di chứng gì do ảnh hưởng của bom đạn, sốt rét rừng và chất độc da cam trong những năm chiến tranh gian khổ!
Những ngày đầu tiên con tôi ra đời, bà Sáu thay mẹ cháu tắm rửa, chăm sóc cả hai mẹ con. Sau này, lớn lên cháu vẫn được đón nhận tình cảm yêu quý và sự chăm sóc của bà Sáu và các con của ông bà cho đến năm 1977 gia đình bà chuyển khỏi ngôi nhà 195 đường Hoàng Tử Cảnh, Nha Trang và ba năm sau gia đình tôi chuyển ra Hà Nội. Còn tôi, xa ông bà rồi nhưng nỗi ám ảnh, đề phòng ông Sáu, “người của CIA”, vẫn còn bám theo…

Nước mắt giàn giụa ngày chị em gặp lại

Năm 1980 vợ chồng tôi rời Nha Trang ra Hà Nội, cho đến năm 1998, khi con trai đầu của tôi tốt nghiệp đại học và cháu thứ hai vào đại học, vợ chồng tôi mới có dịp đưa các cháu vào Nha Trang, nơi cháu đầu sinh ra và được bố mẹ lấy tên Trang để đặt tên cho cháu. Vợ tôi cũng muốn dịp này đưa các cháu đến chào “bác Sáu”, người đã đón tay cháu Trang khi cháu chào đời.
Chúng tôi tìm đến tiệm chữa răng Tạ Thành ở đường Nguyễn Trãi, nơi ông bà Sáu chuyển đến sau khi rời 195 đường Hoàng Tử Cảnh, Nha Trang, thì bà con ở đây cho biết gia đình đã lên phát rẫy trên núi Lương Sơn gần đèo Rù Rì. Vợ chồng tôi vội thuê một chuyến xe lên Lương Sơn thăm ông bà. Xe ô tô không vào được nhà, chúng tôi phải đi bộ theo con đường rừng khá xa mới tới được khu rẫy của ông bà. Ông Sáu quá bất ngờ trước sự xuất hiện của vợ chồng tôi và cháu Đà Trang cùng em cháu. Ông ôm chầm lấy tôi, nắm chặt tay vợ tôi rồi giắt vợ tôi vào trong căn nhà cấp bốn để thăm bà Sáu. Nhìn thấy bà Sáu ngồi trên xe lăn, vợ tôi oà khóc, lao đến ôm chầm lấy bà. Bà Sáu nhận ra vợ tôi ngay, miệng cứ lắp bắp không thành tiếng, hai mắt đẫm lệ. Ba cha con tôi cùng mấy cháu con ông bà Sáu cũng không thể cầm lòng, nghẹn ngào lau nước mắt. Bà Sáu vừa trải qua cơn bạo bệnh, bị đột quỵ, không nói và không đi lại được.
Ngồi dưới gốc cây rừng trước ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, phía trước mặt là một dòng suối cạn, ông Sáu kể lại quãng thời gian chìm nổi của gia đình ông kể từ sau ngày vợ chồng con cái tôi ra Bắc. Dạo chúng tôi còn ở Nha Trang, vợ tôi có nghe bà Sáu kể chuyện có một người con trai lớn tên là Tạ Thành đi theo Quân giải phóng từ năm 16 tuổi, sau ngày 30-4-1975 vẫn không có tin tức gì về cháu. Nay ông cho biết Tạ Thành đã hy sinh ngày 5/7/1969 tại xã Mỹ Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ. Ông bà đã nhận được thư của D.857 Quân Giải phóng, báo tin và chia buồn cùng gia đình. Cuối năm 1979 Gia đình ông đã được công nhận là gia đình liệt sĩ và Chủ tịch nước đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với Liệt sĩ Tạ Thành.
Ông kể với vợ chồng tôi về cuộc sống của từng đứa con, đứa nào cũng thấy vất vả. Ba đứa con trai lần lượt đi bộ đội, về nhà đứa có việc đứa chưa. Mấy đứa con gái đều đã có chồng, có con, nhưng công việc cũng chưa thật ổn định. Những cháu còn lại, có đứa thì đi làm thuê, lái xe chở hàng đường dài, có đứa lên phát rẫy cùng bố mẹ. Ông bảo, đau đớn nhất là cháu Mỹ An, cô con gái xinh xắn, hóm hỉnh nhất nhà bị mất do tai nạn giao thông khi đang mang thai và cháu Quốc Gia bị bệnh nặng không qua khỏi, mới mất, mộ phần hai cháu đặt ngay trên rẫy, gần căn nhà này…
Vợ chồng tôi và các cháu thắp hương cho cháu Mỹ An, cháu Quốc Gia mà không cầm nổi nước mắt. Chúng tôi chia tay ông bà Sáu trong cái nắng sắp tắt của một buổi chiều buồn tê tái. Vợ tôi cứ ân hận mãi là lúc ông bà gặp khó khăn nhất thì gia đình tôi lại không ở gần…

“Người của CIA” lại là người có công với cách mạng

Sau lần gặp lại ông bà Sáu trên rẫy Lương Sơn, nhất là sau khi xem ti-vi biết tin ông bà đã được tỉnh mời về Nhà dưỡng lão, vợ chồng tôi thường gọi điện vào thăm nhưng vẫn chưa có dịp trở lại Nha Trang để đến thăm ông bà.
Tháng 8/2010, nhân một chuyến trở lại Nha Trang, tôi tìm đến Nhà dưỡng lão của tỉnh Khánh Hoà ở số 3 đường Thuỷ Sưởng, Nha Trang. Vừa nhìn thấy tôi ngoài cổng, chưa kịp chào thì ông Sáu đã luýnh quýnh chạy ra đón tôi, miệng gọi liên tục: “Chú Quảng! Chú Quảng!..”.  Ông kéo tôi vào căn phòng của ông bà đang ở, vừa đi vừa nói như khoe với tôi: “Bà nhà tui dạo này khoẻ chú à! Mới hôm qua bà ấy nhắc lâu quá không thấy cô chú vào trong này”.
Bà Sáu vẫn ngồi trên xe lăn, trông khoẻ hơn, mập hơn cách đây mấy năm khi còn ở trên rẫy. Thấy tôi bà nhận ra ngay, cười mếu máo gọi tên tôi. Tuy nói còn rất khó khăn, vẫn méo tiếng nhưng lần này bà nói đã nghe rõ lời. Bà cố nói từng câu hỏi thăm vợ tôi và các cháu, mắt cứ ngân ngấn nước. Còn ông Sáu vui hẳn lên, luôn đỡ lời vợ để trò chuyện với tôi. Ông bảo cuối đời vợ chồng ông được trời thương, người thương nên có một việc ông không bao giờ nghĩ đến thì lại đến với ông. Đó là chuyện ông được công nhận là người có công với cách mạng.
Ông kể, quê ông ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long nhưng từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ nên ông phải về quê ngoại ở huyện Vũng Liêm, cùng tỉnh để làm thuê, làm mướn kiếm sống. Ông chèo ghe, bơi thuyền, trèo hái dừa rất giỏi. Trong kháng chiến chống Pháp ông được ông Võ Văn Kiệt và bác sĩ Nguyễn Văn Thủ biết đến. Bác sĩ Thủ còn nhận ông làm con nuôi. Ông thường bơi xuồng, chở ghe đưa ông Kiệt, ông Thủ và nhiều cán bộ kháng chiến khác đi lại trong huyện, trong tỉnh. Sau này, khi ông Kiệt, ông Thủ về Khu, không còn ở Vĩnh Long, ông được đưa vào làm công nhân trong một xưởng sản xuất giấy của tỉnh, có lần suýt chết khi bị địch bất ngờ tấn công. Trong một lần chuẩn bị trèo cây hái dừa, không may ông bị một trái dừa từ trên cây rất cao rớt trúng đầu, bất tỉnh, sau đó mất trí, cứ ngơ ngơ một thời gian. Được tin, Bác sĩ Thủ cho người đưa ông Sáu vào Cần Thơ, vùng địch tạm chiếm, nhờ một ông bác sĩ quen hồi cùng học ở Pháp chữa chạy. Tại đây, ông Sáu quen bà Võ Thị Đàng là hộ lý tại Bệnh viện. Hai người thương nhau, nên vợ nên chồng. Năm ấy ông 22 tuổi, còn bà tròn 20.
Cũng chính trong những ngày ông bà Sáu ở bệnh viện Cần Thơ, có một nhóm người Mỹ theo đạo Tin Lành đến Bệnh viện làm từ thiện và truyền đạo. Họ chăm sóc, giúp đỡ ông Sáu, mua thuốc chữa bệnh và trợ cấp cả tiền ăn cho ông, đưa cho ông quyển Kinh thánh và nhiều sách báo nói về đạo Tin Lành. Và từ đấy, dần dần cả hai ông bà trở thành tín đồ của đạo Tin Lành.
Sau năm 1955 ông bà Sáu đưa mấy đứa con còn nhỏ đi hết tỉnh này đến tỉnh khác kiếm sống bằng nghề chữa răng mà ông học được trong những năm tháng chữa bệnh ở Bệnh viện Cần Thơ. Đầu năm 1975 ông bà đang ở Di Linh thì nổ ra cuộc Tổng tiến công, nổi dậy giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Ông bà đưa đàn con, 7, 8 đứa còn lít nhít di tản về Nha Trang, rồi được Hội thánh Tin Lành ở đây đưa về tá túc ở ngôi nhà 195 đường Hoàng Tử Cảnh.
Sau giải phóng, ông bà Sáu không về lại Vũng Liêm, không hề biết là bác sĩ Nguyễn Văn Thủ lúc này đã là Thứ trưởng Bộ Y tế có cho người đi tìm nhưng không biết ông Sáu ở đâu, bởi vì từ sau năm 1955 ông không còn lấy tên là Tạ Văn Sình như trước mà lấy tên người con đầu để mở phòng răng Tạ Thành, nên không mấy ai biết. Ông cũng không bao giờ nghĩ những ngày ông chèo thuyền, chở ghe đưa ông Võ Văn Kiệt, ông Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ...đi nơi này, nơi khác trong kháng chiến chống Pháp lại có thể được coi là người hoạt động kháng chiến. Nhất là từ sau khi ông bị trái dừa rơi trúng đầu, bị thương, mất trí một thời gian, không còn hoạt động gì cho cách mạng. Vì thế trong hơn 20 năm sau ngày miền Nam giải phóng ông không làm tờ khai báo thành tích hoạt động kháng chiến.
Thế rồi, một ngày giữa năm 1999, ông bất ngờ nhận được giấy mời lên Ủy ban Nhân dân Phường nhận Bằng khen của Chính phủ vì “Đã góp công sức vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc”. Sau này ông mới biết, sở dĩ ông nhận được Bằng khen số 109TTg, ngày 10/2/1999 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ký vì thành tích nói trên là do tấm lòng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Một lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về quê ở Vũng Liêm, Vĩnh Long dự đám giỗ, ông gặp lại một số đồng chí cán bộ bảo vệ, phục vụ cũ từ thời kỳ chống Pháp. Ông Võ Văn Kiệt hỏi thăm từng người và hỏi tới ông: “Cậu Sình chèo ghe ngày trước nay còn sống hay đã chết?”. Không ai biết tin tức về ông. Ông Võ Văn Kiệt giao trách nhiệm cho một vài đồng chí có mặt tìm hỏi tin tức của ông Sình, dù còn sống hay đã chết đều phải làm thủ tục khen thưởng đối với ông. Tấm Bằng khen của Chính phủ đó chính là do các đồng chí cũ của ông Tạ Văn Sình thực hiện lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tìm hỏi tin tức rồi làm giấy tờ, thủ tục khai báo giúp ông mà có. Kể chuyện với tôi, ông cứ nhắc đi nhắc lại về sự biết ơn tấm lòng và nghĩa cử của “Chú Sáu Dân” - cố Thủ tướng Võ Văn kiệt đối với ông. Nghe ông nói: “Tui là một anh nông dân nghèo, đi làm thuê, làm mướn, chỉ biết chèo ghe, chèo thuyền chở mấy ổng đi chứ có công trạng gì đâu, vậy mà mấy ổng vẫn nhớ”, tôi lại càng trân trọng sự khiêm nhường và tấm lòng của ông đối với cách mạng. Tôi chợt nghĩ đến chuyện có một ông chủ quán phở trong kháng chiến chống Pháp ở quê tôi chỉ bán phở cho mấy ông cán bộ đôi lần ghé qua nhưng vẫn khai báo và làm đầy đủ hồ sơ tham gia kháng chiến, có công với cách mạng để hưởng chế độ người có công. Lại nữa, ở tỉnh này tỉnh khác không hiếm chuyện người ta đua nhau làm giả hồ sơ  thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng để được khen thưởng và để nhận trợ cấp hàng tháng mà báo chí đã đưa tin sau khi bị phát hiện.  
Nghe ông Sáu kể chuyện mà tôi cứ ân hận mãi. Một con người như thế mà suốt bao nhiêu năm tôi không biết, thậm chí còn nghi ngờ, cảnh giác với ông, sợ ông là “người của CIA”! 
Chia tay ông bà Tạ Văn Sình – Võ Thị Đàng ở Trại dưỡng lão của tỉnh Khánh Hòa, tôi chỉ biết nắm chặt tay ông bà, mong ông bà tha thứ với những điều không phải của tôi đối với ông bà lâu nay./.

(Bài đăng trên báo An Ninh Thế giới Giữa tháng 11/2010. Bản này là bảnđầy đủ)