Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI BÁO KHÔNG ĐĂNG

Lê Kiên Thành
Thứ sáu ngày 4 tháng 2 năm 2022 8:44 AM

Cháu Tô Lan Hương cách đây mấy ngày có điện thoại: “Chú ơi, nhân ngày thành lập Đảng, chú có thể viết cho báo cháu một bài được không ạ, viết về công cuộc chống tham nhũng ấy chú”. Tôi bảo: “Thôi chú cháu mình nói về chuyện này nhiều rồi, nói thêm nữa, mạnh nữa chắc gì đã hay và chắc gì ai đó muốn đăng”. Quả như tôi dự đoán, chú cháu mất cả buổi và cuối cùng không đăng được.
Có nhiều người đọc xong những bài báo của tôi thì bảo: “Nói thì dễ”.
Tôi chỉ muốn nhắc lại một câu ngạn ngữ của người phương Tây: “Đôi khi nhắm mắt cũng là một cách nhìn” để thêm vào câu nói của mình: “Đôi khi nói cũng là một hành động”.
Tôi lược trích vài ý trong bài báo, vì dù sao cũng tôn trọng BBT (Do chưa được đăng nên Tựa đề cũng chưa có).
...
Chỉ vài ngày trước thôi, ngay trước Tết Nguyên đán, hàng loạt các cán bộ - đảng viên nắm vị trí quan trọng trong Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, những người có trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam, đã bị bắt vì nhận hối lộ, móc nối với doanh nghiệp để trục lợi trong các chuyến bay giải cứu đưa người Việt Nam về nước trong đại dịch. Trước đó là vụ kit test Việt Á. Họ đều là đảng viên, nhưng dẫm đạp lên xương máu đồng bào tôi để kiếm tiền giữa lúc dân tộc này đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng.
Còn bao nhiều vụ việc tương tự nữa? Tôi đoán là nhiều, nếu chúng ta có thể khui hết ra được…
Tôi còn nhớ tháng 9/2012, khi Hội nghị TW6 khóa XI chuẩn bị diễn ra, tôi đã trả lời phỏng vấn nhà báo Tô Lan Hương về sự suy thoái của Đảng, về sự lâm nguy của Đảng, về sự tồn vong của Đảng – điều mà chính TBT Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã thừa nhận trong văn kiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XI.
Đó là lần đầu tiên, người đứng đầu Đảng đã can đảm thay mặt Đảng thừa nhận những tồn tại, những yếu kém trong Đảng, can đảm thừa nhận rằng việc có triệt để trấn chỉnh được sự suy thoái đó hay không sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Đó cũng là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng thừa nhận sự lâm nguy đó do chính chúng ta tạo ra, chứ ko phải do bất cứ “thế lực bên ngoài” nào đe dọa.
Tôi xin được trích lại một phần nội dung Nghị quyết: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ... Một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Năm 2016, Đảng khởi xướng chiến dịch “đốt lò”, quyết tâm chống tham nhũng trên quy mô lớn. 6 năm qua, tôi đã chứng kiến những Ủy viên Bộ Chính trị bị bắt, đã nhìn thấy những người từng là Anh hùng LLVTND đứng trước vành móng ngựạ; đã thấy Trung tướng công an bảo kê cho đường dây cờ bạc bị tuyên án, đã thấy Bộ trưởng về hưu cũng không thể “hạ cánh an toàn”….
Nhưng nếu bảo tôi có vui mừng không? Tôi sẽ không thể trả lời: “Có”.
Mấy hôm trước, khi gặp một vị quan chức đang giữ vị trí rất cao trong Đảng, tôi đã chia sẻ: Những cuộc đốt lò của chúng ta suốt 6 năm qua, nó có thể giảm bớt được sự bức xúc của xã hội, có thể giúp người dân tìm được chỗ để xả cơn giận, nhưng hình như không thể giải quyết được tận gốc rễ những vấn đề thực sự của Đảng. Vì 6 năm qua, không thể đếm được bao nhiều quan chức từ trung ương đến địa phương bị bắt giữ, bị xử phạt với những án chồng án dù có ở tù cả đời cũng không hết. Nhưng tham quan không vì thế mà ít đi, những vụ tham nhũng không vì thế mà ít đi. Những vụ tiêu cực được vạch trần gần đây không chỉ khiến những người Đảng viên, những người dân như tôi lạnh lòng vì những quan chức – đảng viên ấy đã kiếm tiền không run tay trên xương máu đồng bào mình, mà còn bởi những vụ án đó liên quan đến không chỉ một người, mà liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, ở nhiều cấp khác nhau. Một cá nhân tham nhũng, chúng ta có thể trừng trị cá nhân đó? Nhưng khi mà sự tham nhũng đó mang tính hệ thống, thì chúng ta phải làm sao với chính hệ thống của mình?
Vấn đề là ở chỗ lò càng to, củi càng nhiều có làm cho cây cối xanh tươi trở lại không hay đến mức mà cả củi tươi cũng phải cháy!? Chúng ta sẽ đi gom củi, sẽ đợi những cành cây tươi (sẽ rất nhanh thôi ) lại khô héo rồi rơi xuống thành củi hay chúng ta đi tìm trồng và chăm bón những loài cây tràn đầy nhựa sống, sẽ vươn lên mãi như tùng, như bách chẳng gió bão nào quật ngã nổi?
…Khi tôi nhìn những quan chức bị bắt, đứng trước vành móng ngựa với tội danh rõ ràng vẫn thản nhiên cãi rằng họ “chưa bao giờ có ý nghĩ lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi cá nhân“ thì tôi hiểu rằng, kể cả có cho họ làm lại một lần nữa, họ vẫn sẽ làm thế.
Chúng ta có thể loại bỏ họ ra khỏi hàng ngũ Đảng, điều đó rất đơn giản. Nhưng nếu với công tác cán bộ và đào tạo cán bộ như bây giờ thì hoàn toàn chẳng có gì đảm bảo lớp sau sẽ tốt hơn lớp trước, lớp sau ít củi hơn lớp trước. Đó là một điều chắc chắn! Bởi vì khi Đảng là Đảng cầm quyền thì đương nhiên mọi chức vụ trong Đảng sẽ gắn với quyền lực nhà nước và đương nhiên là với vô vàn quyền lợi! Nếu biết vào Đảng ngày mai hay ngày kia sẽ bị bắt, bị tra tấn, tù đày, tôi tin chắc sẽ không có “một bộ phận không nhỏ “ mà đang hàng ngày hàng giờ làm suy yếu Đảng, làm lòng tin của nhân dân vào Đảng bị đổ vỡ, làm đất nước ta không thể trở thành hùng cường như mong ước của biết bao thế hệ đã bỏ mình vì dân tộc này.
Nếu bạn hỏi tôi: “Thế thì phải làm gì?”. Tôi quá nhỏ bé và sẽ không trả lời được!
Nhưng nếu chúng ta cùng hỏi nhân dân: “Thế thì phải làm gì?”. Tôi tin sẽ nghe thấy câu trả lời thấu đáo, rõ ràng và vang dội cả non sông này!
Nguồn FB KT Le