Đặng Đình Hưng, một nhân vật “lạ” trong lịch sử văn nghệ Việt Nam, đã qua đời 10 năm trước. Ông thường được nhắc đến với tư cách một gương mặt trong phong trào “Nhân Văn – Giai Phẩm” tuy không hề xuất hiện như một tác giả trên cả hai ấn phẩm mà phong trào ấy mang tên, sau đó với tư cách cha đẻ của tài năng âm nhạc Đặng Thái Sơn, số đông không biết Đặg Đình Hưng là một nhà nghiên cứu âm nhạc được các nhạc sĩ đương thời nể phục, một nhà thơ cách tân và một hoạ sĩ tiên phong. Chỉ sau khi ông qua đời, với sự nỗ lực của nhà thơ Hoàng Hưng, hai di cảo thơ của ông mới được ra mắt (Bến Lạ, Ô mai). Hai bài thơ dài lập tức gây xôn xao thi đàn vì sự mới mẻ, khác lạ của nó, gây phản ứng ngược chiều mạnh mẽ. Nhân 10 năm ngày nhà thơ Đặng Đình Hưng qua đời, chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm quan trọng nhất của ông: Bến Lạ
Lời giới thiệu của Hoàng Cầm-Hoàng Hưng
Đặng Đình Hưng sinh 9-3-1924 tại làng Thụy Dương, huyện Chương Mỹ, Hà Đông. Mất 21-12-1990 tại Hà Nội.
Bắt đầu làm thơ từ cuối những năm 1950, đến khi qua đời (21-12-1990) nhà hoạt động nghệ thuật Đặng Đình Hưng để lại sáu tập thơ. Tất cả đều chưa từng công bố rộng rãi, song một vài đoạn trích được in trên các báo vào dịp ông qua đời khiến công chúng thơ sửng sốt vì một tính cách thơ, một thi pháp hết sức độc đáo.
Bến lạ là bài thơ dài tác giả viết trên giường bệnh vào lúc ông bước đến tuổi 60. Từ không gian chật chội cầm tù thân xác: Tôi cứ đi… Jữa cái nong hình dáng lưng tôi…, ông hành hương vào thế giới vô tận của nội tâm.
Thế giới những khát vọng thật bình thường, thật đời thường
Đã húp ra đi từng bát những nhợt nhạt – mềm mềm. Và rất ngon
những cái thèm, cái đói cái khát thật.
…Miếng ngon A đậy lồng bàn – Mùa tròn
…αlfa là con số đợi ở hai vai nở vội tôi đuổi theo níu lại hai mùa
những tiếc nuối nồng nàn, nhịp thờ tình yêu:
…Căng lên cái yếm thắm nồng nàn của đám cưới năm ngoái hong ra khoe…
Thế giới ngổn ngang những đau buồn. Buồn vì những vết thương quá nhiều trong đời…
…Hễ mưa
Một cái túi to tôi ra đường vồ sẹo
buồn vì bất lực trước thời gian:
Tôi già rồi Tôi không làm gì được quyển lịch
Nỗi cay đắng không giấu nổi:
Thì ra thèm muốn là một thỏi phấn tắm nước nóng cọ bàn chân khô lau cái khăn lông…
và rụt rè chùn bước:
…Cứ đến i tôi lại nhớ lộn về
và chán chường:
Bến lạ giữa buồng mình cái giường quen cầu thang nhẵn thín.
Có lúc mỉa mai vì thất vọng, có lúc cố lấy dáng một người hùng, có lúc như lẩn thẩn, ngây dại… Tâm sự rối bòng bong ấy thật ra ai chả có. Chỉ có điều là ông thành thật nói hết. Thật với chính ông, vì toàn bộ thơ ông là độc thoại trong nỗi cô đơn khó lòng chia sẻ.
Có lẽ cái cảm giác khó hiểu khi tiếp xúc lần đầu với thơ Đặng Đình Hưng cũng từ đó, lại thêm lối nói nhiều chiều, dấp dính, lửng chừng, mâu thuẫn, xa xôi, hàm súc, vốn là lối nói thường ngày của ông. Thơ ông là những đợt sóng ngược xuôi ngang dọc của trí tuệ. Mỗi hình ảnh, mỗi cách nói đều có sự lấp lánh. Lại lắm khi lời, chữ tự động cuốn nhau đi như bị dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, tạo ra một trường gợi cảm tưởng hơn là một ý tưởng. Và trong dòng tâm thức triền miên thỉnh thoảng nhói lên một vết đau khiến ai cũng phải cảm thương.
Bến lạ cũng là cuộc tìm kiếm vô vọng của nhận thức, từ “khắc biết” đến “hề biết”.
Tôi đã tìm ở sau cái gương/cũng không có gì hết.
Nhìn lại hành trình phù du qua từng mốc chục tuổi, rồi nhìn tới quãng vị lai, ông thấy Bến lạ, nơi kết thúc một vòng luân hồi, từ chiều cao 91 ngó xuống để trở về lên 1, Bến lạ nơi hứa hẹn những kỳ lạ màu xanh. Phải chăng vì thế ông có thể dửng dưng với định mệnh khắc nghiệt giành cho mình:
Cõng đi chơi trên lưng Ni lông–Cáctông của định mệnh
Bến lạ chẳng đâu xa, ở ngay trong tâm tư ông sau bao nhiêu vấp ngã, bao nhiêu nghịch cảnh ở đời. Về Bến lạ là trở về bản ngã.
Ấy thế mà, đến phút lên đường, nỗi ngậm ngùi của kẻ sắp giã biệt kiếp phù sinh vẫn buột ra không giữ được:
…Một nắm hột khuya rắc vào bến lạ Đời gì Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về bến lạ.
Nhà xuất bản Văn Nghệ TP HCM giới thiệu di cảo Bến lạ của cố tác giả Đặng Đình Hưng như thể nghiệm thơ. Thi pháp của Bến lạ chưa quen thuộc với bạn đọc, song bất kỳ thi pháp chân chính nào cũng ký mã một tâm sự chân thành không hề xa lạ với những ai biết lắng nghe. Xin hãy lắng nghe “thình thình một tiếng đập” trên ngực trang thơ.
Đặng Đình Hưng
Bến lạ
1
Tôi lại đi…
jữa cái nong hình záng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân, zính zính… những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm gói trong hạt thóc jống của không biết.
Tôi khắc biết mênh mông một cái bẹn Epicure ngập chìa truồng bốn fía cơn mưa tu lơ khơ xanh đỏ con sập sành–bọ ngựa bậu vào nhảy tung! cõng đi chơi trên lưng Nilông–Cactông của Định mệnh!
Tôi hề biết
/kể cả quả mít nứt
Tôi đã tìm ở sau cái gương/cũng không có jì hết
Tôi đã tiếp đau thương những nhỏ nhỏ thường thường
Đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt mềm mềm
và rất ngon
Tôi đã bưng
Nhẹ thôi.
/một nong nghiêng cơn mưa ở trên lưng αlfa cõng tôi Uynh đơ toa… tôi cõng fạt αlfa.
Có lẽ zẹt. Bởi ở trên ngực, cứ thình thình một tiếng đập.
Khi trả một jờ được ngắm
vào cái ống kính đèn chiếu, chiều zọc –chiều ngang–bề ngoài–và những chiều dài zài zại zột
Khi lọ mực đầy tràn những chữ Hoa còn hòa tan chưa viết qua loa vài nốt.
Tôi quên.
Là quên hết
lôgazitm những đường cong gẫy 4 chân bàn kề răng góc nhọn nhai ràu rạu những tảng xuống hoàng hôn bãi cát ngoài không khí
những quả bóng cao su vô ý.
Tôi lại hề hiểu, sao nhỉ, và vắt vẻo, con chim αlfa đứng đầu nhà Mêta?
và quanh quẩn. Khi ấy tôi còn bé, kiễng chân lên, bắc ghế không cao quá cái hòm nhòm nhòm… miếng ngon α đậy lồng bàn. Mùa tròn.
Từ góc nhọn A, tôi đi ghềnh V ghê sợ nhất.
Thực ra, cứ đến I, tôi nhớ lộn về.
Người ta bảo nơi chân trời chấm hết, có YZ.
Tôi hề biết những chiều zài không kilômét của cái đèn xếp mà tôi thích nhất.
Cứ là cái chi tiết, cái chi tiết.
Mà tôi biết nhất.
Tôi ghé Bến lạ một chiều không αlfa
Nơi tôi đứng,
Một cái đĩa Mêta
Ghé bến một sớm mai zận zữ sân ga những ra đi αlfa không báo trước Têta đi gọi người đỡ đẻ con cá nhỏ lượn vòng biển lạ
buồng mình đi đứng không gõ cửa và vô lễ cái bút chì ngày đêm thòi thòi thôi bú ma lanh ngó sang một quyển sách bụng chửa tướng ló bến
khuôn mặt bưng một chậu jặt.
Vâng, tôi chán Bến lạ
Tôi già rồi
Tôi không làm jì được quyển lịch
Tôi ghé Bến lạ cắn một quả vả và những kỳ lạ mầu xanh chưa chín ngọn đèn chín rũ của lần đầu gặp gỡ những khoảng cách là… lạ αlfa–Mêga.
Và lạ miệng! tìm bàn chân xào xạo của Têta, thì ra αlfa là con số đợi ở hai vai nở vội tôi đuổi theo níu lại hai mùa.
Tôi đi đây, từ mỗi ngón tay rút ra một chiếc chìa khóa chuông lách cách tra vào ổ khóa nằm trong ký ức bằng vàng của không khí kì lạ mặt hễ soi gương cứ là 1 bản zạo đầu.
Bến lạ ngay gầm jường mưa to ngay ở gầm bàn và trong hòm mọi người hở một con tầu navir trọng tải những hình thù Hồng hải căng lên những cái yếm mùi nồng của đám cưới năm ngoái hong ra khoe và đã đi – những cột đèn đứng lại.
Cột đèn song song nhảy plongeon vào vận mệnh rồi đứng đấy gội nước hạnh phúc dài ngắn ngó sang tôi lệnh khệnh
Cột l’umiere
cũng lễ mễ đi về Bến lạ
ai mà jữ lại được làn khói thuốc lá cứ cuộn khoanh đố anh vẽ nối mầu xanh!
Bến lạ gác chân lên những hình lăng của cái đồng hồ quả lắc khệnh khạng đưa những quả thịt chậm song song với những cái chai không, chìa những bộ đùi e lệ lạ và trí tuệ bông hoa ngây ngủ ngày ngay Bến lạ.
Song song, môi từng đôi
Vải, và cái thước mét
Con jơi đực, và tầu lá chuối hột
Mắt đẹp, và sa mạc tờ croquis kẻ chậm
những đường chì cuộn ốc…
Lên vai những quả đèn cườm lộng lẫy vứt,
vác, chạy.
Tôi ăn tiệc - bộ tóc nguyên thủy lườm tôi bê bết tái - nó cắn một nửa… cắn ¾ - cắn còn một tị… chỉ một tị nữa thôi. Vào hội đi! Còn một miếng cuối cùng. Không mất tiền. Gratis – dernière catusơ, hút!
Tôi đi đây, đi tìm chơi với cái nút chai.
Nhưng không! hãy nói chuyện.
Thì ra thèm muốn là một thỏi fấn tắm nước nóng cọ bàn chân khô lau cái khăn không
Nói thật
Tôi 80 tuổi rồi
Bao nhiêu lần răng rụng, răng mọc, và húi tóc
Có lần,
Tôi nhận mặt… một cái chai đánh mất hàng đồng nát
mang máng bên tai bằng thiếc, và một cái hộp
và nói thật,
trong đôi guốc, tôi chú ý nhất cái chật chật của đôi quai
Ngộ nhỡ 40 tuổi, tôi fải 40 đôi vai
hễ tuổi 42
là có cái lưng zài
40 cái mâm
40 đôi đũa
Mỗi ăn xong,
lại một rửa mồm
40 bánh xà phòng
Nhưng
Tôi 50 tuổi rồi
Tôi đang trẻ lại đây
Hình như tôi đã đi nhuộm tóc
50 tuổi rồi
Zùng jì đến 50 gói kẹo?
hễ mưa, một cái túi to,
tôi ra đường vồ sẹo
tôi, 50 tuổi rồi
50 khá
50 tồi
50 lời
50 lưỡi zao cạo
Vậy:
tôi vẫn cần zùng
đúng 50 đôi môi
Thật đấy! cứ là bẻ đôi
Thế kỉ ơi! lại đây ta zắt đi chơi
Cõng thốc tôi về cây 91
kilômét 1
91 lần mất
mất tuột
Ai cũng fải buồn cười
cái chai cũng buồn cười
91 lần biết lẫy,
/biết cười
91 lần thôi bú
91 lần tôi đứng đến gót tôi zẫn tôi đi chơi lon ton vào một cái chợ toàn hoa zâm bụt
91 lần bắt được
91 lần chật ních, hích, răng rụng hết, cầm lên bằng mắt rứt rứt…
Vậy, ngã tư 91
tuổi lên 1
tôi khóc
91 lần thuốc lá,
trầm ngâm…
91 lần tha thứ hẳn!
Chào tôi đi! hào tôi đi! tôi đang ghé Bến lạ một chiều nâu αlfa đây, anh có nhớ? Bên quán Têta… ngồi ăn những hình thù im lặng lạ xúc lên từng cùi zìa kí ức đi đất từng bước bước! chiều cao 91 ngó xuống ăn những mùi vai lạ 1.
Nhưng đã có ai 91 lần không y hẹn
91 lần sợ
những cái ngăn ngắn
sợ tắm!
Tuổi 91, tôi ghé tai tôi, gạ:
cho nhau về Bến lạ…
Tình bạn là cái bến nhẹ
Ngã ba lên 1
tuổi 91
tôi cười
Hình như,
91 cược, cuộc
tôi chưa hề 91 lần được
Chào đi! tôi trở về lên 1, những hạt đỗ trắng, đen rơi quanh cái gối gỗ đầu jường xuống sàn và mọc mầm, kệ tồ tồ đứa bé cứ việc đái zầm đêm đau thương không để cách đêm phải hâm lên mới zùng được.
Tuổi lên 1, tôi đường phố Têta, những con αlfa-Têta nhỏ mím đầu đường fở đất mở rộng ngày chủ nhật zẫn theo con.
Lên 1 tuổi vườn hoa vừa zẫn người nhà đi bệnh viện cái Bến lạ của tình bạn tình vợ nợ nan và lòng can đảm thật bình thường song song với mồm cái vòi ấm cứ ngồi xem và buồn cười những khuôn mặt xếp hàng thợ cạo chìa ra yên trí cạo fẳng lì những cái sẹo của thời jan đá xóa cùng lố nhố những khoai tây ngược xuôi đi tìm Bến lạ jữa buồng mình cái jường quen cầu thang nhẵn thín ngọn đèn quên chào đón.
Hôm qua, tôi ghé αlfa
αlfa không có nhà
Ồ gặp nhau rồi, sao vẫn cứ li
một nắm hột khuya rắc vào Bến lạ
Đời jì
Sao cứ đi đi, những cái vali cứ về Bến lạ!
..................................................................
*
Nguồn: NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1991