Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một cái đầu không bình thường, một cái đầu ít chịu học hỏi trước khi nói (trả lời ông Phạm Viết Đào)

Hồn Việt
Thứ tư ngày 10 tháng 11 năm 2010 9:51 PM
 
  Ông Phạm Viết Đào là người đùa dai! Chưa xong vụ bài Lưu Á Châu, ông đã lia sang bài về bô-xít, chưa xong bô-xít ông lia sang bài về Mậu Thân! Ông định mở một cuộc tổng tấn công! Nhưng với những lời lẽ đao to búa lớn, quy chụp dễ dãi, ác ý thì nhiều mà thiện tâm quá ít, ông khó thuyết phục được ai tin lời ông!
 
Về Lưu Á Châu chúng tôi đã trả lời. Về bô-xít thì đơn giản thôi: ông và các ông khác nhất nhất phản đối làm bô-xít, cho rằng ai phản đối làm bô-xít mới là yêu nước; nhưng chúng tôi thì chúng tôi muốn nghe nhiều tiếng nói, tiếng nói của những nhà khoa học có chuyên môn sâu, chuyên môn cao, đầy trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân; tiếng nói của những người đang ở vùng khai thác bô-xít từ người dân thường đến những người lãnh đạo, ý kiến những người ở xa muốn tìm hiểu, đến tận nơi khảo sát.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, một nhà văn viết về nông thôn, chống những tiêu cực tham nhũng trong quản lý thu hồi đất, tác giả nhiều tác phẩm giá trị, vừa đi trên đó về, có bài, chúng tôi đăng. Chúng tôi cũng chưa thể nói đó là tiếng nói cuối cùng. Nhưng chúng tôi là giới làm văn, nghiên cứu văn học, chúng tôi không thể quyết đoán một cách a dua mà trong tay không có lý lẽ, trong đầu không có tri thức gì về bô-xít. Chuyện mình chưa rõ thì mình nghe cái đã, chưa quyết. Còn ông không thể ép chúng tôi theo kiểu cách của các ông.
Về bài Mậu Thân thì ông viết mà không hiểu gì hết về Mậu Thân. Cũng có phần chắc ông không nắm vững lịch sử nước nhà, lịch sử cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là về Tổng tiến công Mậu Thân. Những người trong cuộc, những người có tham gia cuộc tổng tiến công đó như tác giả bài viết, những nhà sử học phương Tây có uy tín và lương thiện (tất nhiên là không thể yêu cầu họ nói y những tài liệu của ta được) là những người đáng để tham khảo.
Ông quy kết là chúng tôi “ném đá giấu tay” vào lịch sử, tội đáng khép vào hình sự mà không đưa ra lý lẽ, chứng cớ gì, chỉ nói đơn giản là chúng tôi nói không đúng chính thống? Anh hãy nói thế nào là chính thống trong trường hợp này? Ta thắng, đại thắng hoàn toàn, thắng lợi rực rỡ, địch thua thảm bại…? – Thật là một cái đầu không bình thường: quy kết bừa bãi, vu cáo không ngượng mồm, không che đậy; kiến thức nông cạn, mà cơ hội chủ nghĩa, nấp dưới chiêu bài “chính thống”, bảo vệ Đảng, cách mạng, kháng chiến… vừa xuyên tạc vu cáo mọi sự. Chẳng ai lầm về ông đâu! Vải thưa sao che được mắt thánh! Người ta chỉ cần đọc qua blog của ông là biết ông đứng ở đâu, đứng về bên nào, có ý đồ gì?
Thôi, với một khẩu khí và ý đồ như thế thì nên miễn tranh luận. Dù sao, theo đây chúng tôi cũng trả lời ông bài về Mậu Thân.
Nhân đây nói thêm: ông cứ nói Hồn Việt dùng tiền ngân sách. Ông lầm. Hồn Việt là tờ báo tự chủ về tài chính như nhiều tờ báo khác. Nó là một cơ quan độc lập với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Trung tâm có sự tài trợ của Nhà nước về các công trình khoa học được Nhà nước đặt hàng. Và cũng có quyền nhận tài trợ từ các doanh nghiệp, các cá nhân, đoàn thể muốn góp phần vào việc nghiên cứu và bảo vệ văn hóa dân tộc theo quy chế hoạt động của nó. Nó là một tổ chức phi chính phủ (NGO). Từ ngày thành lập đến nay, nó đã làm được ngót 100 công trình khoa học – văn hóa nhờ vào sự tài trợ đa dạng đó.
Ông PVĐ đừng nghĩ rằng H.V nhận tài trợ Nhà nước để làm báo mà tức tối! Không đúng đâu! Ông làm blog nói lung tung, có hại nhiều hơn có lợi, kích động, chia rẽ, chửi bới… thì sẽ có ngày ông lộ bộ mặt ra hết!
Dưới đây xin mời các bạn đọc ý kiến của chúng tôi về bài “Nhận định của giới sử học phương Tây về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968” đăng trên mạng honvietquochoc.com.vn.
*
Hết lên án “Hồn Việt trở thành Hồn Tàu”, nay Phạm Viết Đào lại kết tội “Hồn Việt trở thành Hồn Tây”. Khá khen cho ông họ Phạm giàu óc tưởng tượng trong việc vu cáo người khác.
Chả là Hồn Việt có đăng bài “Nhận định của giới sử học phương Tây về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968” (sau đây viết tắt là “Nhận định…”). Nguồn gốc của bài viết thế này:
Ngày 5/11/2007, Văn phòng Trung ương Đảng ra Thông báo số 107-TB/TƯ về kết luận của Ban Bí thư chỉ đạo việc tổ chức kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thực hiện chỉ đạo nói trên, Bộ Quốc phòng kết hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức cuộc hội thảo về đề tài nói trên. TS Phan Văn Hoàng, người chuyên nghiên cứu và giảng dạy lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, được Ban tổ chức Hội thảo mời viết một tham luận về đề tài “Nhận định…”
Cuộc hội thảo được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/1/2008 tại thành phố Huế, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên TƯĐ, Ủy viên Quân ủy Trung ương, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong báo cáo tổng kết, Thiếu tướng Phó giáo sư Tiến sĩ sử học Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, nhận xét: “Sự kiện lịch sử Xuân Mậu Thân 1968, từ mấy chục năm qua và cho đến hôm nay, đã, đang và chắc chắn sẽ còn là một chủ đề thu hút sự chú ý của giới chính trị, quân sự, sử học cả trong nước và ở nước ngoài , đặc biệt là ở Mỹ. Chính vì thế, một số tác giả (tham dự hội thảo) đã khảo sát khá công phu tình hình nghiên cứu về Tết Mậu Thân ở Hoa Kỳ và ở phương Tây, chỉ ra tần suất xuất hiện của sự kiện lịch sử trọng đại này trong sách báo, các công trình biên khảo, hội thảo khoa học về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, làm sáng tỏ những nội dung, những luận điểm, những đánh giá, để qua đó giúp chúng ta có thêm những hiểu biết cần thiết về quan điểm của các tác giả nước ngoài trong việc đề cập tới Tết Mậu Thân. Đấy là điều cần thiết để chúng ta khách quan hơn, vững tin hơn ở những nhận thức của chúng ta về vai trò, vị trí, tầm vóc và ý nghĩa trọng đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” (1)
Báo cáo không nêu tên bài “Nhận định…” nhưng rõ ràng là đề cập đến tham luận của các tác giả như TS Phan Văn Hoàng.
Sau hội thảo, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã chọn 87 tham luận (trong tổng số hơn 100 tham luận gửi tới hội thảo) để in thành sách “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” dày 1072 trang, do NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Bài “Nhận định…” được chọn đăng trong cuốn sách nói trên (từ trang 977 đến trang 989).
Nhận thấy bài “Nhận định…” có giá trị khoa học, cung cấp cho bạn đọc một số tư liệu mới, Hồn Việt đăng lại và gặp phản ứng của Phạm Viết Đào.
Trước đây, trang web cand.com ngày 1/9/2009 đã viết về Phạm Viết Đào: ông viết “về rất nhiều vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… của đất nước… Người mà lĩnh vực nào cũng muốn luận bàn, góp ý, thậm chí là bảo ban, dạy dỗ, không sớm thì muộn, cũng để lộ sở đoản”.
Phạm Viết Đào không biết rút ra cho mình bài học về sự “tự biết mình”. Ông bước vào lĩnh vực sử học mà hoàn toàn không được trang bị những hiểu biết tối thiểu về phương pháp luận sử học. Thay vào đó, ông đưa ra những nhận xét chủ quan, cảm tính.
Khi đọc bài “Nhận định…”, ông nêu ra câu hỏi: “Điều này có trái với quan điểm chính thống, có xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, có mạ ly vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không?”. Ông thắc mắc: “Thái độ chính trị của Hồn Việt là gì vậy khi đăng bài viết này” rồi tự trả lời: “Việc Hồn Việt cho đăng bài viết “Nhận định…” này đồng nghĩa với việc tán thành các quan điểm của giới sử học phương Tây”. Lập luận của Phạm Viết Đào thô thiển một cách ấu trĩ: Hồn Việt “không phản đối có nghĩa là đồng tình”!
Không dừng lại ở nhận xét phi lý đó, Phạm Viết Đào lại giở trò chụp mũ: Hồn Việt “làm tay sai cho giặc”, là “kẻ “ném đá dấu tay” vào lịch sử”. Phạm Viết Đào còn lớn tiếng đe dọa: Báo chí “phải tuân theo quan điểm chính thống; nếu không, sẽ bị khép vào tội danh vi phạm điều 188 của bộ Luật hình sự: tuyên truyền chống nhà nước, xuyên tạc lịch sử…”
Trước khi được Hồn Việt đăng lại bài “Nhận định…” đã được đăng lần đầu tiên trong sách “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” của Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế. Liệu Phạm Viết Đào có dám chụp mũ các tổ chức này cái tội “làm tay sai cho giặc” như ông đã kết tội Hồn Việt không? Chắc là không.
Những năm kháng chiến, mọi ngành khoa học, trong đó có sử học, đều phải phục vụ cho mục tiêu tối thượng của toàn dân tộc lúc đó: đó là đánh giặc cứu nước.
Ngày nay, khi chiến tranh đã đi qua, các nhà sử học cần phải tiếp tục nghiên cứu những vấn đề của quá khứ, trên cơ sở tập hợp, phân tích, xử lý các tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau (trong nước cũng như nước ngoài) để rút ra những bài học cần thiết cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Lịch sử chỉ xảy ra một lần, nhưng viết sử phải nhiều lần” và “khó có những nhận định đúng đắn về một cuộc chiến tranh nếu chỉ nhìn từ một phía” (2).
Nhà triết học cổ Hy Lạp Socrate (470-399 TCN) đã khuyên: “Hãy tự biết mình!”. Phạm Viết Đào hãy biết những sở đoản của mình để đừng nhảy vào những lĩnh vực mà ông không biết gì hết. Trước hết, ông cần trau dồi thêm chữ mẹ đẻ để viết cho đúng chính tả (phải viết là “ném đá giấu tay” thay vì “dấu tay” như ông đã viết!), hiểu cho đúng các từ Hán-Việt (viết “chính kiến” (ý kiến về chính trị), “chính đảng” (đảng phái chính trị), chứ đừng viết “chính kiến chính trị”, “chính đảng chính trị”)v.v… Cũng cần học hỏi thêm để phân biệt “thắng lợi tâm lý và chính trị của cộng sản” hoàn toàn không dính dáng gì tới “thắng lợi tinh thần kiểu AQ” cả!
Nói tóm lại, phải học thêm trước khi viết lách. Đó là lời khuyên chân thành của chúng tôi đối với Phạm Viết Đào.
 
http://honvietquochoc.com.vn/Dien-dan-Trao-doi/Trao-doi-y-kien/Mot-cai-dau-khong-binh-thuong-mot-cai-dau-it-chiu.aspx