(Nhà xuất bản Văn Học 2010)
Lên Xanh là tập thơ mới nhất của Lê Duy Phương. Phần lớn các bài trong tập anh viết về nông nghiệp nông thôn, quê Xứ Nghệ. Với Lê Duy Phương, nông nghiệp nông thôn là một sở trường của anh, một cán bộ được học về nông nghiệp với một quá trình phụ trách Kế hoạch Nông nghiệp, anh lại là nhà thơ đi nhiều, gắn bó nhiều với Nông nghiệp, nông thôn từ những thập kỷ 60, 70 của thế ký trước nên anh đã có nhiều cảm xúc với đề tài này.
Trước đồng cỏ Thầu Đâu (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) với đàn trâu bò anh nghĩ:
Béo như quả dâu là con bò giống
Béo như quả sim là con trâu mộng
(Bắt đầu từ đó)
Và anh ước mơ
Cho đồng có Thầu Đâu
Trâu nhiều như sim tháng sáu
Bò nhiều như dâu tháng ba
(Bắt đầu từ đó)
Rồi ở Nông trường, một vùng quê tâm hồn và cảm xúc tinh tế đến mức nghe được Lúa đẻ
Qua luồng gió khẽ
Vào buổi sáng ở từng cây
Hơi gầy gầy và nghiêng
Lá vẫy vẫy liên miên
Như nói điều gì không rõ
Khi đó
Là khi lúa đẻ
(Lúa đẻ)
Tâm hồn và cảm xúc còn lắng đọng với cây lúa và hạt gạo
Trong cuộc đời lắm khi chia xa
Xa vợ xa con xa nhà… xa mãi
Nhưng hạt gạo nuôi ta từ bé dại
Chẳng bao giờ xa ta đâu
(Cây lúa hạt gạo)
Đặc biệt anh nghĩ về đất – cơ sở chủ yếu của sản xuất nông nghiệp
Không có hòn đất nào hoang đâu
Hòn đất nào cầm trên tay cũng nặng
Và thả ra lại về với đất
(Đất)
Hay
Hòn đất nào cũng mang dáng trái cây
Có lẽ nào trái không chín nơi đây
(Đất)
Còn nông thôn là quê hương anh, thường là những tình cảm thân thiết, gắn bó. Bởi nơi đó có những người thân yêu nhất của mình.
Mùa xuân năm ấy đi về
Anh theo mẹ dọc bờ đê qua đò
Bến sông đá ghép phẳng lì
Bà ra đón cháu bước đi nhọc nhằn
Làng Vĩnh Đại bên bờ sông
Mùa xuân nào đã thỏa lòng mẹ cha
Thì nay vẫn bến sông La
Anh về cầu Khóng đi qua Thọ Tường
Qua bao nhiêu những đoạn đường
Đạn bom mưa gió quê hương tháng ngày
Công việc say tình yêu say
Đắm say giữa những ngất ngây quê nhà
(Mùa xuân Hà Tĩnh)
Những hình ảnh người cùng quê đã in sâu trong tiềm thức, là cái chợ, lũy tre, những sinh hoạt của làng quê đầm ấm
Ôi chợ Vực có ai mà không nhớ
Từ lâu trôi ra biển chắc lắng vào đại dương
Lũy tre ơi lũy tre ở đâu rồi
Nơi các bác thờ cày hay vắt quần xuống tắm
Buổi chiều nhạt nắng bến sông nào cũng mát làm sao
Ai cưỡi bò qua sông mà không cột quần lên cổ
Bãi sậy bên soi thành ngô đậu đã lâu rồi
Còn ngôi đền bị phá năm nào
Mà chiếc cổng Tam Quan trơ ra không chịu đổ
(Làng Phù Xá)
Những dòng sông của đất Nghệ Tĩnh, khi nhớ đến cũng là phút cảm xúc trào dâng, đây là sông La:
Đất mật là đây mía lên đường
Ngô lên sữa ngọt nắng đầy hương
Lúa đang chín rực sắc vàng óng
Gió mát bay về cây lá thơm
…
Lá ngô lá múa làm nên gió
Thổi mát bờ sông rối tóc em
(Sông La)
Đây là sông Lam, tấp nập thuyền bè xuôi ngược, những cánh buồm nương gió:
Mùa xuân về bờ sông xanh tươi
Rau chật bến chật bờ ngô chật bãi
Những thuyền ngược thuyền xuôi rộn ràng khoang lái
Những cánh buồm bay đi khắp nơi
Khi mùa thu về trên dòng sông
Cơn lũ đến xem như bình thản
Bãi phù sa không hề chán nản
Cơn lũ đi rồi xanh biếc mùa ngô
(Về với dòng sông)
Những năm chiến trận, đất quê Xứ Nghệ của anh bom đạn cũng khá ác liệt. Câu thơ đầy tự hào khi nói đến những năm tháng ấy
Mấy năm giặc đánh quê hương
Ai vô trong đó cũng thương đồng bào
Bàn tay ai đã vẫy chào
Đêm nhìn không rõ vẫn xao xuyến lòng
Ánh đèn em gái giao thông
Dẫn đoàn xe chạy giữ lòng đất quê
Ngụy trang cành lá ai che
Mà xanh xanh mãi đoàn xe không cùng
(Nhớ Kỳ Anh)
Bởi từ trong chiến tranh, đói nghèo, nên cái chí quyết liệt chiến thắng mọi trở ngại để tiến kịp những địa phương giàu có, hiện đại đã thường trực ở mọi người.
Ngăn lại đừng cho nước biển ào lên
Lấy đồng nuôi con tôm
Ngăn núi lại thành hồ lớn
Để bông lúa chín vào mùa thu
Dựng nghìn năm lên ơi cây cột điện
Dựng mênh mông lên ơi những bến cảng
Dựng trăm năm lên ơi phố và chợ
Dựng mười năm lên ơi những cánh rừng
Dựng muôn đời lên ơi những con người
Những con người Kỳ Anh phải thế
- Không thể nghèo mãi được
…
(Tuyên ngôn ở Kỳ Anh)
Lê Duy Phương dành những vần đằm thắm cho tình yêu. Anh phải lòng mùi hương lá sả gội đầu
Lá sả em đi hái tận đâu
Nấu anh xông thơm tóc mát đầu
Hương cây hương cỏ rồi bay hết
Chỉ có hương tình thơm mãi lâu
(Hương)
Đó là mối tình hồn hậu thời học trò
Có một ngày quê tôi nhớ mãi
Mây trắng bay đi ngập cả trời
Thưở ấy học trò tìm vẻ đẹp
Gọi hoài mây đẹp quá mây ơi
Hay
Nhớ rồi ngày đó là trung học
Em ở cấp hai đẹp nhất làng
Mặc cho mây trắng chân trời tím
Chưa thấy anh về em vẫn sang
(Ngày quê)
Sự đồng cảm về tâm hồn mới là điều ngây ngất nhất
Tâm hồn em trắng thơm hoa bưởi
Làm ta xao xuyến đêm nay
Trước cửa nhà ai hoa bưởi rụng
Hồn ta đậu lại trên cây
(Đậu)
Vốn đa cảm, Lê Duy Phương thêm tin, thêm hy vọng khi đến vùng dâu tằm, vùng làm muối, trồng hồ tiêu… Tình chân thật anh đã nhận ra tình của cây, vị mặn của muối, của những người năm nắng mười mưa…
Chính những tình cảm đôn hậu ấy, cũng là tiêu chí thơ mà anh thường tâm niệm:
Nếu không ấp ủ trong lòng
Làm chi chín được thành dòng thành trang
Có được bông lúa chín vàng
Bao ngày nắng đốt mưa tràn cực thân
(Lúa chín)
Hà Nội, 29 tháng 10 năm 2010