1
Trương Nam Hương là nhà thơ được nhiều người yêu mến. Khá nhiều nguồn thông tin mách bảo với tôi như vậy, từ những năm anh chưa đi đến quãng cuối của tuổi hai mươi. Nhưng thời nào, với tác giả nào cũng thế, văn bản tác phẩm mới chính là cơ sở bảo chứng đáng tin cậy nhất. Tôi đã ít nhiều đọc anh từ độ ấy, và cũng nghĩ rằng không phải báo chí, dư luận bạn bè văn nghệ ở mọi trường hợp đều cộng thêm hoặc trừ bớt so với mức độ khách quan của giá trị thật.
Với tập thơ đầu tay, “Khúc hát người xa xứ” (1990), Trương Nam Hương bắt đầu cho người đọc có một cái nhìn khá trọn, mặc dù vẫn còn mơ hồ lắm (dè dặt lắm), về gương mặt thơ và giọng thơ anh, vì đường thơ, tuổi thi ca của anh còn quá dài. Nói đúng hơn, thật ra, ngay ở tập thơ đầu, ấn hành năm anh 27 tuổi, đã định hình, định thanh một Trương Nam Hương thi sĩ, nhưng không ai dám chắc anh còn hứa hẹn gì với tương lai ở những tập thơ khác -- liệu những tập thơ khác của anh có làm mờ nhạt, loãng lênh đi “Khúc hát người xa xứ”?
Hai năm sau đó, chắc hẳn người đọc từng quen biết thơ anh đã nhận ra độ chín ở nghệ thuật thi ca của Trương Nam Hương, qua tập thơ “Cỏ, tuổi hai mươi” (1992). Và đến nay, không kể hai cuốn văn xuôi, thơ dịch, anh đã xuất bản đến 8 tập thơ. Hai tập thơ gần đây nhất (2008) là “Ra ngoài ngàn năm” và “99 mini thơ”.
Mặc dù chưa đến lúc đọc và viết hết về tác phẩm của Trương Nam Hương, tôi vẫn muốn cái nhìn của tôi về thơ anh không đến nỗi phiến diện. Với ý định này, tôi đang hình dung ra thế giới Trương Nam Hương như một chiếc cầu dây văng, hai trụ cầu chính là “Cỏ, tuổi hai mươi” (1992) và “Ra ngoài ngàn năm” (2008), một áp đầu và một áp cuối; những thanh bê tông ghép (hay ván lát) mặt cầu, không là gì khác hơn 99 bài tứ tuyệt -- anh gọi là “99 mini thơ” – gom góp suốt chặng đường thơ đã anh trải và chủ yếu là mới sáng tác trong quãng không xa trước năm 2008. Vâng, đó là chiếc cầu dây văng mà một mố cầu bị sương mờ tạm thời che khuất, còn mố cầu kia, thuộc về bến bờ tương lai mờ xa, ta chỉ có thể nối bờ dự cảm bằng dự cảm, chính anh cũng chưa bước tới, chưa nhìn rõ. Chiếc cầu chữ H. Nó sừng sững giữa một dòng sông – dòng thơ Trương Nam Hương.
Mỉm cười khi chợt nghĩ, tôi đã thu nhỏ chính mình lại, để làm con chim từng một lần bay đến dòng sông Trương Nam Hương, từ lúc một trụ cầu “Cỏ, tuổi hai mươi” mới được dựng nên, chân cắm sâu vào lòng sông và đầu đâm lên cao vút giữa trời. Sau đó, tôi quên bẵng dòng sông với trụ cầu ấy. Mãi cho đến mấy hôm gần đây, lại thu nhỏ làm con chim năm nào, tôi lại bay đến, và chiếc cầu dây văng chữ H kia đã hình thành như vừa miêu tả. Và lúc này, tôi đang thong dong bay lượn, đáp xuống, nhẩn nha thả bước để nhìn ngắm chiếc cầu trên thế giới Trương Nam Hương.
2
Thế giới Trương Nam Hương trước hết chính là tuổi ấu thơ và thời niên thiếu của riêng anh. Anh được sinh ra tại Hà Nội, có những ngày tháng cha mẹ mang về Bắc Ninh quê ngoại để được bà chăm nom, rồi đến tuổi mười hai, anh lại cùng gia đình vào quê nội ở Huế. Ba năm anh sống, học hành tại Huế, cũng là thời gian tôi đang học tại Đại học Sư phạm. Huế không rộng, con đường anh ngày ngày tới trường, cũng nhiều lần tôi đạp xe qua đó; có thể cũng đôi lần tôi và Trương Nam Hương đã từng gặp nhau, nhưng chưa từng biết nhau. Người ta thực sự biết trên đời này có một Trương Nam Hương tài hoa là từ lúc anh làm thơ, đăng báo, khoảng giữa những năm 80/XX, rồi anh nổi tiếng hẳn là một nhà thơ, từ khi được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1991). Tôi cũng chỉ biết thế giới Trương Nam Hương từ thời điểm phát sáng ấy của anh.
Gia đình gồm bà ngoại, cha, mẹ, người chị và vài đứa em thôi, với một làng quê quan họ, một quãng phố Khâm Thiên, Hà Nội, với một góc cố đô Huế, nhưng với Trương Nam Hương, là cả một thế giới. Rất nhiều bài thơ anh viết trọn vẹn về những người, những cảnh thân yêu đó, và còn thấy thấp thoáng cả trong những bài thơ tình yêu đương nữa. Trương Nam Hương thuộc vào nhóm các nhà thơ hoài niệm, trung hiếu với cội nguồn – mãi mãi yêu thương, luôn luôn nghĩ đến, nhớ về thân nhân, quê hương mình, suốt cả quãng đời thơ.
“Trong tôi có chút sâu đằm
của Kinh Bắc với thâm trầm Cố Đô
sông Hồng hắt đỏ lên thơ
tôi buông lục bát xanh bờ Hương Giang
Lòng mình phải dễ đa mang
nên thương nhớ cũng ngổn ngang mấy dòng
ơi sông Hương, hỡi sông Hồng
giọng tôi lạc giữa mênh mông nỗi buồn!...”
(“Cỏ, tuổi hai mươi”, Tự bạch [1991], tr. 11)
Và điều khiến tôi nghĩ thế giới ấy là cả một dòng sông, chính là từ bài “Lời thưa”, Trương Nam Hương đã viết để “dâng cha”:
“Trong cha có một câu hò
trong câu hò có con đò sông Hương
trong sông Hương có nỗi buồn
trong thăm thẳm có vô thường thi ca
Con từ xa Huế sinh ra
nắng mưa thấm tiếng oa oa đầu đời
cha – dòng sông nhớ -- con bơi
đắng cay vào giọt mồ hôi bến bờ...”
(“Ra ngoài ngàn năm”, bđd., 2008, tr. 6)
Không tự khai sinh lại tên mình bằng bút hiệu, cũng không tìm cách định nghĩa khác đi cái tên cha anh đặt cho, anh khẳng định, ngay trong bài thơ được viết sau 17 năm, kể từ bài “Tự bạch”:
“Con cùng tên với dòng Hương
thơ con trắc ẩn cánh buồm, cha ơi!”
(“Ra ngoài ngàn năm”, bđd., 2008, tr. 7)
Còn cánh buồm kia, biểu tượng ruổi rong, vời vợi nói chung hay chỉ là cảnh rời xa quê xứ, tha hương, rất cụ thể, trong cả hai bài (1991, 2008), anh đều nhắc đến như cả một nỗi niềm. Nếu lần sau này, anh chỉ còn biết cô đặc lại nỗi niềm trong hai chữ “trắc ẩn”, thì lần trước đó, anh đã ngoắt vẫy đến rã rời, đuối luội cánh tay:
“Giờ xin ngồi khóc với nguồn
đuối bàn tay trước cánh buồm hút xa...”
(“Cỏ, tuổi hai mươi”, Tự bạch [1991], tr. 11)
Tôi cảm thấy có thể lí giải, vì sao Trương Nam Hương được bầu chọn là nhà thơ có nhiều người yêu mến nhất (1992). Vâng, thơ anh được yêu mến chính vì hình tượng người cha, được anh khắc hoạ, viết đến, tuy cũng chỉ là những gì trong thời chiến tranh và cả trong thời hậu chiến, mà lại rất dân dã hay đậm chất lao động nghèo thành thị, thật gần gũi với hàng triệu, hàng triệu người cha khác. Người cha trong Nam, người bố ngoài Bắc, thời nào mà chẳng vậy! Cũng trong hai bài thơ “Tự bạch” và “Lời thưa” ấy, chúng ta có thể đặt một cái nhìn đối sánh, ở dăm đoạn tiếp nối với những dòng đã trích:
“Giờ xin ngồi khóc với nguồn / đuối bàn tay trước cánh buồm hút xa / may còn dăm khúc dân ca / mấy câu hò để ngâm nga tháng ngày! // Gia tài của mẹ cha đây / tôi đem trang trải đất này quê kia / dòng sông từng hẹn tôi về / qua cầu... để rớt lời thề với em // Mẹ chờ tóc bạc theo đêm / cha thương chuốc rượu đến mềm cơn ho / em qua xuân sắc bao giờ / để chân lược nhắc chiều thưa mái đầu // Có gì sâu - rất thẳm sâu / nói ra cứ sợ làm đau cội nguồn / tôi bên gần của bờ thương / ầu ơ... ngồi dỗ nỗi buồn bờ xa” (1991)
“... cha – dòng sông nhớ -- con bơi / đắng cay vào giọt mồ hôi bến bờ // Nổi nênh quá tuổi dại khờ / con thương với Huế câu thơ luỵ tình / chênh vênh quá nửa Ngự Bình / Huế thương cho cả cung đình rêu phong // Thăng trầm dạ có, thưa không / thời gian mái đẩy long đong điệu hò / hồn cha giờ hoá con đò / mênh mang đầy cả giấc mơ -- suối nguồn // Con cùng tên với dòng Hương / thơ con trắc ẩn cánh buồm, cha ơi!” (2008).
Cũng là hình tượng người cha, ở một bài khác:
“Vầng trán cha ta lặng hằn tiên cảm
một câu nói chẳng bao giờ cha dám
đêm rập rình đom đóm tai ương”
và cũng nỗi đau nhức dân dã, lao động nghèo thành thị, mênh mang nghìn đời, cơ hồ trong dáng nét người cha hay ở những dải rìa tha ma hoang vắng:
“Hồn lau bạc cũng trở trời thao thức
nghe xương cốt của ngàn năm vẫn nhức
trắng im lìm như cát trắng, hư không!”
(“Ra ngoài ngàn năm”, Tạp cảm, 2008, tr. 14-15)
Người cha, người bố (người đàn ông), trong Nam, ngoài Bắc, vốn là chủ thể trong trận mạc, kể cả thời hậu chiến, một khi đã trở về với đời sống nhân dân và được viết đến một cách rất nhân dân, đời thường như thế, là đã xoá đi những giới tuyến, chiến tuyến, những địa vị cách bức. Thơ Trương Nam Hương do đó đi sâu vào tâm hồn người đọc cả hai miền Nam - Bắc. Có lẽ là như vậy chăng?
Người cha đã rất nhân dân như hàng triệu, hàng triệu người nông dân dân dã, hàng triệu, hàng triệu người lao động nghèo thành thị trên khắp đất nước, thì hình tượng người bà, mẹ, chị và em trong thơ Trương Nam Hương cũng rất gần gũi.
Người bà trong kí ức thời thơ ấu của anh, chúng ta không tìm thấy ở “Cỏ, tuổi hai mươi”, nhưng ở hai tập thơ kia, trong thơ anh, hình tượng bà ngoại cứ xuất hiện như một nỗi ngậm ngùi thương nhớ và tưởng tiếc khôn nguôi, đồng thời cũng là những gì thật ân cần, an ủi, vỗ về.
“Trĩu quang gánh một đầu xoong, đầu cháu
bà hớt hơ chạy bom đạn, khó nghèo
lấy Tiên, Bụt để dỗ dành rau cháo
chiếc đũa bà cổ tích cả nồi niêu!”
(“99 mini thơ”, Bà tôi, 2008, tr. 9)
Cũng như hình tượng người bà Miền Bắc trong chiến tranh ấy, hình như mỗi người đọc đều có lưu giữ trong kí ức mình hình tượng người bà Miền Nam, không những trong thơ mà cả trong thực tế bom đạn cùng thời. Nhưng chính những kỉ niệm về bà ngoại không nhuốm mùi bom đạn, mới thực sự sâu đằm trong Trương Nam Hương, hay ít nhất mới được anh thường viết thành thơ. Anh có những dòng thơ đượm chất tâm linh:
“Bà tựa lưng vào nguồn cội lặng thinh
gầy như khói trên trang thờ Tiên Tổ
da mặt ngoại như vỏ cây tróc lở
mắt nheo nhìn tươi mẩy những chồi non
tôi là mầm lá lon ton
nảy trong lòng mẹ vuông tròn bà mang
run trên gốc rễ cũ càng
tôi trong dáng ngoại, bóng làng chở che...”
(“Ra ngoài ngàn năm”, Thời nắng xanh -- kính dâng bà ngoại, 2008, tr. 89)
Niềm tâm linh ấy lại khởi từ những gì dân dã, khốn khó nhưng tràn đầy thương yêu, chăm lo:
“Gia tài ngoại là các con các cháu
là câu hát nương che ngày gió bão
là chảo nồi, chum vại, lọ và chai...
là mắm muối, tương cà, gạo đỗ
là mụn vải vá víu ngày thương khó
cúc tần xanh nghèo ngặt
cúc tần xanh...”
(“Ra ngoài ngàn năm”, bđd., 2008, tr. 90)
Đó chính là hình tượng người bà trong tâm thức dân gian, thăm thẳm nghìn đời!
Người mẹ trong đời thật của Trương Nam Hương, có thể cũng là cán bộ, viên chức như người cha của anh (vốn là một người lính tập kết ra Bắc, và là sĩ quan quân đội), nhưng một khi đã trở thành hình tượng thi ca, người mẹ chỉ còn là người mẹ thực chất. Anh viết về mẹ khá nhiều, và đó là những bài thơ đã đánh động niềm cảm xúc thiêng liêng mà gần gũi nhất trong mỗi người. “Trong lời mẹ hát”, “Năm tháng xa quê” (“Cỏ, tuổi hai mươi”), “Khói bếp xưa” (“Ra ngoài ngàn năm”) là những bài thơ như thế.
“Mẹ giờ hoá nén hương thơm đỏ
thương lặng nhìn ta chẳng rụng tàn
con thắt se lòng lo mẹ nặng
cõi người con vít cả chân nhang!”
(“99 mini thơ”, Mẹ, tr. 5)
Bài thơ cảm động nhất về mẹ -- người mẹ đã mất từ khi anh còn niên thiếu -- là một bài thơ rất thật. Ít ra, với tôi, quả là vừa thật vừa thơ, vì cách đây mấy hôm, chính mắt tôi đã thấy trên bàn viết của Trương Nam Hương, trong hộp kính, di vật của mẹ anh – đôi guốc nhựa --, và tôi đã góp ý với anh, xin hãy đặt vào nơi trang trọng, thiêng liêng, có trùm che khăn ren, ở chiếc giá ngay dưới ban thờ song thân. Nhưng với người đọc, vấn đề là chi tiết thật ấy có thành thơ và thơ có tâm linh hay không. Ôi, ngôn từ, với cách cấu tứ của thể tứ tuyệt, nén chặt để vỡ tràn, cảm xúc và suy tưởng không đậm tâm linh thế nào được, khi ở tháp vãng sanh nhà chùa (hay nghĩa trang) Trương Nam Hương cải táng di cốt mẹ xong, anh bước về trong nỗi băn khoăn trĩu nặng:
“Đưa mẹ vào Tháp cốt
quay về, con bần thần
quên hoá vàng đôi guốc
lên đó Người lạnh chân!”
(“99 mini thơ”, Băn khoăn, tr. 7).
Khi anh viết về đứa em gái, người chị, người bạn gái láng giềng côi cút, thì hình ảnh người mẹ cũng hiện về: “Tuổi nhớ”, “Mùa xanh” (“Ra ngoài ngàn năm”, 2008, tr. 30, tr.40-41). Thơ anh viết về chị, có chút gì như thể thầm trách chị đã trót vô tư đến “vô duyên”, để mặc thời xuân sắc qua đi:
“Hổng hơ mùa hạ qua rồi
thu nhớm nhớm tím
khoảng trời
chị tôi
ngoài đầm hoa súng nở phơi
đám mây vảy cá
ngồi soi
bóng chiều!”
(“99 mini thơ”, Chị, tr. 17).
Nếu chỉ riêng mảng thơ viết về những người thân và làng thôn, góc phố quê sinh cùng với quê ngoại, quê nội của anh, chúng ta có thể đồng ý với nhau là Trương Nam Hương thuộc vào nhóm các nhà thơ hoài niệm, trung hiếu với cội nguồn – mãi mãi yêu thương, luôn luôn nghĩ đến, nhớ về thân nhân, quê hương mình, suốt cả quãng đời thơ. Trương Nam Hương thuộc lớp nhà thơ khởi đầu sự nghiệp thơ ca của mình lúc công cuộc Đổi mới đang bắt đầu (1985...). Vả lại, chiến tranh chỉ còn đọng lại trong kí ức tuổi thơ, một tuổi thơ trực diện với bom đạn cũng chỉ khoảng dăm bảy năm (1965-1973), thậm chí ở vùng quê sinh, quê ngoại của anh, còn ít hơn thế nữa (1972-1973). Khâm Thiên, Hà Nội lại là nơi anh rời xa, sơ tán. Mười hai tuổi, anh đã vào Huế. Mười lăm tuổi, anh đã vào Đồng Nai. Anh trải qua đại học và thành đạt ở Sài Gòn (Tp.HCM.). Mãi đến 1985, hai mươi hai tuổi, anh mới về thăm Hà Nội. Do đó, gần như Trương Nam Hương giũ hầu hết những hệ luỵ chiến tranh, từ giọng điệu, cách suy cảm thi ca cho đến những gì trong đời sống thực hằng ngày. Người đọc sẽ ít tìm thấy nếu đến với thơ anh để nhìn rõ, ngẫm nghĩ về cái dữ dội của chiến tranh hay nỗi đau trầm thống của thời hậu chiến.
“Chiến tranh ủ khói trong lòng đất
Mẹ bới tìm con dọc cánh rừng
xin hóa gió ngồi lau mắt Mẹ
chết là tỉnh giấc!
Mẹ tin không!”
(“99 mini thơ”, Tỉnh giấc, tr. 17).
Chiến tranh - cõi đời như một ác mộng! Và đó là hậu chiến với bao Người Mẹ Việt Nam! Nhưng những tứ thơ loại này không nhiều trong thơ Trương Nam Hương.
Trương Nam Hương có sứ mệnh của riêng anh, vì tạng chất anh là thế. Anh bước vào thi ca với tiếng nói chan hoà, hội nhập, trước hết với bà con ruột thịt đúng nghĩa ở Miền Nam của mình. Thơ anh đạt ở độ sâu tính nhân dân theo cách của riêng anh. Và do đó, điều đáng quý nhất ở anh là nét truyền thống, đậm bản sắc dân tộc trong đời thường, trong khi đó, những người thuộc thế hệ anh, lại nhanh chóng đánh mất bản sắc Việt, truyền thống Việt. Có thể nói như Nguyễn Đình Thi về những hình tượng thân nhân trong thơ anh: “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”; hay như Tố Hữu: “bốn ngàn năm ta lại là ta”; thậm chí cay đắng như Nguyễn Duy, đại để và khác đi ít nhiều: ngẫm cho cùng, mọi cuộc chiến tranh có màu sắc nội chiến, kẻ nào thắng, đông đảo người chân thành đều bại.
Nhưng thế giới thi ca Trương Nam Hương không chỉ như thế. Anh còn là một nhà thơ về tình yêu đương, về tình bạn, tình đồng nghiệp. Có điều, ở khía cạnh nào, anh cũng trở về với những cung bậc tự nhiên nhất, không gò ép tình cảm, cảm xúc mình (tuy có chút gì tự nhiên kiểu phồn thực trong “lẽ thật” đến hơi thái quá, ở mức độ có thể không đáng kể lắm), nên thơ anh dễ tạo được sự đồng cảm, yêu mến (và thêm một chút thân mật…). Thậm chí, đôi khi (chỉ một hai bài mà thôi, chẳng hạn như bài “Tấm ảnh”...), anh minh hoạ cho một loại phân tâm học nào đó, có lẽ cũng có một phân số người đọc “hoan nghênh” anh (!).
3
Quả thật, thế giới Trương Nam Hương còn phong phú hơn nhiều. Ngay với tên của hai tập thơ, “Cỏ, tuổi hai mươi” (cũng là tên một bài thơ, tr. 38-39) và “Ra ngoài ngàn năm” (cũng là một cụm từ trong một bài thơ, tr. 28), đều không bao gồm cả mảng đề tài trên, mặc dù số lượng bài thơ, câu thơ về đề tài ấy là không ít.
“Cỏ, tuổi hai mươi” là một bài thơ tình, đọng cảm xúc, suy nghĩ khi tìm về vạt cỏ biếc, nơi anh cùng người yêu dấu đã ngồi, với thoáng chốc nào đó rất nguyên sơ và chỉ trong một thoáng dại khờ. Điều đó chứng tỏ thơ yêu đương của anh chiếm một tỉ lệ rất lớn.
Với “Ra ngoài ngàn năm”, thực ra, Trương Nam Hương nhẹ nhàng phê phán những thứ váy thời trang quá ngắn, xa lạ với truyền thống; đồng thời, ở nét nghĩa khác, cũng là những tháng ngày anh rời khỏi địa bàn văn hoá của dân tộc để đến với nước Mỹ xa xôi, giao lưu văn chương. Nhan đề của tập thơ không ôm trọn mảng đề tài viết về thân nhân cùng các loại quê hương của anh. Nhưng nói đầy đủ hơn, cũng chính từ căn bản là mảng đề tài gia đình, dân tộc mà anh “ra ngoài ngàn năm”.
Còn “99 mini thơ”? Đó chỉ là cách nói không truyền thống lắm về 99 bài thơ thuộc thể loại tứ tuyệt cổ truyền nhưng phá cách, hiện đại; trong đó, nội dung cũng mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực.
Trên chiếc cầu chữ H, ở hai đầu đều không và chưa thấy bờ, nếu mỗi người đọc thử làm con chim bay lượn, nhẩn nha thả bước, hẳn sẽ có nhiều khám phá hơn. Trước tôi, cũng đã có nhiều người theo cách của họ để khám phá ba tập thơ ấy.
Và tưởng cũng nên nói rõ, mặc dù không sành lắm nghệ thuật tạo hình theo trường phái sắp đặt, nhưng với chiếc cầu hình chữ H kia, tôi muốn nói Trương Nam Hương chính là Huế, chứ không phải HN (Hà Nội), cũng không phải Tp.HCM., mặc dù trong anh tồn tại, chất chứa, lắng đọng cả ba, cùng với Đồng Nai (quê ở), và nhiều vùng đất khác anh đã ghé qua, có lắm kỉ niệm. Thơ Trương Nam Hương chính là Huế với ngôn từ rất đẹp, đẹp có trau chuốt nhưng hầu hết vẫn rất tự nhiên, hình ảnh mới mẻ, cách cấu tứ khá cổ kính và chỉn chu. Thơ anh chính là Huế với những mùa hương quả chín đều. Thơ anh chính là dòng sông Hương luôn luôn lóng lánh từng ngấn nước.
Trần Xuân An
Khởi viết lúc 09:07, 09-9 HB10 (2010)
Viết xong lúc 20:15, cùng ngày
Chỉnh sửa: 7:05, 10-9 HB10.