Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRƯỚC SAU THÌ QUỐC HỘI CŨNG TÌM ĐƯỢC GIẢI PHÁP TỐI ƯU

Nguyễn Hoàng
Thứ sáu ngày 12 tháng 11 năm 2010 5:54 AM

 

image Thời gian qua, có nhiều ý kiến đặt ra xung quanh mối quan hệ giữa nhóm Bauxite Việt Nam (gồm GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Nguyễn Thế Hùng, Nhà văn Phạm Toàn) và Nhóm IDS cũ do GS. Hoàng Tụy làm Chủ tịch. Nhất là gần đây, trong thư gửi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội kiến nghị về Dự án Bauxite Tây Nguyên của 16 nhân sĩ, trí thức, người ta lại không thấy có ai thuộc nhóm Bauxite Việt Nam, những người cùng tham gia khởi xướng sự kiện này. Rất may khi đi tìm câu trả lời, tình cờ chiều ngày 3/11, ngay tại trụ sở NXB Tri thức, chúng tôi đã may mắn được gặp Nhà văn Phạm Toàn (Bauxite Việt Nam) và GS. Chu Hảo (IDS cũ) khi các ông đang trả lời phỏng vấn cô Marie Blondiau của Đài RFI và ông Nicolas Bariquand của tờ Libération.

Càng gắn bó chúng tôi hơn

Trước hết, xin được hỏi hai ông, vì sao các nhà báo Pháp này lại gặp hai ông ở đây?

Nhà văn Phạm Toàn: Việc gặp gỡ giữa tôi và anh Chu Hảo thì khỏi nói vì chúng tôi là anh em, bè bạn từ lâu và vẫn gặp nhau thường xuyên. Còn về hai nhà báo nước ngoài, họ đã phỏng vấn riêng tôi hai lần về giáo dục và lần này, họ đến hỏi chúng tôi xung quanh chuyện bauxite, điều mà họ quan tâm. Có lẽ họ biết anh Huệ Chi, anh Chu Hảo, cũng như tôi … mấy anh em đều tâm huyết với đất nước, với dân tộc; họ tìm phỏng vấn chúng tôi là những người trong cuộc.


Thưa Nhà văn Phạm Toàn, ông nói đây là quan hệ cá nhân hai anh hay quan hệ giữa Bauxite Việt Nam và nhóm IDS cũ?

Đối với công việc cụ thể này, chúng tôi là những cá nhân chứ không đại diện cho ai cả. Tuy nhiên, như các bạn thấy, nhóm Bauxite Việt Nam và các thanh viên của IDS (cũ) có cùng một nguyện vọng. Nhân thảm họa bùn đỏ ở Hungary, chúng tôi cùng nhau liên kết nhiều nhà khoa học, chính khách và nhân sĩ trí thức tham gia vào Kiến nghị mới đây về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, công việc chung cũng tốt, đồng thời càng gắn bó chúng tôi với nhau hơn.

Còn GS. Chu Hảo, ông nói sao về sự việc này?

GS. Chu Hảo: Bản kiến nghị này ra đời bắt đầu từ Thư ngỏ của anh Nguyễn Trung (thành viên IDS cũ, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhiều anh em trong IDS cũ nhận thấy đây là một vấn đề hệ trọng và một cơ hội tốt để xem xét lại vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nên đã đề nghị anh Trung, cùng một số anh em khác, bổ sung và sửa chữa Thư ngỏ đó thành một bản Kiến nghị đầy đủ, chặt chẽ hơn về mặt khoa học và pháp lý. Tiếp theo, chúng tôi liên hệ với anh Huệ Chi để sửa chữa, bổ sung và hợp tác đưa Kiến nghị này lên trang mạng của Bauxite Việt Nam. Anh Huệ Chi đã nhiệt tình coi đây là công việc chung của cả hai nhóm và mau chóng giới thiệu trên mạng Bauxite Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác và tinh thần trách nhiêm đối với công việc chung của anh ấy.

image Không ký “tươi”không có nghĩa là vắng bóng

Xin cho tôi được hỏi thẳng. Các ông (IDS) đều biết nhóm Bauxite Việt Nam là những người cùng tham gia khởi xướng chuyện này, nhưng trong Thư kiến nghị của các ông lại không có tên ai thuộc Bauxite Việt Nam. Đó phải chăng là điều thiếu tế nhị?

Nhà văn Phạm Toàn: Điều chúng tôi quan tâm lúc này không phải là tế nhị hay không tế nhị mà hiệu quả công việc. Nhóm Bauxite chúng tôi hay anh em bên IDS cũ làm thì cũng có gì khác nhau đâu vì đều là anh em, thân thiết với nhau cả. Quan điểm chung của chúng tôi là làm thế nào không quan trọng, miễn là kịp thời và hiệu quả là được.

GS. Chu Hảo: Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc này nhưng do phải có chữ ký trực tiếp (“tươi”, mang tính đại diện tượng trưng để gửi đến đích danh các vị lãnh đạo) mà anh Huệ Chi thì đang ở Mỹ, anh Thế Hùng thì ở Đà Nẵng còn anh Phạm Toàn thì đang bận với nhóm Cánh buồm (làm SGK tham khảo mới từ lớp Một do Nhà giáo Phạm Toàn chủ biên). Trong tình thế “nước sôi, lửa bỏng” như vậy nên việc không có chữ ký “tươi” của các anh ấy cũng không có nghĩa là vắng bóng các anh ấy.

Mấu chốt cuối cùng là hiệu quả

Đành rằng với các ông thì không sao nhưng dù sao, để “quan trên trông xuống, người ta trông vào”… ?

Nhà văn Phạm Toàn: Với tôi, điều quan trọng nhất của trí thức là trí tuệ và sự trung thực. Tôi không theo học bất cứ giáo sư nào trong những nhân sĩ ký tên nhưng tôi thường coi mình là học trò của những người như GS. Hồ Ngọc Đại, GS. Hoàng Tụy hay Nhà văn Nguyên Ngọc. Riêng với Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, tôi kính trọng cả một bề dày nhân cách từ gia đình tới cá nhân của Bà.

GS. Chu Hảo: Tôi nghĩ rất đơn giản rằng, cách nào thì cũng phải đạt hiệu quả cao trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Anh em bên Bauxite hay chúng tôi cũng đều có cùng một tâm niệm là làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một trí thức đối với đất nước. Chúng tôi (Bauxite Việt Nam và nhóm IDS cũ) cũng như hàng ngàn văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học, hoạt động xã hội và người dân bình thường… đã ký tên qua mạng, cùng hàng vạn người dân tham gia bỏ phiếu thăm dò trên các phương tiện thông tin đại chúng của Dân trí, Vietnamnet; thậm chí, cả những người không ký tên nhưng ủng hộ những ý kiến của chúng tôi… đều có chung một nguyện vọng, một mục tiêu. Là những người thực tế, như anh Toàn đã nói, chúng tôi ít quan tâm đến sự “tế nhị” mà mấu chốt là cùng làm để đạt nguyện vọng và mục tiêu chung ấy

Đúng là trước vấn đề nghiêm trọng và gấp rút như hiện nay mà còn bàn đến việc “tế nhị” hay không “tế nhị” có lẽ là điều không cần thiết. Xin hỏi hai ông, các ông có hi vọng những kiến nghị của mình được chấp thuận?

Nhà văn Phạm Toàn: Tôi nghĩ tác dụng lớn nhất của sự việc này là ở chỗ thức tỉnh trách nhiệm “sĩ phu” đối với Tổ quốc, với nhân dân, dân tộc. Còn sự việc được đến đâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức, quyền lực, tâm lý… Điều tôi quan tâm nhất là nâng cao nhận thức của mọi người, từ người “cao” nhất đén người “thấp” nhất, để từng người biết trách nhiệm của mình mà tự xử thế.

GS. Chu Hảo: Tôi tán thành với anh Phạm Toàn nhưng cụ thể hơn một chút. Tôi nghĩ trước hết, Đảng, Nhà nước cần bình tĩnh xem xét lại để có những biện pháp đúng, phù hợp với những phân tích khoa học khách quan cùng với ý nguyện chính đáng của nhân dân; và gần đây nhất là ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra này. Nếu ngay trong kỳ họp này Quốc hội khóa XII có quyết nghị về vấn đề này thì nhân đân sẽ rất hoan nghênh. Nếu không thì vấn đề này phải để lại cho nhiệm kỳ tới, và trước sau thì Quốc hội cũng tìm được giải pháp tối ưu, hợp với lòng dân.

Xin cám ơn hai ông!

N. H.

Những người được phỏng vấn gửi trực tiếp cho BVN