Tập thơ đầu tay của Bùi Thị Thu Hằng.
Bấy nay, cứ mỗi khi nhớ về phố biển Đồ Sơn là tôi thường nhớ những triền cát dài và phẳng chạy ngoằn nghoèo theo bờ sóng, khi sô bồ dữ dội, khi dào dạt êm đềm, nắng thật dài và gió rất rộng; những tòa cao ốc, khách sạn, nhà hàng cùng với những dòng xe cộ, dòng người cuốn theo nhịp sống du lịch thời hiện đại. Chưa khi nào tôi hình dung ra trong cái dòng chảy hối hả ấy lại có một phụ nữ bình dị vừa lo kinh doanh một mặt hàng cứng nhắc là vật liệu xây dựng vừa mềm mại với phong thái thi ca. Nói cho đúng hơn: lúc giao tiếp với khách hàng là khi cô giăng cái “ăng ten” trong đầu ra thu nhận vốn sống; khi chỉ còn mình cô với biển, cảm xúc dâng trào, cô mới cầm bút làm thơ. Người nữ sĩ ấy tên là Bùi Thị Thu Hằng (Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng), tác giả của tập thơ Lặng lẽ cánh buồm em mà tôi đang có trong tay.. Bùi Thi Thu Hằng sinh năm 1972. Nghĩa là Hằng sinh ra thì Đồ Sơn vẫn còn là một thị trấn hoang tàn vì chiến tranh, không gian hưu hắt, tanh nồng mùi cá tôm và rong biển, nhưng khi cô lớn lên thì Đồ Sơn đã trở thành một quận của thành phố Hoa phượng đỏ Hải Phòng, nó là một Đồ Sơn của thời mở cửa, nhiều sắc thái văn hóa Đông-Tây-Âu -Á đã tràn về khu du lịch này. Cái hơi hướng của Đồ Sơn hiện đại không thể không ùa vào trang thơ của Bùi Thị Thu Hằng:
...Phố biển choàng khăn thiếu nữ
Hội nhập thời trang.
Cánh sóng hào nhoáng vương miện
Thăng hoa nhịp nhịp còi tàu...
(Cảm thụ xuân)
Và cũng như nhiều thi sĩ trẻ khác, trong Lặng lẽ cánh buồm em có nhiều bài Bùi Thị Thu Hằng viết về tình yêu. Tình yêu của người miền biển chân thật và cũng lắm sóng nhiều gió như đại dương. Anh như biển thì em không thể không là dòng sông đổ ra giao thoa với biển:
...Sông lòng em lặng lẽ âm thầm
Lục bình lặng câm
Lênh đênh bão tố...
(Khát vọng dòng sông)
Có khi tác giả không cần phải giấu giếm cái kì vĩ muôn điệu của đáy lòng khi đang yêu, bằng những câu thơ khá mới lạ:
...Cỏ dại chân thật
Khúc tình tự thời gian
Heo may hong nỗi mình
Đa đoan gió sắc...
(Vô đề)
Bởi thế, người đàn ông nào được người phụ nữ này yêu không thể là một kẻ tẻ nhạt, vô vị:
...Người không biết làm ta khóc
Nên sao thấy được ta cười
Người đâu cho cơn hờn giận
Thì sao thấy được ta vui...
(Khoảng trời)
Trong tình yêu, có khi sự vụng dại, khờ khạo lại là một thứ men say:
...Tôi thầm ghen với sóng
Cứ chồm lên sục sôi
Chả như ai lóng ngóng
Mắc cạn ánh mắt rơi...
(Chiều trên biển)
Trong tập Lặng lẽ cánh buồm em có một tỷ lệ khoảng 1/3 số lượng bài thơ viết theo thể lục bát. Xưa nay, những người sống ở nông thôn, hay sống ở thành thị nhưng có nguồn cội nông thôn, tắm tưới trong cái văn hóa làng xã, khi làm thơ sẽ thuận với thể lục bát hơn, bởi lục bát là loại thơ cổ, rất gần với ca dao, dân ca của đồng quê. Bùi Thị Thu Hằng lớn lên ở phố biển Đồ Sơn thời phát triển đô thị hóa, sự giao thoa văn hóa đã thổi vào hơi thơ lục bát của cô cái hơi thở hiện đại, khiến không chỉ người nhà quê mới thích đọc:
...Con vui về phía tiếng cười
Mẹ tìm xác chữ muôn lời đẩu đâu
Giấc mơ cầm được nông sâu
Ai hay tiếng sét ở đầu cơn giông
Hạt mưa vẫn rối bòng bong
Chảy xuôi như lệ nguồn sông tháng ngày...
(Tặng con gái)
Rõ ràng những vần thơ lục bát ở đây không còn vẻ tĩnh lặng trong tâm tư của con người sống trong bao bọc lũy tre làng nữa; nó đã mang cái nhịp sống động, âm hưởng đô thị.
Bùi Thị Thu Hằng sống chân thật, hiền hậu, nhưng khi cần phải “phá phách” thì giọng thơ của cô cũng sắc lẻm:
...Bàn tay mắc nợ trời xanh
Chậm trả nửa đời sấp ngửa...
(Đêm đồng tâm)
...Mẹ kể chuyện loài ốc sên
Mới học leo trèo bằng lưỡi
(Mẹ)
...Người không biết uốn đầu môi
Em đành yêu cả những lời của gai...
(Lời của gai)
Qua tập thơ Lặng lẽ cánh buồm em, dù mới chỉ là tác phẩm đầu tay, Bùi Thị Thu Hằng đã chứng tỏ một nội lực dồi dào, một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng khiến chúng ta hình dung cô sẽ có những bước đi vững chãi tiếp theo trên con đường thi ca không mấy bình yên, không mấy bằng phẳng. Và vì thế ta có quyền tin vào sự thành công của cô.
Hà Nội, tháng giữa thu 2010.
CHÙM THƠ CỦA THU HẰNG
Người không biết uốn đầu môi
Em đành yêu cả những lời của gai
Vẫn còn hơi ấm ban mai
Chợ đời dành lại cho hai đứa mình
Cố vun vén chút tang tình
Dầu không trúc đứng sân đình khoe duyên
Đâu rồi lúng liếng mắt huyền
Cũng nào má phấn, tóc đen trao người
Bóng chiều chia nửa xa vời
Con tim còn khát những lời bùa mê
Chín giông mười gió bộn bề
Anh vin ngọn sóng vỗ về bờ em
Tiếng chì, tiếng bấc đời đem
Câu thơ chẳng thể lấm lem tháng ngày
Nỗi riêng đọng ở cuối mày
Như sông mắc cạn hao gầy đợi mưa
Vẫn tin có phật bên người
Nghìn tay, nghìn mắt thấu đời trắng đen
Ưu phiền bao nỗi không tên
Oan khiên như nứơc trắng miền tháng năm
Mong sinh linh ấm chỗ nằm
Anh theo tiếng mõ ru đằm ca dao
Trót tin cả trận mưa rào
Ai hay sấm sét đánh vào cỏ cây
Cha giờ Hạc lội ngàn mây
Anh còn lăn lóc tháng ngày hư không
Lệ giòng quặn thắt nguồn sông
Mẹ hiền vẫn thuở bế bồng yêu tin
Khi buồn rong ruổi cánh chim
Khi đau cũng chỉ biết tìm cao xanh
Giấc mơ mờ nhạt mong manh
Ở hiền mà chẳng gặp lành thế thôi
Cơ giời vận nứơc mấy mươi
Xung quanh bao trận bão người bủa giăng
Mây còn che kín đường trăng
Rào gai cứa vết sâu bằng cơn giông
Thương anh giữa chốn chênh chông
Tay cầm tràng hạt phập phồng niềm xa
Không còn khuyết, chưa đủ tròn
Con xa giấc mẹ chập chờn sao nguôi
Con vui về phía tiếng cười
Mẹ đong xác chữ mựơn lời đẩu đâu
Giấc mơ cầm đựơc nông sâu
Ai hay tiếng sét ngang đầu cơn giông
Hạt mưa vẫn rối bòng bong
Chảy xuôi như lệ nguồn sông tháng ngày
Người xưa sấp ngửa rãnh cày
Áo manh gìn nếp thẳng ngay giữ tình
Đói nghèo chẳng kể nhục vinh
Nắng mưa kiếp cỏ yên bình hề chi
Điều hay con phải nhớ ghi
Dở thì cũng thấu phòng khi chính mình