Lúc đầu tôi nhất định không tin. Nhưng năm lần bẩy lượt, những bà con làng Vũ Đại lên Thủ đô khiếu kiện về đất đai, đều quả quyết rằng cụ Bá “vẫn sống sờ sờ ra đấy”, hơn thế nữa, cụ vẫn còn rất khỏe mạnh, rất minh mẫn, dù tóc đã bạc phơ phơ. Thế là tôi quyết định đánh đường về làng Vũ Đại thăm cụ.
Đúng là cụ Bá Kiến chứ không sai. Thì ra, hồi ấy, trong lúc say rượu, Chí Phèo có đâm cụ mấy nhát, nhưng may không vào chỗ hiểm, nên cụ chỉ ngất đi một lúc rồi tỉnh lại. Còn anh Chí tự đâm vào mình mấy nhát, thì chết thật. Té ra thiên hạ đều đồn bậy cả. Tôi thốt lên như vậy và hỏi cụ :
-Thưa cụ. Cụ có nhớ nhà văn Nam Cao không ạ ?
Nhìn tôi một lát, cụ mới cất tiếng. Giọng cụ vẫn rất sang như trong truyện :
-Ờ, giáo Tri ấy à (nhà giáo Trần Hữu Tri là tên thật của nhà văn Nam Cao), lâu không thấy hắn về làng. Hay là hắn có về mà ta không biết. Ta sống thanh bạch ở làng, cũng ít giao du.
Dù đã cố nhịn, cố kìm nén, nhưng cuối cùng thì tôi cũng phải bật lên tràng cười. Cười rũ rượi, cười đến phát ho lên. Trời ơi. Bá Kiến, kẻ đã trở thành biểu tượng cho những tên cường hào ác bá, chiếm ruộng cướp nhà, bóc lột đến tận xương tận tủy dân lành... Mà lại dám xưng mình là người sống “thanh bạch” ư ? Trời đất đảo điên từ bao giờ vậy ? Trước sự vô lễ của tôi, cụ Bá vẫn điềm tĩnh. Chỉ riêng một điều đó thôi, cũng đủ thấy cụ là một tay lõi đời. Thảo nào tuy sống ở cái làng có thế đất “quần ngư tranh thực (đàn cá tranh mồi)”, năm bè bẩy mối, tranh dành, đánh nhau chí tử ấy, mà từ một người chả là gì so với những cánh khác như đội Tảo...Cụ đã lần lượt “cho chúng nó ăn bùn” hết, để từ lý trưởng leo lên chánh tổng, rồi chánh hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ Nhân dân Đại biểu.
-Nhà anh cười cái gì ?
-Thưa cụ. Tôi cười cái sự...Thanh bạch của cụ đấy ạ.
-Chứ lại không à ? Nhà anh làm báo đến già rồi mà vẫn còn ngu.
-Thưa cụ. Ngu ở chỗ nào ạ ?
-Để ta giảng giải cho mà mở mắt ra. Này nhá, giáo Tri nó bảo ta là thằng cường hào ác bá, lạm thu lạm bổ, chiếm nhà chiếm ruộng, đè đầu cưỡi cổ dân lành...Ta cũng không biết ta có phải là cường hào ác bá không. Ừ thì nó bảo vậy, ta cũng hay rằng vậy. Cái chuyện lạm thu lạm bổ là có thật. Nhưng mà mỗi năm một vụ thuế, ta có lạm thu thì cũng chỉ được trăm bạc là cùng. Tiếng thì ghê gớm vậy. Nhưng mà cái cơ nghiệp của ta hồi ấy, chỉ có cái nhà gỗ lim 3 gian bé tẹo, với mấy chục mẫu ruộng. Quy ra tiền bây giờ, nó chỉ đáng mấy trăm triệu bạc. Còn bây giờ thì sao ? Ngay một thằng chủ tịch xã ,thời chúng ta, nó là chánh tổng, ở Quảng Trị thôi, ngoài cái biệt thự đồ sộ, nó còn những 19 suất đất, lại còn hàng chục mẫu Tây đầm tôm. Con nó ở Sài Gòn, mới tý tuổi mà đã tòa ngang dẫy dọc. Thử hỏi nó gấp mấy nghìn lần ta ? Rồi thằng chủ tịch xã ở Hòa Lạc, chỉ riêng tiền ký giấy chuyển nhượng đất, nó đã có mấy cái cơ nghiệp gấp cả trăm lần cái cơ nghiệp của ta. Đấy là ta chỉ kể ra hai thằng, chứ kể hết thì có mà phải hàng tháng. Thằng chánh tổng đã thế. Những thằng cấp trên của chúng nó, thì không biết chúng nó có bao nhiêu trăm tỷ nghìn tỷ do chiếm đất của dân, chiếm tiền của công, lạm thu lạm bổ. Ngày nào mà trên báo chí chả đưa một vài vụ tham ô, thất thoát nghìn tỷ. Nghe mà nhức cả đầu. Hàng trăm đời bóc lột của ta cũng không bằng cái gót chân chúng nó. Tiền ấy là máu mỡ của dân chứ còn là cái gì nữa. Ta mang tiếng là chiếm. Nhưng lúc đầu là họ vay của ta. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, họ không giả được, nên mới gán nhà, gán ruộng cho ta. Họ vay chứ ta không ép. Còn bây giờ, người dân chẳng nợ nần gì chúng nó, mà nó dùng cả quyền hành, cả pháp luật để cướp đất của dân. Như là vụ Thủ Thiêm đấy. Mười lăm nghìn hộ dân mất nhà mất cửa. Có khủng khiếp không ? Thử hỏi nếu so với chúng nó bây giờ, thì ta có đáng được gọi là thanh bạch không ? Giáo Tri nó đặt tên cho ta là Bá Kiến, thế mà phải đấy. So với bọn bây giờ, thì ta chỉ là con kiến thôi.
Tiễn tôi ra khỏi nhà, cụ còn cầm tay tôi, ân cần dặn :
-Này, có gặp giáo Tri, thì bảo hắn hôm nào về làng. Nhớ lại đằng tôi chơi uống nước nhá.
Thì ra, cụ vẫn chưa biết chuyện nhà văn Nam Cao đã bị một thằng Chí Phèo bắn chết./.
Nguồn FB Vũ Hữu Sự