Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ RAXUN GAMZATỐP

Triệu Lam Châu
Thứ năm ngày 4 tháng 11 năm 2010 7:07 AM
 TNc: Năm 1994, tôi cùng nhà văn Thúy Toàn, Tô Đức Chiêu đã được gặp Raxun Gamzatop tại Đại sứ VN tại Nga. Trong câu chuyện tôi còn nhớ ông kể rằng ông được bao nhiêu huân chương nhưng không nhớ chỉ nhớ bị kỉ luật vì ngủ với gái...Raxun là thế. Vậy mà ông đã đi xa 7 năm rồi...
 
  Nhà thơ Raxun Gamzatốp sinh năm 1923, người dân tộc thiểu số Avar, nước Cộng hoà tự trị Đaghextan, thuộc Liên bang Nga. Ông được tặng danh hiệu nhà thơ nhân dân Liên Xô (1959), Nhà hoạt động xã hội, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa Liên Xô (1974).Năm 1963 Raxun Gamzatốp đoạt Giải thưởng Lênin về văn học, với tập thơ Những ngôi sao trên cao. Bạn đọc Nga say mê phong cách thơ độc đáo của Raxun Gamzatốp, phản ánh mảng hiện thực miền núi Đaghextan với một loạt tập thơ và trường ca đặc sắc: Mảnh đất của tôi, Tổ quốc của người sơn cước, Trái tim tôi trên núi, Bên bếp lửa, Và trò truyện cùng sao, Chuỗi hạt tháng năm, , Cô sơn nữ, Cái giá cuối cùng, Trò truyện với người cha, Hãy phán xét tôi theo đạo luật của tình yêu, Hãy bảo vệ các bà mẹ, Hòn đảo của phụ nữ… Đặc biệt là hai tập văn xuôi trữ tình Đaghextan của tôi (đã được dịch sang tiếng Việt) càng thể hiện rực rỡ phong cách sáng tác độc đáo của ông.
  Nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Raxun Gamzatốp là sự giản dị giàu chất dân gian, nhưng thấm đượm một trí tuệ thâm trầm, sâu sắc, đôi lúc có pha chút hóm hỉnh rất giàu chất dân dã của miền Đaghextan xứ núi. Nó thể hiện thành công tâm hồn mộc mạc, đôn hậu, giàu nghĩa khí của người miền núi quê ông, cùng những giá trị thăm thẳm của lịch sử và chiều sâu văn hoá của miền Đaghextan xa xôi mà gần gũi với chúng ta.
  Thơ Raxun Gamzatốp là sự giao thoa đẹp đẽ giữa hai nền văn hoá Nga và Đaghextan. Trước kia, thơ Raxun Gamzatốp là tiếng ca lạc quan, là sự suy ngẫm và trải nghiệm sâu xa về tình yêu, cuộc đời, về dân tộc, thời đại, về Tổ quốc, lịch sử, về tình đoàn kết các dân tộc xây dựng cuộc sống mới trong Liên bang Xô Viết.
  Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, một nhà thơ giàu ý thức công dân như Raxun Gamzatốp, hẳn ông cảm thấy đau đớn vô cùng. Chính vì vậy thơ của ông sáng tác thời kỳ sau này nhuốm một nỗi buồn thế sự rất sâu xa. Mỗi vần thơ của ông chính là máu thịt của ông giữa cuộc đời này.
  Thơ Raxun Gamzatốp đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Đồng cảm với tâm hồn Raxun Gamzatốp, tôi chọn dịch những vần thơ tứ tuyệt của ông từ tiếng Nga và tập hợp thành tập “Cây tiêu huyền nghe mưa”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa…

1.
    Lãnh tụ cũ ra đi, sẽ có lãnh tụ mới
    Những sắc lệnh, họp bàn, tranh cãi…
    Đất cần có nông dân và nắng mưa
    Chứ đâu cần quyết định trên giấy tờ.

2. Người ta mơn trớn chúng tôi rằng :
    Anh bay trong “bước ngoặt vĩ đại”
    Thực ra chúng ta đang chữa lại
    Chiếc thang máy cũ mèm trong nhà bẩn tồi tàn.

3. Vạn Lý trường thành -  hiện vật bảo tàng
    Bức tường Béclin- tuyệt nhiên không phải…
    Lời nói dối mạnh hơn hai tường ấy
    Nó phá tan tất cả tanh bành.

4. Chúng ta mãi nhìn qua ống nhòm
    Tạc lãnh tụ, đội mũ giáp, cầm gươm, cưỡi ngựa chiến
    Tôi cũng muốn dựng một tượng đồng
    Lưu danh một kẻ không hề rơi giọt máu.

5. Cuộc tranh luận bỗng dừng, bao ngữ ngôn lặng im
    Tất cả đều quay nhìn
    Khi em xinh đẹp vừa xuất hiện
    Nơi đàn ông đang bàn việc công.

6. Trước đây, chỉ cần  một lời gọi, một ánh nhìn
    Là triệu cánh tay lao vào công việc
    Giờ đây tất cả giơ nắm đấm và la hét
    Thế nhưng chẳng có việc nào xong.

7. Tôi ngồi dưới bóng cây bên biển
     Rồi viết trong tiếng lá sóng rì rào
    Ai là tác gìa bài ca ? Xin nghĩ thử
    Nhà thơ hay bóng lá, biển xao ?

8. Giá bánh mì tăng lên từng ngày
    Giá con người giảm đi mỗi ngày
    Tình trạng này kéo dài bao lâu
    Rồi chúng ta sẽ đi về đâu .

9. Tôi không nói mình xấu từ trong nôi
    Tôi thành xấu, theo tháng năm cuộc sống
    Tôi không nói: Mình hiền từ trong nôi
    Tôi thành hiền, theo tháng năm cuộc sống
.
10. Thế gian này có ba loại người hạnh phúc:
    Loại thứ nhất – Người không biết gì
    Loại thứ hai – Là người mất trí
    Loại thứ ba – Thờ ơ với mọi điều.

11. Người ta hỏi nhà thơ:
    Anh đóng vai trò gì đối với quốc gia đây?
    Người đánh trống hay là người nhảy múa
    Hay là bệnh nhân thiếu thuốc chữa lâu ngày.

12. Sao trời không sinh ra tôi điếc
    Để khỏi nghe những lời tục tằn và xuẩn ngốc
    Sao trời không sinh ra tôi mù
    Để khỏi thấy những con lừa bạo chúa.
 
Nguồn:lethieunhon.com