Không nhớ rõ, từ thời điểm nào, nhà văn Thu Trân bộc bạch trên trang Faceebok của mình ý định sẽ viết một cuốn sách về Covid-19. Đó là thời điểm Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM phát hiện ra hai cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán mắc Covid-19? Hay từ thời điểm ổ dịch Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú? Hay từ ngày Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên mang số hiệu BN17, đi trên chuyến máy bay VN0054 bay từ London về Hà Nội?
Bạn bè không hoài nghi gì ở quyết tâm của Thu Trân- một tác giả đã từng có hơn 30 đầu sách được đồng nghiệp và bạn đọc tín nhiệm. Nhưng ở thời điểm ấy, đại dịch Covid cũng mới chỉ bùng phát ở Việt Nam và trên thế giới. Y như đang nín thở theo dõi một chiến dịch mới nổ súng trận mở màn. Tự nhiên bạn hữu, đồng nghiệp của nữ tác giả không khỏi thấp thỏm đặt ra một câu hỏi: cuốn sách mới của Thu Trân sẽ đột phá theo hướng nào? Sẽ giải trình quan sát và chiêm nghiệm bằng phương tiện gì? Có tránh được những vấp váp của sự nôn nóng, vội vã không?
Xin giới thiệu ngay, nhân vật chính trong hơn 400 trang sách có tựa đề Thế giới phẳng mùa Covid là Nghiễm Hoàng, một nữ công dân Việt Nam đã sống và làm việc hơn 20 năm tại Trung Quốc, có người tình là người Trung Quốc. Và điều này mới đáng nói, trang viết mở đầu khi Nghiễm Hoàng đang sống tại Vũ Hán, vào ngay những ngày tháng thành phố này hứng chịu tai họa của nạn dịch Covid -19.
Chạm tới ổ dịch Vũ Hán, chạm tới một sự việc nóng và nóng lâu như thế của năm 2020, tác giả Thế giới phẳng mùa Covid mặc nhiên phải “chiềng mặt” với thể phóng sự báo chí . Thử thách người viết ngay từ đây. Sách mang chất phóng sự nên tác giả phải hành xử đúng với yêu cầu của thể loại: dày công theo dõi, ghi chép diễn tiến, sức khái quát cao, tỉnh táo và sắc sảo khi “bình” các sự kiện.
Nghiễm Hoàng không mắc bệnh dịch nhưng vẫn bị “nghi ngờ” và bị “giam” trên tầng trên cùng ở một bệnh viện lớn tại Vũ Hán. Trong những ngày dài này, cô hưởng chế độ bánh mì khô và nước uống đóng chai như những người bị nhiễm coronavirus khác. Họ cùng bị cách ly trong tình trạng còn đáng sợ hơn bị giam lỏng. Người cha của Nghiễm Hoàng bị giữ ở tầng dưới vì cũng bị nghi nhiễm coronavirus. Mẹ cô bị ung thư nằm ở một bệnh viện khác, khi bà qua đời Nghiễm Hoàng cũng không được gặp mặt. Cô cũng không liên lạc được ngay cả với Khổng Tước, người tình còn khoẻ, đang sống ngay trong thành phố Vũ Hán. Từ sớm mai tới sẩm tối, thành phố dáo dác tiếng còi hụ của xe chở xác lẫn tiếng quạ kêu theo đám người mới hồn lìa khỏi xác vì dịch bệnh. Cellphone của người chết chất thành đống trong công viên. Có thể nói bằng bút pháp phết phẩy đậm nhạt của bức tranh quốc họa Tàu, chỉ qua mấy trang đầu, nhà văn đã dựng lên trước mắt người đọc không khí ngột ngạt, ảm đạm, thê lương của Vũ Hán trong cơn dịch bệnh.
Không chịu nổi bức tranh ảm đạm của dịch bệnh, Nghiễm Hoàng rời bỏ Vũ Hán về sống tại quê hương Việt Nam. Cây bút phóng sự Thu Trân tiếp tục chộp bắt và ghi lại một loạt những diễn tiến có thật trong một trăm ngày đầu đất nước gồng mình chống trả và chống trả có kết quả với đại dịch Covid. Cảnh lĩnh gạo cứu trợ ở một cây ATM nào đó mà người đến lĩnh không ăn mặc đàng hoàng phải khai lý lịch. Vụ mua một bộ xét nghiệm Covid giá 2 tỷ đồng khai khống lên thành 7 tỷ đồng. Tin tức công an “sờ gáy” những kẻ đưa tin nhảm trên mạng hoặc rao bán thuốc ngừa Covid dỏm. Tin về viên phi công nước ngoài bị mắc Covid được chữa chạy ưu ái và tích cực ở Việt Nam. Và còn rất nhiều sự biến do đại dịch gây ra trên phạm vi toàn cầu cũng không bị tác giả bỏ quên. Thủ tướng Anh mắc dịch và khỏi bệnh. Việt kiều tại Mỹ nấu những bữa ăn tặng các bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch. Hãng Abbott lừng danh với sản phẩm sữa Ensure đã tập trung sáng chế ra bộ xét nghiệm virus có tốc độ nhanh nhất. Số người chết vì mắc Covid tại Mỹ đã bỏ xa con số bằng tổng số lính Mỹ chết trận trong cả hai cuộc chiến tranh tại Triều Tiên và Việt Nam cộng lại…
Kể ra, thống kê như thế không phải làm chức năng thông tin. Nhớ rõ mọi diễn tiến, buộc mọi người như cùng nhớ với mình không như một sự liệt kê lạnh giá. Thấy ngay trong Thế giới phẳng mùa Covid, tác giả vận dụng chất phóng sự tân văn một cách có chọn lọc, được chăm chút kỹ càng; có dụng công để nhắm tới cái đích tạo không khí cho những trang viết về một sự kiện nóng hổi nhất, sôi sục nhất, cuốn hút sự quan tâm nhất mà giới viết lách đang động chạm tới. Và cái đích xa hơn mới là điều đáng nói: để trợ giúp cho các tính cách nhân vật được khai mở, các mâu thuẫn được bùng phát, bởi lẽ Thế giới phẳng mùa Covid chính là một cuốn tiểu thuyết thực thụ!
Từ nhân vật chính, nhân vật xuyên suốt Nghiễm Hoàng, rồi người tình Khổng Tước, tác giả sẽ dắt tay chúng ta làm quen với cả một thế giới đông đúc các nhân vật khác như Bạch Tùng, Nguyễn Hữu Tiến, Trí Hải, Khả Cơ… và những người nước ngoài như John, như Jack, như viên phi công mắc bệnh Will. Những nhân vật đang sống, đang yêu nhau hay đã ghét bỏ nhau và cả những nhân vật đã thành “hồn ma bóng quế” đang sống vật vờ vì oan khuất…
Với bút pháp cứng cáp, điêu luyện của một cây bút tiểu thuyết đã có thâm niên, nhà văn Thu Trân đã đưa người đọc vào một thế giới các sự việc với diễn tiến dồn dập; với không gian đa chiều trong nước lẫn nước ngoài; với lý lịch và cung cách ứng xử vừa của người, vừa của ma. Nhưng qua từng trang từng trang, vừa thắt vừa mở, tác giả đã thoát bẫy phóng sự tân văn một cách an lành, ngoạn mục.
Người viết những dòng này muốn dành cho bạn đọc niềm hứng thú khi khám phá bút pháp tiểu thuyết của nhà văn. Chỉ xin được gợi ra đây vài cảm nhận riêng của mình.
Ngôi thứ nhất - “cái tôi” của người thuật chuyện không hề cố định. Tác giả đã để “cái tôi” ấy tự uyển chuyển khi từ nhân vật Nghiễm Hoàng chuyển qua Bạch Tùng, rồi Jack, rồi bất ngờ là lời kể của “người tình ma” Ngũ Long hay sự giãi bày của người tình Khổng Tước. Việc chuyển ngôi “tôi” thuật chuyện ấy trước hết đã cho tác giả tạo dựng một thế giới tâm lý, tính cách đa chiều của các nhân vật. Tiếp theo việc chuyển ngôi “tôi” thuật chuyện như vậy tựa như một phép montagie trong điện ảnh, giúp chuyển đổi không gian và thời gian rất nhanh bằng những cú cắt tiếp bất ngờ. Cũng với cách chuyển đổi ngôi “tôi” thuật chuyện, dung lượng của từng đoạn từng chương và cả cuốn sách bỗng như được nén lại, trở nên dày dặn, súc tích hơn.
Thế giới phẳng mùa Covid cũng minh chứng được năng lực đan cài chi tiết, gây mầm tích chuyện; tức năng lực thiết kế xung đột, tài dàn quân bày trận của tác giả. Nghiễm Hoàng rời khỏi mảnh đất chết Vũ Hán, không biết cha mẹ được chôn cất nơi nào, hụt hẫng trước người tình Khổng Tước, chạy trốn về Việt Nam - dù cũng đang trong cơn dịch bệnh nhưng cũng dễ thở hơn. Bạn có cảm giác như tôi không, đến đây câu chuyện có thể chấm dứt rồi. Nhưng về Việt Nam, Nghiễm Hoàng tạm tá túc ở nhà Bạch Tùng. Câu chuyện được đẩy lên, nối tiếp và mở ra với Bạch Tùng trên trận chiến với đại dịch Covid ở Việt Nam và nước Mỹ. Trong đại dịch Covid-19, nhà văn Thu Trân đã giúp tôi và bạn mở ra một thế giới gồm nhiều lát cắt ngoạn mục xoay quanh chuyện tình yêu và cái cách mọi người đối xử với nhau trên bờ vực sống - chết.
Dù được triển khai trên nền nhiều sự việc mang chất phóng sự, Thế giới phẳng mùa Covid vẫn mang đầy đủ giá trị của một tiểu thuyết. Covid-19 rõ ràng là một thảm họa. Trong thảm họa từ trên trời rớt xuống ấy; loài người đã phải vùng vẫy, chòi đạp, chèn ép, lấn lướt nhau mà tồn tại. Và mỗi người sẽ tự phơi bày, tự bóc tách, tự khẳng định những gì bấy lâu nay được ngụy trang chỉ mình mình biết. Đọc từng trang, từng trang trong Thế giới phẳng mùa Covid như thấy giữa biển đời nhốn nháo ấy - tác giả đưa tay nắm dắt những con người hiền lành, trung thực, đơn côi, yếu ớt và tìm mọi cách che chở, cưu mang họ; giúp họ tách bạch khỏi đám dị nhân xảo trá, ích kỷ, cơ hội lềnh phềnh nổi lên giữa ngập ngụa hôi thối, đổ nát. Cũng có cảm giác tác giả gắng gỏi mỉm cười qua những dòng nước mắt đắng cay để gạn lấy những gì thuộc về phẩm cách làm người, thuộc về vẻ đẹp tinh thần và giá trị nhân văn cao cả khi loài người đang bị cuốn vào lưỡi hái của thần chết. Sài Gòn Covid cao điểm vào các tháng 6-7-8-9/2021 cũng không loại trừ những thảng thốt và cảm xúc đa chiều như vậy!
Đại dịch Covid đang còn diễn tiến bất thường ở Việt Nam và trên thế giới, không biết đến bao giờ thì dừng, tôi tin rằng tác giả đang còn trăn trở trên máy cùng word với sự năng nổ của cảm xúc và sức viết tràn trề; hy vọng nhà văn Thu Trân luôn sẵn sàng để viết tiếp tập hai, tập ba…của Thế giới phẳng mùa Covid với những dò tìm, khai phá, phán quyết mới.
Xin bạn đọc hãy cùng tôi lắng lòng và sẻ chia với những lời tâm huyết ở cuối sách mà nhà văn Thu Trân đã được tạm coi là “thắng Covid trận đầu”: “Dịch Covid hoành hành như một khúc quanh quánh đặc của nhân loại. Nó giống trò chơi mạo hiểm đáng giá, đưa người ta xuống tận hố sâu vực thẳm của cuộc đời, cho nghiền ngẫm đã đời bao hỷ nộ ái ố, rồi bất chợt người điều khiển rút dây, đưa người chơi lên thăm thẳm mấy tầng trời - để biết được đâu là những giá trị, đâu là yêu thương, đâu là oán ghét, đâu là hận thù…”