Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NẾU TÔI LÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Thái Hiền
Thứ ba ngày 9 tháng 11 năm 2010 5:38 AM

Mấy hôm nay ngồi ở nhà theo rõi Ti vi tường thuật trực tiếp các phiên họp áp chót Quốc hội khoá XII “ về tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011” khá thú vị nhưng cũng có nhiều điều đáng nói.
Trong phạm vi bài này xin đề cập đến hai yêu cầu cơ bản đối với một đại biểu, qua phân tích để phần nào nhận biết chất lượng đại biểu quốc hội kì này.
Trước hết xin thống nhất khái niệm Quốc hội  và Đại biểu Quốc hội như sau:
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước CHXHCN Việt nam…. Quốc hôị thực hiện quyền tối cao đối với toàn  bộ  hoạt động của nhà  nước …(điều 83 -Hiến pháp nuớc CHXHCN VN)
Ðại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước…
Ðại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao….( điều 98)
Là người đại diện cho quyền lợi chính đáng của dân vì thế Đại biểu Quốc hội trước hết phải là người luôn đi sâu đi sát với dân. Thứ hai, Đại biểu Quốc hội phải luôn phản ánh trung thực những ý nguyên của dân.
Qua phiên thảo luận 2 ngày 01 và 02/11 cho thấy:
- Phần lớn các ý kiến của đại biểu phản ánh được phần nào những điểm nóng đang trở thành mối lo lắng của dân có liên quan đến các hoạt động kinh tế, xã hội năm 2010 và kế hoạch năm 2011.
- Xu thế tích cực của một số đại biểu đang được người dân đón nhận, đặc biệt trong kì họp này nổi lên khá nhiều ý kiến mang tính xây dựng cao, thẳng thắn, mạnh dạn và cương quyết. Có thể kể đến đó là ý kiến của các đại biểu Nguyễn minh Thuyết, Phạm thị Loan, Lê văn Cuông, Huỳnh ngọc Đáng, Huỳnh Nghĩa, Lê quang Bình… và nhiều ý kiến khác thể hiện một thái độ công minh, vì dân và đầy trách nhiệm trước những thách thức của đất nước.
- Các ý kiến tập trung chủ yếu vào những tổn thất do đầu tư không đúng, không hiệu quả, những cách làm vô nguyên tắc, thiếu trách nhiệm, thiếu căn cứ bắt đầu từ những ý tưởng vĩ cuồng của một số nhà quản lý vốn nhà nước, sử dụng tiền vốn của dân như tiền chùa, đã được một số thành viên chính phủ tiếp tay làm tổn thất hàng trăm ngàn tỷ từ ngân sách quốc gia như vụ  sụp đổ của Tập đoàn kinh tế Vinashin là một điển hình.
 Ông Thuyết đã đưa ra một so sánh rát xác đáng về sự thất thoát của Vinashin tương đương với một tỉnh GDP 1000 tỷ/năm sẽ phải nhịn ăn, nhịn mặc, không mua sắm gì trong suốt một thế kỉ là một sự thật vô cùng đau sót và tàn nhẫn. Nó chỉ có thể giải thích đó là sự phá hoại chứ không chỉ là tổn hại.
Các đại biểu khác như TS Trần du Lịch cho rằng khi nhập siêu đã trở thành căn bệnh mãn tính, đầu tư công thiếu hiệu quả cùng với bội chi ngân sách triền miên thì tốt nhất không nên đầu tư. Muốn tăng trưởng cao thì phải đầu tư vốn lớn. Muốn có nhiều vốn trong điều kiện nước nghèo thì phải đi vay, mà vay thì phải lo trả nợ. Nhưng muốn trả được nợ thì vốn vay ấy phải được sử dụng có hiệu quả.
Đại biểu Mai xuân Hùng- Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bộc lộ quan điểm “Vay mà đầu tư có hiệu quả thì không nói làm gì. Nhưng mình đầu tư rất kém hiệu quả, chỉ số ICOR gần đến 10 rồi (tăng vốn đầu tư 10% mới được 1% tăng trưởng - NV). Tôi nghĩ chỉ số ICOR 10 thì mình đừng đầu tư nữa, thôi thì mình chịu khổ một tí, sau này con cháu mình đỡ phải trả nợ, khi nào mình quản trị tốt, làm ăn có hiệu quả thì vay sau”
Đại biểu Ngô văn Minh (đại biểu Quảng Nam) đồng tình với ông Xuân Hùng và ông Du Lịch đã đưa ra ví dụ sống động về vụ bể nợ 86.000 tỉ đồng của Vinashin như một minh chứng cho đầu tư không hiệu quả. Ông nói: Đúng là vay để đầu tư kiểu Vinashin thì đừng đầu tư nữa còn hơn.
Không chỉ có nợ, nhập siêu, đầu tư hiệu quả thấp, lạm phát ở mức cao..., nhiều đại biểu Quốc hội còn bày tỏ sự lo ngại trước môi trường xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu như từ “bất trắc” được cảnh báo cho nền kinh tế thì từ “bất an” được dùng cho tình hình xã hội.
Bà Nguyễn Thị Khá, ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, liệt kê: dồn dập các vụ việc bạo lực, giết người bởi những lý do rất đơn giản nhưng hành vi rất dã man. Chạy xe ngoài đường va quệt nhẹ cũng thành xô xát rồi giết nhau; trong gia đình thì có trường hợp cha giết con, chồng giết vợ, người ở giết chủ nhà, mẹ hành hạ con nhỏ; trên học đường thì nữ sinh cũng đánh lộn như giang hồ, cô giáo thì dùng lời lẽ thô tục mạt sát học sinh, học sinh thì hành hung thầy giáo...
Và còn một nỗi bất an nữa được Ủy ban Tư pháp chỉ ra trong báo cáo giám sát công tác phòng chống tham nhũng năm 2010 rằng không ít doanh nghiệp và người dân cho biết họ sẵn sàng chi tiền ngoài quy định cốt để được việc của mình. Một thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội luận giải rằng nếu như vậy thì việc đưa và nhận hối lộ đã trở thành một hành vi bình thường được chấp nhận trong xã hội.
Trên đây là bức tranh khá toàn diện về tình hình kinh tế xã hội của nước nhà trong giai đoạn vừa qua đã được nhiều đại biểu trung thực, mạnh dạn chỉ ra.
Thiết nghĩ, nếu như chưa đưa ra được những đề nghị hay giải pháp lớn lao có tính quyết sách đối với vận mệnh đát nước thì ít nhất cũng phải phản ánh được hiện trạng xã hội một cách sống động, trung thực, khách quan để cùng nhau phân tích tìm ra phương cách giải quyết như những ý kiến  trên đây là rất đáng hoan nghênh..
Đó là những điểm sáng cho thấy Đại hội lần này có nhiều đổi mới ở phương diện ý thức và phẩm chất của đại biểu. Tuy nhiên không ít những ý kiến còn hời hợt, thiếu thông tin, chưa sát với thực tế xã hội và lòng dân, thậm trí trái ngược với ý kiến của dân, có thể do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất :Do trình độ đại biểu đó còn rất hạn chế, chưa hiểu hết quyền lực, vai trò và nghĩa vụ của người đại diện cho dân. Với tầm nhìn thấp, trình độ hiểu biết hạn chế, họ không có khả năng phân tích, tổng hợp từ thực tế cuộc sống xã hội để rút ra những nguyên nhân cốt lõi, phản ánh kịp thời giúp cho Quốc hội có cái nhìn đúng về hiện trạng xã hội, tìm ra giải pháp, quyết sách đúng đắn.
Thứ hai: Đại biểu đó không đi sâu đi sát dân, không nắm được ý nguyện của dân, không thấy hết được những khó khăn hay bức xúc của đời sống xã hội. Họ sống quá cách biệt với dân, họ chỉ là một cá nhân đang tồn tại riêng biệt, không có sự ràng buộc gì với dân, với xã hội, họ không thể là một đại diện cho dân.
Thứ ba: Rất có thể họ biết nhưng cố tình nói khác đi, không phản ánh trung thực ý nguyện của dân và đặc biệt là tình hình xã hội thông qua nhận thức của dân. Họ phát biểu dường như để mưu tính những lợi ích riêng cho bản thân. Qua cách phản ánh không trung thực, đưa ra những chính kiến méo mó, lệch lạc với thực tế, có lẽ loại người này muốn dùng diễn đàn Quốc hội để “ làm hàng”, xoa dịu hoặc lấy lòng lãnh đạo. Thủ đoạn này là rất nguy hiểm và đáng khinh bỉ, cần loại bỏ sớm khỏi thành phần Quốc hội.
Tôi không tiện nói ra tên những Đại biểu đó, có thể những Đại biểu còn lại và nhân dân theo dõi đều dễ dàng nhận ra.
Đến đây, tôi chợt nghĩ ra thử làm Đại biểu Quốc hội để tham luận đóng góp với Đại hội. Xin quí vị lắng nghe và coi như đây là ý kiến của một Đại biểu vắng mặt gửi tham luận đến Đại hội.
Vì thời gian hạn chế, tôi chỉ viết đủ để đọc trong vòng 10 phút.
 

Tham luận của “Đại biểu  vắng mặt”
Về tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011
  Kính thưa Đại hội  Tôi xin được trình bày 4 ý kiến tham luận và 5 đề xuất
Phần I  Ý kiến tham luận
Ý kiến thứ nhất: Trước hết tôi không đồng tình với kết luận: “…các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng, trong điều kiện quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, về cơ bản, chúng ta đã đạt được mục tiêu chung. Tổng thể vĩ mô ổn định, kinh tế phục hồi nhanh, tăng cao hơn kế hoach đề ra. Bằng nguồn vốn Nhà nước và các nguồn lực khác, chúng ta đã đầu tư tốt cho phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị và xã hội được bảo đảm, ngoại giao được mở rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.”
Ngay sau những lời mở đầu bài “diễn ca” đó là : “Bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, trong đó nổi lên là tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng ở mức cao, đời sống của nhân dân lao động chưa được cải thiện nhiều… quản lý nguồn lực nhà nước chưa chặt chẽ, việc sử dụng chi tiêu công còn cao, chống tham nhũng chưa triệt để”.
Như vậy; chính bản thân hai đoạn văn của cùng một bài viết đã không thống nhất. Vì thế tôi xin bác vế đầu và đồng tình với kết luận của vế sau. Bởi nó chỉ có thể là thế này hoặc thế kia chứ không thể cùng lúc là hai: (… Tổng thể vĩ mô ổn định và sau đó lại kết luận: … Tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc) là không lôgíc
Tôi khẳng định chúng ta phát triển không bền vững và có chiều hướng tụt hậu về nhiều mặt.
Sự tụt hậu các mặt cụ thể như thế nào sẽ được phân tích ở phần sau và xin tham khảo thêm ý kiến của các đại biểu khác đã tổng hợp như trên đây.
Ý kiến thứ hai: Vấn đề xã hội và mối hoạ tiềm ẩn
Xã hội đang đứng trước một sự bất ổn lớn có nguy cơ dẫn đến một thảm hoạ, nguyên nhân chính là do dân mất lòng tin
Kính thưa Đại hội. Thật là xấu hổ và thất vọng khi phải chứng kiến những thái độ thiếu tôn trọng của nhiều người dân có lúc trở thành cực tả (thậm chí tới mức như xem thường) khi nói đến các vị lãnh đạo hàng đầu đất nước.Theo nhiều người dân, chính những việc làm và lời nói của những người đó không giống và thậm trí trái ngược với những hình ảnh tôt đẹp vốn có của nhũng người lãnh đạo tiền bối ( bác Hồ, bác Tôn, Thủ tướng  Phạm văn đồng, đồng chí Nguyễn văn Linh…) đã làm mất đi sự tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của nhà nước. Không phải chỉ những người quan tâm đến thời cuộc mà ngay cả tầng lớp sinh viên, học sinh, người lao công, người chở xe ôm, bà bán rau ở vỉa hè.. đều có thái độ và phản ứng xem thường, không tin tưởng và thậm trí oán trách. 
Là đại biểu quốc hội, bản thân tôi thấy rất buồn và không đồng tình với những thái độ cực đoan đó, nhưng sự thật là sự thật, không thể vì nể mà bao che, dấu diếm.
Chúng ta không thể tiếp tục sống theo cách cố tình bao biện, né tránh hay giả vờ làm ngơ trước dư luận, trước nỗi buồn của dân. Đặc biệt đã là những người đại biểu của dân ( là tai, mắt của dân) những người đã được dân bầu ra, trông cậy vào. Dân đang buồn, đang thất vọng lại cứ khăng khăng bảo họ rất phấn khởi, rất tin tưởng… là có tội với dân. Chỗ này không cần thiết “diễn ca” như thế.
Nếu chúng ta có đủ dũng cảm, có lòng yêu nước, thương dân và đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân xin hãy tổ chức một cuộc thăm dò, trưng cầu ý kiến dân về độ tin cậy và tín nhiệm đối với các chủ trương lớn của đất nước và cá nhân các vị lãnh đạo. Mặc dù chưa có trong tiền lệ nhưng Quốc hội hoàn toàn có thể bổ xung và đưa vào hiến pháp.
Tính chất phổ biến hiện nay ở chỗ: Trên không bảo được dưới, dưới coi thường cấp trên.
Tuổi trẻ cảm thấy không còn lý tưởng để đấu tranh, vươn lên. Nếu có chẳng qua là học cách sống giả dối, bắt trước những gương lãnh đạo cấp trên tìm cách trèo cao, chui sâu dành dật quyền lực để vơ vét lợi ích cho bản thân mà thôi. Người nhiều tuổi thì chỉ còn cách đi chùa, đi lễ cầu trời, lạy phật.
Xã hội dường như thiếu một cái gì đó gọi là chuẩn mực. Thiếu một hình ảnh tốt đẹp của lãnh tụ để người dân tự hào, học tập và nghe theo. Xã hội trở nên lộn sộn bất ổn khi mà thật giả, trắng đen lẫn lộn. Văn hoá giáo dục xuống cấp một cách trầm trọng quá cấp độ báo động. Làn sóng tỵ nạn giáo dục đã thay thế cho tỵ nạn kinh tế.
Những gia đình có điều kiện thì cố gắng tìm cách đưa con đi nước ngoài bằng được để ít nhất con cái không bị hư hỏng do xã hội và nền giáo dục của nước nhà,sau đó mới tính đến học gì, làm gì. Đó là sự thật.
Có lẽ trong số các quí vị đại biểu ngồi đây cũng phần lớn có con cháu đang học ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ và các nước phương Tây nơi chúng ta đã từng coi là sấu xa nhất. Riêng cá nhân tôi cũng đã có hai con và ba cháu đang làm việc và học tập ở Mĩ và Châu Âu. Tôi xin thú nhận như thế, quả là đau lòng nhưng sự thật là sự thật.. 
Những gia đình nghèo khó thì càng ngày càng nghèo, dẫn đến những tệ nạn xã hội nhiều hơn bao giờ hết như đại biểu Nguyễn thị Khá đã nêu ở trên và còn kinh khủng hơn thế nữa, gây ra nhiều cảnh oan trái, đau lòng đến khó tin làm cho xã hội trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.
Thử hỏi những bất ổn về xã hội như các vị đại biểu trên đây đã phân tích là do đâu? phải chăng là do khủng hoảng kinh tế thế giới? Xin thưa với Đại hội, sự bất ổn này đã có từ trước khi có khủng hoảng kinh tế thế giới khá lâu rồi và nó càng ngày càng tệ hại hơn (đó chính là sự tụt hậu) chứ không phải như báo cáo nói là “ … an ninh chính trị, xã hội được bảo đảm” như bài “ diễn ca” nêu ở trên. Mà xin thưa nguyên chính là do mất lòng tin, trước hết bởi hình ảnh và tiếng nói của những người đứng đầu đất nước..
Văn hoá và dân trí không thể một sớm một chiều thay đổi được.  Đó chính là hậu quả của sự mất lòng tin. Con người sẽ bị tha hoá và xã hội sẽ trở thành hỗn mang khi không có niềm tin. Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi là thế đấy.
Hình ảnh của Chính phủ và nhà nước thông qua các vị lãnh đạo đã bị phản cảm, đến lượt các đại biểu quốc hội người đại diện cho dân cũng lại không trung thực thì hỏi rằng dân còn biết tin vào ai? dựa vào đâu? Chính vì thế mà tôi cho rằng sự trung thực, dũng cảm của chúng ta trước sự thật là vô cùng cần thiết trong lúc này.
Những tổn thất nặng nề về kinh tế có thể khắc phục được còn khi để mất lòng tin, dẫn đến mất dân là mất tất cả. Hãy nhớ rằng dân là người chở thuyền và cũng là người lật thuyền.
 Dân Việt Nam đã có truyền thống tha thư và cao thượng nếu chúng ta biết dựa vào dân, có thể chỉ cần một lời xin lỗi.
 Ý kiến thứ ba: Những sai lầm trong chiến lược lựa chọn đầu tư dẫn đến tụt hậu kinh tế
Kính thưa Đại hội
Tôi đã chuẩn bị sẵn một bài viết 36 trang về vấn đề này. Tôi xin gửi lại Ban Thường vụ để nghiên cứu. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, tôi chỉ tập trung phân tích về hiện tượng Vinashin bởi vì thứ nhất nó đang là vấn đề nóng gây nhiều bức xúc trong xã hội và thứ hai Vinashin là một điển hình của cách điều hành kinh tế theo kiểu Việt nam thu nhỏ.
 Trước hết tôi khẳng định rẵng Vinashin đã hoàn toàn bị phá sản và sụp đổ chứ không phải như ý kiến một số đại biểu cho rằng “ tài sản của Vinashin vẫn còn trong sổ sách” và cho nó “phá sản theo kiểu Việt Nam”.
Thật là nực cười khi mà lấy giá trị còn lại trên sổ sách (tiền âm phủ) để so với khoản tiền thật bằng đô la phải vay từ nước ngoài và phải trả nợ thật chứ không phải là trả trên sổ sách.
Về vấn đề nay tôi thiết nghĩ không cần phân tích thêm nhiều,. Đã có những bài viết của các học giả kinh tế, tài chính phân tích rất chính xác. Có một điều liên quan đến ý kiến thứ hai của tôi là : Niềm tin.
Đừng để dân mất thêm niềm tin vào những người Đại biểu Quốc hội nữa. Không nên tiếp tục đánh lừa dư luận nữa.
Xin thưa; một người dân không cần học cao lắm cũng hiểu rằng: Cái đồng tiền họ mua chứng khoán năm ngoái là 10 đồng thì bây giờ chỉ còn 2 đồng (mà cũng vẫn chỉ là tiền giấy mà thôi). Đừng nói là họ vẫn có 10 đồng trong tài khoản mà khổ cho họ.
Người nông dân không cần biết chữ cũng hiểu rằng: Cái đồng tiền vốn họ bỏ ra năm trước để mua thóc giống đã bị mọc mầm, hỏng hết rồi, còn gì nữa? chỉ có thể vớt vát bằng cách nấu cho lợn ăn mà thôi.
Tôi có cảm giác một số thành viên Chính phủ  đang ra sức tìm cách chứng minh để thuyết phục mọi người và nhân dân rằng Vinashin chưa bị sụp đổ, tiền chưa bị mất thay bằng việc tìm nguyên nhân sai lầm dẫn đến phá sản và tìm ra giải pháp khắc phục. Đó là một cách làm thiếu trung thực và không minh bạch khiến dân không phục.
Tôi đề nghị Đại hội phải thảo luận hết sức nghiêm túc vấn đề này, vì đây chính là vấn đề mấu chốt. Sự hoạt động của một Tập đoàn Nhà nước đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt nam. Nó sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng vì còn các Tập đoàn kinh tế khác và nhiều Tổng công ty Nhà nước đang hoạt động theo cách này.
Theo tôi; cái sai lầm lớn nhất trước hết phải kể đến là sai lầm về chiến lược phát triển và lựa chọn đầu tư. Cái ý tưởng xây dựng một “Tập đoàn công nghiệp đóng tầu tầm cỡ thế giới” bắt nguồn từ một xuy nghĩ thiếu căn cứ của một số người là:  “ .. nước ta có bờ biển rất dài, cần phải có một nền công nghiệp đóng tàu mạnh để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ bờ biển của tổ quốc”
Đây là một sự nhầm lẫn cả mục tiêu lẫn phương cách thực hiện để đạt mục tiêu.
Thứ nhất : Một Tâp đoàn kinh tế được thành lập để làm kinh tế chứ không phải để làm nhiệm vụ quốc phòng.
Nếu cũng vẫn cái tư duy kiểu đó thì tại sao không thành lập luôn”Tập đoàn công nghiệp Máy bay” để bảo vệ bầu trời Việt nam rộng mênh mông? Và nhiều Tập đoàn khác nữa để bảo vệ biên giới, bảo vệ rừng… (tới lúc đó giải thể luôn Bộ Quốc phòng). Không chỉ một số thành viên Chính phủ mà cả một vài vị Dân biểu cũng ra sức nói theo một cách thiếu căn cứ như thế (có thể đó là các vị Dân biểu “ làm hàng”)
Việc bảo vệ bờ biển hay bàu trời… là nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng.
Một khi kinh tế phát triển tốt, kinh phí cho Quốc phòng có điều kiện tăng hơn thì ta có thể mua vũ khí từ những nước siêu cường chứ không phải dùng các loại tầu ngầm do Việt nam đóng.
Vấn đề là ai sử dụng và sử dụng vào mục đích gì chứ không nhất thiết vũ khí của mình là phải do mình làm ra (nếu làm ra đắt hơn đi mua)
Có một vài đại biểu có ý kiến chuyển Vinashin sang cho Quốc phòng quản lý, thực ra không cần thiết phải thế. Quốc phòng không có Vinashin vẫn phải được đầu tư để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Không phải vì lý do đã trót đẻ ra rồi thì phải nuôi cho bằng được.
Thứ hai; Để phát triển kinh tế, không nhất thiết phải làm công nghiệp đóng tàu.vì đóng tàu chưa bao giờ là thế mạnh của Việt nam ít nhất là cho tới nay.
Chỉ vì những tư duy thiếu cơ sở và mang tính ngẫu hứng kiểu “vĩ cuồng” nếu không nói là mơ hồ đã dẫn đến việc đầu tư bằng mọi giá để thực hiện những hoang tưởng đó. Rất may là chúng ta chưa thành lập Tập đoàn công nghiệp máy bay để hy vong sau năm, mười năm nữa Việt nam sẽ “gò” được những chiếc máy bay khổng lồ như Boing hay Arbus để ngang hàng với các cường quốc và để bảo vệ bàu trời tổ quốc.( nếu như đạt vấn đề này, tôi dám chắc sẽ có ngay các nhà “hảo tâm “ cho vay tiền và hỗ trợ kĩ thuật để gò máy bay)
Trên thực tế đã có những bài học về sự ngông cuồng đến mức bệnh hoạn của một cái đầu duy ý chí là tập trung mọi tiềm lực kinh tế quốc gia cố làm ra một quả bom nguyên tử để rồi khiến hàng triệu người dân nước họ phải chết đói.
Bản thân chúng ta cũng đã phải trả một giá rất đắt để cố “cắt dán” được những con tàu khổng lồ, trong khi đó hàng triệu ngư dân đang trong điều kiện nghèo nàn lạc hậu, không được trang bị tối thiểu cho những con tàu cũ nát của họ, sản lượng hải sản vì thế không nâng lên được. Mặt khác họ cũng không đủ khả năng chống cự lại những mối đe doạ từ những ngư thuyền của các nước láng giềng. Ra khơi trong điều kiện trang bị kém không đủ khả năng chống chọi với giông bão dẫn đến nhiều tổn thất đau lòng về người và của..
Đê biển thì không được xây dựng, nâng cấp và bảo về để hàng năm mỗi trận lũ lụt về cướp đi hàng ngàn sinh mạng và hàng vạn ngôi nhà của dân.
Nếu chúng ta quan tâm đến “lợi thế biển” Việt nam thì trước hết hãy quan tâm đến những người dân đang sống nhờ biển và những lợi thế thực sự của biển. Chính họ sẽ là người mang lại lợi ích nhiều nhất từ biển cho ngân sách.
Tôi hoàn toàn đồng ý là: Việt nam có lợi thế về bờ biển dài nên theo tôi, chúng ta hãy bàn cách để khai thác thế mạnh về bờ biển, nguồn lợi từ biển, mặt nước biển và cả những ngư dân đã có lịch sử hàng ngàn năm sông nước chứ không phải là tập trung đóng tầu để bảo vệ bờ biển.
Tôi xin được đóng góp ý kiến về việc khai thác thế mạnh biển như sau:
 
1. Phát triển nghành du lich biển
2. Đẩy mạnh đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản cho xuất khẩu.
Nếu đầu tư 100.000 tỷ ( tương đương khoản Vinashin đang nợ) đầu tư cho cho hai ngành trên thiết nghĩ hiệu quả kinh tế mang lại cho đất nước là vô cùng lớn, rất ít rủi ro.
Tại sao Việt nam có bờ biển dài và đẹp mà lại không trở thành một quốc gia hàng đầu trong việc đánh bắt hải sản? và lại không phải là nước có thu nhập hàng đầu về du lịch biển ? 
Ngư dân Việt nam có truyền thống và làm quen với các nghề sông nước nói chung, biển nói riêng đã hàng ngàn năm rồi. Nếu họ kém là do trang bị đánh bắt hoặc chế biến chưa tốt, chứ không phải là không có truyền thống, không phải không có kinh nghiêm. Nếu được trang bị tốt, ngư dân Việt nam không thua kém bất cứ một ngư dân nước nào.
Nếu hai nghành này được đầu tư tốt, họ làm ăn phát triển, đóng góp vào ngân sách nhiều thì mục tiêu bảo vệ bờ biển là hoàn toàn hiện thực. 
 Với việc đầu tư cho hai nghành này sẽ thu hút nhiều lao động. Với số tiền lớn đó, nếu chúng ta hỗ trợ cho ngư dân  để tăng khả năng khai thác hải sản thì họ sẽ có khả năng tài chính để đặt mua những con tàu lớn hơn có khả năng đánh bắt xa bờ, từ đó dẫn đến kích thích sự phát triển nghành đóng tàu một cách tự nhiên. Nghành chế biến hải sản cũng vì thế mà phát triển
Lúc đầu có thể chỉ là những công ty đóng tầu nhỏ, nhà máy chế biến nhỏ, dần dần trở thành công ty lớn và có thể là Tập đoàn sau này, nhưng đó là sự phát triển tự nhiên chứ không phải là áp đặt. Lúc đó ngư dân Việt nam chẳng có lý do gì thua kém ngư dân Mĩ hay Canađa…
 Từ những hỗ trợ tích cực của Chính phủ, những cơ sở du lịch biển được phát triển mạnh, thu hút nhiều khách du lịch, mang lại nguồn thu dồi dào ngoại tệ cho Việt Nam bởi lẽ vẻ đẹp của bờ biển của ta đang là thế mạnh tiềm ẩn. Tại sao không tập trung đầu tư???
 Như vậy là cùng một món tiền nếu biết đầu tư đúng, chúng ta đã giải quyết được cả mấy bài toán là phát triển kinh tế biển, nâng cao mức sống ngư dân (được lòng dân), thúc đẩy công nghiệp đóng tàu trong nước và  công nghiệp chế biến hải sản (phát triển công nghiệp) và  tăng thêm nguồn thu cho ngân sách (phát triển kinh tế ổn định) và vì thế mà củng cố quốc phòng.  Làm như thế ta được cả kinh tế, xã hội và an ninh chính trị.
Vì thế có thể kết luận rằng việc đề ra chiến lược lựa chọn Vinashin làm trụ cột và là mũi nhọn cho phát triển kinh tế Việt nam là một sai lầm lớn nhất.
 
Tương tự như vậy, hàng loạt những siêu dự án được hình thành như đường sắt cao tốc, khai thác bauxit … nếu được thực hiện chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng lớn tiếp theo cho nhân dân Viẹt nam.
Ý kiến thứ 4: Những sai lầm trong xử lý tình huống
Kính thưa Đại hội
Như đã phân tích trên đây, tôi thấy một số thành viên Chính phủ và có cả vài vị dân biểu đang không tập trung vào giải quyết những hậu quả của việc sụp đổ “con bài chiến lược Vinashin” mà đang ra sức tranh luận bào chữa cho những thất thoát đã rồi.
 
Khỏi phải nói, mọi người dân đều hiểu Vinashin đã phá sản. Hiện nay Chính phủ đang “tập trung tái cơ cấu” để có một Vinashin mới….
Vấn đề đặt ra là: Thứ nhất có cần thiết không ? Một lần nữa phải trả giá để cố vực dậy một thương hiệu đã chết?
Nêu như muốn vẫn giữ chiến lược “con bài Vinashin”  thì xin thưa cũng nên đổi tên nó thành một thương hiệu khác để tránh sự phản cảm cho các nhà đầu tư nước ngoài và sau đó là chính người lao động khi phải làm ở một nơi đầy tai tiếng như thế. Thiếu gì tên hay hơn?
Thứ hai, như phân tích ở trên: Việt Nam có nhất thiết là phải đóng được tàu lớn không? nếu đóng tàu to, chi phi lớn, hiệu quả thấp ( thậm trí lỗ) phải vay mượn nhiều thì chi bằng chuyển sang đầu tư vào các ngành khác có hay hơn không.? Nếu với lý do để phát triển công nghiệp hay trình độ cơ khí của Việt nam thì có nhất thiết là phải đóng tàu?
Tôi xin lưu ý rằng nhiều người vẫn lầm tưởng đóng được những con tầu lớn như thế là trình độ cơ khí Việt nam cao lắm. Xin thưa không phải thế. Chủ yếu là chúng ta thực hiện công lao động nặng nhọc, còn toàn bộ phần máy móc, trang thiết bị, kể cả nội thất vẫn chưa làm được, phải phụ thuộc nước ngoài.
Một số quốc gia đã phát triển không muốn đầu tư vào những ngành mất nhiều lao động mà hiệu quả thấp. Hiện nay ngành đóng tàu thế giới cũng đang gặp nhiều khó khăn và rủi ro, các nước phát triển chuyển sang sản xuất nhưng mặt hàng có công nghệ cao, hàm lượng chất sám nhiều, hiệu quả lơn, ít rủi ro hơn.
.Vậy chúng ta “ tái cơ cấu” để làm gì? Có đại biểu còn giải thích là chúng ta cho phá sản theo kiểu Việt nam và cơ cấu lại với lý do sợ để phá sản ảnh hưởng đến 17.000 lao động.
Xin thưa rằng  ngưòi ta còn chuyển mấy chục ngàn tỷ sang Vinaline và Dầu khí còn được huống hồ là muời mấy ngàn lao động. Nếu vì người lao động thì có lẽ còn nhiều cách làm khác hiệu qủa hơn là “tái cơ cấu”. Chi phí tái cơ cấu đó hãy dành để hỗ trợ cho những lao động đó và cho các doanh nghiệp đóng tàu nhỏ ( tư nhân), họ sẽ tự tìm đến với nhau một cách tự nguyện.
Một lần nữa xin các vị không nên tiếp tục đánh lừa dư luận, đánh bùn sang ao như thế.
Thử hỏi liệu dân có tin được cái “Vinashin tái cơ cấu” sẽ khác cái Vinashin đã chết kia không? Và cả những tập đoàn khác đang hoạt động trên đồng vốn do dân đóng thuế kia có phải là đang hoạt động có lãi?
Theo con số báo cáo: Có một số tập đoàn đã đóng góp vao GDP tỷ lệ rất cao. Thực chất đó là do khai thác, bán tài nguyên, khoáng sản của tổ quốc đi chứ có phải bản thân họ làm ăn có hiệu quả, có năng xuất cao đâu.
Có lẽ phải chờ đến khi họ cũng bị sụp đổ như Vinashin, lúc đó ngươì dân mới lại được nghe một giải thích rằng: “ Do doanh nghiệp báo cáo sai nên chính phủ đã không kiểm soát đươc”  Vậy thì liệu dân có tin được những báo cáo chưa bị phát hiện sai kia không ?
Chúng ta đã sai lầm trong việc lựa chọn đầu tư, đề ra chiến lược, nay lại đang sa lầy vào những sai lầm trong giải quyết tình huống.
Nguyên nhân đề ra chiến lược thì như trình bày ở trên là do những ý tưởng “vĩ cuồng” còn sai lầm trong giải quyết tình huống này là gì?
Xin nói thẳng: Đó là sự “né tránh trách nhiệm”, đánh bùn sang ao chỉ với mục đích giảm nhẹ tai tiếng. Đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ của dân, không những không trung thực, nhận trách nhiệm xin lỗi dân còn cố tình làm tình hình thêm rối chỉ với ý đồ né tránh trách nhiệm.
Sau khi được biết không còn khả năng vực Vinashin dậy, một loạt những tác động phi kinh tế, không tuân thủ luật hoạt động doanh nghiệp lại được thực hiện một cách “cố đấm ăn sôi” như thể tiêm thêm một liều moóc phin khi mà con bệnh đang hấp hối để cốt duy trì sự tồn tại thực vật, che đậy những sai lầm.
Điều này chỉ càng kéo dài sự hấp hối, tốn kém thêm tiền của mà vẫn không cứu nổi con bệnh.
Đó là sai lầm trong giải quyết tình huống
Phần II Kiến nghị:
Với những ý kiến tham luận cho Đại hội trên đây, tôi xin có mấy đề nghị sau:
 
1. Cùng với những siêu dự án như Bauxite và đường sắt cao tốc, tôi đề nghị dừng ngay  việc “tái cơ cấu Vinashin” trước khi quá muộn.
2. Công bố chính thức Vinashin phá sản và cho phá sản theo đúng luật phá sản. Dành một phần kinh phí hỗ trợ người lao động thuộc Vinashin để tìm việc làm ở những đơn vị đóng tàu khác thông qua vốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
3. Truy cứu trách nhiệm đến cùng để xử lý theo pháp luật những cá nhân có biểu hiện tham nhũng hoặc cố tình bao che, cậy chức quyền cố tình làm sai pháp luật gây ảnh hưỏng cực kì nghiêm trọng đến tài sản của nhân dân. Tịch biên, tịch thu những tài sản của các cá nhân có liên quan đến vụ sụp đổ Vinashin để phần nào cũng cố niềm tin và giảm bớt bức xúc trong dân lấy lại kỉ cương trật tự pháp luật.
4. Đồng ý với đề xuất của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Lập Uỷ ban lâm thời điều tra vụ việc Vinashin và lấy biểu quyết của đại biểu Quốc hội về tư cách cũng như mức độ tín nhiệm của các thành viên Chính phủ có liên quan đến Vinashin. Cần thiết thì tham khảo kết quả  trưng cầu ý kiến nhân dân về sự tín nhiệm đối với các thành viên đó. nếu sự tín nhiệm quá thấp thì áp dụng quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm với các thành viên đó.
5. Chính phủ xin lỗi dân về những sai lầm dẫn đến mất mát lớn trong vụ Vinashin và hứa với dân thực hiện xử lý nghiêm túc những người có liên quan, đồng thời tìm cách giải quyết hậu quả một cách ít tốn kém nhất.
Xin cám ơn Đại hội
 
Đây là bài viết xuất phát từ nhiệt huyết, mang tính  xây dựng của một công dân yêu nước trước vận mạng của tổ quốc. Do không được phát biểu chính thức nhưng hy vọng ý nghĩ và tư tưởng của người viết sẽ được Quốc hội tham khảo, bổ sung nếu như nó thực sự mang lại lợi ích cho nhân dân và Quốc gia.- Bài viết không có bất cứ ý đồ nào khác ngoài mục đích đóng góp xây dựng cho kì họp Quốc hội có kết quả tích cực hơn.             
 Hà Nội  ngày 5/11/2010