“Nâng ly rượu một mình trong nắng chiều nán lại
Ta già rồi ư?...”
Câu kết của bài thơ TIỄN CON GÁI LỚN VỀ NHÀ CHỒNG của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn in trên báo Thơ ( phụ bản báo Văn Nghệ quý 1/2003, số đầu tiên ) mà tôi đọc được cứ ám ảnh mãi và mỗi khi đi dự một đám cưới nào đó thì lại nhớ về...
Nhà thơ tự nhận
“Hóa ra bố lại yếu lòng hơn mẹ
Lúc người ta đến xin dâu
Mẹ vẫn cười rất tươi
Mà bố thì rưng lệ
Lời thưa ngập ngừng nghẹn giữa câu...”
Cha mẹ nào khi con gái đi lấy chồng mà lại không có những cảm xúc vui buồn xen lẫn cơ chứ? Nhưng ở nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn vốn giầu cảm xúc thì nhiều lý do khiến ông càng rưng rưng. Cái lý do làm ông không nén nổi xúc động là nhớ về đời sống nghèo khó thời bao cấp
“Thuở ấy nhà ta thật nghèo
Con vừa sinh đã phải cùng chia sẻ
Một quả trứng ba người nhường nhau
Mền bông rách truyền hai thế hệ
Thời khốn khó tránh sao điều nặng nhẹ
Con buồn không khi bố mẹ bất hòa?”
Thế hệ cha mẹ ở cái thời bao cấp ấy chắc chắn là ai đọc được đoạn thơ này cũng phải gật đầu mà đồng cảm và tâm đắc bởi nhà thơ đã nói đúng lòng mình và nhớ về cái thời tiền lương ít, hàng hóa, thực phẩm thiếu thốn nên từng lạng thịt, từng cân gạo, từng mét vải đều chỉ được mua theo tem phiếu phân phối thì chuyện “Một quá trứng ba người nhường nhau” và “Mền bông rách truyền hai thế hệ” là chuyện thật chứ chẳng phải vẽ vời.
Đến khi con gái lấy chồng, cha mẹ muốn bù đắp cho con như là mong bớt đi dằn vặt về sự thiếu thốn một thời ấy
“Con mặc váy cưới kiêu sa
Cổ mang vòng vàng sang quý
Bố không ưa bày vẽ
Nhưng muốn ngày vui con không thua kém bạn bè”
Tưởng là làm cho con vui thì mình cũng sẽ vui lên nhưng thực tế lại không được như thế khi :
“Xe hoa đưa con đi
Căn nhà đột nhiên trống vắng”
Sư trống vắng làm cho ta cảm giác thiếu hụt khó bù đắp...Trong hoàn cảnh ấy, nhà thơ muốn tìm đến giải pháp giải khuây của những bậc cao niên đã từng trải qua những chặng đường dâu bể:
“Nâng ly rươu môt mình trong nắng chiều nán lại
Ta già rồi ư?...”
Bài thơ ra đời đã được 15 năm có lẻ nhưng đối với tôi khi đọc lên vẫn nguyên cảm xúc như lần đọc đầu tiên bởi nhà thơ đã nói đúng với cảm xúc muôn thuở của những người cha người mẹ khi “tiến con gái về nhà chồng” với ngôn từ thường ngày thât giản dị . Cảm ơn nhà thơ thật nhiều.
(Khu nghỉ dưỡng Quang Xanh suối Tiên 25-9-2018 Đồng Thị Chúc)
TIỄN CON GÁI LỚN VỀ NHÀ CHỒNG
Hóa ra bố lại yếu lòng hơn mẹ
Lúc người ta đến xin dâu
Mẹ vẫn cười rất tươi
Mà bố thì rưng lệ
Lời thưa ngập ngừng nghẹn giữa câu...
Bố chẳng buồn đâu
Ai lại buồn trong một ngày như thế
Bố chỉ thương con
Vất vả thời thơ bé
Thuở ấy nhà ta thật nghèo
Con vừa sinh đã phải cùng chia sẻ
Một quả trứng ba người nhường nhau
Mền bông rách truyền hai thế hệ
Thời khốn khó tránh sao điều nặng nhẹ
Con buồn không khi bố mẹ bất hòa?
Giờ con thành con người ta
Phận gái lớn rồi phải thế
Con mặc váy cưới kiêu sa
Cổ mang vòng vàng sang quý
Bố không ưa bày vẽ
Nhưng muốn ngày vui con không thua kém bạn bè.
Xe hoa đưa con đi
Căn nhà đột nhiên trống vắng
Vẫn biết mai các con lại về
Nhưng có điều gì đã rời xa...mãi mãi.
Nâng ly rượu một mình trong nắng chiều nán lại
Ta già rồi ư?...
12-2002 Nguyễn Hoàng Sơn.