Nhân Kỷ niệm 245 năm sinh, 190 năm mất: Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765- 1820).
Thân mẫu của Đại thi hào Nguyễn Du (tự Tố Như) là bà Trần Thị Tần, người làng Hoa Thiều ( Hương Mạc, Từ Sơn. Tôi có một lần đến thắp hương ở chốn tổ ấy. Lại có lần được Hội tổ chức đi viếng mộ Đại thi hào tại Tiên Điền, Hà Tĩnh. Đọc lại Lãng du trong văn hoá Việt Nam của nhà văn hoá Hữu Ngọc, mới hiểu thêm nhiều điều bổ ích. Kiều phản ánh trung thực bản sắc dân tộc. Tác giả Lê Xuân Lít, xuất bản cuốn Hai trăm năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều, đã công bố 158 tác giả cổ kim Đông Tây khảo cứu về Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh). Có những hiện tượng kỳ diệu. Theo bài ký Một pho từ điển sống- tập Phiên chợ Tết quê của Duy Khoát, thì giáo sư- hoạ sĩ- nhà giáo ưu tú Phạm Công Thành (Hà Nội) thuộc làu, không những đọc xuôi mà có thể đọc ngược Truyện Kiều, đọc ngược bằng cách đảo chỗ hai chữ sáu, bảy với hai chữ bảy, tám của câu “bát”. Ví dụ: Lời quê chắp nhặt dông dài/ Chữ tâm kia mới chữ tài bằng ba/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Cũng đừng oán trách trời xa trời gần… Có thể nói, mỗi dòng mỗi chữ trong Truyện Kiều đều có nhiều cách giải thích, trao đổi, bàn luận. Trên vùng đất đôi bờ sông Đuống này, cũng nhiều vị am hiểu Truyện Kiều lắm. Sinh thời, Nguyễn Duy Hợp, tác giả khảo cứu văn hoá Kinh Bắc, thường kể với tôi về Vũ Trinh (1759- 1828, hiệu Liên Trì, người Lương Tài) và Mộng Liên Đường. Vũ Trinh là con rể của quan Tư đồ Nguyễn Nghiễm, là anh rể của Nguyễn Du, là một trong những người đầu tiên đọc Truyện Kiều. Nguyễn Du trao tác phẩm cho “ông anh” đọc, mong hồi âm. Trong Liên Trì kiến văn lục của Vũ Trinh còn ghi, ông vô cùng khâm phục tài năng siêu việt của người em vợ. Vũ Trinh bình nhiều câu nhiều đoạn, ví dụ, về những câu thơ tả tính cách Hoạn Thư: Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già… Vũ Trinh kêu lên: “Thật đúng là một vị mệnh phụ đảm đang việc nhà. Ta với nàng (Kiều) sinh không đồng một thời, ở không cùng một chỗ, mà nay đọc đến hai câu đây, còn cảm thấy không rét mà run”. Sau này, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu) có khen Mộng Liên Đường là người am hiểu sâu sắc Truyện Kiều, “Từ Phạm Quý Thích đến Chu Mạnh Trinh, khi nói đến cái văn tài của Truyện Kiều, ai cũng bình luận theo cái lối bình luận của Mộng Liên Đường chủ nhân cả”. Nguyễn Bách Khoa viết vậy, bởi ông đọc bài Tựa truyện Đoạn trường tân thanh của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân. Gần như cùng thời với Nguyễn Du, khi Nguyễn Du mất, Mộng Liên Đường 26 tuổi. Tên gốc của ông là Nguyễn Đăng Tuyển, người làng Phật Tích, Tiên Du, Kinh Bắc. Bài Tựa này được viết vào năm Minh Mệnh. Xin trích đôi đoạn, về lời thơ trong Truyện Kiều: “hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi là Đoạn trường tân thanh cũng phải”, “Tố Như tử dụng tâm đã khổ,tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”… Thì ra, thiên tài Nguyễn Du được danh sĩ, nhân dân phát hiện sớm. Thời nay, Kinh Bắc cũng có những nhà Kiều học nổi tiếng: Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Bảo… Nguyễn Khắc Bảo đang có trong tay một kho quý báu, 41 bản Truyện Kiều chữ Nôm và hàng trăm bản Truyện Kiều Quốc ngữ. Ông đã xuất bản các cuốn: Tìm đến nguyên tác Truyện Kiều, Truyện Kiều bản Nôm Thịnh Mỹ Đường… Ngay làng Mão Điền nhỏ bé của tôi cũng có hai tác giả ngấm Kiều lắm: Nguyễn Văn Chương làm nhiều bài thơ Kiều lảy nhuần nhị, Bích Hùng, quanh Truyện Kiều, “bịa” được hàng trăm giai thoại thú vị… Cuộc trao đổi giữa Hữu Ngọc và Nguyễn Quảng Tuân cho ta rõ, Truyện Kiều đã được dịch ra tiếng Pháp 7 lần, tiếng Anh 4 lần, còn tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Đức… Theo dịch giả Pháp R. Crayssac, Kiều có thể so sánh mà không thua kém bất gì các kiệt tác của bất kỳ thời đại nào, bất kỳ xứ sở nào! Tuy vậy, dịch Truyện Kiều là khó. Hữu Ngọc nói: “Có lẽ một cái hay tuyệt vời, thể hiện hồn Việt, là thể hiện lục bát của riêng người Việt. Nó như tiếng đàn bầu, không tài nào mượn một cây đàn nước ngoài mà thể hiện được”. Có ý kiến cho rằng: Truyện Kiều là một bản dịch. Hữu Ngọc nói: Nguyễn Du đã “nhào nặn lại 1/3 Kim Vân Kiều truyện, thêm vào 2/3, biến một câu chuyện khô khan, lề mề thành một truyện thơ cấu trúc chặt chẽ, có hồn, sinh động, có bề sâu xã hội, tâm lý và triết học”. Đây là “một tiếp biến văn hoá đầy sáng tạo”.
*
Với mảng thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng đã có nhiều công trình rất có giả trị, trong đó có công trình Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn Học, 1965) của nhóm Lê Thước, Trương Chính sưu tầm chú thíc, phiên dịch với sự tham gia dịch thơ của 9 cây bút. Đặc biệt, tập sách này lại được rút ra mấy bản dịch thơ: Phản chiêu hồn, Long Thành cầm giả ca… đưa vào sách giáo khoa, để các trường Trung học Phổ thông giảng dạy. Đọc mấy bản dịch thơ đều thấy có những hạt sạn. Phần lớn là do người dịch bí vần. Ví dụ, bài Long thành cầm giả ca, câu Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm, đã dịch nghĩa: Tiếng (đàn) buồn như Trang Tích lúc ốm ngâm rên tiếng Việt, dịch thơ: Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên. Dịch thơ mất chữ ngâm chỉ còn chữ rên. Điển: xưa Trang Tích ốm, vua Sở hỏi mọi người: “Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan ở nước Sở, được phú quý rồi thì còn nhớ nước Việt không?”. Viên ngự thị đáp: “Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không thường tỏ ra trong lúc ốm đau. Nếu lúc này nói tiếng Việt thì tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng Sở”. Sở Vương sai người lén nghe, thấy Tích ngâm bằng tiếng Việt. Từ Ngâm có hai nghĩa:ngâm vịnh và rên rỉ. Nếu chọn một trong hai nghĩa ấy cho phù hợp, nên chọn ý: lúc Trang Tích đau yếu ông ta ngâm vịnh bằng tiếng Việt- tiếng cố hương. Lại lúc, đám vương hầu gieo thưởng cho nàng: Nê thổ kim tiền thù thảo thảo. Nghiã: Tiền bạc coi rẻ như đất bùn. Thảo thảo còn có nghĩa là phóng túng. Dịch thơ thành: Tiền như bùn ước lược qua qua. Đã coi tiền rẻ như bùn, sao dùng từ ước lược? Đây chỉ là một hai ví dụ. Có đến hai mươi năm, hai mươi thế hệ học trò phải học những bản dịch thơ còn nhiều sạn. Băn khoăn, với vốn chữ Hán còn hạn hẹp của mình, tôi đã mạnh dạn dịch thơ lại mấy bài trên. Xin dẫn lại bài Bài ca người gảy đàn đất Long Thành, D.P đã dịch:
Long thành người đẹp từng quen/ Đã lâu nào có nhớ tên họ gì/ Nguyệt cầm nổi tiếng đương thì/ Trong thành quen gọi ca nhi: Cô Cầm/ Cung Phượng xưa học khúc đàn/ Khúc đàn hay, cả thế gian khôn bì/ Thiếu thời từng gặp, say mê/ Bên hồ Giám, yến tiệc khuya năm nào/ Nàng vừa ba bảy trẻ sao/ Áo hồng, ánh mặt hoa đào hồng thêm/ Ngấm men, má đỏ hồn nhiên/ Ngón tay buông bắt diệu huyền năm cung/ Tiếng khoan như gió rừng thông/ Tiếng trong, đôi hạc vọng cùng xa xăm/ Mạnh như Tiến Phúc sét gầm/ Buồn như Tích ốm, điệu ngâm quê nhà/ Nghe mê mải, nhớ thiết tha/ Nhạc xưa Đại nội Trung Hoà khôn quên/ Tây Sơn quan khách ngả nghiêng/ Mảng vui những muốn nối thêm canh trường/ Bốn bề gieo thưởng tranh hơn/ Bạc tiền coi rẻ như bùn ném ra/ Vương hầu thua vẻ hoà hoa/ Kể gì trai trẻ mấy toà Ngũ Lăng/ Tưởng như ba sáu cung xuân/ Đúc nên vật báu Trường An rỡ ràng/ Tiệc xưa đã hai mươi năm/ Tây Sơn bại, ta trời Nam gửi mình/ Tấc gang chẳng thấy bóng thành/ Huống chi dự những tiệc quỳnh múa ca/ Nặng tình, Tuyên phủ tiễn ta/ Tiệc vui ca kỹ những là trẻ măng/ Chợt cuối phòng mái hoa râm/ Mặt vàng mình võ âm thầm xót xa/ Nét mày nếp áo phôi pha/ Ai hay Đệ nhất tài hoa một thờ?i/ Khúc xưa nghe lệ thầm rơi/ Lắng tai, dạ những bùi ngùi gần xa/ Chốc mòng hai chục năm qua/ Tiệc bên hồ Giám la đà… còn đây… / Thành quách khác người đổi thay/ Nương dâu xưa hoá biển đầy, mù khơi/ Nghiệp Tây Sơn đã mất rồi/ Riêng làng ca vũ một người còn kia/ Trăm năm như bóng chớp loè/ Thương nàng vạt áo này chia lệ sầu/ Nam ra, mình trắng mái đầu/ Trách chi người đẹp xanh xao, héo tàn/ Trừng trừng đôi mắt mơ màng/ Quen mà như lạ lại càng thêm thương…
Dịch xong, tôi viết thành bài trao đổi. Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1999 đã in (cả mấy bản dịch thơ, vì theo nguyên tắc của Tạp chí, phê bình thì dễ, ai phê bình bản dịch nào thì hãy dịch lại). Có thêm niềm tin, tôi đã thêm nhiều tháng để dịch những bài thơ còn lại. Bản thảo 249 bài thơ chữ Hán- Nguyễn Du của tôi đã được vinabook- Tổng công ty Sách Việt Nam xuất bản- 1999 (tái bản 2003).
Bọn chúng tôi cứ theo sở thích mà làm vậy. Nguyễn Du, Truyện Kiều ở đâu? Không phải chỉ trên giá sách mà đã trong dân chúng nhiều thế hệ. Đó là một vùng quê ven sông Đuống với Truyện Kiều, còn cả trăm vùng miền khác? Ai đó nói, Truyện Kiều đã thành quốc hồn quốc tuý, có lý lắm… .
D.P