Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỤC DIỆN MỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG ?

Theo FB Luutrongvan
Thứ ba ngày 18 tháng 1 năm 2022 9:40 AM
Báo cáo số 150 của Cục Đại dương - môi trường - các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rõ: "yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông là phi pháp".
Nên nhớ hai chữ "toàn bộ" để thấy cách nhìn toàn diện của Mỹ về vấn đề Biển Đông: không cho Trung Quốc một đoạn nào trong 9 đoạn bao trùm cả Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Như vậy từ thời điểm này, theo cách nhìn nhận của Mỹ thì toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc như khảo sát khoa học biển, các sáng kiến hợp tác vận tải biển, phát triển đối tác kinh tế biển trên Biển Đông đều vô hiệu trước luật pháp quốc tế.
Phán quyết mạnh mẽ này của Mỹ đã hậu thuẫn cho khối A5 gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông, vừa hình thành.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế về Báo cáo 150 thì:
"Trên cơ sở báo cáo số 150, Trung Quốc dường như đã mất hoàn toàn cơ sở pháp lý để có thể duy trì hiện diện trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Khi không còn là bên có hiện diện hợp pháp trên Biển Đông, thì các lập trường đơn phương của Trung Quốc vốn quá xa rời với phần còn lại của ASEAN không thể tiếp tục cản trở tiến trình đàm phán định hình trật tự pháp lý khu vực".
Việc ra đời nhóm A5 cùng sự hậu thuẫn pháp lý của cường quốc số 1 thế giới, cục diện mới trên Biển Đông phải chăng đã xuất hiện?
Đó là, với sự chủ đạo của khối A5, Asean hoàn toàn có thể bàn đến viễn cảnh tách ra thực hiện một cuộc đàm phán về COC riêng của khối, trước khi mở rộng sự tham gia đến các nước bên ngoài trong đó có Trung Quốc, chỉ với tư cách một bên có quan tâm.
Điều này trở lại theo đúng như cách ASEAN đã bắt đầu đàm phán với nhau về Tuyên bố ứng xử về các bên ở Biển Đông (DOC) từ năm 1992 và đến 10 năm sau Trung Quốc mới gia nhập.