Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUÁ KHỨ MỒ CÔI PHỐ CŨ

Vân Đình Hùng
Thứ tư ngày 3 tháng 11 năm 2010 9:41 PM
Văn Đình Hùng bình bài thơ Quán cũ

Quán cũ

Vân Long
 
Cà phê lộ thiên
Dưới tán bàng
Người đọc báo
Người nhâm nhi
Thiên hạ sự
Khách hàng
Nhìn thẳng mặt người lạ
Nhìn xuyên táo người quen
Chán người thì nhìn trời
Tán bàng dầy
Không che nổi
Mây trôi...
Chủ quán
Phải ông quán ngày xưa?
Cậu bé 40 năm
Trổ bộ ria kế nghiệp.
Quán cà phê phố cũ
Tôi về ngồi góc cũ
Thuyền nát về bến cũ...
40 năm - chớp mắt
Người mất...
Bóng ngồi đó
Người còn biền biệt xa
Tôi đứa trẻ mồ côi
Bơ vơ
Quá khứ...
In trong Tạp chí thơ - Số 9_2010
Lời bình: Quá khứ mồ côi Phố cũ.

Số tháng 9 của Tạp chí THƠ năm nay, 2010, in hai bài thơ của nhà thơ Vân Long: Ngõ Tràng An và Quán cũ. Hai bài viết ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng trước sau vẫn là một giọng thủy chung như nhất của một giọng thơ, một nghiệp thơ đã khoác vào gần sáu mươi năm, đủ cho đời người lục thập vi tiên.
Tôi thích gọi Ngõ Tràng An của nhà thơ là Ngõ cũ, con ngõ nhỏ đường đất, riêng ông, đã in hằn trong nỗi nhớ da diết về nó, mỗi khi ông có dịp quay lại. Quán cũ nằm trong ngõ cũ.
Cuộc trở lại sau 40 năm, lần này, chỉ là thời khắc, ông tính nhẩm trên đốt ngón tay. Ông không phải là người xa quê. Ông vẫn ở đất Kẻ Chợ Kinh kỳ, Thăng Long ngàn tuổi này thôi. Nhưng cuộc sống đẩy ông đi. Nơi ông đến nhiều lắm, nơi ông ở cũng thế. Ông có cuộc sống của một người thơ thiên di, chuyển động theo nhịp phố phường. Người thơ giang hồ vặt nếu phải gọi điều này bằng chữ của nhà thơ Quang Dũng, bạn vong niên của ông một thuở.
Lâu lâu lại về quán cũ, ngõ cũ, vẫn cái nhìn cũ, nhưng lần này ông đã nhìn xuyên qua quãng thời gian để đặt điểm hội tụ võng mạc ông là quá khứ
Nhìn thẳng mặt người lạ
Nhìn xuyên táo người quen
Chán người thì nhìn trời
Ô hay, mới có ba câu là đã gói trong đó cả lạ, cả quen, cả trời. Một không gian ba chiều trong góc cũ hèm hẹp. Lòng ông đang rưng rưng, hồn thơ già dặn đẩy ông bước từng bước vững chãi. Ông nhìn xuyên 40 năm vào chân dung chủ quán đương thời tìm sự đồng ảnh, trùng nét hai nhân vật, hai khoảng thời gian mờ chồng như kỹ xảo cinê thời hiện đại. Nền đen trắng tông màu ghi nhàn nhạt, khuôn mặt chủ quán, thì hiện tại, gam nâu trầm, nước da bánh mật được thời gian sơn phết kỹ lưỡng. Nhà thơ chợt nhận ra hai bố con ông chủ quán giống nhau như đúc. Và hạ một ý thơ xuất thần:
Chủ quán
Phải ông quán ngày xưa
Cậu bé 40 năm
Trổ bộ ria kế nghiệp
Trổ ria kế nghiệp! Chữ cũng lạ, tứ cũng lạ. Gói được cả truyền thống, nếp nhà. Gói được cả công nghệ ADN di truyền. Gói cả quá khứ vào hiện tại. Tự dưng con chữ vụt bay khỏi mặt giấy đang lưu phần xác của nó. Trong khoảnh khắc màu chữ tự dưng nhợt nhạt sau cơn rùng mình, bay liệng.
Khổ bốn của bài thơ, như trích dẫn, đã đóng đinh tứ thơ đang bay bổng, để bạn đọc nhìn rõ thi ảnh của câu thơ trầm đục vừa buông ra từ phím tơ của kép đàn đệ nhất kinh kỳ. Viết câu này tôi nhớ đến cụ Đinh Khắc Ban ở những năm sáu mươi, thế kỷ trước. Tiếng đàn đệ nhất đệm cho ca nương đệ nhất thế kỷ XX song tấu khúc quá khứ đẹp lẫm liệt.
Nhà thơ còn dằn vặt mình như một cổ vật lỗi thời khi viết: thuyền nát về bến cũ... Không phải vậy. Đấy là lời nói khiêm cung của người Tràng An thường có. Họ luôn muốn đứng đằng sau sự kiện như mái chèo lặng lẽ giữ hướng con thuyền đời, con thuyền người, về phía nhân bản, nhân văn, thanh lịch. Bài thơ như một đoản đao, hạ địch thủ bằng một thế vovina điêu luyện. Người bị hạ vẫn sung sướng vừa được gặp một cao thủ đáng mặt đàn anh.
Bài thơ Quán cũ có bảy nhịp ngắt dòng. Con chữ cũ hiện ra trong nhịp mới. Nhịp phố phường. Ngắn. Sắc. Sắc như cứa vào thời gian. Rạch lớp toan nền già nua lưu giữ quá khứ bằng lớp sơn khô khốc. Khi gặp nó, bức tranh quá khứ và người thơ rưng rưng đồng cảm. Và gặp nhau để thổ ra, trào ra cái bơ vơ của cả hai. Tứ bài thơ dẫn cái bơ vơ kia rưng rưng như bảo vật dâng trao người đọc.
Cuối thu Canh Dần_Vân Đình Hùng