Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÌM LẠI MÌNH TRONG ÁNG “PHÙ VÂN”

Đỗ Lâm Hà
Thứ tư ngày 15 tháng 9 năm 2010 9:53 PM

(Đọc “Phù vân” tập thơ của Trần Đại Bổng NXB Văn học 2010)
 
Trần Đại Bổng sinh năm 1939 ở Nam Định nay trú tại TP Hạ Long Quảng Ninh, là kỹ sư cầu đường nguyên giám đốc Ct Tư vấn xây dựng công trình giao thông Quảng Ninh, hội viên hội VHNT tỉnh Quảng Ninh. Tác phẩm đã XB “Thơ viết cho mình” NXB Văn học 2005 và “Phù vân” NXB Văn học 2010.
 
          “Ngẩn ngơ tìm tổ chuồn chuồn/ Hão huyền lẻ tiếng sóng cồn đêm thâu/ Bàng hoàng ai đánh mà đau/ Mơ giàu hoang tưởng đẫm màu phù vân…” (Phù vân). Tôi thật bất ngờ khi đọc đến bốn câu thơ kết tập “Phù vân” của thi sĩ Trần Đại Bổng, một kỹ sư thiết kế nổi tiếng ngành Giao thông tỉnh Quảng Ninh và đã từng làm giám đốc CTy Tư vấn nhiều năm, nay về hưu có điều kiện nhìn lại sự mình sự đời như thế. “Phù vân” vừa là cảnh - đẹp nên thơ êm nhẹ, mỏng manh vừa là tình - ẩn chứa bao điều hư thực, bức bình phong dễ mở dễ khép và có lúc che mờ cả không gian. Mây che mờ khuất núi non, mây phủ trắng mặt biển sông hồ nhưng sau lớp mây che có khi dầy đặc là đá núi triệu triệu năm chứa đựng cả lịch sử kiến tạo hành tinh, là độ nông sâu của biển cả sông hồ. Với thi sĩ Trần Đại Bổng “Phù vân” là sự đời thế thái nhân tình, ông vén bức màn phù vân ở từng ngõ ngách cuộc sống muôn hình muôn vẻ để chiêm nghiệm trong đó có mình: “Bạn trầm tư như kẻ ngồi thiền/ Luôn xao xuyến cùng ánh trăng và gió thổi/ Tôi say karaoke và vũ hội/ Khuya về nhà…ta chẳng khác chi nhau/ Trong khoảng trống…này chân lý ở đâu” (Khúc biến tấu tâm hồn). Một dấu chấm lửng luận về chân lý sự đời. Năm mươi tư bài thơ làm nên “Phù vân” khiêm nhường, sang trọng. Tập thơ đa đề tài đa thể loại gồm hai mảng chính – Thơ về những danh lam thắng cảnh trong và ngoài nước- Thơ tự sự về tình yêu và ngẫu hứng sinh tình. Xen giữa hai mảng thơ trên duy nhất có bài thơ ông ca ngợi tấm gương đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh rất khác với các nhà thơ đương đại, hàm ý lại sâu xa, thi pháp mới mẻ: “Hòa bình thống nhất đã từ lâu/ Rất nhiều đồng chí đã sang giàu/ Nhân dân nghèo khó còn không ít/ Tim Người con biết vẫn còn đau !” (Tim Người con biết vẫn còn đau) để minh họa một góc nhỏ của “Phù vân”, tác giả đã dầy công sáng tạo.
“Phù vân” như là một ký tự tâm hồn của thi sĩ khi đặt chân đến những danh lam thắng cảnh, những địa chỉ văn hóa trong và ngoài nước. Một loạt đến mấy chục bài về chủ đề này ông đã chế ngự được sự kể tả bằng mắt để nhìn bằng tư duy tâm hồn “Tiếng chim như tiếng gọi/ Khắc khoải rừng đại ngàn/ Thiên Mẫu nhìn không nói/ Đau sót lòng nhân gian” (Tản viên sơn). Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên, di sản của nhân loại. Một trong những bài thơ hay của nhà thơ dân tộc Cao Lan, Lâm Quí viết về vịnh “Ở đây đá nổi bồng bềnh/ Mây trời chìm xuống nước dềnh sóng xô/ Rồng đi từ thuở hoang sơ/ Tiên về chờ tím hồn mơ sớm chiều” (Hạ Long). Đây cũng là một bài thơ hay trong những bài thơ thi nhân các đời viết về vịnh Hạ long. Lâm Quí đã trực quan bằng mắt về cảnh biển trời non nước và cảm nhận bằng tâm hồn về truyền thuyết vịnh Hạ Long. Trần Đại Bổng coi Hạ Long như một cây đàn đá “Ngàn đảo đá/ Ngàn phím đàn/…/Lấp lánh âm thanh từ các vì sao/ Âm vang/ Từ ruột đất/ Vọng về/ Bản đại hợp xướng/ Thiên nhiên/ Kỳ thú” (Thấp thoàng Hạ Long). Đấy là kỳ thú về cảnh vật thi sĩ vừa nhìn bằng mắt vừa cảm về tâm tưởng, còn sau đây là thơ với tri thức của nhà khoa học. Bản đại hợp xướng thiên nhiên của cây đàn đá Hạ Long đã dội vào lòng thi sĩ, dội vào không gian biển trời: “Rung động/ Miệt mài/ Tiềng nấc/ Rừng đại ngàn/…/ Trốn vào lòng đất/ Triệu năm xa/ Tiếng gào thét/ Khủng long tiền sử/…/ Dưới bóng chiều tà/ Bày hạc biển/ Cánh dài/ Cắt gió/…/ Gom về đây/ Một viện bảo tàng” (Thấp thoáng Hạ Long).
 Thơ là ký tự thật nhất của tâm hồn. Thi sĩ vãng cảnh thủ đô “Tây Hồ trâu bạc về đâu/ Một hoang mạc gió cuốn chau mặt hồ/ Ngàn năm còn đến bao giờ/ Sâm cầm bay lượn vào thơ võng chiều” (Võng chiều). Đến Đồng Mô ngắm dự án bỏ hoang: “Sân gôn chẳng thấy bóng người/ Vòng quanh rào chắn người chơi vi hành” (Đồng Mô). Đến cố đô Huế “Dòng Hương đỏ thắm máu hoàng hôn/ Tím lịm tim tôi khúc nhạc buồn” (Một chiều cố đô). Đến Lạng Sơn, Nghĩa Bình “Đất nước đẹp giầu/ Ngàn năm văn hiến/ Sao nhiều Vọng phu!” (Vọng phu). Đến Trường Thành Trung Quốc “Ta muốn tìm lời giải/ Công, tội một con người” (Đi chơi trên Trường thành). Đến viếng mộ thi hào Nguyễn Du “Kiếp sống mòn theo dòng nước xoáy/ Đường đời lạc lối hận chưa khuây” (Viếng mộ cụ Nguyễn Du). Đến vườn vải Hải Dương “Mơ về Nguyễn Trãi đến Côn Sơn/ Suối cạn khe sâu đọng oán hờn/ Mây quyện hồn oan mờ vách núi/ Mưa rơi rả rích vọng u buồn” (Mộng Ức Trai). Tạng thơ ký tự của Trần Đại Bổng cứ như một quĩ đạo vận động cảm xúc không thể ly tâm – Một nét nhân tính riêng của nhà thơ.
Thơ tình trong “Phù vân” trong sáng và chân thành. Nếu chắp nối từ “Buổi đầu; Đi dạo; …” đến “Nhắn người” thơ khép kín một hành trình yêu lứa đôi. Sự tươi tắn, trẻ trung, nồng cháy của buổi ban mai bao nhiêu thì sự lo buồn gấp gáp xa xăm lúc sắp hoàng hôn cũng vậy “Bồi hồi đếm lá trên cây rụng/ Xào xạc vàng bay rải khắp đường/ Sấp ngửa đời yêu nhiều khờ dại/ Mong còn kiếp khác hoá uyên ương” (Không đề 1) hay “Giật mình lá đã vàng bay/ Yêu nhau hãy nhẹ nhàng say kẻo già” (Nhắn người). “Phù vân” có đến sáu bài chiều: “Võng chiều; Ba Bể chiều thu; Một chiều cố đô; Chiều; Cuối chiều; Chiều về” đều là những bức tranh gam màu lạt nhẹ, thu không “Người đang vào cuối mùa xuân/ Ta trôi qua tiết thu phân mất rồi/ Nhìn ai trắng muốt tiếng cười/ Ngẩn ngơ tôi đợi mắt người bay sang/ Chờ tia nắng quái muộn màng/ Dìu nhau qua chuyến đò ngang cuối chiều” (Cuối chiều). Nhà thơ hơi nói quá, làm gì đến nỗi phải dìu nhau mà nên “Rủ nhau qua chuyến đò ngang cuối chiều” sẽ đúng hơn.Thì ra mảng thơ tình này cũng ám ảnh bởi phù vân và gợi một chút thiền “Còn bao duyên nợ hành cho hết/ Để quyết vuông tròn một kiếp sau” (Bốn mươi năm).
 Trong áng “Phù vân” thi sĩ cảm thấy sự mong manh bao trùm tất cả “Mong manh sương/ Mong manh cỏ/ Mong manh kiếp người…” (Mong manh). Ẩn trong sự trôi nổi khuất lấp của phù vân vẫn là những bản chất của hiện thực cuộc sống và thi sĩ cũng tìm thấy mình trong đó “Tôi yêu bạn văn hay chữ tốt/ Bạn quí tôi trọng nghĩa khinh tài” (Nhớ bạn vong niên). Bài thơ “Khúc biến tấu tâm hồn” đã thông điệp cho bạn đọc về cá tính, nhân cách và phong cách thơ của hai người bạn thơ vùng mỏ trong áng phù vân “Đã một thời bạn ghét cay cái giả/ Nay say xưa những xúc cảm mơ hồ/ Cái cảm được mà không nhìn thấy/ Sự thần kỳ trong cõi hư vô…/Tôi hồn nhiên theo phái tự do/ Không nô lệ những giáo điều gượng ép/ Chẳng thích lách vào ô cửa hẹp/ Khi người đời náo nức chen nhau” (Khúc biến tấu tâm hồn).
Xuyên suốt “Phù vân” là nỗi giao mùa của một tâm trạng đã từng trải sự đời, sự mình. Tập thơ mang lại cho bạn đọc nhiều ấm áp trải nghiệm nhưng cũng đầy trăn trở dằn vật. Dù đi hết cõi mình vẫn không hết cõi thơ. Bằng lòng đam mê và tâm huyết, với chút “Trời cho”, Trần Đại Bổng đã góp ngọn nến vào ngôi đền thi ca. “Phù vân” của ông đã rất nên thơ. Khép lại “Phù vân”, đồng cảm với người bạn thơ mà tôi kính trọng: “Trời cao lẻ một cánh chim/ Đất dầy lẻ một vòm đêm lạnh lùng/ Đợi đò lẻ một dòng sông/ Hẹn hò với bóng người mong không về” (Phù vân)./.
ĐỖ LÂM HÀ
SN 58/01-Tổ 50-Phường Quang Trung-
TP.Thái Bình-ĐT 0987.221.404

MỘT SỐ BÀI THƠ TRÍCH TRONG TẬP “THƠ VIẾT CHO MÌNH” VÀ ‘PHÙ VÂN”
của Trần Đại Bổng
 
            thi sỹ
Tóc còn xanh nhương thơ anh già dặn
Mình bạc đầu thi pháp vẫn còn non
Anh tuyển thủ quốc gia trong đội bóng tròn
Tôi chân đất trong sân ban xí nghiệp
Thơ cần anh nhương không thể thiếu tôi
Mâu thuẫn ơư ?
Luật đời là thế đấy
Không có gió thổi taì năng bùng cháy
Làm gì còn thơ để toàn có thơ hay?
Từ bao đời cho đến hôm nay
Những
      Nguyễn Trãi
                Nguyễn Du
                    Hồ Xuân Hươơng
                           Tú Xươơng
                                Nguyễn Khuyến...
Đến Tản Đà
           Nguyễn Bính
                   Trần Đăng Khoa...
Những thi nhân đích thực tài hoa
Điếm danh sách trên tay chươa hết đốt...
Làm thơ
Tôi hiểu cái khó việc làm thơ
     Cảm nhận thơ hay đâu phải dễ
Phải ba trăm năm...
                Nguyễn Du bảo thế
Nay ta khóc chay
                          Chín suối
                                    Nguyễn cươời!
Thi sỹ thươơng ta chươa thể hiểu người
Nấm mộ Nghi Xuân
                         vẫn rầu rầu ngọn cỏ...
Ngươời vẫn cùng thập loại chúng sinh
                                      vi hành đây đó
Tìm phươơng hóa kiếp cho Kiều...
Thiên tài thơ ca hiếm hoi lắm
Hỡi em yêu
Đừng nhạo báng
 lúc thơ anh còn vụng dại
Để xuất hiện một nhà thơ vĩ đại
Bốn ngàn năm ta mới có một ngươời
Hơn hai trăm năm...Nguyễn đã qua đời
Ngàn thi sỹ
        sinh ra...
                       chết đi...
Còn những gì để lại ?
      Một tập thơ khá
      Một bài thơ hay
                          đã là may mắn
Nhiều tuổi tên một chữ cũng không còn!
Những danh tươớng
        Hương Đạo
                      Quang Trung
                         tên tuổi không mòn
Chinh vi vạn chiến binh hy sinh
                                              không ai thấy
Chúng ta phải đâu vì lẽ ấy
Bàn nhau gác bút bỏ làm thơ
                     Con ngươời nhươ máy hết mộng mơ
Nhân loại ngẩn ngơ
                              cho rô bốt tiếm quyền
Làm văn chươơng không tính toán bạc tiền
Cứ sống thực
       cứ mộng mơ
                       và cứ viết
Không có được bài thơ hay
Sau lúc chết
               Thì nhân gian
                                  Thi Sỹ
                                               vẫn trươờng tồn...
 
        với em
Trong mắt anh
Em tái hiện
Lâu lắm rồi không gặp
Bóng hình em
Ôi, gương mặt quen xưa trìu mến
Xa nhau... mấy độ thu rồi
  Trong tim anh vắng bặt cánh chim yêu
Đã từ lâu tâm hồn anh đổi khác
Và bất ngờ
Em 
           Cánh chim xa mạc
Đậu xuống lòng anh
  Giữa nắng chiều.