Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN CÁCH KẺ SĨ - NỀN TẢNG CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC CỦA PHAN BỘI CHÂU

Lê Thị Lan
Thứ tư ngày 10 tháng 10 năm 2018 8:34 AM

Nhân cách kẻ sĩ - Nền tảng chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu

  • LÊ THỊ LAN

Nhân cách kẻ sĩ - Nền tảng chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu

Phan Bội Châu, một trong các bậc chí sĩ yêu nước tiêu biểu nhất góp phần xây dựng nên chủ nghĩa yêu nước đặc sắc của dân tộc Việt Nam những thập kỷ đầu thế kỷ XX, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”[4, tr. 185]. Chủ nghĩa yêu nước đặc sắc của ông đến nay vẫn có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mãnh liệt tới các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn diện về chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu không những giúp chúng ta nhận thức được những giá trị tư tưởng và tầm ảnh hưởng chính trị-xã hội to lớn đối với dân tộc và thời đại của ông mà còn góp phần truyền bá, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sức mạnh vô địch của dân tộc cho giới trẻ hiện nay .

Chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu gồm ba thành tố: tình yêu Tổ quốc mãnh liệt; tư tưởng dân tộc chủ nghĩa kiên định và sự nghiệp đấu tranh kiên cường, không ngừng nghỉ vì độc lập dân tộc.

Trong bài viết này, qua cách tiếp cận nội tại tự sự của chính Phan Bội Châu trong các tác phẩm tự truyện của ông như “Ngục trung thư”, “Lời tự phán”, “Phan Bội Châu niên biểu”... những tác phẩm được ông coi như di ngôn, đúc kết kinh nghiệm cả đời bôn ba hoạt động cách mạng của mình, ta có thể làm sáng tỏ thêm một nền tảng quan trọng cho sự hình thành chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu chính là nhân cách kẻ sĩ của ông.

  • Nền giáo dục Nho học đã xây dựng nên nhân cách kẻ sĩ Phan Bội Châu

Nho học trước hết là một học thuyết giáo dục có đường lối hết sức rõ ràng về mục đích, nội dung, phương pháp và đối tượng giáo dục nhằm đào tạo nên những con người giác ngộ đạo Nhân Nghĩa của thánh hiền, nguyện cả đời tu rèn đạo đức kẻ sĩ và thực hiện lý tưởng xã hội vua sáng tôi hiền, xã hội thái bình, thịnh trị của Nho gia. Trong gần 1000 năm được nhà nước phong kiến Việt Nam sử dụng làm trụ cột cho nền giáo dục và học thuật quốc gia chính thống, Nho học đã đáp ứng những yêu cầu mà các nhà nước phong kiến kỳ vọng vào nền giáo dục này. Theo đó, tầng lớp kẻ sĩ, quân tử - là những trí thức Nho học, giác ngộ lý tưởng xã hội của đạo Nho, theo con đường tu, tề, trị, bình để hành đạo, tự ý thức về trọng trách giúp vua trị nước làm sáng cái đức lớn của Trời-Đất, qua khoa cử sẽ trở thành tầng lớp quan liêu quản lý xã hội.

Nền giáo dục Nho học đã bộc lộ một số bất cập trong suốt lịch sử lâu dài tồn tại và phát triển của nó so với sự vận động và phát triển của xã hội, mà nhiều khi, những bất cập này không xuất phát từ bản thân nội tại tôn chỉ của giáo dục Nho học mà từ chính chủ thể sử dụng nó, khi quá sùng bái và độc tôn nền giáo dục này. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận, đó là thành tựu của Nho giáo trong xây dựng nhân cách kẻ sĩ – mẫu người lý tưởng (về chính trị và đạo đức) để thực hiện Đạo. Đây chính là một trong những thành quả nổi bật nhất và căn bản nhất, có tính giáo dục đặc trưng nhất của Nho giáo. Chính vì vậy, chiêm nghiệm lại thời của Phan Bội Châu nói riêng, toàn bộ thời kỳ phong kiến Việt Nam độc lập nói chung, chúng ta dễ dàng nhận thấy, mẫu hình con người lý tưởng của Nho giáo với nhân cách chính trị đạo đức lớn “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, những nhân cách được nể trọng bởi cả tài năng và đức độ của họ, đã góp phần làm nên một Việt Nam văn hiến, với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa.

Sự hình thành nhân cách kẻ sĩ của Phan Bội Châu được bắt đầu ngay từ thuở bé thơ, trong cái nôi giáo dục của gia đình hàn nho, theo nền nếp nho gia “Khi tôi còn bé, mẹ tôi đã dỗ tôi, nửa câu nói cũng không cẩu suất” (cẩu thả, sơ suất)[1, tr.110]. Lên bảy tuổi, ông đã đọc các Kinh, Truyện, là những sách kinh điển trong Nho học dành cho những người dùi mài kinh sử phục vụ khoa cử. Thậm chí, mới bảy tuổi, ông đã nhái quyển Luận ngữ làm bản “Phan tiên sinh Luận ngữ”. Những lời dạy trong Sách Luận ngữ về chí khí và trách nhiệm với nước, với dân của kẻ sĩ “Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị. Nhậm trọng nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỷ nhậm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?” (Kẻ sĩ cần phải có chí khí rộng lớn và cương nghị. Là vì, gánh thì nặng mà đường thì xa. Đức nhân là cái trách nhiệm mà mình phải gánh lấy, há không nặng sao? Đã làm điều nhân thì mình phải làm cho đến chết mới thôi, như vậy con đường chẳng phải là xa sao?) [2, tr. 124-125] chính là những đạo lý về lẽ sống của người quân tử đã ngấm vào trái tim và khối óc của Phan Bội Châu ngay từ thủa ấu thơ và trở thành kim chỉ nam hình thành nên nhân cách kẻ sĩ của ông. Ra đời khi 6 tỉnh Nam kỳ đã rơi vào tay đế quốc Pháp, lớn lên trong bối cảnh đất nước dần dần rơi vào tay giặc, các văn thân, hào kiệt ngay trên quê hương và trên khắp đất nước hừng hực khí thế yêu nước, nổi dậy khởi nghĩa “Bình tây”, tham gia phong trào Cần Vương... tinh thần trách nhiệm của kẻ sĩ ấy đã khiến Phan Bội Châu xác định sứ mệnh thành nhân tựu nghĩa của mình chính là ở công nghiệp theo bước các bậc chí sĩ nêu gương đại nghĩa cứu nước, cứu nhà như Trương Công Định, Nguyễn Tri Phương: “Ngay từ hồi còn là thằng trẻ con đọc sách của ông cha để lại, mỗi khi đọc tới chuyện người xưa hăng hái thành nhân tựu nghĩa, tôi thường nhỏ nước mắt ròng ròng” [1, tr. 16].

Ông đã đem sở kiến của mình ra làm sở hành, hưởng ứng phong trào Cần vương, lập “Sĩ tử Cần Vương đội” hơn một trăm người. Tuy nhanh chóng bị quân Pháp đánh dẹp do thiếu vũ khí, lương thực, nhưng đây chính là sự kiện đánh dấu sự lựa chọn dứt khoát con đường “mưu toan cứu quốc” lâu dài, bền bỉ của Phan Bội Châu. Từ đó, ông dành toàn tâm toàn ý đời mình vào con đường vận động cách mạng cứu nước. Như vậy, nền giáo dục Nho học là một yếu tố cực kỳ quan trọng cùng với truyền thống quê hương và tấm gương xả thân vì nước của các bậc anh hùng dân tộc đương thời đã tôi rèn nên nhân cách kẻ sĩ Phan Bội Châu.

  • Sự rèn luyện phẩm chất kẻ sĩ của Phan Bội Châu trong thực tiễn hoạt động gây dựng phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc

Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu vừa là quá trình tu rèn những phẩm chất kẻ sĩ đích thực, trước sau không mảy may thay đổi, vừa là quá trình hiện thực hóa những phẩm chất đã làm nên sức mạnh chinh phục triệu triệu trái tim đồng bào hướng về ông.

Hành trạng cuộc đời Phan Bội Châu cho thấy ông là người thành tựu những phẩm chất căn cốt nhất của kẻ sĩ, là những phẩm chất được nêu rõ trong Luận ngữ, được coi như hệ chuẩn phân biệt với những tầng lớp khác, và đã được nhập tâm trong ông từ thuở nhỏ, đó là:

-Kẻ sĩ là người học Đạo, đọc sách Thánh hiền, trong mọi cử chỉ, hành động của mình phải biết sỉ hổ để tránh những việc trái lễ nghĩa, không được làm nhục mệnh vua.

-Kẻ sĩ là người được họ hàng, làng xóm khen là hiếu đễ

-Kẻ sĩ là người nói ra thì giữ lời, làm việc thì quả quyết

-Kẻ sĩ là người có chí cao thượng, không bỏ dở việc, có khí tiết trong sạch, không hợp nghĩa thì không làm [1, tr. 209]

Những phẩm chất ấy được ông giữ gìn, trau dồi trong suốt cuộc đời mình và tỏa sáng trong những trang viết hết sức khiêm nhường nhưng đầy trí tuệ của “Ngục trung thư”, “Phan Bội Châu niên biểu”... khi ông tổng kết lại những thành công và thất bại của bản thân, làm bài học kinh nghiệm cho những người đi sau trên con đường cứu nước gian truân, khổ ải nhưng vinh quang và cao cả vì nghĩa lớn của dân tộc.

Phan Bội Châu coi cái học của kẻ sĩ phải vì đạo nghĩa. Ông sáng suốt trong việc học và hành Nho học. Ngay từ rất trẻ, dù xuất thân Nho nghiệp nhưng với tư chất thông tuệ, ông đã nhận ra những mối tệ của khoa cử không phải là lỗi của Hán học mà là của chính sự ngu muội của người sử dụng “khoa cử hư văn ngày xưa quyết không phải tội của Hán học, mà nô lệ liệt văn (văn chương nô lệ) ngày này cũng quyết không phải tội ở Tây học, mà hoàn cảnh tối tăm đã chôn sống không biết bao nhiêu là thiếu niên thông minh” [1, tr.112]. Tư duy phê phán này đã giúp ông nhận thức rõ chính mối tệ khoa cử nhằm mục đích vinh thân phì gia, xa rời đạo nghĩa là nguyên nhân làm yếu hèn dân tộc. Vì thế, ông đã kịch liệt bài bác tâm lý chắt chước Tàu, độc tôn con đường tiến thân theo khoa cử: “...người nước mình bắt bóng theo chân, chỉ sợ không giống y người Tàu... không thể nào không mượn con đường khoa cử, dẫu ai có muốn theo thời đi nữa, cũng không có con đường học nào khác” [1, tr. 15]. Ông chỉ mong sớm được làm việc nghĩa theo gương các anh hùng nghĩa sĩ trong Nam, ngoài Bắc chứ không đặt chí vào con đường khoa cử.

Tuy nhiên, qua những thất bại buổi đầu vận động cách mạng, ông đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng danh vị qua khoa cử để chinh phục nhân tâm. Thuyết chính danh của Nho giáo đã xây dựng nên một quy tắc vững chắc trong xã hội, được các triều đại theo Nho giáo và dân chúng tuân thủ. Đó là, kẻ sĩ phải chinh phục triều đình và dân chúng bằng trí tuệ hơn người được khẳng định qua đỗ đạt khoa cử. Muốn làm việc lớn, kẻ sĩ phải được thừa nhận bằng danh vị khoa cử, nhờ cái danh đó mới có thể gây thanh thế, uy tín trong giới trí thức Nho học, từ đó thu hút được sự ủng hộ của họ và qua họ tập hợp được sự ủng hộ của dân chúng “Tuy nhiên, tôi lúc ấy được một phen giáo huấn to, mới biết rằng: hễ muốn làm anh hùng tất phải tiềm dưỡng cho thật lâu, muốn gánh việc lớn tất phải chứa mưu cho thật nhiều” [1, tr. 113]. Vì vậy, năm 1900, khi đỗ đầu kỳ thi hương Nghệ An, đoạt danh vị Giải nguyên, ông đã yên tâm “có được một cái mặt nạ để mượn đó mà che lấy mắt đời. Tháng Chín năm ấy, cha tôi vừa bảy tuần mà mệnh chung. Gánh nặng ở gia đình mới nhẹ bỗng ở trên hai vai. Lúc đó mới là lúc tôi bắt tay vào những kế hoạch cách mạng” [1, tr. 120]. Tự sự này cho chúng ta thấy Phan Bội Châu là người cực kỳ thông minh và là người thực học. Ông hiểu rất rõ đặc tính tâm lý-tư tưởng trọng danh, trọng đức của dân tộc và chủ động lấy đó làm phương tiện gây dựng uy tín cá nhân để phục vụ cho hoạt động cách mạng.

Phan Bội Châu tu rèn ý chí kiên cường, tư duy linh hoạt, làm việc quyết đoán và thủy chung như nhất vì nghĩa lớn cứu nước. Song song với việc lập chính danh qua khoa cử, Phan Bội Châu trên bước đường lập chí, đã không ngừng kết giao, mở rộng quan hệ với các chí sĩ đồng chí, đồng lòng cứu nước “Song tôi có bẩm chất cang cường, biết nghĩa liêm sỉ, không chịu theo đuôi làm tớ người ta... tôi kết giao họp đảng bao nhiêu lâu, thành ra ở trong xã hội hơi có tiếng tăm hơn trước, thiết nghĩ lúc này chính mình không tự ra tay làm việc, liệu còn chờ ai” [1, tr. 18]. Ông tự nhận là người mạo hiểm và kiên định theo một tư tưởng (cứu nước) dù muôn ngàn khó cũng cứ quyết tâm thực hiện; giao tiếp với người khác luôn giữ chữ tín, ơn nghĩa dù chỉ nửa câu nói, chút việc lành cũng trọn đời không quên và cả đời theo đuổi mục đích cuối cùng (độc lập cho dân tộc), không nệ vào phương châm, thủ đoạn [1, tr. 108].

Có thể thấy phương châm hành động của nhà Nho “dĩ bất biến ứng vạn biến” được ông sử dụng triệt để trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Từ việc lập đội Sĩ tử Cần Vương; mưu hãm tỉnh thành Nghệ An, tới việc lập Việt Nam quang phục hội tôn hoàng thân Cường Để (dòng đích của vua Gia Long) làm minh chủ; viết văn thơ tuyên truyền, thức tỉnh, cổ vũ lòng yêu nước; cổ vũ Duy tân (khai dân trí, chấn dân khí, thực nhân tài) cho quốc dân; kết giao với các lực lượng yêu nước, cách mạng khác trong nước và ngoài nước; tìm kiếm sự ủng hộ của các chí sĩ Trung Quốc, Nhật Bản; cầu viện Nhật Bản ủng hộ phong trào giải phóng đất nước, tổ chức phong trào Đông Du cầu học, đào tạo nhân tài; lập chính phủ lâm thời “Tân Việt Nam cống hiến”; mua khí giới tìm cách chuyển về nước giúp cụ Hoàng Hoa Thám... đều là những việc lớn mà Phan Bội Châu đã hết sức mưu cầu đúng theo phẩm cách và chí khí của ông. Tiếc rằng, do sự cấu kết giữa chính quyền Pháp ở Đông Dương với chính quyền Trung Quốc và Nhật Bản trong việc đàn áp, tiêu diệt phong trào yêu nước của Việt Nam, những việc lớn đó của ông đều dần thất bại. Khi bị chính quyền Quảng Đông bắt giữ, dù đối diện với cái chết cận kề nhưng tiết tháo, phẩm cách hào hùng của Phan Bội Châu vẫn tỏa sáng qua thái độ ung dung, tự tại, ngạo nghễ đón nhận hoàn cảnh “Tôi biết sớm chiều gì đây, đầu tôi cũng lìa khỏi cổ, nhưng tôi vẫn lấy làm vui vẻ” [1, tr. 14].

Trung thành với đạo nghĩa, tự nguyện gánh trách nhiệm xả thân vì nước vì dân của kẻ sĩ, Phan Bội Châu đã không ngừng nghỉ hiện thực hóa các phẩm chất đạo đức của mình vào hoạt động cách mạng cứu nước. Ông trở thành linh hồn của phong trào giải phóng dân tộc những thập kỷ đầu thế kỷ XX, và là một trong những nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa lỗi lạc của Việt Nam.

3-Phẩm chất kẻ sĩ là một nền tảng của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Phan Bội Châu, là sức mạnh kết nối ông với giới nhân sĩ, đồng chí cách mạng trong và ngoài nước.

Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa là một trong ba thành tố cấu thành chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu. Có thể coi tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông là cấp độ cao của tư tưởng yêu nước bởi sự hình thành những tư tưởng này gắn liền với giai đoạn phong trào giải phóng dân tộc phổ biến trên bình diện khu vực và thế giới, đã góp phần vào sự định danh một khái niệm chính trị thời hiện đại “chủ nghĩa dân tộc”. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông đã vượt quagiai đoạn ý thức sơ khởi về tính quốc gia, tính cộng đồng với các phong trào yêu nước có thể được coi là có tính quốc gia, “là kết quả của một quá trình mà nhân dân trở nên ý thức về bản thân như một thực thể quốc gia riêng biệt trong thế giới hiện đại, một quá trình mà họ sẵn sàng chuyển lòng trung thành của họ từ làng, hoặc khu vực, hoặc quốc vương, đến nhà nước quốc gia” [7. tr. 15]. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông đã đạt tới nhận thức của chủ nghĩa dân tộc hiện đại, trưởng thành khi ông đại diện cho “một phần lớn cộng đồng địa phương bắt đầu nhận thức được xã hội của mình như là một cộng đồng quốc gia rõ ràng trên thế giới, như một cơ thể của công dân liên kết với nhau bởi một số phận chung” [7, tr.15].

Có thể cô đọng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Phan Bội Châu thể hiện trong ba nguyên tắc nhận thức lớn chi phối mọi hoạt động cách mạng của ông như sau:

1- Độc lập dân tộc là mục đích tối cao, duy nhất.

2- Tất cả những cách thức, thủ đoạn, đường lối, chiến lược, lực lượng nào có khả năng thúc đẩy thực hiện được mục đích độc lập dân tộc đều được ông huy động vào thực tiễn hoạt động cách mạng.

3- Lợi ích dân tộc, thể diện dân tộc là trên hết.

Ba nguyên tắc này được chính Phan Bội Châu khẳng định: "Một đời người định mưu, chỉ cốt hỏi ở nơi mục đích, cầu lấy được ở năm phút đồng hồ cuối cùng. Đến như thủ đoạn phương châm, tuy có lúc cải canh, mà cũng không kể" [1, tr. 108]. Đây cũng là tiêu chí, hệ chuẩn giá trị phân biệt tư tưởng yêu nước của ông với các nhà cách mạng khác cùng thời, là điều khiến chúng ta có thể lý giải tại sao cùng là Nho sĩ nhưng Phan Bội Châu không bị ràng buộc bởi những giáo điều cứng nhắc của Nho giáo và dễ dàng tiệm cận tới những phong trào, phương pháp, tư tưởng cách mạng tân tiến nhất thời đại ông.

Những nguyên tắc có tính “tri hành hợp nhất” này kết hợp với ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ đối với non sông đất nước và những phẩm chất kiên cường, trước sau như một của người trí thức Nho giáo dấn thân vào con đường cách mạng vì nước quên nhà đã làm nên cuộc đời cách mạng lừng lẫy của Phan Bội Châu, cho dù ông tự nhận rằng “Bao nhiêu năm bôn tẩu, mưu tính trăm việc mà không nên một việc gì” [1, tr.14]. Ông đã sử dụng danh vị khoa cử làm phương tiện thu phục lòng người, phục vụ con đường đầy chông gai vì sự nghiệp cứu nước. Ông đã thay đổi linh hoạt cách thức tổ chức hoạt động cứu nước một cách nhanh chóng và thức thời từ Đông du cầu viện sang Đông du cầu học; từ tổ chức Duy tân hội năm 1904 chuyển sang thành lập Việt Nam quang phục hội năm 1912 rồi chuyển thành tổ chức Việt Nam quốc dân đảng năm 1924; kết hợp chủ trương bạo động, kể cả thủ đoạn ám sát với tuyên truyền nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, vun trồng nhân tài, v.v.. Khi bị giam lỏng tại Huế, bị tách khỏi mạch nguồn phong trào đấu tranh của nhân dân, ông đã không tiếc sức mình, trong hoàn cảnh có thể, chiêm nghiệm lại toàn bộ vốn tri thức Hán học, viết bộ “Khổng học đăng”, “Quốc văn Chu Dịch diễn giải” với mong muốn bảo vệ và phát huy hồn cốt văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

Tất cả những sách lược, phương châm, thủ đoạn, phương pháp đó của Phan Bội Châu cho thấy ông là một bậc thầy về Dịch học, tuân thủ triệt để tinh thần tuỳ thời, dĩ bất biến, ứng vạn biến, kiên định mục tiêu đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Dù thời thế thay đổi, ông luôn bám sát vào tình hình thực tế quần chúng cách mạng trong nước và những biến động trên thế giới để có những quyết đoán giúp phát huy tối đa sức mạnh của cá nhân và tổ chức nhằm phục vụ nghĩa lớn cứu nước. Chủ trương cầu viện Nhật Bản của ông trên cơ sở thuyết nhân mãn của Mantous và lý luận về tính đồng chủng, đồng văn là có chủ ý nhằm dùng lý luận thuyết phục, khai thác tối đa sự ủng hộ của chính phủ Nhật đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam do ông chủ trương. Lập luận này được coi là rất thức thời và hữu ích cho mục đích cầu viện trong bối cảnh thập niên đầu thế kỷ XX, khi mà một nhà nước của giai cấp vô sản chưa có dấu hiệu ra đời và nước Nhật như cái phao cứu sinh hiện thực, duy nhất trong tầm nhìn của nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Mặc dù chủ trương Đông du cầu viện đó của ông bị phá sản, song việc ông dễ dàng kết giao được với nhiều nhân sĩ Nhật Bản, Trung Quốc bất chấp rào cản ngôn ngữ và được họ hỗ trợ hết lòng đã cho thấy, chính mẫu số chung của phẩm chất kẻ sĩ giữa ông và các trí thức Nhật Bản, Trung Quốc là sức mạnh thuyết phục, là chất keo gắn kết, là cơ sở cho sự tin cậy, nể trọng và ủng hộ lẫn nhau. Không phải là tư tưởng đồng chủng đồng văn mà chính là phẩm cách cao quý của kẻ sĩ vượt mọi gian nan, trở ngại, hi sinh danh lợi cá nhân vì nghĩa lớn của Phan Bội Châu đã trở thành vũ khí văn hóa thu hút, chinh phục các nhân sĩ quốc tế và đồng chí, đồng bào sát cánh bên ông trong cuộc tranh đấu. Có thể nói, chính nhân phẩm đạo đức và trách nhiệm kẻ sĩ vì nghĩa lớn của Phan Bội Châu là một tấm gương, đồng thời là một bí quyết chinh phục lòng dân cho bất cứ ai sống vì lý tưởng dân tộc độc lập.

Tạm kết

Có thể nói, chính sự kiên định con đường cứu nước, không phút giây nào ngơi giữ gìn, trau dồi các phẩm hạnh kẻ sĩ, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy trên con đường vận động cách mạng của Phan Bội Châu đã là cơ sở nền tảng cho tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, chủ nghĩa yêu nước mà ông đã kiên cường xây dựng và theo đuổi trong suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của mình. Đây chính là chìa khóa vàng sức mạnh của Phan Bội Châu giúp ông thiết lập những mối quan hệ vô giá, đáng tin cậy, hiệu quả và bền vững với đồng chí, bạn bè trong nước và quốc tế, một cơ sở cực kỳ quan trọng giúp cho ông có thể huy động được nguồn tài lực quý giá để gây dựng lực lượng và hoạt động cách mạng. Để lại bài học lớn về việc trau dồi, tu dưỡng nhân cách kẻ sĩ và những kinh nghiệm sâu sắc và quý giá trong xây dựng lực lượng, xác định đường lối, lựa chọn phương pháp cách mạng... cho thế hệ kế tiếp, đó chính là thành công lớn nhất của nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa Phan Bội Châu.

Tài liệu tham khảo

  • Phan Bội Châu toàn tập. 12 tập. Tâp 6. Nhà xuất bản Thuận Hóa. Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Hà Nội, 2000
  • Luận ngữ. Đoàn Trung Còn dịch. Trí Đức tòng thơ. Sài Gòn, 1950.
  • PGS.TS. Trần Đức Cường tổng chủ biên. Lịch sử Việt Nam. 15 tập. tập 7,8, Tạ Thị Thúy chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 2017
  • Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 2. Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu. Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật. Hà Nội, 2011.
  • Chương Thâu, Góp phần tìm hiểu Nho giáo, Nho sĩ trí thức Việt Nam trước năm 1945, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2007.
  • Chương Thâu, Nghiên cứu Phan Bội Châu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
  • William J. Duiker. The rice of Nationalism in Vietnam, 1900-1941. Cornell University Press. Ithaca and London. 1976.