Trần Xuân An
A. Qua tư liệu công khai dưới chế độ thực dân, phong kiến
A.I. Nhân vật truyền thuyết dân gian cuối thế kỉ XIX
A.II. Nhân vật “phiến loạn” qua nghiên cứu của thực dân Pháp đầu thế kỉ XX
B. Qua tài liệu nghiệp vụ mật của bộ máy cai trị thời bấy giờ
B.I. Nhân vật tình nghi bị quan lại ngụy triều theo dõi
B.II. Nhân vật “can án” do thực dân xét xử
C. Thử tìm hiểu tư tưởng chính trị của Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa nâu sồng 1898-1900
A. Qua tư liệu công khai dưới chế độ thực dân, phong kiến
A.I. Nhân vật truyền thuyết dân gian cuối thế kỉ XIX
Tình trạng truyền thuyết lịch sử vẫn còn xuất hiện ở những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là một hiện tượng khá đặc biệt ở nước ta. Hiện tượng này phản ánh nhiều khía cạnh của xã hội đương thời, trong đó có yếu tố tôn giáo bị hỗn hợp với ma thuật thần bí, tình trạng thông tin, dân trí bị hạn chế và nhất là sự thể hiện nhu cầu lưu giữ lịch sử của nhân dân theo nhãn quan yêu nước, chống ngoại xâm, tay sai, theo cách thức nghìn xưa của họ.
Võ Trứ ở Phú Yên là một nhân vật truyền thuyết như vậy.
Theo truyền thuyết do ông Lương Minh Đán, người dân thị trấn Sông Cầu kể lại, và đã được sưu tầm, biên soạn bởi một nhóm tác giả (1): Đội quân của Võ Trứ chỉ gồm 11 người, kể cả Võ Trứ. Căn cứ của họ ở Dốc Găng. Đó là một đội quân được nhân dân gọi là “Đội quân Đậu Xanh”, vì mỗi khi gặp giặc Pháp, Võ Trứ chỉ ném ra một nắm đậu xanh, lập tức, những hạt đậu xanh ấy biến thành quân lính, tấn công Pháp. Pháp đã nhiều lần đứng sững, rồi tháo chạy tán loạn, khi gặp Võ Trứ và nghĩa binh của ông. Sau nhiều lần tổn thất, chúng tìm cách điều tra để tiêu diệt đội quân Võ Trứ. Rốt cục, chúng cũng hiểu phép thuật của ông chỉ có thể bị trừ khử bằng cách thổi một hồi kèn với âm điệu nào đó. Khi hồi kèn ấy nổi lên, nắm đậu xanh do Võ Trứ ném ra vẫn chỉ là những hạt đậu xanh, không thể hiện hình thành quân lính. Do đó, Võ Trứ bị giặc Pháp bắt được. Khi ông đã bị bắt, mười người lính của ông cũng không thể trốn thoát. Cả 11 người, gồm thủ lĩnh và nghĩa binh, đều bị giặc Pháp hành hình với án chém, bêu đầu. Thủ cấp của Võ Trứ và 10 nghĩa binh yêu nước bị giặc treo ở cầu Tam Giang, cửa ngõ phía nam của khu phố thị Sông Cầu. Đến năm, bảy năm sau, nhân dân còn thấy những chiếc thủ cấp ấy ẩn hiện trong đêm.
Ngoài những khía cạnh khái quát đã được sơ bộ phân tích, lí giải từ “Truyền thuyết Võ Trứ”, phải chăng với cách thức truyền thuyết hóa một trang sử quật khởi, hào hùng của mình, đặc biệt là ảo hóa gốc tích, quê quán của 10 nghĩa binh yêu nước, dũng cảm, nhân dân Phú Yên vừa lưu giữ được sự thật lịch sử, vừa tránh né được sự liên lụy về sau với những trừng phạt thảm khốc mà thực dân Pháp trước đó thường xuyên gây ra cho những thân nhân, xóm mạc của các thủ lĩnh, các nghĩa binh, đứng lên chống lại sự xâm lược, thống trị tàn ác của chúng?
A.II. Nhân vật “phiến loạn” qua nghiên cứu của thực dân Pháp đầu thế kỉ XX
Mãi đến 31 năm sau, vào năm 1929, trên báo chí công khai, sự thật về Võ Trứ và cuộc khởi binh của nhân dân Phú Yên mới được viết lại khoảng gần hai trang ngắn ngủi (nếu tính theo cỡ sách 14,5 x 20,5 cm) trong một bài nghiên cứu địa chí khá công phu của một tên công sứ Pháp: A. Laborde (2).
Trước hết, Laborde xác định năm 1990, chứ không phải là năm Mậu tuất 1898, như các tài liệu lịch sử chúng ta đã đọc được, mới thực sự là năm đã nổ ra cuộc khởi binh do Võ Trứ lãnh đạo.
“Sau khi người Pháp thiết lập cơ sở ở Vũng Lấm, tỉnh này yên tĩnh trong 12 năm và chỉ đến năm 1900, nó lại xáo động do một người tên là Lê Võ Trứ mà người Pháp gọi đùa theo cách phát âm của tên này là “Le Vieux Trou” (cái lỗ già). Đó là một nhà sư hay nhà sư giả danh, ông được coi như là một pháp sư có chút danh tiếng”.
Như vậy, năm 1898 chỉ là năm khởi sự ráo riết.
Kế đó, Laborde viết về Võ Trứ với truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền mục tiêu, tư tưởng chính trị của cuộc chiến đấu cũng như cách thức vận động quần chúng bằng bùa phép, sắc bằng phong chức, và cả thành phần sắc tộc chủ yếu trong đội quân của ông:
“Ông ta thử lợi dụng danh tiếng [nhà sư, pháp sư – ct.] đó và một buổi sáng người ta thấy bay ở nhiều nơi hay cột ở trụ dây thép những lá cờ hiệu màu đỏ thông báo sự xuất hiện của “vị quan võ đáng nể mà triều đình Huế giao phó việc chống lại quân Pháp” [nguyên văn của Võ Trứ trong ngoặc kép – ct.]. Vị “quan võ đáng nể” đó chính là ông ta. Ông ta đóng quân ở vùng thượng Đồng Xuân tại biên giới của Phú Yên và Bình Định, phân phối cho dân chúng những miếng giấy vuông có chữ viết kì quái, phân phát bằng cấp và thông báo các đổi thay chính trị tương lai. Mặt khác, với những biện pháp xảo quyệt, ông ta dễ dàng được lòng người thiểu số chất phác, và ông ta gây dựng được một toán quân nhỏ khoảng 200 người. Toán quân này đóng ở một nơi gọi là Ba-Meo, cách làng Phú Giang một ngày đường. Trứ còn được gọi là “vua của người Mọi”. Để thích ứng với hoàn cảnh, ông ta cho dệt những bộ đồng phục sặc sỡ và riêng ông có một chiếc mũ lộng lẫy trang hoàng bằng năm con rồng và một cái triện lớn bằng đồng”.
Laborde cho người đọc biết, Võ Trứ đã bị người Pháp theo dõi và cuối cùng, quyết định truy nã, vì, theo cách nói của y, “con người này ngày càng trở nên nguy hiểm” đối với sự thống trị của chúng.
Về cuộc tấn công, quật khởi, “trong đêm 14 rạng ngày 15-5-1900”, Laborde viết, “nhà sư cầm đầu đám người Mọi của mình và 500 quân An-nam đã theo con đường La Hai và đường quan tiến sát được đến cạnh tỉnh lị”, bấy giờ là Sông Cầu. Và Laborde cho biết, cuộc khởi binh của Võ Trứ đã bị chúng, thực dân Pháp, biết được. Do đó, viên thanh tra Pháp và phần lớn đội quân trú phòng đã đi về phía Củng Sơn để phục kích, đón đường, chận đánh. Nhưng chúng không gặp được quân của Võ Trứ. Trong khi đó, quân của Võ Trứ đã tiến sát đến tỉnh lị Sông Cầu, và ngay tại thị trấn này, chỉ còn viên công sứ Pháp cùng khoảng 50 người thuộc quân lính và nhân viên của Pháp. Nhưng đoàn quân của Võ Trứ đã bị một số tên lính tập phát hiện. “Cuộc hành quân không dễ dàng và cuối cùng bị thất bại một cách bi thảm”, đoàn quân Võ Trứ phải “bỏ chạy”, chỉ bởi một số tên lính tập có trang bị vũ khí của Pháp.
Cuộc tấn công, quật khởi ấy, vẫn theo Laborde: “May thay vị công sứ [Pháp] đã biết trước một vài giờ do một người thám báo trung thành và đó là điều giải thích điều ông ta có thể đứng vững trước mặt những kẻ đột kích trước khi những kẻ này thực hiện được kế hoạch đen tối của mình”. Theo kế hoạch đó, sau khi hoặc trong khi cuộc tấn công diễn ra, Laborde viết tiếp: “mười hai người trong bọn chúng tháo lui và đi thuyền đến Tòa Công sứ, giết quan đầu tỉnh và vợ ông ta, giết viên thanh tra [Pháp] và chiếm trại lính”. Nhưng như Laborde đã viết, tên công sứ đã biết trước, nên y biết cách để khỏi bị chết bởi nghĩa binh Võ Trứ, còn tên thanh tra đã dẫn lính đi về hướng Củng Sơn từ sáng sớm để phục kích quân Võ Trứ nhưng chúng không gặp được quân của ông, vì ông đã dẫn quân đi hướng khác.
Cuối cùng, sau khi quân Võ Trứ đã rút về căn cứ, Pháp liền tổ chức một cuộc hành quân. Laborde cho rằng đó chỉ là “một cuộc hành quân nhỏ”, nhưng có kết hợp các đội quân bản xứ dưới quyền của chúng, mà chắc hẳn phần lớn là lính tập có nguyên quán từ các tỉnh khác, theo nguyên tắc hoán đổi của chúng bấy giờ, vốn đến đóng tại ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, với “phí tổn do các làng a tòng với Võ Trứ gánh chịu” (Pháp bắt dân Phú Yên đóng tiền, “thuế chiến tranh” cho chúng để chúng trang trải “chiến phí”!). Và, “cuộc hành quân nhanh chóng kết thúc khi bắt được kẻ giả danh nhà sư ngày 31-5. Đến ngày 6-6 Võ Trứ và hai người phụ tá chính bị chém đầu ở Sông Cầu”, và ba chiếc thủ cấp đã bị bêu nhiều ngày. Kết thúc cuộc khởi binh nâu sồng dưới sự lãnh đạo của Võ Trứ, theo Laborde, là như thế. Và do thừa tiền “thuế chiến tranh” thu được, vì đó chỉ là “một cuộc hành quân nhỏ”, nên chúng dùng để thiết lập đường dây điện thoại Củng Sơn và xây chợ Sông Cầu! Đúng là giọng lưỡi mị dân của một tên công sứ thực dân!
B. Qua tài liệu nghiệp vụ mật của bộ máy cai trị thời bấy giờ
B.I. Nhân vật tình nghi bị quan lại ngụy triều theo dõi
Thật sự chúng ta không dễ đặt niềm tin khoa học hoàn toàn vào truyền thuyết dân gian với những yếu tố thần bí, ảo hóa, lại qua trí nhớ và truyền khẩu, mặc dù đó là truyền thuyết về một cuộc khởi binh yêu nước và về thủ lĩnh tuẫn quốc Võ Trứ. Huống nữa, với vài trang trong một bài viết của một tên công sứ Pháp, chúng ta lại càng không dễ cả tin. Dĩ nhiên, tất cả tư liệu đều phải được phối kiểm.
Tuy nhiên, thư tịch cũ về phía các tăng sư Phật giáo tại Phú Yên, cho đến nay, là không còn gì. Chùa Đá Trắng, vào năm 1929, cũng đã một lần bị cháy rụi – nhiều tác giả nghiên cứu hiện nay, như Nguyễn Đình Chúc chẳng hạn, đã xác nhận như vậy. Và trong những năm tháng chiến tranh khá dài về sau, chùa cũng bị tổn thất nhiều. Do đó, hiện nay, tại chùa Đá Trắng không thể tìm đâu ra một mảnh văn bản cũ.
May mắn là tôi đã tìm được một ít trang châu bản triều Thành Thái trong một cuốn sách do tiến sĩ Lý Kim Hoa sưu khảo, biên dịch (3). Nhưng rất đáng tiếc, trong kho lưu trữ châu bản triều Nguyễn, số trang về Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa của nhân dân Phú Yên dưới sự lãnh đạo của ông chỉ còn lại vỏn vẹn có ngần này:
1. Bản tấu trình mật ngày 15-2 năm Thành Thái thứ 11 (Kỉ hợi, 1899) của bố chánh họ Nguyễn, án sát họ Cao, tỉnh Phú Yên
2. Bản tấu trình mật tiếp theo ngày 20-2 cùng năm và cũng của bố, án tỉnh Phú Yên
3. Bản tấu trình mật ngày 22-2 cùng năm của tổng đốc Bình Định – Phú Yên họ Phạm
4. Bản tấu trình mật tiếp theo ngày 25-2 cùng năm và cũng của bố, án tỉnh Phú Yên
5. Bản tấu trình mật tiếp theo ngày 19-3 cùng năm và cũng của bố, án tỉnh Phú Yên
Nguyên văn bản dịch bản tấu trình thứ nhất như sau:
“Bố chánh sứ Nguyễn, án sát sứ Cao tỉnh Phú Yên mật phi trình.
Tháng chạp năm ngoái, cuối năm, gạo thóc đắt đỏ, thiểm tỉnh đã sức 3 phủ huyện sai tổng lí xét các con đường hiểm yếu, thăm dò tình hình, điều động dân đi tuần phòng để giữ an ninh. Từ trước đến nay, theo bẩm báo thì đều yên ổn, không có gì khác lạ. Gần đây, nghe có xảy ra chuyện khác thường, liền trực tiếp sức mật thám tình hình trở lại.
Theo Trần Kỳ Phong, tri huyện huyện Sơn Hòa, bẩm nói: Nghe dân chúng trong tổng Xuân Sơn Thượng hạt ấy đồn rằng có một sư tăng ở trên Mọi, dùng bùa chữa bệnh, dân Mọi nhiều người tin theo. Đợi thám sát rõ tình hình và sư tăng ấy hiện ở tại đâu sẽ báo cáo tiếp.
Thiểm tỉnh liền tư trình cho trụ [(trú)] sứ và sức 3 viên phủ huyện thám sát cùng phái người đi dọ [(dò)] thám rộng rãi.
Ngày 14, tri huyện Sơn Hòa bẩm nói: Ngày 13, lí trưởng thôn Phú Giang (tổng Xuân Sơn thượng) trình nói, ngày 11 có người trong làng báo cho biết rằng vào khoảng canh hai, đêm mùng 10, nhân đi canh tuần bắp, có trông thấy bọn Mọi đi đêm, ước chừng trên dưới 50 đứa; trong đó có nghe tiếng 3, 4 người kẻ chợ. Chúng đi đường núi, đi qua làng, rồi đi về phía Nam. Lí trưởng ấy hỏi các làng Mọi chung quanh, thì nói rằng, chúng đi thăm một người Cao Man (tục danh là Trứu Lô) và người kẻ chợ. Tri huyện này liền phái lại mục bí mật dò xét, khi được sự thật sẽ báo cáo tiếp.
Việc này tỉnh tôi cũng sẽ tư trình trú sứ và mật phi trình cho tỉnh Bình Định thám sát và phúc trình (vì do thư báo, [số người nói trên – ct.] đi từ Bắc đến Nam, có người Việt). Vậy xin tư trình trước, mong xét rõ (tư trình này chưa kịp báo tri cho trú sứ). Đợi phái viên của thiểm tỉnh và phái viên phủ huyện ấy hồi báo, cùng phúc báo của tỉnh Bình Định ra sao, sẽ trình tiếp…”.
Bản tấu thứ nhất trên đã cho chúng ta một số thông tin quan trọng: Một là, Năm 1898 (Mậu tuất), tình trạng thóc gạo ở Phú Yên khó khăn, đắt đỏ. Hai là, Đầu năm 1899, tri huyện Trần Kỳ Phong đã báo cáo: “Nghe dân chúng trong tổng Xuân Sơn Thượng hạt ấy đồn rằng có một sư tăng ở trên Mọi, dùng bùa chữa bệnh, dân Mọi nhiều người tin theo”. Ba là, cũng theo Trần Kỳ Phong, “khoảng canh hai, đêm mùng 10, nhân đi canh tuần bắp, có trông thấy bọn Mọi đi đêm, ước chừng trên dưới 50 đứa; trong đó có nghe tiếng 3, 4 người kẻ chợ. Chúng đi đường núi, đi qua làng, rồi đi về phía Nam. Lí trưởng ấy hỏi các làng Mọi chung quanh, thì nói rằng, chúng đi thăm một người Cao Man (tục danh là Trứu Lô) và người kẻ chợ”. Bốn là, đây là một cuộc thám sát, điều tra có sự phối kết hợp của trú sứ Pháp với 3 tri phủ, tri huyện thuộc tỉnh Phú Yên, và cả với quan chức thực dân Pháp, quan lại Việt tại tỉnh Bình Định.
Trong bản tấu trình mật thứ hai, bố chánh sứ Nguyễn và án sát sứ Cao đã cho biết, vào giờ Dần, ngày 16 tháng 2 âm lịch cùng năm ấy, Ty Phiên nhận được hai phong trình báo mật, trong đó:
“(… Một phong báo cáo rằng, có tên Võ Thản giả làm sư mưu ngụy. Khâm sứ [Pháp] sai đánh dẹp đảng ấy, và giao cho thiểm chức ra sức nã bắt cùng phái lính tập giúp sức.
Một phong nói rằng, theo thám báo thì gian tăng họp nhau ở A Túi. Giao phủ viên Tuy An đem 20 lính tập cùng với người dẫn đường qua ngay đó nã bắt Võ Thản cùng đồng bọn, và do Tòa [Công sứ] lên đường, chận ngay các nẻo đường xung yếu. Thiểm chức liền qua đó họp cùng phủ viên, tìm nhiều cách lập kế bắt bọn chúng để tuyệt gốc ác)…”.
Những đoạn tiếp theo cho chúng ta biết: Trong cuộc truy lùng, vây bắt ấy, có lãnh binh Phạm Tấn, tri huyện Sơn Hòa Trần Kỳ Phong, tri phủ Tuy An Nguyễn Khải, và gồm có lính tập lẫn biền binh. Đoàn ngụy quan, ngụy binh này hành quân từ xứ Kỷ Tối đến Di Lang Phá, và đoán biết quân của Võ Trứ (Võ Thản) đang đóng ở đó, vì vừa thấy ba bốn người, trong đó có sư tăng, ra đi. Cuối cùng, hóa ra, quân Võ Trứ, “tăng ấy và đảng Mọi đã trốn đi trong đêm”, mà đó chỉ là ba bốn người cuối. Sự thật là ở đó chỉ còn là 3 doanh trại, có đường sá, hệ thống phòng thủ, nhưng hầu như trống rỗng. Họ đốt sạch 3 doanh trại này. Cũng trong vài ba ngày đó, công sứ Pháp đã phối hợp hành quân theo hướng khác, và hiện đang ở kho thôn Phú Xuân.
Bản tấu trình này còn cung cấp thông tin khác: Bố chánh và án sát Phú Yên đã nhận được bản phúc tư (trả lời) của tỉnh Bình Định về sự sưu tra lí lịch, hành trạng của Võ Trứ:
“Theo lí hào thôn Nhơn Ân khai nói, Võ Trứ vốn người thôn này, ngụ ở thôn Quảng Văn, trước làm lí trưởng, kế làm thủ chỉ, vì tham nhũng năm Thành Thái thứ 5 [1993], thôn này làm đơn thưa, bèn trốn đi nơi khác, có xin giấy chứng của huyện để lưu chiếu… […] … [Võ Trứ] còn hai người em khác mẹ, một tên là Võ Cường, trước là cấp lính kinh, đã chết, một tên là Võ Cạnh, hiện ở tại chánh quán…”.
“… Thôn lí thôn Vân Canh bẩm nói: Tháng giêng năm nay, vâng lệnh huyện sức truy nã Võ Trứ. Qua các sách Mọi dò hỏi, căn cứ dân Mọi ở sách Lang Nộn nói: Tháng 10 năm ngoái, y [tức Võ Trứ] đến tại vùng Mọi, tức Lang Bách, Lang Pha, thuộc nguồn Hà Thanh. Tháng 12, [Võ Trứ] đến ở xứ Giác Thị thuộc thiểm tỉnh hạt. Tháng giêng năm nay, [Võ Trứ] đem vợ con đến Lang Miêu, xứ Động Hưu (chưa rõ hạt nào; còn đang xét hỏi) trú ngụ v.v… Y vắng nhà đã lâu, lại đem vợ con đi trốn, ý là nghe có tiếng đồn vào Nam mưu thoát … […] … Vì vậy thiểm tỉnh đã mật tư trình đốc bộ đường Thuận Khánh và quý trú sứ [Pháp] biết để hành động và phái nã. … […] … Như vậy thì Nguyễn Trứ, Võ Thản, Võ Trứ cũng là một; thoạt đến thoạt đi nơi hạt này cùng thượng du vùng Mọi của thiểm hạt, dụ gạt làm chuyện phi pháp, thật đáng ngại…”.
Đặc biệt, theo bản tấu trình đó:
“Lại nghe đồn rằng sư tăng ấy là tiên cỡi chim bay đi ban đêm, hai cánh đập nhẹ nhàng. Nay thám hỏi, thì: Ở trại có treo một cái võng bằng dây gai, trải một tấm chăn bằng vải Mọi (dưới võng có đào bếp lò). Ở chung với sư tăng này, còn có một tên nữa (nghe gọi là Thầy Bảy), cũng anh em với y. Đến xin bùa (ban đầu [y] đã dụ dỗ; năm nay, vận khí đề phòng khi có người xin bùa tiên; [có bùa] gặp cọp không sợ, đạn bắn không trúng, có trúng cũng không bị thương), trước hết đến lạy sư tăng ấy (cúng 3 gói trà và nhang cùng giấy vàng bạc), sau lạy tên này xin theo. Trong Mọi, có đầu tháp, 2 cánh chim và 1 cái trâm bằng đồng (ở đầu trâm có vòng tròn; đầu vòng tròn có cột một miếng vải đỏ nhỏ); trong đó cũng có áo, một hai cái linh bằng đồng. Lưng đeo ná, tên và mấy thứ linh tinh, ngồi dưới đất, [phía trước] tên mọi là Di Trứu Lô: độ một hai trăm tên người Kinh (tức người kẻ chợ), ước trên dưới hai ba mươi người để sai sử. Xin trình luôn. Nay mật tục trình phi báo Cơ mật viện đại thần đại nhân rõ”.
Bản tấu trình mật thứ ba là của tổng đốc Bình Định – Phú Yên. Trong bản này, hầu như mọi thông tin đều không khác với hai bản tấu trình của bố chánh, án sát tỉnh Phú Yên. Tuy vậy, vẫn có một số chi tiết được xác minh rõ hơn, cụ thể hơn. Chẳng hạn như xứ Giác Thị được chua thêm là vùng Mọi thuộc tỉnh Phú Yên, xứ Động Hưu là vùng Mọi thuộc phủ An Nhơn (Bình Định). Và chi tiết do tri huyện Tuy Phước (Bình Định) cung cấp: “Tháng 10 [năm Mậu tuất 1898], không biết huyện viên xét xử làm sao, lại phóng thích đi, thôn [Nhơn Ân thuộc huyện của] y không được rõ”. Chi tiết khác: Võ Trứ vốn có một sở nhà vườn, năm Thành Thái nguyên niên, bán một nửa cho tên Nhạn; năm thứ 4, bán nửa còn lại cho tên Sửu; năm thứ 5 thì trốn biệt. Tháng 10 năm ngoái, vợ con của Võ Trứ không hiểu sao cũng trốn đi. Em của Võ Trứ cũng khai như vậy. Chi tiết khác nữa: Nguyễn Bân, huyện Tuy Phước, cho biết viên tri huyện cấp giấy chứng cho dân làng về Võ Trứ tên là Trương Văn Tạo. Chi tiết cuối, đáng chú ý: Lí trưởng [Trần] Cử, thôn Vân Canh, và người buôn với dân thượng du tên là Nguyễn Văn Quyền, có thấy một ngôi nhà mới ở xứ Hạch Cát, hỏi ra, thì biết là của Võ Trứ. Trong nhà có 20 lưỡi dao bảy, 4 lưỡi dao hạng bảy. Họ cũng gặp được Võ Trứ, xét hỏi, thì Võ Trứ khai: “vì nghèo, theo đạo thiền, lấy bùa thuốc bán, vừa mới đến ở xứ này”.
Bản tấu trình mật thứ tư là của bố chánh, án sát tỉnh Phú Yên. Trong bản này, cũng chỉ khẳng định lại các thông tin từ ba bản tấu trình mật trên, kể cả bản của tổng đốc hai tỉnh Bình Định – Phú Yên, họ Phạm. Tuy vậy, lại xác minh thêm: “các thứ dao mà Võ Văn Trứ tàng trữ là vật dùng để mua bán với người Mọi, chẳng có gì lạ, mà bọn Văn Cử bắt giải; chẳng qua là mưu lợi, cạnh tranh thương mại mà thôi; đã gọi tấn thủ nguồn Hà Thanh là Nguyễn Văn Cẩn kết tờ khai nhận lãnh. Cứ như nói thì tên Trứ đang trốn tránh đã được thôn lí Vân Canh bắt nạp, huyện viên này lại giao cho viên tấn thủ ấy nhận lãnh mà không bẩm báo. Nay xảy ra như thế này, đã sức huyện viên ấy trách cứ tấn thủ, bảo phải thám nã, bắt cho được [Võ Trứ], đem về, để phúc chiếu”.
Bản tấu trình mật thứ năm cũng của bố chánh, án sát tỉnh Phú Yên. Trong bản này, có một chi tiết bị các quan lại và trú sứ Pháp xem là quan trọng. Đó là một tờ thư rơi. Trong tờ thư ấy, có dấu son đỏ nhỏ và viết dòng chữ “Hòa thượng sung vi chánh tướng Hồng châu tri”, lại chép một danh sách gồm 9 người. Tất cả 9 người có tên lẫn nhiều người khác bị tình nghi đều bị bắt. Chúng giam 12 người tình nghi, trong đó có 3 sư tăng, cùng 9 người có tên trong thư rơi, và hai người khác thuộc diện can cứu, giam tra… Nhưng người có tên trong thư rơi bẩm rằng, hẳn chỉ do tư thù, tư oán, làm giả thư rơi, và họ chỉ bị oan ức. Bản tấu trình mật cũng có ý chê trách Trần Kỳ Phong không làm tốt chức trách trong vụ Võ Trứ này.
Như vậy, qua năm bản tấu trình (được gọi là Châu bản, nếu nhà vua đã đọc xem, có châu phê, châu điểm) (3), chúng ta cũng chỉ mới biết được là cuộc khởi binh bắt đầu khởi sự từ 1898, và mãi đến 1899 vẫn chưa nổ ra cuộc tấn công thị trấn Sông Cầu. Trong khi đó, cả các quan lại Việt lẫn người Pháp thực dân đều đang theo dõi, điều tra, chứ chưa có kết luận về hành trạng của Võ Trứ cùng đoàn quân của ông. Diễn biến sau đó, do tài liệu châu bản không còn, vì đã bị mất mát, hư hỏng, nên chúng ta cũng không thể biết là sẽ như thế nào. Cũng qua đó, có thể đoán biết nhân vật Thầy Bảy có vai trò rất quan trọng. Liệu có phải Thầy Bảy là Trần Cao Vân (1866-1916) chăng?
Và mọi người đọc cố nhiên hiểu rõ, cả Võ Trứ (bán thế xuất gia) lẫn Trần Cao Vân (độc thân xuất gia) đều là tu sĩ trở thành cư sĩ Phật giáo.
Chúng ta cũng cần lưu ý: Châu bản không phải là sử, mà chỉ là sử liệu, trong nhiều chuỗi sử liệu. Quốc sử quán sẽ chọn lọc, xử lí số châu bản ấy cho đúng với thực chất vụ việc. Có những tờ châu bản sẽ bị loại trừ, vì theo diễn tiến của vụ việc được lần lượt báo cáo (tấu trình), tờ sau có thể sẽ phủ quyết tờ trước, cho đến khi vụ việc được sáng tỏ. Ngoài ra, đối với ngôn từ và “nhãn quan” của quan lại thời bị Pháp thống trị, chúng ta cũng phải nhìn nhận, thẩm định theo cách của chúng ta hiện nay, khi đất nước đã được độc lập, tự do.
Dẫu sao, có một điều, thiết nghĩ cũng cần làm rõ, ấy là vụ việc vỡ nợ (hay lạm chi), bỏ quê nhà ra đi của Võ Trứ, và việc vợ con ông sau đó cũng ra đi nốt. Thật ra, vỡ nợ, ra đi nơi khác cũng là chuyện bình thường, nếu nợ nần đã được thanh thỏa. Vả lại, ông và vợ con, người trước, kẻ sau ra đi, đều hợp pháp, vì đã có giấy chứng của tri huyện Trương Văn Tạo. Tuy nhiên, cũng có thể nghĩ, đó là một cách khôn khéo của Võ Trứ để tránh bị theo dõi, trong khi ông ra đi để vận động quần chúng khởi nghĩa. Hoặc giả, Võ Trứ và gia đình ông đã được tri huyện Trương Văn Tạo và sau này là viên tấn thủ Nguyễn Văn Cẩn bao che, như tài liệu do công sứ Blainville ghi chép, nhận xét dưới đây.
B.II. Nhân vật can án “phiến loạn” do thực dân xét xử
Nhân vật lịch sử Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa nâu sồng 1898-1900 còn được công sứ Pháp Celeron de Blainville tại Phú Yên ghi nhận để báo cáo mật với khâm sứ Pháp tại Huế. Trong một bài nghiên cứu của Đào Nhật Kim, người đọc có thể thấy những trích đoạn cần thiết:
“Võ Trứ đến Phú Yên trong vòng hai năm, lúc đầu hắn dựa vào người Mọi ở Thồ Lồ, làng Xí, làng Đồng, Phú Giang lập căn cứ ở núi La Hiên, sau mở rộng đến người An Nam [người Kinh – ĐNK. ct.]. Hắn còn nhiều đồng đảng đang hoạt động tại Bình Định, Khánh Hòa và các vùng núi khác; một số khu vực Lào cũng đứng về phía hắn với tinh thần tự nguyện; tất cả đều ngụy trang dưới danh nghĩa truyền giáo. Hắn lôi kéo cả các vua Thủy Xá, Hỏa Xá cùng một số phần tử ở hữu ngạn sông Mê Kông” (4a).
“Võ Trứ không phải là một nhân vật tầm thường. Hắn có ảnh hưởng thật sự chẳng những đối với người Thượng mà cả người An Nam ở Phú Yên cũng kính phục hắn. Khi đặt niềm tin vào mục tiêu nào đó, hắn âm thầm tìm hiểu và tìm những cộng sự đáng tin cậy giữa những người cuồng tín. Khi sống với dân, hắn đã biết khơi dậy những vấn đề bất mãn của họ như thuế thổ trạch, thuế thân, thuế phụ thu… Cho đến bây giờ phần lớn họ đang chờ đợi một sự kiện diễn ra, tuy không cần tuyên bố rằng Võ Trứ ở đâu. Mặc kệ, [Võ Trứ ở đâu cũng được – TXA. ct.], họ chỉ biết họ không bỏ hắn, hắn vẫn còn được sự ngưỡng mộ âm thầm của họ” (4b).
“Từ tri phủ, tri huyện đến chánh phó tổng và hương lí đều liên quan đến cuộc nổi loạn của Võ Trứ, nếu không tích cực ủng hộ thì ít ra cũng giúp đỡ bằng tinh thần, hoặc đứng giữa, dung túng phản nghịch” (4c).
“Tuất, Hợi nhị niên
Nhà không ai ở vườn điền bỏ hoang
Lên rừng thì sợ hổ lang
Về làng thì sợ vua quan Tây tà
Mười phần chết bảy còn ba
Chết hai còn một mới ra thái bình
Giữa đường sinh tử, tử sinh
Đứng lên chống Pháp cứu mình cứu dân…”
“Chừng nào Thánh xuống Hòn Vàng
Thì dân ta sẽ hoàn toàn tự do”
(bài vè tuyên truyền chống Pháp của cuộc khởi nghĩa 1898-1900) (4d)
“Võ Trứ đi qua làng nào cũng có yết bái, treo cờ để đón rước như đón rước một vị thượng quan đi kinh lí hay một giáo chủ đạo Hồi” (4e).
“Không cho Võ Trứ có điều kiện nghỉ ngơi, tập trung lực lượng và tổ chức các hoạt động đánh chiếm các mục tiêu mà hắn đã định” (4g).
“Dân Phú Yên tuy ít học, nhưng họ giữ được ý thức độc lập, tự do. Từ hai năm nay ta xen vào công việc của họ một cách trực tiếp, họ nhìn chúng ta bằng con mắt căm thù. Hơn nữa họ còn ghi lại trong kí ức những cuộc chiến đấu của ông cha họ chống lại người Pháp của chúng ta khi đặt chân đến mảnh đất này. Nay có người gợi lại truyền thống ấy và khuyến dụ họ tức thì họ nghe theo. Chính vì thế mà Võ Trứ đã thành công trong việc tuyên truyền xách động dân chúng ở thôn quê, được các nhà chức trách địa phương ủng hộ, đã nổi dậy chống người Pháp đông đảo và nhanh chóng như vậy” (4h).
“Cha chết vì nước, vì hạnh phúc của các con, thù này các con nhớ lấy, vĩnh biệt các con” -- lời của Võ Trứ nói với các con khi ông đã tự nộp mình cho Pháp (4i).
“Các ông không thể dùng tình cảm để khuất phục ta được đâu. Ta muốn đánh người Pháp để giành độc lập cho đất nước và thay đổi triều đại đương kim đã phản bội lại dân chúng để lập lên triều vua khác, mà người cai trị là một thánh quân. Nhưng tiếc thay công việc không thành, ta chỉ biết lấy cái chết để đền nợ nước, không phải nói nhiều lời” -- lời của Võ Trứ nói với công sứ Pháp (4k).
Đối với những đoạn trích trên, người viết bài này chỉ mạn phép dẫn lại, không bình luận gì thêm. Nội dung chúng đã khá rõ. Vả lại, người đọc có thể tìm đọc bài viết của thạc sĩ Đào Nhật Kim theo xuất xứ đã dẫn.
C. Thử tìm hiểu tư tưởng chính trị của Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa nâu sồng 1898-1900
Qua nhiều nguồn tư liệu đã khảo sát được, và với phương pháp loại suy, chúng ta có thể xác tín một điều: Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa nâu sồng 1898-1900 là có thật, là sự thật lịch sử, chứ không phải là truyền thuyết lịch sử với dung lượng huyền ảo chiếm một tỉ lệ quá lớn đến mức ngã hẳn về huyền thoại, hoặc được gọi là truyền thuyết nhưng thực chất chỉ là hư cấu hoàn toàn như truyền thuyết về ngôi mả Cao Biền ở Phú Yên.
Quanh nhân vật lịch sử Võ Trứ và cuộc khởi binh nâu sồng 1898-1900, còn có nhiều tư liệu điền dã khác. Có thể gọi đó là những sử liệu thuộc loại dã sử. Thêm vào đó, còn có tư liệu tộc phả của họ Võ làng Nhơn Ân, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Một vài nhà nghiên cứu cũng đã khảo sát thêm tư liệu này, và cho chúng ta biết, họ Võ của Võ Trứ (em họ của Võ Thiệp) vốn là họ Nguyễn, nhưng vì có cụ tổ cách nhiều đời là Nguyễn Văn Trị, đô đốc nhà Tây Sơn, lấy công chúa Nguyễn Thị Quang Thúy, nên phải đổi sang họ Võ từ 4 đời trước. Chính chi tiết này cùng với một vài chi tiết khác, như lá cờ “Minh trai chủ tể”, nhất là câu trả lời cuối cùng của Võ Trứ trước mặt tên công sứ Celeron de Blainville (4k), khiến người đời sau dễ liên tưởng đến bản án ngụy triều Đồng Khánh và thực dân Pháp đã tuyên về Mai Xuân Thưởng (1860-1887).
Liệu có phải Võ Trứ cũng như Mai Xuân Thưởng, thực chất là “dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa; âm vị ngụy Nhạc phục thù” (mặt phải vì Hàm Nghi mà khởi nghĩa; mặt trái vì ngụy Nhạc, nhà Tây Sơn, mà phục thù) hay không?
Một chi tiết không thuộc loại sử liệu gốc, liên quan đến nhân vật lịch sử Trần Cao Vân (1866-1916), khi hai người chưa gặp mặt nhau: Trần Cao Vân nghe tiếng và hiểu hành động chính trị của Võ Trứ nên đã viết một dòng chữ ở chiếc mõ của một ngôi chùa tại Bình Định: “Tất dả chính danh hồ!” (Ắt phải chính danh vậy thay!). Rõ ràng Trần Cao Vân muốn liên kết với Võ Trứ, nhưng trước hết, cần phải đề nghị Võ Trứ xác định tính chính danh của công cuộc vận động khởi nghĩa chống Pháp, để đừng rơi vào trường hợp như Mai Xuân Thưởng.
Do đó, khi Trần Cao Vân đã vào Phú Yên để làm quân sư cho Võ Trứ, người ta thấy tính chính danh ấy đã được thể hiện ở những tấm truyền đơn màu đỏ mà A. Laborde có đề cập tới:
“Ông ta thử lợi dụng danh tiếng [nhà sư, pháp sư – ct.] đó và một buổi sáng người ta thấy bay ở nhiều nơi hay cột ở trụ dây thép những lá cờ hiệu màu đỏ thông báo sự xuất hiện của “vị quan võ đáng nể mà triều đình Huế giao phó việc chống lại quân Pháp” [nguyên văn của Võ Trứ trong ngoặc kép – ct.]. Vị “quan võ đáng nể” đó chính là ông ta” (5).
Một khi Võ Trứ đã nhận nhiệm vụ của triều đình Huế (bấy giờ là triều vua Thành Thái [ở ngôi: 1889-1906]) hay tự nhân danh triều đình Huế để khởi nghĩa, thì rõ là tính chính danh thuộc phạm trù lịch sử thời phong kiến đã được công khai xác định. Và đó không phải là “chiêu bài”, trong trường hợp Trần Cao Vân. Trần Cao Vân một đời hoạt động đều nhân danh vì đất nước đồng thời vì triều Nguyễn (6).
Có điều, việc Võ Trứ đề ra chủ trương tự tôn xưng “Minh trai chủ tể” (vị chúa tể chay tịnh, sáng suốt), và đội mũ có năm con rồng, tượng trưng cho bậc hoàng đế, khiến chúng ta nghĩ Võ Trứ đã đổi thay mục tiêu ở cương lĩnh chiến đấu với nội dung tư tưởng chính trị của ông. Võ Trứ không chiến đấu vì triều Nguyễn, một triều đại mà từ sau khi Đồng Khánh lên ngôi (9-1885), đã và đang trên đà biến chất, trở thành phản động, làm tay sai cho thực dân Pháp, giết hại người yêu nước, chống Pháp. Ông thực sự chống ngụy triều Nguyễn và thực dân Pháp, nên ở trong tâm trạng “về làng thì sợ vua quan Tây tà”. Điều đó càng thể hiện rõ, ngay trong câu trả lời viên công sứ thực dân: “Các ông không thể dùng tình cảm để khuất phục ta được đâu. Ta muốn đánh người Pháp để giành độc lập cho đất nước và thay đổi triều đại đương kim đã phản bội lại dân chúng để lập lên triều vua khác, mà người cai trị là một thánh quân. Nhưng tiếc thay công việc không thành, ta chỉ biết lấy cái chết để đền nợ nước, không phải nói nhiều lời” (4k).
Nhưng liệu Thành Thái có phải là một vị vua toàn tâm bán nước, cam làm tay sai? Lịch sử đã trả lời Võ Trứ rằng: Không. Nhưng rạch ròi hơn, đúng là Thành Thái đang ở trong guồng máy bán nước thực sự (xét về mô thể), tuy bản thân ông vẫn là một ngụy vương yêu nước, muốn chống Pháp nhưng không thể chống được (xét về chất thể).
Điều này khiến chúng ta hiểu vì sao Trần Cao Vân không trực tiếp tham gia chiến đấu với Võ Trứ trong cuộc tấn công Sông Cầu vào đêm 14 rạng ngày 15-5-1900. Nhiều tác giả nghiên cứu cho rằng chỉ bởi lúc ấy Trần Cao Vân đang nằm liệt giường vì sốt rét ngã nước. Nhưng thật sự Trần Cao Vân liệt giường vì lâm bệnh hay vì Võ Trứ đã tự ý thay đổi chủ trương, cương lĩnh chiến đấu?
Về Trần Cao Vân, mãi cho đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân (1916) và tận lúc chịu án chém cùng Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, ông mãi mãi là trung dân của nhà Nguyễn.
Một khía cạnh khác, cũng thuộc về tư tưởng chính trị của cuộc khởi nghĩa, đó là đoàn kết lương – giáo. Chắc hẳn Võ Trứ chịu ảnh hưởng bởi sự cố vấn của Trần Cao Vân, người chủ trương “tứ giáo đồng quy” (hay “tứ giáo đồng nguyên”), Nho, Lão, Phật và Chúa cùng quy về một gốc, cùng một nguồn. Trong thực tế, vẫn có những giáo dân yêu nước chống Pháp, như Huỳnh Sự (Huỳnh Cụ), phó tướng của Võ Trứ, và đã hi sinh cùng ông. Nhưng cũng cần xét Thiên Chúa giáo trên nhiều phương diện, ít ra là hai phương diện: Thiên Chúa giáo như là tôn giáo thuần túy (nhất là khởi nguyên của lịch sử Thiên Chúa giáo trước khi tràn sang La Mã cổ đại) và Thiên Chúa giáo như là một công cụ tâm linh – chính trị, xâm lược của Vatican, của Pháp và nhiều nước thực dân khác, như Tây Ban Nha (ở các nước bị xâm lược khác và ở nước ta)… Đây là một khó khăn, quả là một vấn nạn lịch sử, không dễ bị ảo tưởng, mặc dù chúng ta vẫn yêu quý tất thảy đồng bào của chúng ta, không phân biệt lương – giáo.
Dẫu sao, Võ Trứ cũng chiến đấu và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vì lí tưởng Phật giáo, cho dù chỉ là Phật giáo bình dân, có nhiều yếu tố mê tín (kết hợp với biến tướng của Lão giáo là đạo phù thủy) và ông tự nhận cho bản thân sứ mệnh phải lập ra một triều đại do chính ông khai sáng, chứ không nhân danh một triều đại quá khứ nào, như nhân danh nhà Tây Sơn chẳng hạn. Võ Trứ cũng không nhân danh triều Lý, một triều đại được khai sinh bởi thế lực Phật giáo, trong lịch sử nước ta, như Vương Quốc Chính (?-1898) ở ngoài Bắc đã nhân danh. Nếu quả thật như vậy, Võ Trứ không thể chịu bản án như Mai Xuân Thưởng, và Võ Trứ cùng cuộc khởi nghĩa nâu sồng ở Phú Yên (1898-1900) vẫn rất chính nghĩa, rất sáng suốt, ở khía cạnh này.
Về việc khởi nghĩa vì lí tưởng Phật giáo, Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa nâu sồng (Pháp gọi là “giặc Thầy Chùa”), vô hình trung cũng đã làm sáng tỏ về sự khủng hoảng ý hệ trung quân Nho giáo thuở bấy giờ. Tín điều trung quân Nho giáo đã trở thành sự lừa bịp trắng trợn! Đó là thời đoạn lịch sử mà các trào lưu tư tưởng dân chủ, tư sản dân quyền chưa lan tỏa, thấm sâu vào xã hội nước ta, còn cách mạng vô sản thì mãi đến 1920 mới lóe sáng bởi một luận cương về các quốc gia dân tộc bị áp bức. Võ Trứ tìm đến Phật giáo bình dân, với chủ trương “tứ giáo đồng nguyên” như một chất kết dính dân tộc trong công cuộc chống Pháp, chỉ là một cố gắng trong tình trạng khủng hoảng tư tưởng đó.
Tuy nhiên, không thể không nghĩ rằng bản thân Võ Trứ đặt một mục tiêu quá tầm, trong điều kiện khách quan và chủ quan, là sẽ giải phóng toàn bộ đất nước Việt Nam thoát khỏi ách thực dân Pháp. Võ Trứ đã phiêu lưu chính trị, quân sự chăng? Chính sắc phục sặc sỡ của người Thượng du (sách cũ gọi là người Mọi) và danh xưng mà quần chúng đương thời dành tôn vinh Võ Trứ -- “Vị vua của người Mọi” – khiến chúng ta nghĩ Võ Trứ đã biết giới hạn mục tiêu chiến đấu của mình: Phải chăng Võ Trứ muốn thành lập một xứ Phật giáo Việt Nam tự trị, Kinh – Thượng đoàn kết, với cương thổ là vùng đất thuộc huyện Đồng Xuân và cao nguyên Gia Lai kề đó, như Hoàng Hoa Thám (1858-1913), được Pháp cho tự trị từ năm 1894 đến 1905, ở ngoài Bắc? Dẫu vậy, đấy chỉ là điều phỏng đoán. Cho đến nay, chưa có một văn bản nào xác nhận điều ấy. Trong lĩnh vực sử học, có thể luận bàn trên một vài cơ sở nào đó, nhưng không thể phỏng đoán với dữ liệu còn chưa rõ rệt. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nghĩ ông cùng quần chúng nhân dân, tăng ni Phú Yên khởi nghĩa, chiến đấu, chấp nhận bị thực dân trả thù tàn khốc, trong tình thế tuyệt vọng, cũng chỉ để nuôi dưỡng ngọn lửa độc lập, tự cường dân tộc tự nghìn xưa và để thực dân Pháp phải chùn tay trong áp bức, bóc lột.
Như thế, trên những cơ sở khá vững chắc, có thể yên tâm khẳng quyết, Võ Trứ không phải như Mai Xuân Thưởng trước đó, không phải như Vương Quốc Chính cùng thời, và cũng không phải như Trần Cao Vân, quân sư và đồng sự. Võ Trứ không phải là nhân vật lịch sử minh họa cho quan niệm, định kiến dòng tộc chủ nghĩa phong kiến.
Trần Xuân An
Khởi viết lúc 08:52’, ngày 19-10 HB10 (2010)
Viết xong lúc 11:16, ngày 20-10 HB10
Sửa chữa, bổ cứu xong, lúc 17:41, cùng ngày.
_____________________________
(1) Nguyễn Định (chủ biên), Lê Đức Công, Lê Bạt Sơn (sưu tầm, biên soạn), “Văn học dân gian Sông Cầu”, UBND. Huyện Sông Cầu ấn hành, 2002, tr. 61-63.
(2) A. Laborde, “Những người bạn cố đô Huế” (Bulletin des Amis du vieux Huế), bài “Tỉnh Phú Yên”, tập XVI, năm 1929, Nguyễn Cửu Sà dịch, Lưu Nguyễn, Nhị Xuyên hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, 2003, tr. 389-391 [tr. 382-454]. Những câu, đoạn trích dẫn trong mục A.II là từ bài của A. Laborde.
(3) Lý Kim Hoa, “Châu bản triều Nguyễn – Tư liệu Phật giáo qua các triều đại Nhà Nguyễn 143 năm…”, sưu khảo – biên dịch, Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2003, tr. 785-818. Những câu, đoạn trích dẫn trong mục B.I là từ 5 bản tấu trình mật, vốn được gọi là Châu bản, trong sách này. Theo phàm lệ đầu sách, có thể xác định đây là những tờ “châu bản rời”, và những tờ này không có châu phê (châu điểm, châu khuyên, châu mạt hay châu cải) của vua Thành Thái. Căn cứ vào nội dung, chúng được gửi cho Cơ mật viện (Nguyễn Thân…). Xem thêm chú thích (6): sử liệu cũ.
(4a) Dẫn theo Đào Nhật Kim, “Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa năm 1900 ở Phú Yên”, Tạp chí Xưa và Nay, số 364, tháng 9-2010, tr. 12-15. Celeron de Blainville, “Phúc trình chính trị Sông Cầu, ngày 5 tháng tư 1900. Công sứ Pháp ở Phú Yên gửi ông Khâm sứ tại An Nam ở Huế”.
(4b), (4c), (4e), (4g), (4i), (4k) Dẫn theo Đào Nhật Kim, bđd.: Celeron de Blainville, “Phúc trình chính trị Sông Cầu, ngày 29 tháng bảy 1900. Công sứ Pháp ở Phú Yên gửi ông Khâm sứ tại An Nam ở Huế”.
(4d) Dẫn theo Đào Nhật Kim, bđd.: Đây là một bài vè tuyên truyền chống Pháp của người Việt, xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Võ Trứ, nhưng Celeron de Blainville, công sứ Pháp ở Phú Yên, đã chép gửi khâm sứ tại An Nam ở Huế, trong Phúc trình chính trị Sông Cầu, thuộc tháng năm, năm 1900. Tuy vậy, có nhà nghiên cứu cho rằng, đó là bài vè của chính Võ Trứ sáng tác để tuyên truyền, vận động quần chúng. Hiện còn có một dị bản: câu “Về làng thì sợ vua quan Tây tà” ở một bản khác lại là “Ra sông sợ cá, về làng sợ ma”. “Sợ cá”, có lẽ do cá ăn thây người chết quá nhiều; còn “sợ ma” là bởi làng mạc thì không bóng người sống, mà chỉ là thây người chết… Cả hai câu ở hai dị bản đều tố cáo chế độ thực dân bóc lột, tàn ác, phong kiến bù nhìn, tay sai.
(4h) Dẫn theo Đào Nhật Kim, bđd.: Celeron de Blainville, “Phúc trình chính trị Sông Cầu, thuộc tháng năm, năm 1900. Công sứ Pháp ở Phú Yên gửi ông Khâm sứ tại An Nam ở Huế”.
(5) Xem chú thích (2).
(6) Tuyệt mệnh thi 2 (“Lời nói sau cùng trên án chém”), thơ chữ Nôm, theo hậu duệ Trần Cao Vân: Trần Trúc Tâm, “Chí sĩ Trần Cao Vân (1886-1916)”, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr.170. Xem thêm: sử liệu cũ, gồm thông tin trên báo chí cũ về Trần Cao Vân và các đồng chí của ông: Nguyễn Trương Đàn, Tạp chí Sông Hương, số 243, tháng 05-2009, bài “Thời khắc hi sinh lẫm liệt của hai nhà chí sĩ”.
Trần Xuân An
71B Phạm Văn Hai
Phường 3, Q. Tân Bình
TP.HCM.
ĐT.: (08) 38 453 955
& 0908 803 908