CẦU CHÚC CHO ANH LINH, CŨNG NHƯ NHỮNG LỜI DẬY CỦA THẦY, SỐNG MÃI VỚI CHÚNG SINH TRÊN THẾ GIAN NÀY!
Viết mấy dòng để bầy tỏ lòng thương tiếc, tôn kính đối với Bậc vĩ nhân rất đáng kính, một trong số ít Nhà chân tu có ảnh hưởng và danh tiếng lớn nhất trên thế giới này, tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên với ông.
Đầu tiên là chuyến đi lịch sử của Thiền sư về thăm đất nước, tháng 1 – 2005, sau 40 năm ông rời miền Nam, giữa những ngày bom đạn đang tàn phá quê hương, giết hại không chỉ phật tử mà cả đồng bào vô tội, ra nước ngoài để tiếp tục dấn thân cho cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc, theo niềm tin và cách làm riêng của một nhà chân tu, một trí thức tâm huyết, một nhà văn hóa uyên bác yêu nước, để góp phần chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc; đồng thời, phát triển, canh tân và truyền bá đạo Phật Việt Nam trên thế giới.
Khi đó, tôi đang là Đại sứ tại Pháp, đã không nhụt chí, nản lòng, vượt qua mọi khó khăn, cản trở, làm mọi việc có thể để cuối cùng đề nghị của Thiền sư về thăm, hoằng pháp ở Tổ quốc được chấp thuận.
Tiếp đó là chuyến thăm Tu viện Làng Mai, ở miền Nam nước Pháp, cơ sở tu luyện lớn nhất, nổi tiếng nhất của Thiền sư ở nước ngoài, và cũng là nơi ông cư ngụ, tháng 7 – 2005.
Tôi đã được Thiền sư đón tiếp rất nồng hậu. Tôi thực sự ấn tượng. Ba ngày ở thăm, Thiền sư đã dành nhiều thời gian cùng tôi nói chuyện, trao đổi thật cởi mở, chân tình; đích thân dẫn tôi đi tham quan, tìm hiểu các cơ sở, các xóm, tham gia một số hoạt động của Tu viện, cùng ăn cơm chay, cùng tọa thiền, hành thiền…Tôi đặc biệt xúc động khi cùng Thiền sư thỉnh chiếc chuông thiêng của Tu viện, thắp nhang trầm mặc trước bàn thờ Bụt linh thiêng mà sao gần gũi ( Thiền sư luôn gọi là Bụt chứ không gọi là Phật), chiêm ngưỡng tượng Bụt, các biểu tượng chùa Một cột, hoa sen, câu đối… Tất cả, thật trang nghiêm, tôn kính, thanh cao, tinh tế mà giản dị, gần gũi, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc…, khác hẳn những gì nguy nga, hoành tráng, hào nhoáng, lòe loẹt… mà tôi đã thấy trong một số công trình Phật giáo mới xây dựng ở ta…Tôi còn tới dự một buổi thuyết trình của Thiền sư tại hội trường; tiếp xúc, trò chuyện với các học viên tham dự khóa tu luyện mùa hè, đủ các lứa tuổi, giai tầng xã hội, phần lớn là thanh niên, sinh viên, học sinh, trung niên đến từ nhiều vùng ở Pháp, các nước Tây , Bắc Âu, một số từ cả Hoa Kỳ và Canada, có cả một số người nước ngoài, đặc biệt có một số trí thức, nhà khoa học, doanh nhân danh tiếng. Tôi cũng đã dạo quanh hồ sen mênh mông một mầu xanh bát ngát, thoang thoảng hương thơm tinh khiết từ những đóa hoa mới khoe sắc đầu hè; thỉnh thoảng, một làn gió nhẹ lướt qua, mơn trớn da mặt, cảm thấy tâm hồn lâng lâng, thanh thản…Tôi đã ngồi thiền tĩnh lặng bên bờ hồ...
Tôi cũng đã được Thiền sư ưu ái tặng hai tác phẩm quý “ Theo gót chân Bụt – ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, gồm 3 quyển, 81 bài viết , 622 trang và “ CHANGER L’AVENIR Pour une vie harmonieuse”, 146 trang.
Kỷ niệm về Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ mãi khắc sâu nơi tâm khảm tôi như một may mắn, diễm phúc đặc biệt trong đời.