Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÝ BẠCH CON ĐẠI BÀNG CỦA THI CA

Đắc Trung
Thứ tư ngày 26 tháng 1 năm 2022 1:23 PM


Lý Bạch tự Thái Bạch, sinh năm 701 sau Công nguyên, thời vua Đường Huyền Tông. Cha là thương nhân, song truyền thống gia đình giàu học vấn. Năm tuổi đi học. Bẩy tuổi đã đọc thấu các sách kinh điển như: "Kinh thi", "Kinh thư"… Lý Bạch say mê "Bách Gia Chư Tử", "Trang Tử" và "Sở Từ", ảnh hưởng sâu sắc Lão Tử: “Điều lớn nhất là lập đức. Kế đó lập công. Kế đó nữa lập ngôn”.

Ông thề quyết chí phải “lập" cho được cái gì mới không uổng kiếp người.

Thôn Thanh Liên, huyện Xương Minh, Miên Châu quê hương đối với con người có chí lớn ấy trở nên quá hẹp. 20 tuổi ông chu du thiên hạ. Đến Thành Đô tìm cách ra mắt Tô Đĩnh, một đại quan danh tiếng.

Qua thi văn Tô Đĩnh khen Lý Bạch nhưng không tiến cử bởi thấy Lý Bạch qúa trẻ.

Lý Bạch lại đi Du Châu mong tìm gặp Thứ sử Lý Ung, nhưng không gặp.

Ông buồn bực trèo lên đỉnh núi Nga Mi mong tìm tiên nhân tính việc tu hành luyện đan. Cũng không thành. Ông trở về quê tìm đến chùa Đại Minh Tự ép xác khổ hành tu chí học tập suốt ba năm trời. Ông nói: "Không sợ trong đời không có ngọc Minh Châu, chỉ sợ trong đầu không chứa một quyển sách".

Sau đó ông lại du ngoạn khắp nơi tìm gặp các bậc đại danh đỗ đạt cao, rất khát khao được ra mắt Bá Nhạc.

Chí của ông: "Muốn làm đại bàng, không hót thì thôi, đã hót phải làm mọi người kinh ngạc. Không bay thì thôi, đã bay phải vút tận trời xanh". Ông mong làm được như Trương Lương đời Hán giúp bá tánh giữ yên xã tắc và biết rút lui kịp thời khi nghiệp lớn đã thành trở về với suối nước trong rừng vắng sống trọn tuổi già.

Năm 24 tuổi Lý Bạch lại lên đường chu du.

Cảnh núi sông hùng vĩ, tập quán, phong tục làm say lòng nhà thơ. Trèo lên các đỉnh núi cao. Ông gặp Tư Mã Thừa Kinh, một đạo hạnh cao thâm, học vấn uyên bác, nhân cách phi phàm, mấy lần được vua phong tước lớn ông đều từ chối.

Lý Bạch rất ngưỡng mộ Tư Mã Thừa Kinh, coi ông như con đại bàng khổng lồ trong sách Thần Dị Kinh. Ông viết bài “Đại bàng phú”. Ông khát khao mình trở thành cá Côn Bằng khổng lồ mà sách Trang Tử nói đến. "Con cá đó bơi theo dòng nước ấm trên biển lớn, đón vầng thái dương từ từ nhô cao. Rồi bỗng chốc biến thành chim đại bàng vỗ cánh bay lên không trung khiến ngũ nhạc rung chuyển. Rồng lửa soi sáng cho nó, sấm sét mở đường cho nó, Thần Mây, Thần Sông, Thần Núi, Thần Biển đều hồn siêu phách lạc".

Mới biết cái chí lớn của Lý Bạch thật phi phàm hiếm thấy.

Ông tìm đến đất Kim Lăng, nơi đã từng là Kinh đô của các bậc đế vương suốt 300 năm. Mang tác phẩm của mình ra mắt các bậc danh tài mong gặp được Bá Nhạc.

Không đạt, ông lại rời Kim Lăng đi Dương Châu, An Châu.

Ơ’ An Châu có họ Hứa nhiều đời làm quan đại triều. Nhờ Mạnh Thiếu Phủ giới thiệu, Lý Bạch được làm rể gia tộc lừng lẫy tiếng tăm này.

Để đạt chí lớn Lý Bạch đi Trường An.

Nhờ mối quan hệ của nhạc phụ, Lý Bạch vào được phủ Thừa tướng Trương Thuyết. Nhưng kết quả cũng chẳng tới đâu. Buồn, ông viết hai bài thơ nổi tiếng “Hành lộ nan” và “ Thục đạo nan”.

Rời Trường An, khong muốn về nhà, ông ngồi thuyền theo sông Hoàng Hà xuống phía Đông vùng Lương Tống nơi có biết bao di tích cổ thu hút. Ông cảm thấy như được gặp các danh tài xa xưa như Tư Mã Tương Như, Mai Thừa, Trần Dương… đời Hán. Ông viết bài “Liên viên ngâm” nổi tiếng.

Rời Lương Tống ông đi tới vùng núi Tung Sơn, leo đủ 36 ngọn cao chót vót bốn mùa mây phủ để tìm tiên du học đạo luyện đan. Ông khắc đề bài thơ: “Lương phủ ngâm” của mình lên vách chùa Phụng Tiên Tự.

Ông giao du với các văn nhân mặc khách và được mọi người ngưỡng mộ. Suốt ba năm liền Lý Bạch mới trở về nhà ở An Lục. Hai vợ chồng ông dọn đến ở Đào Hoa Nham. Song buồn chán. Máu giang hồ lãng tử không cho ông gắn mình với điền ấp, luẩn quẩn thê nhi, ông quyết ra đi phỉ chí tang bồng mong lập nghiệp lớn.

Thế là Lý Bạch lại lên đường du ngoạn vùng Tương Dương. Rút cuộc cũng chẳng tới đâu, ông lại trở về nhà. Trên đường về gặp bạn tri âm là Sầm Huân và Đơn Khâu. Cả ba cùng uống rượu. Rượu càng say Lý Bạch làm thơ càng hay. Ông ứng khẩu đọc đến đâu Sầm Huân và Đơn Khâu chép đến đấy mà bài nào cũng tuyệt tác.

Bài “Tương tiến tửu” bất hủ ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Năm 740 vợ ông đột ngột qua đời. Buồn nản vô cùng. Ông phải dắt hai con về An Lục, đến Đông Lỗ và sống trôi nổi phong trần. Lúc này, mới 36 tuổi, nhưng tiếng tăm ông đã lừng lẫy với những thi phẩm tuyệt tác được truyền tụng khắp thiên hạ.

Tháng tám, Thiên bảo niên, Lý Bạch nhận được chiếu chỉ của vua triệu về kinh. Ông đoán chắc nhờ bạn là Đơn Khâu tiến cử. Thực ra danh tài Lý Bạch nhà vua đã được nghe, nay cần một văn nhân giúp nước nên vời Lý Bạch. Năm đó Lý Bạch 42 tuổi.

Nhà vua ban chức Hàn Lâm học sĩ. Ông nhận chỉ dụ phải viết các bài thi phú ca ngợi công đức nhà vau và triều Đường.

Được sủng ái, Lý Bạch muốn gì được nấy và trở thành người nổi tiếng số một đất Tràng An.

Nhưng trong lòng ông rất buồn chán.

Ông cảm thấy nhân cách cao vọng của nhà thơ chân chính đang dần phai nhạt. Những sĩ phu đáng kinh dần xa lánh. Ông nhận ra mình vô tích sự. Không còn chí lớn. Không còn là mình nữa.

Ông sống buông thả, say sỉn suốt ngày. Nhà vua và cả Dương Quý Phi đều cho rằng người này “không phải nhân tài tốt để sử dụng trong triều đình” và cư xử lạnh nhạt.

Nhiều người căm ghét Lý Bạch. Lý Bạch dâng sớ xin vua cho “về núi”. Thơ ông càng bi phẫn. ("Mộng du thiên mụ ngâm ly biệt”).

Buồn chán, ông lấy Đạo giáo và mượn rượu tiêu sầu. Nhưng sầu không tiêu nổi. Ông lại lao vào các chuyến viễn du mong tiêu dao và trút lòng mình vào thơ.

Ông leo tận đỉnh Thượng Thiên Đài chót vót có thể “dơ tay hái sao Trời” khiến ông tưởng mình đã thành tiên. Ông viết bài : “Đăng cao khâu nhi vọng viễn hải”.

Khi đến Kim Lăng, bao sự kiện làm ông bàng hoàng. Bầu bạn ông, những tao nhân mặc khách lần lượt bị giáng chức, lưu đầy, bị đánh chết, bị hàm oan… bởi một tay Tể tướng Lý Lâm Phủ gây ra. Đường Huyền Tông si mê Dương Quý Phi bỏ bê xã tắc. Triều đình phe phái, gian nịnh lộng hành. Trung thần bị sát hại. Rất nhiều bài thơ tố cáo sự tàn bạo của triều chính gây xôn xao thiên hạ.

Người ta đồn rằng thơ đó của Lý Bạch.

Lý Bạch lưu lạc giang hồ. Ông thấy việc “lập công” không đạt, nên lo “lập ngôn”, tìm nơi ở ẩn để sáng tác thi ca. Ông viết: “Khổng Tử viết Xuân Thu đã làm bọn loạn thần tặc tử phải sợ. Vậy ta cũng sẽ lưu danh xấu của bọn loạn thần tặc tử và hôn quân trong thi ca của ta”.

Ông vào ẩn cư trong núi sâu. Bên ngoài loạn An Lộc Sơn. Thiên hạ chứa chất đau thương do nội chiến. Lý Bạch bị bắt và bị tống giam về tội phản nghịch. Ông kêu oan. Sau bị lưu đầy tại Dạ Lang.

Trên đường lưu đầy thật thê lương ông trút cả vào thơ.

Thơ ông phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội thời mạt vận và nỗi thống khổ của lương dân. Danh tiếng của ông dần dần lại vang dội trở lại trong đời sống xã hội. Những sĩ phu khả kính lại gần gũi ông như xưa.

Rồi bỗng nhiên ông được ân xá.

Dẹp xong loạn An Lộc Sơn, đất nước thanh bình. Không được triều đình tin dùng, Lý Bạch sống phiêu bạt đó đây.

Đến Đương Đồ ông gặp Lý Dương Băng là bạn cũ. Lý Bạch lâm bệnh. Biết mình khó qua khỏi, ông uỷ thác cho bạn các bản thảo thơ ca của mình hy vọng bạn tập hợp, viết lời tựa giúp ông.

Đọc hết di cảo của Lý Bạch, Lý Dương Băng rất cảm động.

Rất may Lý Bạch qua khỏi, ông lại phiêu bạt giang hồ.

Ông chết ở đâu, ngày tháng năm nào cho tới nay vẫn không biết. Người ta chỉ phỏng đoán ông qua đời mùa đông năm 763, thọ 63 tuổi.

Bài thơ cuối cùng của ông để lại là: “Lâm chung ca”. Trong thơ ông vẫn ví mình như Đại bàng khổng lồ.

Bởi ông cho rằng thi ca của ông sẽ truyền tụng mãi và sẽ trở thành bất hủ.

Điều đó đã thành sự thật.

Lý Bạch được công nhận là “Danh nhân văn hoá thế giới” và thi ca của ông trường sinh bất tử.